Trên đường về nghe nhạc Thiền Phạm Duy

10/03/2016

Tôi đã có album Mười Bài Thiền Ca của Phạm Duy cách đây (2006) hơn mười năm. Lúc đó tôi đang làm báo ở Đà Nẵng nên chưa có điều kiện thời gian để suy ngẫm về cái thế giới tâm linh trong Thiền Ca của người nhạc sĩ sống giữa tiên và tục mà tôi đã bị ảnh hưởng suốt cả tuổi thanh xuân của mình. Sau những lúc làm việc quá căng thẳng tôi thường mở album Thiền ca nghe để thư giãn đầu óc với những giai điệu thanh thoát bay bổng chưa từng có trong hành trình âm nhạc đại chúng của Phạm Duy trước đây (như giai điệu Thiền ca số 1). Thế thôi.

Đến sau ngày tôi nghỉ việc công (7-1998), chủ động được thời gian, tôi nghe lại nhạc Thiền Phạm Duy, đọc kỹ lời và suy ngẫm, nhiều khi tôi có cảm giác mới lạ như trước đây tôi chưa từng nghe bao giờ. Phạm Duy đã sáng tác nhạc tình cảm của con người với con người, nhạc xã hội của con người với xã hội. Sáng tác Thiền ca, nhạc sĩ Phạm Duy muốn đưa con người vào cõi tâm linh, cõi trời, cõi Phật. Đến cái tuổi “cổ lai hy” ông mới “ngộ” được con đường nầy.

Bà xã tôi vốn là một “đệ tử Thiền”, xưa nay bà rất mê nhạc Phạm Duy, nghe xong album Mười Bài Thiền Ca bà bảo: “Trong Thiền cũng có tình yêu nhưng là thứ “tình yêu đã diệt dục” chứ làm gì lại có những chuyện “Ta lôi em về/ Ta kéo em đi/ Nâng em lên Trời/ Ðem xuống âm ty/ Chôn em trong lòng/ Xong lấy em ra” (Chiều, Thiền ca số 6) và “Ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay, yêu cho lâu, ghét cho mau, khóc cho đầy, cười cho rõ” (Răn, Thiền ca số 8). Không riêng gì bà xã của tôi mà nhiều Phật tử khác cũng có cùng nhận xét như thế. Họ chưa chấp nhận nhạc Thiền của Phạm Duy.

Trước phản ứng của bà xã tôi, và “đại chúng” tôi rà lại kiến thức về Thiền của mình và trực tiếp hỏi chuyện nhạc sĩ Phạm Duy về nhạc Thiền của ông.

Thiền là một môn phái của đạo Phật. Trong đạo Phật cũng có nhiều quan niệm về Thiền. Tôi đọc kỹ giáo lý về Thiền, suy ngẫm, “chứng nghiệm” nhạc Thiền của Phạm Duy, tôi thấy quan niệm về Thiền trong nhạc Thiền Phạm Duy không nằm trong một môn phái nào của Thiền đã có cả. Mỗi người có mỗi cách hiểu Thiền trong nhạc Thiền Phạm Duy. Cái cách riêng đó có thể không giống như Phạm Duy đã quan niệm, đã “đạt” được và cũng có thể không bất biến. Mỗi hoàn cảnh, mỗi giai đoạn, mỗi lần nghe lại có một cách hiểu riêng.

Album Mười Bài Thiền Ca có là nhạc Thiền thứ thiệt hay không, quan niệm Thiền của Phạm Duy chính thống hay không tôi dành lại cho các bậc cao minh, các nhà Thiền học. Theo tôi, chất “thiền” trong Mười Bài Thiền Ca, trong khi chờ được công nhận là một thứ “đạo”, một môn phái Thiền mới, trước hết nó là một lối sống, một cách sống, một quan niệm về cuộc đời của một con người đã từng trải sống qua hai cực của mọi hoàn cảnh, mọi giác độ nhận biết về mình trên các nẻo đường về: Về cuối đời, về cõi vĩnh hằng, về cuối cảm xúc, về đỉnh nhận thức hoặc về lại với tuổi hồn nhiên .v.v.

Cho đến cái tuổi sáng tác được Nhạc Thiền ông mới nhận chân được rằng không làm gì có thiên đường ở đâu đó để mà lên, và cũng không có địa ngục, để rồi sẽ bị đày xuống đó. Thiên đường và địa ngục có ngay trong cuộc đời nầy. Muốn có hạnh phúc con người phải biết chấp nhận cuộc đời nầy, sống hoà hợp, không những hoà hợp với con người, với thiên nhiên mà còn với tất cả (ngay cả với sỏi đá); sống hết mình, sống đến mọi cội rễ của cuộc đời.

Thiền ca Phạm Duy không phải là bài hát để đi trình diễn, để thương mại, để tình tự mà là để cho mỗi con người trên nẽo đường về hát cho mình. Bởi thế, muốn hiểu cho hết ý tứ ông gửi gắm trong 10 Bài Thiền Ca không phải là chuyện dễ. Muốn hiểu phải có hoàn cảnh: Hoàn cảnh của người muốn hiểu và hoàn cảnh của chính Phạm Duy.

Trong những ngày đầu xuân 2006 nầy, gặp lại Phạm Duy ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi rất thấm thía bài Thiền ca số 2 mang tên Võng. Mở đầu bài ca ông viết: “Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa ”. Vâng, ở đời có thể còn có nhiều người chưa từng nằm võng của mẹ mắc dưới mái tranh nghèo, dưới bóng tre, bóng dừa ở làng quê. Nhưng chiếc võng cuộc đời thì không ai tránh được. Có người bảo tôi chiếc võng cuộc đời chính là thân phận làm người. Chiếc võng cuộc đời nó đẩy đưa con người từ đỉnh cực nầy đến đỉnh cực đối nghịch. Đó là “Cõi tử, cõi sinh/Cõi tình, cõi hận/Núi đợi, vực chờ/Niềm vui, nỗi khổ”. Chiếc võng cuộc đời đưa theo qui luật của trời đất (sinh, tử), theo khát vọng của tình người (tình/ hận, vui/khổ). Nhạc sĩ Phạm Duy đã sống một cuộc đời tận cội rễ của cuộc sống mới chứng nghiệm và rút ra được những ý tưởng đó. Ông là “vua nhạc tình” (vui) và có lúc “xộ khám” cũng vì tình (khổ). Ông là tác giả trường ca “Bầy chim bỏ xứ” nhưng rồi lại là người nhạc sĩ đầu tiên “hồi xứ”. Những người bạn thân của ông cho biết trong hồi ký của ông có biết bao cặp đối xứng như thế. Phạm Duy không cưỡng được “cái sự võng đưa” của cuộc đời, nhưng ông không buông xuôi theo số phận. Võng đưa mặc võng, ông “… nằm đó/Nằm im mọi chỗ...”. Sự “nằm im” nầy không có nghĩa là không làm gì. Tôi hiểu chuyện nằm im nầy là cái phần “định”, cái phần không thay đổi bám theo cái “bị võng đưa”. Tôi liên tưởng đến chuyện trước khi rời Việt Nam đi dự Hội nghị Fontainbleau (Pháp) năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Phạm Duy mang theo cái bất biến, cái “nằm im” trôi theo cái vạn biến của cuộc đời ông, của nước Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Cái “nằm im mọi chỗ” trong tâm hồn Phạm Duy là Đất nước tôi /Tiếng nước tôi/Người Việt tôi mà ông đã sớm thể hiện trong bài Tình Ca sáng tác cách đây hơn 50 năm. Có thể tìm thấy cái bất biến đó ở nhiều tác phẩm nữa, ví như trong trường ca Con Đường Cái Quan, trường ca Mẹ Việt Nam, và hàng chục bài tình ca xưng tụng đất nước khác. Nếu có một sát-na nào đó chiếc võng đời dừng lại trong thế thăng bằng, cái “nằm im mọi chỗ” của Phạm Duy sẽ là nơi gặp gỡ của hai chiều lên /xuống, phải/trái, đông/tây.

Mười Bài Thiền Ca cũng còn có tên là Hát Trên Đường Về. Khi tôi còn “dấn thân” tôi không hiểu được Thiền ca, không hiểu nên không thích. “Khi tôi về”, không chỉ có nghĩa là về hưu, mà chính là về với chính mình, về thấy được “cái ngã” của mình và thấy cần có một cuộc sống khác, một lối sống mới, một cõi tâm linh, “nói vậy, thấy vậy mà không phải vậy” (Tôi là tôi, tôi cũng là em/ Em là tôi, em cũng là anh”. (Xuân, Thiền ca số 5), tôi mới thấy cái sâu sắc của Thiền ca Phạm Duy.

Bao giờ con người thoát ra được cái hữu hạn hiện tại, thấy được cuộc đời như Thiền ca số 10 viết:“Tròn như trái đất yên lành/ Muôn loài như một cõi sinh vẹn toàn”, không còn “bên ni, bên nớ”, không còn Nam hay Bắc, không còn Đông hay Tây, thì - theo Phạm Duy - con người sẽ tìm được hạnh phúc. Muốn thế, dù không phải là một Thiền sư, mà với tư cách là một nhạc sĩ đã “ngộ” đạo diệt khổ, ông bảo “Muốn tới được bờ sông giác/ An nhiên hát nhỏ cùng tôi” (Xuân, Thiền ca số 5).Bởi vì “tất cả là tôi/Mà cũng là chung” (Thinh Không, Thiền ca số 1). Ông đã thoát được cái riêng để hoà mình vào cái chung của dân tộc. Mười Bài Thiền Ca đã ra đời trên mười năm, không rõ nó đã giác ngộ được những ai chưa, nhưng theo tôi nó đã có một ảnh hưởng lớn đến những năm cuối đời của tác giả. Việc ông đưa gia đình trở lại sống ở quê nhà là một biểu hiện của con người đã đến được “bờ sông giác”. Phạm Duy đã tự thắp đuốc rọi sáng con đường giải thoát cho chính ông. Trong một phút giây nào đó, tôi cũng muốn có một “bờ sông giác” của riêng tôi. Trên đường về với tuổi bảy mươi, tôi lại nghe nhạc Thiền Phạm Duy.

Gác Thọ Lộc, đầu năm 2006

(Nguồn: http://gactholoc.net)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.