Trào lưu hiện đại thể hiện trong âm nhạc Việt Nam
Tóm tắt:
“Hiện đại” là một thuật ngữ mang màu sắc triết học thường xuất hiện trong những bài viết có nội dung nhận xét, đánh giá, phê bình tác phẩm nghệ thuật như văn học, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh... được sáng tác trong thế kỷ XX, XXI. Những năm gần đây, trong đánh giá, phê bình các tác phẩm âm nhạc Việt Nam, người ta cũng bắt đầu nhận thấy có những biểu hiện của trào lưu nghệ thuật này, nhưng... vẫn chưa có một nghiên cứu hay phân tích rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể dùng thuật ngữ này trong những nhận định về âm nhạc đương đại Việt Nam không? Và, âm nhạc “Hiện đại” đã “hiện diện” trong các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam qua những biểu hiện nào, ở mức độ nào?
-------------
Nghệ thuật là sản phẩm của trí tuệ con người, gắn liền với đời sống con người và âm nhạc chính là một trong những loại hình nghệ thuật xuất hiện sớm nhất. Tuy nhiên, mức độ phản ảnh cuộc sống trong âm nhạc không bất di bất dịch mà luôn có sự biến đổi tùy theo từng giai đoạn lịch sử. Hơn nữa, chính sự biến đổi này kết hợp với những quan điểm tư duy nhận thức, cảm nhận mỹ học, nền tảng văn hóa xã hội của từng thời kỳ đã góp phần tạo ra nhiều trường phái âm nhạc, trào lưu âm nhạc khác nhau. Những năm gần đây, “hiện đại” là một thuật ngữ mang màu sắc triết học thường xuất hiện trong những bài viết có nội dung nhận xét, đánh giá, phê bình tác phẩm nghệ thuật như văn học, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh... được sáng tác trong thế kỷ XX, XXI. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể dùng thuật ngữ này trong những nhận định về âm nhạc đương đại Việt Nam không?
1. Trào lưu âm nhạc “Hiện đại” trên thế giới – từ tư tưởng đến tác phẩm trong sáng tạo của những nhà “Serialism”
Thuật ngữ “hiện đại” vừa bao hàm ý nghĩa thời gian vừa ngầm chứa ý nghĩa của tính chất, nên trong tiếng Việt của chúng ta, rất khó tìm ra một từ ngữ tương đương chứa đựng cả hai đặc điểm trên để thể hiện ý nghĩa cho trọn vẹn. Đồng thời, một tác phẩm nghệ thuật luôn biểu hiện góc nhìn của tác giả và sâu hơn nữa, nó dự báo trước hoặc phản ánh những biến đổi trong tư tưởng - văn hóa của xã hội. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự nhìn nhận và đánh giá - xếp loại một tác phẩm nghệ thuật và dẫn đến hệ quả là có những tác phẩm sáng tác vào những năm 1958 nhưng lại được xếp và trào lưu Hậu hiện đại và ngược lại, có những tác phẩm sáng tác sau đó 30 năm nhưng lại được xếp và trào lưu Hiện đại. Xa hơn, cùng một tác giả nhưng lại có tác phẩm thuộc cả hai trào lưu hoặc trong một tác phẩm tồn tại một vài đặc trưng nghệ thuật thuộc nhiều trào lưu khác nhau. Điều này mới nghe thì có vẻ khá “kỳ lạ” nhưng suy cho cùng lại rất hợp lý. Tiêu biểu như sự nghiệp của danh họa Pablo Picasso hoặc chùm tác phẩm Nouveau Realisme, 1958-1960 của Yves Klein hay Untitled-Your body is a battleground, 1989, của Barbara Kruger.
Hình 1: Tôi mua sắm, vậy tôi tồn tại (I shop therefore I am, Barbara Kruger, 1987) – Nguồn www.moma.org
Đây là tác phẩm nhiếp ảnh dựa trên triết lý của triết gia, nhà khoa học, nhà toán học, biểu tượng của chủ nghĩa duy lý phương Tây René Descartes (1596-1650): “Cogito, ergo sum – I think therefore I am – Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”.
Đối với xã hội tiêu dùng thế kỷ XX, Barbara Kruger đã thay đổi câu nói này thành “I shop therefore I am” nghĩa là một người được xác định không phải do những gì họ nghĩ, mà do những gì họ sở hữu (thông qua mua sắm).
Trong lịch sử văn hóa phương Tây, thời kỳ Hiện đại đánh dấu một khoảng thời gian tương đối dài, được mở đầu bằng kỷ nguyên Khai sáng (Enlightment – khoảng 1687-1789) và kéo dài đến giữa thế kỷ XX. Tuy nhiên thời gian và tính chất giúp xác định một cách rõ ràng giai đoạn lịch sử nào tương ứng với Enlightment vẫn còn đang trong vòng tranh cãi giữa các giới nghiên cứu và học giả. Theo Tiến sĩ Thomas C.Oden (1931 - nay), thời kỳ Khai sáng chính là thời kỳ khai sinh của giai đoạn Hiện đại trong lịch sử tri thức.
Về mặt khoa học: trong cuốn sách Philosophiae Naturalis Principia Mathematica - Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên” xuất bản năm 1687 của Isaac Newton (khoảng 1642-1727) cho rằng sự chuyển động của các vật thể trên mặt đất và các vật thể trong bầu trời bị chi phối bởi các định luật tự nhiên giống nhau; chỉ ra sự thống nhất giữa sự chuyển động của hành tinh và lí thuyết về trọng lực. Những nội dung khoa học của ấn phẩm này như một tia chớp sáng rực giữa màn đêm huyễn hoặc của tôn giáo, đồng thời chứng minh rằng tri thức của con người có thể giải mã được thế giới tự nhiên. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, mang tính bước ngoặc, đưa nhân loại tiến vào 1 kỷ nguyên mới trong niềm tin và nhận thức.
Về mặt xã hội: khi bàn luận về tính chất hiện đại có ba nhà tư tưởng lớn thường được nhắc đến: Kant, Hegel và Baudelaire. Immanuel Kant (Đức, 1724-1804) dùng triết học để khái quát những vấn đề cơ bản của con người, được thể hiện thành ba câu hỏi lớn: “Tôi có thể biết gì? – Tôi phải làm gì? – Tôi được phép hy vọng gì?”. Ông được nhìn nhận như người đầu tiên cổ xuý cho những đổi mới trong các khuynh hướng triết học hiện đại. Friedrich Hegel (Đức, 1770-1831) được xem như là đỉnh cao của truyền thống duy lý cổ điển phương Tây và Charles Baudelaire (Pháp, 1821-1867) là nhà thơ - lý thuyết gia có công giới thiệu đến công chúng một ý niệm khá rõ ràng về tính chất hiện đại qua các bài nghị luận và phê bình nghệ thuật của mình.
Về mặt nghệ thuật: điểm nổi bật của nghệ thuật Hiện đại chính là sự phổ biến góc nhìn mới về “cái Đẹp” theo quan điểm của triết gia Kant: cái Đẹp chỉ có giá trị chủ quan và không nằm trong đối tượng mà tùy thuộc vào sự phán đoán của người nhìn ngắm nó, tức chủ thể. Cũng theo ông, tác phẩm nghệ thuật không phải là bản sao của thiên nhiên, mà ngược lại: “Thiên nhiên chỉ đẹp khi nó giống như tác phẩm nghệ thuật, và tác phẩm nghệ thuật chỉ đẹp khi nó giống như thiên nhiên” [1] (trích Phê phán năng lực phán đoán, 1790). Điều này hoàn toàn khác biệt với những quan điểm về cái Đẹp của những thời kỳ trước và có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến quá trình sáng tạo nghệ thuật. Hơn nữa, các nghệ sĩ thuộc trào lưu Hiện đại luôn có lòng tin vững chắc vào giá trị nội tại của nghệ thuật. Theo họ, nghệ thuật chân chính phải biết chọn lọc, thể hiện những giá trị văn hóa tinh hoa của nhân loại. Họ luôn tự cho mình trách nhiệm dẫn đầu thời đại, khai phá những cách thức thể hiện mới, đồng thời vượt lên trên những giới hạn của lịch sử (bằng cách phát triển những loại hình nghệ thuật mới, chất liệu mới, màu sắc mới, kỹ thuật mới…), họ đã nâng nghệ thuật lên tầm cao hơn. Đây là điểm son đáng ghi nhận của nghệ thuật Hiện đại, giúp công chúng có thể phân biệt nó với những trào lưu nghệ thuật đương thời khác. Một vài nghệ sĩ thuộc trào lưu Hiện đại tiêu biểu như: Paul Gaugin, Henri Matisse, Paul Klee, Joan Miro (hội họa); Auguste Rodin, Constantin Brâncuși, Joseph Csaky, Otto Gutfreund (điêu khắc); August Sander, Irving Penn, Paul Strand, Walker Evans (nhiếp ảnh); Arnold Schoenberg, Igor Stravinsky, Olivier Messien... (âm nhạc).
Một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của trào lưu Hiện đại trong âm nhạc thế giới chính là Arnold Schoenberg. Bằng cách tìm tòi và sáng tạo ra kỹ thuật sáng tác chuỗi 12 âm, Schoenberg đã đưa âm nhạc của mình thoát ra khỏi vòng “cương tỏa” về điệu thức và công năng, vốn tồn tại từ lâu đời trong âm nhạc kinh viện phương Tây. Đồng thời, Schoenberg đã tích cực chứng minh bằng nhiều tác phẩm cụ thể cũng như truyền dạy cho Anton Webern và Alban Berg để cùng tạo nên trường phái “Vienne mới” lẫy lừng đầu thế kỷ XX. Đây là cách tư duy sáng tác cực kỳ mới mẻ và táo bạo, chưa từng phổ biến trước đây.
Ví dụ 1: trích tác phẩm Six Little Piano Pieces, Op. 1, No.1, Arnold Schoenberg
Ngoài ra, một trong những cây đại thụ của âm nhạc Hiện đại thế giới chính là nhạc sĩ Pháp Olivier Messian. Ông là người tiếp thu và phát triển kỹ thuật sáng tác theo chuỗi (serialism) vốn có nền tảng ban đầu là kỹ thuật sáng tác 12 âm của Arnold Schoenberg lên tầm cao mới, hình thành nên một xu hướng sáng tác, một trường phái sáng tác: “serialism”. Ông áp dụng serialism toàn diện (total serialism) cho cao độ, trường độ, sắc thái, cách diễn tấu... một cách rất tài tình và hiệu quả. Điều này khiến cho sự biểu hiện âm nhạc trở nên “logic” và lý tính, khác hẳn yếu tố “cảm tính” vốn đã tồn tại từ rất lâu trong âm nhạc.
Ví dụ 2: trích tác phẩm Mode de Valeurs et D’intensités no. 2 de Quatre études de rythme pour piano – tác giả Olivier Messian.
Bên cạnh đó, Messian cũng kết hợp giữa âm nhạc và những hiểu biết sâu sắc của mình về “điểu học” để tạo nên những tác phẩm piano mô phỏng lại tiếng chim hót một cách khoa học những cũng mang đầy tính nghệ thuật (dựa trên nền tảng là sự thu âm tiếng chim và thể hiện lại sóng âm thanh đó bằng ảnh phổ). Đây là tư duy sáng tác hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện rong âm nhạc những thời kỳ trước.
Ví dụ 3: trích tác phẩm Oiseaux Exotiquescho Piano và dàn nhạc (phần piano solo) – tác giả Olivier Messian
Ví dụ 4: trích tổng phổ phần mở đầu tác phẩm The rite of Spring của Stravinsky. Trong tác phẩm này, ông đã giới thiệu “âm nhạc” theo một cách tiếp cận mới, liên quan đến sự thay đổi tiết tấu liên tục, mất cân bằng về nhịp điệu, phối khí “thô ráp”, hòa âm gay gắt vượt lên khỏi những giới hạn thông thường, như một ẩn dụ về “nghệ thuật nguyên thủy”. Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn trong âm nhạc thế kỷ XX.
2. Những biểu hiện của âm nhạc “Hiện đại” trong các sáng tác của nhạc sĩ Việt Nam
Tại Việt Nam, do có nhiều chi phối về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội mà âm nhạc giao hưởng chỉ mới được hình thành từ những năm 1960. Tuy nhiên, giai đoạn trước 1975, cả nước tập trung vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, vì vậy, những tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ này đều hướng về nội dung đó. Với ngôn ngữ âm nhạc giàu tính dân tộc, chịu ảnh hưởng lối tư duy hiện thực xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô, những tác phẩm Việt Nam thời kỳ này gần như không “bước qua” ranh giới, màu sắc chung của cuộc sống lúc bấy giờ: “Đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”. Sau ngày đất nước thống nhất, âm nhạc giao hưởng Việt Nam có một khoảng thời gian trầm lắng, ngôn ngữ âm nhạc cũng như phương cách biểu hiện không theo kịp với bước tiến của thời đại. Tuy nhiên, “tính dân tộc” trong các tác phẩm âm nhạc thì vẫn được các nhạc sĩ Việt Nam chắt chiu gìn giữ.
Đối với một số nhạc sĩ, tính dân tộc trong âm nhạc được thể hiện rõ qua chất liệu âm nhạc (thang âm, điệu thức, tiết tấu đặc trưng và nhất là âm sắc). Chính nhờ quan điểm này mà âm nhạc kinh viện Việt Nam có những nhạc sĩ thành công với những tác phẩm viết ở thể loại lớn, kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc giao hưởng phương Tây như Quang Hải, Nguyễn Thiếu Hoa, Trần Quý, Nguyễn Phúc Linh, Trần Đinh Lăng…
Cũng trong thời điểm này, một số tác giả đã vượt ra khỏi những lối mòn trong sáng tạo, tìm cách thể hiện lại tính dân tộc bằng ngôn ngữ âm nhạc mới, dựa trên nền tảng học thuật nhất định (mà tính “mới” cũng là đặc điểm chính của sự thể hiện trào lưu Hiện đại trong âm nhạc), tiêu biểu như các tác giả Đàm Linh, Hoàng Cương, Đặng Hữu Phúc…
Ví dụ 5: Chủ đề âm nhạc được xây dựng bằng kỹ thuật sáng tác dodecaphone – trích phần I tổng phổ giao hưởng Không đề của Đàm Linh (trang 12). Đây cũng là tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam có chủ đề chính được viết theo ngôn ngữ dodecaphone, đồng thời áp dụng dodecaphone trong toàn bộ phần I của tác phẩm.
Ví dụ 6: Triển khai âm nhạc dựa trên thủ pháp ostinato viết cho dàn nhạc giao hưởng – tác phẩm Thác đổ của Hoàng Cương. Tuy thủ pháp biến tấu trên âm nền trì tục đã xuất hiện từ rất lâu trong âm nhạc kinh điển phương Tây, nhưng nhạc sĩ Hoàng Cương đã có chủ ý riêng khi vận dụng kỹ thuật sáng tác này vào tác phẩm: đó chính là sự lựa chọn chất liệu âm nhạc - thang ba âm E-H-D, là thang âm rất phổ biến trong âm nhạc dân gian Việt Nam và mang tính khái quát cao. Về mặt ý nghĩa, ba âm này được tác giả ngầm ví như những nhân tố cơ bản nhất của âm nhạc dân gian Việt Nam, từ đó truyền tải thông điệp: “Những giọt nước hợp thành dòng thác; Các dân tộc tạo nên nước Việt”. Đây cũng là tác phẩm Việt Nam đầu tiên viết ở hình thức lớn cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn mà âm nhạc được triển khai chỉ từ ba nốt ban đầu.
Ví dụ 7: Trích chương II Concerto cho violon và oboe của Hoàng Cương: Tác phẩm thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa châu Âu (cụ thể Tây Ban Nha) và Việt Nam. Chất liệu âm nhạc chính là dân ca Bắc bộ kết hợp cùng nhạc lễ Tây Ban Nha - thể hiện qua âm sắc của dàn nhạc giao hưởng. Về kỹ thuật sáng tác, nhạc sĩ táo bạo thử nghiệm kỹ thuật bitonal, kết hợp giữa điệu thức dorien phương Tây và điệu thức ngũ cung Việt Nam, tạo thành điệu thức dorien năm âm. Đây là một thử nghiệm khá mới lạ trong thể loại âm nhạc viết ở hình thức lớn và được giới chuyên môn công nhận (tác phẩm giành giải C tại cuộc thi khí nhạc thường niên do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 2012).
Ví dụ 8: Những “tín hiệu đầu tiên” của âm nhạc ngẫu nhiên trong ouverture Ngày hội của Đặng Hữu Phúc. Bằng cách cho những nhạc công bộ gõ tự quyết định tốc độ chơi nhạc của mình và không đồng bộ với nhau, tác giả thể hiện sự táo bạo trong cách tư duy sáng tác, đồng thời diễn tả được bầu không khí lễ hội sôi nổi và xao động bằng âm thanh.
Ví dụ 9: Sử dụng song song hai điệu tính (bitonal) - trích tổng phổ ouverture Ngày hội của Đặng Hữu Phúc. Bằng việc sử dụng tương phản về âm sắc (bộ gỗ ≠ bộ dây), tương phản về hướng chuyển động của giai điệu, tương phản về điệu tính (nhưng vẫn dựa trên nền tảng thang âm của âm nhạc dân gian Tây Bắc) và nhất là được diễn tấu cùng lúc, tác giả tạo cho người nghe một cảm nhận khá sâu sắc về tính “đa dạng” nhưng không “dị biệt” trong văn hóa vùng cao, gợi sự liên tưởng đến hình ảnh các dân tộc anh em đang nô nức trảy hội.
Cùng áp dụng kỹ thuật bitonal trong sáng tác cho dàn nhạc nhưng giữa các nhạc sĩ có sự khác biệt rất rõ nét: nếu như nhạc sĩ Hoàng Cương sử dụng bitonal theo chiều ngang, “kết hợp” điệu thức dorien với âm nhạc ngũ cung Việt Nam để hình thành điệu thức dorien năm âm, khiến cho giai điệu có khả năng luân chuyển một cách nhẹ nhàng uyển chuyển, thì nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc lại sử dụng bitonal theo chiều dọc (tức là “xếp chồng” hai điệu thức cùng lúc với nhau nhưng phân bổ trên hai tuyến giai điệu ngược hướng và khác âm sắc), tạo hiệu quả âm thanh xao động, rộn ràng và mới lạ.
3. Thay lời kết:
Đối với thế giới, những biểu hiện của âm nhạc Hiện đại đã khá rõ ràng, các phương tiện biểu hiện của ngôn ngữ âm nhạc không ngừng được các nhạc sĩ tìm tòi, sáng tạo để theo kịp những bước tiến trong tư tưởng của thời đại.
Đối với âm nhạc đương đại Việt Nam, các tác giả đã bước qua những khuôn mẫu cũ trong sáng tạo, tìm cho mình những thang âm riêng trên nền tảng kế thừa tri thức nhân loại và những giá trị văn hoá - âm nhạc dân tộc. Tất nhiên, bằng ngôn ngữ biểu hiện, những “chuỗi” âm trong các tác phẩm của họ không hoàn toàn được thể hiện trong toàn bộ các sáng tác của họ, nhưng đó là những chuỗi âm riêng, những sáng tạo của âm nhạc “Hiện đại”.
Tất nhiên, do điều kiện kinh tế xã hội, yếu tố quyết định của xu hướng, quan điểm, nội dung sáng tác của các tác giả, vẫn còn tồn tại tình trạng “chưa tương thích” giữa nội dung tác phẩm và những sáng tạo theo ngôn ngữ mới của các phương tiện biểu hiện âm nhạc. Chính vì vậy, số lượng tác phẩm âm nhạc “Hiện đại” ở Việt Nam chưa nhiều.
Ở tầng sâu hơn, tính hiện đại trong tác phẩm âm nhạc không thể tự nhiên mà có hay có thể đạt được bằng cách sao chép những biểu hiện bên ngoài. Mỗi cá nhân người nhạc sĩ cần trang bị cho mình nền tảng học thuật vững chắc, với điểm cốt lõi là sự nhận thức được tận gốc rễ những biến đổi trong xã hội đương đại, có tư duy cởi mở, năng động, sáng tạo nhưng vẫn giữ được chiều sâu tĩnh lặng của tâm hồn, lắng nghe được tiếng nói của trái tim mình để có những sáng tạo vượt lên trước, thể hiện được tính hiện đại trong âm nhạc. Khi đó, tin chắc rằng các tác phẩm âm nhạc Việt Nam sẽ phản ảnh được cuộc sống “đa sắc” của con người Việt Nam một cách toàn diện, sâu sắc, hấp dẫn và mới mẻ.
Krakow, 11/2016
Chú thích:
[1] “Nature was beautiful, if at the same time it looked like art; and art can only be called beautiful if we are aware that it is art and yet it look to us like nature”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Văn bản âm nhạc
1. Hoàng Cương: ouverture Thác đổ
2. Hoàng Cương: Concerto cho violon và oboe
3. Đàm Linh: giao hưởng Không đề
4. Olivier Messian: Mode de Valeurs et D’intensités No.2 pour Piano
5. Olivier Messian: Oiseaux Exotiquescho pour Piano et orchestra
6. Đặng Hữu Phúc: ouverture Ngày hội
7. Arnold Schoenberg: Six Little Piano Pieces, op. 1, No.1
8. Igor Stravinsky: The rite of Spring
Tài liệu tiếng Việt
9. Richard, Tamas: sách Quá trình chuyển biến tư tưởng phương Tây - Những tư tưởng đã định hình thế giới quan của chúng ta. Nxb Văn hóa thông tin, 2007.
10. Hoàng Ngọc Tuấn: bài báo Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại. www.tienve.org, 1999.
11. Robert Wilkinson, Diane Collinson, Stuart Brown (Phan Quang Định dịch): sách 100 triết gia tiêu biểu thế kỷ XX. NXB Hà Nội, 2010.
Tài liệu tiếng Anh
12. Theodor Adorno: article Philosophy of New Music. 1947.
13. Baudelaire: article The Painter of Modern Life. 1863.
14. Emanuel Kant: article What is Enlightenment?1784.
15. Emanuel Kant: book The Critique of Judgment. 1790.
16. Isaac Newton: book Philosophiae Naturalis Principia Mathematica. 1687.
17. Micheal Foucault: article What is Enlightment? 1984.
18. The New Grove Dictionary of Music and Musicians.
Website
19. Bảo tàng Nghệ thuật đương đại https://www.moma.org
20. http://triethoc.edu.vn
21. Viện Triết học-Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam http://philosophy.vass.gov.vn
22. Internet Encyclopedia of Philosophy http://www.iep.utm.edu/
23. Stanford Encyclopedia of Philosophy http://plato.stanford.edu/