Trao giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2015

18/01/2016

Đêm 15 tháng 1 năm 2016, tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc năm 2015, trong không khí vui tươi phấn khởi chào đón năm mới Xuân Bính Thân 2016, chào mừng thành công Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần thứ 9, hướng tới chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc hội.

Đến dự có NSND Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; NSND Chu Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các Ban, Ngành, cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; NS Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Hội; Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; NS Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ trong Ban thường vụ và Ban Chấp hành; các nhạc sĩ lão thành, các nhạc sĩ và các tác giả đạt giải; các cơ quan báo chí và đông đảo khán giả thủ đô.

Ban tổ chức Giải thưởng Âm nhạc năm 2015 đã nhận được: 164 tác phẩm thể loại thanh nhạc (trong đó 142 ca khúc và 22 ca khúc thiếu nhi); 27 tác phẩm khí nhạc (gồm Giao hưởng, Hòa tấu, Độc tấu, Tam tấu, Hợp xướng, Ca khúc nghệ thuật và Chương trình biểu diễn), và 15 công trình lý luận tham dự giải.

Hội đồng xét giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2015 gồm các nhạc sĩ, giáo sư, tiến sĩ, đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thẩm định chính xác, công tâm những giá trị nghệ thuật âm nhạc của các tác giả - hội viên. Ban Thanh nhạc, do nhạc sĩ Đức Trịnh làm trưởng Ban và các ủy viên là nhạc sĩ: Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Hồng Đăng; Ban Khí nhạc do PGS.TS Đỗ Hồng Quân làm trưởng Ban và các ủy viên là: GS Chu Minh, NS Trần Nhật Dương, Trần Mạnh Hùng; Ban Lý luận do Nhà LLPB Nguyễn Thi Minh Châu làm trưởng Ban và các ủy viên: TS Doãn Nho, PGS.TS Thế Bảo, PGS-TS. NGƯT Phạm Tú Hương. Các Hội đồng chuyên ngành đã tiến hành thẩm định và xét các tác phẩm âm nhạc từ ngày 10 đến 17 tháng 12 năm 2015. Hội đồng thẩm định đã chọn được 4 giải A, 22 giải B, 18 giải C, 22 giải Khuyến khích, và 02 tặng thưởng.

PGS.TS. Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã có những nhận xét về chất lượng các tác phẩm tham dự giải:

Về các tác phẩm thanh nhạc:

Nhìn chung số lượng ca khúc dự giải năm nay có nhiều hơn năm ngoái. Tuy nhiên không có ca khúc mang tính đột phá, độc đáo, phần nhiều đều nghe quen thuộc, bút pháp theo lối cũ, nhiều bài giống nhau kể cả về giai điệu lẫn ca từ (nội dung). Tiết tấu dàn trải, nhẹ nhàng hoặc nhanh đều, các đề tài không có gì mới. Nhiều nhạc sĩ gửi các tác phẩm sáng tác theo yêu cầu của địa phương, ngành nghề, không phù hợp với tiêu chí sáng tạo của giải. Mảng ca khúc thiếu nhi khởi sắc hơn, có tìm tòi, tâm lý vui vẻ, cảm xúc gần gũi với tuổi thơ, nhưng một số bài còn viết hơi “già” so với lứa tuổi các em thiếu nhi, kể cả giai điệu, tiết tấu và nội dung.

Về các tác phẩm khí nhạc – hợp xướng:

Nhìn chung các thể loại Giao hưởng, Hợp xướng, Thính phòng, Romance chưa có tác phẩm thật xuất sắc, nổi trội. Thiếu sự tìm tòi khám phá, sự thể nghiệm mới từ hình thức, ngôn ngữ, bố cục, hòa thanh – phối khí, và nhất là thiếu những ý tưởng mới, những chủ đề mới.

Ban thẩm định chú ý đến 2 tác phẩm: Hòa tấu cho Dàn nhạc nhẹ Điện tử MIX (Vocal – Sáo – Thập lục) của Trần Đức Minh và A Cappella “Âm vang Play Jrao Jro” của Hoàng Đình Lương. Hòa tấu “Cánh rừng mùa thu” của Trần Đức Minh là sự lựa chọn có sáng tạo tổ chức dàn nhạc thính phòng điện tử. Có kết hợp với nhạc cụ dân tộc và giọng Soprano (tuy rằng các thành phần này chỉ đóng góp như yếu tố màu sắc, dẫn dắt) nhưng sự kết hợp có hiệu quả, đưa đến một cảm xúc mới – lạ. Hợp xướng A Cappella của Hoàng Đình Lương là sự kết hợp hài hòa giữa hình thức diễn xướng dân gian và tư duy bè – mảng phức điệu của hợp xướng không dàn nhạc đệm. Nói chung có hiệu quả và màu sắc dân gian (dân tộc Chơ-ro) được khai thác một cách sáng tạo, độc đáo.

Về các công trình Lý luận:

Tổng số tác phẩm tham dự là 15 nhưng có đến 6 tác phẩm không hợp lệ. Ba bộ giáo trình không đúng đối tượng dự giải (theo qui chế giáo trình giảng dạy phải từ cấp Bộ trở lên và kèm theo văn bản xác nhận), hơn nữa một số giáo trình trong số này quá hạn qui định (xuất bản từ các năm 2012, 2013).

Về các chùm bài báo, nhiều bài báo quá hạn (công bố 2011-2013), sau khi loại trừ ra thì một số chùm bài báo chưa đủ số lượng yêu cầu. Có tác giả viết nhiều bài về văn hóa học chứ không thuộc chuyên ngành âm nhạc nên không đạt tiêu chí của giải. Về chất lượng, nhìn chung nghiêng về nghiên cứu sưu tầm hơn là phê bình, nhiều bài báo về đời sống âm nhạc chỉ như những kỷ niệm, mang tính chất kể chuyện, không sâu sắc, hoàn toàn không mang tính lý luận phê bình. Đáng chú ý là thể tài nghiên cứu sưu tầm nhạc dân gian các dân tộc ít người, như chùm bài về âm nhạc H’rê và Cor (Quảng Ngãi) của tác giả Nguyễn Thế Truyền, chùm bài về âm nhạc Tây Nguyên của tác giả Linh Nga Niek Đam.

Về sách, số lượng ít, chỉ có 2 cuốn cho 2 thể loại dự thi. Hình thức bắt mắt, in đẹp, nội dung nghiêm túc, công phu, chỉ tiếc vẫn còn chút “sạn”, những lỗi về số liệu, địa danh.

Hội đồng Lý luận đã đề xuất các ý kiến: Đề nghị các tác giả không gửi dự thi những bài đã dự giải năm trước và nghiên cứu kỹ qui chế tham dự xét giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam để tránh phạm qui nhiều như năm nay; Chú ý đến thể loại báo chí chuyên ngành Lý luận nghiên cứu phê bình, nâng cao chất lượng nội dung có tính chất nghiên cứu phê bình hơn...

*
* *

Tại Lễ trao giải thưởng một số tác phẩm xuất sắc đã được trình diễn như: Ca khúc “Chọc sàn bản em” – Giải B, sáng tác: NS Phạm Mạnh Cường (Điện Biên), do tốp ca nam nữ Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày; Romance “Đỉnh núi” – Giải B, sáng tác: NS Doãn Nguyên (Hà Nội), thơ: Trịnh Công Lộc, do ca sĩ Đào Tố Loan trình bày; ca khúc “Đón các anh về” – Giải Khuyến khích, sáng tác: NS Đình Thậm (Đà Nẵng), thơ: Lê Ngọc Nam, do ca sĩ Lã Trường Bắc trình bày; ca khúc “Người đàn bà ngược nắng” - Giải B, sáng tác: NS Trần Nhật Dương (Hà Nội), do ca sĩ Minh Chuyên trình bày; Hòa tấu nhạc nhẹ: “Cánh rừng mùa thu” – Giải A, sáng tác: NS Trần Đức Minh (Hà Nội), trình bày: Dàn nhạc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ huy: NS Doãn Nguyên; ca khúc “Hạ Long huyển ảo” – Giải Khuyến khích, sáng tác: NS Vũ Hồng Sơn (Quảng Ninh) do ca sĩ Bích Ngọc trình bày; ca khúc “Nhớ hoàng hôn Hà Nội” – Giải B, sáng tác: NS Ngọc Khuê (Hà Nội), thơ: Đậu Hoài Thanh, do ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc trình bày; Ca khúc “Chúng tôi bộ đội Cụ Hồ” - Giải Khuyến khích, sáng tác: NS Trần Quốc Đạt (Hà Nội) và Hợp xướng “Đất nước” - Giải B, sáng tác: NS Minh Quang, thơ: Nguyễn Khoa Điềm, do các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Quân đội trình bày.

Các tác phẩm âm nhạc mới của các nhạc sĩ đã góp phần vào bức tranh toàn cảnh âm nhạc Việt Nam năm 2015 thêm phong phú và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã kịp thời quảng bá những tác phẩm mới tới công chúng.

Xem ảnh tại đây: Chùm ảnh Lễ trao giải âm nhạc 2015 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...