Trao đổi về bài viết "Phút giây huyền vi"

01/04/2013

“Phút giây huyền vi” là bài viết công phu giới thiệu Album âm nhạc “Hương Sơn ca”, đăng trên tạp chí “Chùa Hương” số Xuân Quý Tỵ, sau đó các trang Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật tử Việt Nam, Website Hội Nhạc sĩ… đăng tải lại. Đọc bài viết, tôi thấy có nhiều chỗ chưa ổn, xin được trao đổi thêm với tác giả.

 

Ảnh Internet

 
Nguyễn Quang Long là Nhạc sĩ, tốt nghiệp khoa Lí luận – Sáng tác Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiện anh là Phó Ban biên tập âm nhạc - Nhà xuất bản Âm nhạc. Anh cũng tham gia biên soạn sách, viết kịch bản cho các chương trình nghệ thuật lớn, biên tập và viết giới thiệu các dự án do nhà nước đặt hàng… Bài viết “Phút giây huyền vi” giới thiệu Album âm nhạc của PGS – TS – Nhạc sĩ Cù Lệ Duyên, Phó Trưởng khoa Lí luận – Sáng tác – Chỉ huy Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
 
1. Tên bài viết “Phút giây huyền vi”
 
Chữ “huyền vi” là gì?
 
Tìm hiểu về đạo Phật tôi được biết: “huyền vi” là thứ mà người đời không thể thấy được. Sự thấy của “huyền vi” là cảm, là hiểu, là thấu biết được cái điều thế gian không thể biết, như cảnh tiên Phật nơi thiên đàng. Để đạt đến độ “huyền vi”, chỉ có các nhà chân tu thực hành chấp pháp vượt qua thời gian, vượt qua không gian, vượt qua “lục dâm thất tình” của cuộc sống đời thường, cảm thức với mọi trạng thái, hòa tan vào mọi trạng thái, thì mới có cơ hội.
 
Đầu đề bài viết là “Phút giây huyền vi”, nếu theo ý nghĩa như thế thì nội dung bài viết không thấy chỗ nào liên quan đến “huyền vi” mà chỉ tập trung ca ngợi con người Cù Lệ Duyên, ca ngợi nhạc của Cù Lệ Duyên, ca ngợi ca sĩ và phối âm phối khí.
 
Để đạt được trạng thái “huyền vi”: nếu là con người thì việc tu hành phải đạt đến ngưỡng Phật như Trúc Lâm Tam Tổ, điều này cả Cù Lệ Duyên và các ca sĩ hiện chưa ai làm được; nếu là âm nhạc thì phải đạt đến độ như Kinh nhà Phật, điều này âm nhạc của Cù Lệ Duyên cũng chưa làm được.
 
Trong một bài viết, rút ra nội dung gì để nhấn mạnh và đặt đầu đề là quyền của tác giả nhưng đầu đề được rút ra từ nội dung bài viết nên dứt khoát phải liên quan đến nhau. Cách đặt đầu đề “Phút giây huyền vi” của Nguyễn Quang Long, theo tôi rõ ràng không tuân theo một nguyên tắc này.
 
Ảnh Internet
 
2. Chi tiết trong từng câu văn
 
Câu mở đầu, Nguyễn Quang Long viết: ““Hương Sơn Ca Vol.3” với 11 ca khúc của tác giả Phật tử Diệu Thiện - Cù Lệ Duyên được phát hành đầu năm mới 2013”. Ở bìa Album, nhà xuất bản ghi là “Hương Sơn ca”, theo tôi đây mới là cách viết đúng. Tôi chưa hiểu Nguyễn Quang Long viết “Hương Sơn Ca Vol.3” với chữ “Ca” viết hoa kèm theo “VoL.3” là có ngụ ý gì? Viết thế tôi có thể suy diễn Nguyễn Quang Long sáng tác thêm một địa danh mới tên là “Hương Sơn Ca Vol.3”. Nếu bảo do “lỗi đánh máy” thì không đúng vì cả bài đều viết như vậy.
 
Câu thứ hai, Nguyễn Quang Long viết: “Vẫn nội dung ca ngợi đạo Phật, người tu hành và đất trời Hương Sơn quán xuyến toàn bộ các tác phẩm nhưng đã có nhiều nét mới thú vị trong album này”. Tôi là độc giả chưa biết gì về âm nhạc của Cù Lệ Duyên, khi đọc đến câu văn này, chỉ riêng chữ “Vẫn” ở đầu câu tạo cho tôi cảm giác như bị đặt vào tình huống hoặc đã biết hoặc phải biết rằng nhạc của Cù Lệ Duyên trước đó là “ca ngợi đạo Phật, người tu hành và đất trời Hương Sơn”. Tiếp đến là động từ “quán xuyến”, đọc lướt thấy sáo rỗng, đọc lại rồi tôi tra từ điển thấy xét theo nghĩa gì cũng không phù hợp. Cụ thể, hiểu từ “quán xuyến” theo khía cạnh quan điểm, tư tưởng, cách hiểu này gần với ý tứ câu văn nhất, thì “quán xuyến” có nghĩa là điều sâu sắc bao trùm và chi phối toàn bộ. Theo tôi, đạo Phật trong âm nhạc Cù Lệ Duyên chưa sâu sắc đến độ Kinh nhà Phật, con người Cù Lệ Duyên và các ca sĩ chưa thoát khỏi cuộc sống phàm trần, cảnh vật Hương Sơn hiện lên trong tác phẩm cũng chưa đến mức như tiên cảnh, vậy làm sao có thể nói đủ sức bao trùm chi phối toàn bộ tác phẩm được.
 
Hai câu đầu là đoạn văn trích dẫn, theo tôi là rườm ra, sáo ngữ, ý tứ chưa chặt chẽ. Vẫn nội dung và ý tứ ấy, chỉ cần viết gọn và đơn giản như sau: “Đầu năm 2013, tác giả Cù Lệ Duyên  ra mắt Album âm nhạc thứ 3 mang tên “Hương Sơn ca” gồm 11 ca khúc có nội dung ca ngợi đạo Phật, người tu hành và đất trời Hương Sơn nhưng có nhiều nét mới so với 2 Album trước”.
 
Ảnh Internet
 
Sang câu thứ 3, Nguyễn Quang Long viết: Gần tròn một năm trước, khá ngạc nhiên khi cầm trên tay album “Hương Sơn Ca Vol.2””. Về từ ngữ, ngoài cụm từ “Hương Sơn Ca VoL2” đã lặp lại cách viết như tôi vừa nói, còn có cụm từ “Gần tròn một năm trước” theo tôi là chưa hợp lí. Nếu dùng chữ “gần” thì thôi chữ “tròn” và ngược lại. Về ngữ pháp, câu văn chỉ có hai mệnh đề, nếu để đứng độc lập thì không ổn, cho vào toàn văn bài viết thì có thể chấp nhận được.
 
Câu văn thứ 4: “Không bất ngờ sao được khi tác giả của những nét nhạc diệu vợi ấy lại là Phật tử Diệu Thiện - Cù Lệ Duyên, đã được biết trước đó là một nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc có uy tín”. Tôi lại tra từ điển, thấy tính từ “diệu vợi” chỉ sự xa xôi, cách trở, khó khăn, phiền phức. Vậy muốn ca ngợi “nét nhạc” mà gắn với từ “diệu vợi” thì không ổn. Tôi cũng băn khoăn không biết Nguyễn Quang Long dựa vào đâu để khẳng định Cù Lệ Duyên là “nhà nghiên cứu lí luận âm nhạc có uy tín”? Phải chăng anh dựa vào học hàm Phó giáo sư, học vị Tiến sĩ, danh xưng Nhạc sĩ, chức vụ Phó khoa, công trình nghiên cứu khoa học, hay 3 album âm nhạc? Nếu căn cứ vào những tiêu chí này thì Việt Nam ta có nhiều người uy tín nhất thế giới, ngành nào cũng có số người uy tín xếp trên tốp đầu. Theo tôi biết, để đánh giá uy tín của một nhà nghiên cứu, người ta phải dựa vào nhiều tiêu chí, đứng đầu là chỉ số H index, tiếp đến là các chỉ số m và chỉ số g…, bởi thế mà ở Việt Nam có rất ít nhà nghiên cứu lí luận được thế giới công nhận là có uy tín.
 
Tiếp tục đọc, tôi thấy các câu văn trong bài viết hoặc chưa hợp lí về ngữ pháp, hoặc rườm rà rắc rối, hoặc tu từ có nghĩa chưa hợp với ngữ cảnh, hoặc bị rơi vào chủ nghĩa hào nhoáng ngữ nghĩa. Hàng loạt các sáo từ mà Nguyễn Quang Long hay sử dụng như: huyền vi, quán xuyến, khá ngạc nhiên, khá bất ngờ, không bất ngờ sao được,  diệu vợi, rót vào lòng, huyền diệu…
 
Ảnh Internet
 
3. Về chuyên môn âm nhạc
 
Theo tôi, tuy đi vào phân tích từng bài cụ thể, nhưng Nguyễn Quang Long không sắp xếp rõ ràng mạch lạc nên rất khó đọc và khó hiểu, sử dụng những khái niệm âm nhạc chung chung, mù mờ, thậm chí là không chính xác và thiếu chặt chẽ.
 
Tôi xin nêu ra vài ví dụ điển hình.
 
Nguyễn Quang Long viết: “Khá bất ngờ bởi nếu như ở “Hương Sơn Ca Vol.2” với một màu sắc trữ tình ngợi ca là một đặc trưng thì ở Vol.3 này có thể coi như một cuộc thể nghiệm với với nhiều sắc màu âm nhạc khác nhau… âm sắc của nhạc cụ dây được khai thác triệt để trong toàn bộ album”. Tôi thắc mắc: “màu sắc trữ tình ngợi ca” là màu gì? Hay “nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau” là màu xanh, màu đỏ, màu tím hay màu vàng và có bao nhiêu loại tất cả? Khai thác triệt để âm sắc của nhạc cụ dây trong toàn bộ album là khai thác thế nào? Theo tôi, âm nhạc không có “màu sắc”. Âm sắc phản ánh phẩm chất của âm thanh giúp cho tai người nghe phân biệt được nhạc cụ này với nhạc cụ kia. Nếu nói khai thác triệt để âm sắc của nhạc cụ dây trong toàn bộ album thì tôi sẽ hiểu là có bao nhiêu nhạc cụ dây đều tấu lên hết và tấu lên từ đầu đến cuối.
 
Cách lí giải sự xuất hiện của giọng ca thính phòng trong album, theo tôi cũng là cách lí giải gượng ép, không hợp lí.
 
Nguyễn Quang Long viết: “Chất thính phòng càng được khẳng định rõ nhất trong ca khúc, với phần đệm piano phía đầu dù trữ tình nhưng chất chứa những niềm xao xuyến, suy tư để rồi sau đó, dàn dây xuất hiện cùng tiếng sáo mục đồng và dàn nhạc đã dẫn dắt vào tiếng hát nam trầm vừa tĩnh lặng vừa vững chắc”. Chẳng lẽ “trữ tình” thì không thể “xao xuyến, suy tư’? Phần đệm Piano cùng tiếng sáo mục đồng và dàn nhạc không phải là yếu tố khẳng định rõ được chất thính phòng trong ca khúc. Phong cách thính phòng bao gồm cả nhạc đệm và giọng ca, được khẳng định ngay từ đầu và xuyên suốt tác phẩm, đó là ý đồ của tác giả hay người phối khí mà nên.
 
Ảnh Internet
 
4. Tóm lại: Bài viết của Nguyễn Quang Long có nhiều điều cá nhân tôi thấy chưa ổn, chỉ xin tóm lược đưa ra vài vấn đề cùng trao đổi. Là một người yêu âm nhạc và ít nhiều tìm hiểu về đạo Phật, tôi nghiệm ra rằng: trong thế giới đạo Phật, cái đẹp toát nên từ sự giản dị khiêm nhường, chứ dứt khoát không phải từ những thứ to tát lòe loẹt; nhiệm vụ của nhà nghiên cứu, lí luận phê bình âm nhạc là dẫn dắt công chúng yêu nhạc đi đến chỗ hiểu về âm nhạc, từ đó tìm ra cái hay cái dở của tác phẩm âm nhạc, chứ không phải là việc cố dùng những lời hoa mĩ cốt để phụ vụ cho việc ngợi ca tác phẩm…

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...