Trào dâng khúc hát Linh thiêng thành Điện Hải

15/11/2017

Theo tư liệu lịch sử, tiền thân của thành Điện Hải là đài Điện Hải, được xây dựng ở tả ngạn sông Hàn để trấn giữ cửa biển Đà Nẵng và kiểm soát tàu thuyền. Đến năm Minh Mạng thứ tư (1823), đài được dời vào địa điểm di tích hiện nay, với thành cao, hào sâu gồm 3 cửa và một kỳ đài, nằm giữa khuôn viên thuộc trục đường Lý Tự Trọng, Trần Phú và Quang Trung thành phố Đà Nẵng (hiện là Bảo tàng Đà Nẵng)

Như vậy chỉ còn 6 năm nữa là thành Điện Hải tròn 200 tuổi. Trong 2 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã tâm huyết xây dựng dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích Thành Điện Hải”. Sau khi lãnh đạo thành phố quan tâm phê duyệt, Sở đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan lên kế hoạch trùng tu từ nay đến năm 2020 để đưa Thành Điện Hải trở thành một di tích khang trang, bề thế xứng đáng với di tích lịch sử đặc biệt này.

Kể từ năm 2016, nhiều cuộc hội thảo, nhiều ấn bản sách chuyên đề Thành Điện Hải được tổ chức, các nghệ sĩ đã sáng tác ngợi ca di tích này, trong đó có nhạc sĩ Văn Nhi Phan, nhiều lần tìm đến viếng thăm và cảm tác nên bài ca Linh thiêng Thành Điện Hải với những âm điệu hào hùng và ca từ thể hiện sự trân trọng và lòng yêu nước ngút ngàn của những người con thế hệ sau hướng về quá khứ hiển linh với bao hình tượng, dư âm gợi nhớ một thời liệt oanh.

Hôm nay tôi về đây đứng trên thành Điện Hải linh thiêng 
Nơi đây từng sục sôi lòng yêu nước cháy cao ngút trời 
Dư âm súng thần công nổ vang rền đánh quân giặc Pháp 
Tường thành phủ rêu xanh phảng phất đâu đây thời liệt oanh.

Ca khúc ra đời trong một bối cảnh khá đặc biệt, chuẩn bị kỷ niêm 160 năm trận chiến 1858 – 1859 quân dân Đà Nẵng chống lại cuộc xâm lược nước ta khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng,

Với điệu thức Do trưởng hùng tráng cùng tiết nhịp 6/8 khoan thai, sâu lắng trong khúc thức 2 đoạn đơn tái hiện, nhạc sĩ đã khắc họa hình ảnh danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy cuộc chiến đấu vô cùng oanh liệt của quân, dân Đà Nẵng và triều đình nhà Nguyễn tại thành Điện Hải còn vang dội đến hôm nay. Nơi đây là thành trì cuối cùng của quân, dân Đà Nẵng trong chiến thuật tài tình đã gây thiệt hại cho liên quân Pháp – Tây Ban Nha ở trận đầu đụng độ vào đầu tháng 9/1858. Để rồi bao thế hệ mai sau noi tấm gương rạng ngời của lớp lớp cha ông đi trước đã quyết tử cho tồ quốc quyết sinh.

Uy nghi tay cầm gươm đây tượng đài tướng Nguyễn Tri Phương 
Lung linh ánh hào quang người anh hùng một lòng vì nước 
Cho bao thế hệ sau noi theo tấm gương người đi trước 
Cho non nước Việt Nam bền vững sáng tươi muôn đời 

Chuyển qua điệp khúc âm giai ly điệu liên tục qua các bậc I, VI, VII, III ở cuối từng câu nhạc, làm cho giai điệu trào dâng liên tục thể hiện tấm lòng sục sôi về trận đấu hào hùng còn đậm dấu ấn trong tâm trí những người con nước Việt.

Còn vọng mãi tiếng súng đầu tiên 
Người Đà Nẵng đánh Pháp quật cường 
Cùng gìn giữ gấm vóc non sông 
Làm rạng danh nòi giống Lạc Hồng 

Ca khúc phát triển trên một nét motif có thay đổi âm vực, khá đơn giản song vẫn đong đầy tình cảm, như để miêu tả cảm xúc dâng trào khi hồi tưởng về thời điểm lịch sử liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng vào ngày 1/9/1858,, mở đầu cuộc xâm lược nước ta!” Cuộc đấu tranh bảo vệ Thành Điện Hải đã mãi mãi lưu dấu danh tướng Nguyễn Tri Phương và bao chiến sĩ liều mình hy sinh vào những trang sử hào hùng của dân tộc, người Đà Nẵng từ đó đã tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông để vững bước góp phần dựng xây quê hương giàu đẹp

Thành Điện Hải khí phách Việt Nam 
Người Đà Nẵng mãi mãi tự hào 
Từ truyền thống tiếp bước cha ông 
Cùng dựng xây tổ quốc đẹp giàu 

Giai điệu tiến hành khá liền bậc trong âm vực của quãng 12 Do - Fa, khiến cho người nghe cảm nhận được dòng cảm xúc trào dâng đầy kịch tính khắc họa tinh thần hoài cố về một trận đánh lẫy lừng, đã đưa Đà Nẵng hiên ngang của Việt Nam vang tiếng khắp năm châu bốn bể. Đến nay, dù trải qua bao đổi thay, trên mảnh đất quê hương sông Hàn vẫn phảng phất hồn thiêng núi sông bao quanh ngọn cờ tổ quốc vươn cao. Vẫn hiển hiện đâu đây linh hồn bất tử của những quân dân đã xả thân cho quê hương mãi trường tồn.

Trăm năm bao đổi thay thành Điện Hải vẫn mãi linh thiêng 
Trên cao cờ tổ quốc phất phới bay trong gió sông Hàn 
Hiên ngang ôi hiên ngang! 
Thành Điện Hải mãi mãi hiên ngang 
Linh thiêng ôi linh thiêng! 
Thành Điện Hải mãi mãi linh thiêng

Nơi đây thật sự là vùng đất linh thiêng, đáng được trân quý tôn vinh như bàn thờ của thành phố Đà Nẵng khi có người đã từng trân trọng nói đến Thành Điện Hải. Nơi đây cần được phụng thờ trang trọng. Chúng ta hãy nghiêng mình cảm tạ các anh linh đầy dũng khí đã vĩnh viễn nằm xuống cho thế hệ mai sau an hưởng thanh bình trong niềm tin yêu vào các bậc tiền bối của quê hương.

Ca khúc  Linh thiêng Thành Điện Hải cũng là bản hùng ca cùng nén hương lòng của người Đà Nẵng kính dâng lên danh tướng Nguyễn Tri Phương và những chiến sĩ đã chìm khuất hơn 160 năm qua trong sứ mệnh bảo vệ thành trì non sông trước ách xâm lược của ngoại bang.

Chính vì thế, ca khúc  Linh thiêng Thành Điện Hải của nhạc sĩ Văn Nhi Phan chắc chắn sẽ có một chỗ đứng vô cùng trang trọng, trầm sâu trong lòng công chúng trong cả nước. Ca khúc với sự thể hiện của ca sĩ Công Trứ, đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng gợi lại bao kỷ niệm kiêu hùng của những thời khắc lịch sử sống mãi trong ký ức những ngày đấu tranh gian khổ ngoan cường bảo vệ Thành Điện Hải sẽ được Đài Phát thanh – truyền hình Đà Nẵng đưa lên phát sóng trong năm 2017.

B

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.