Trại sáng tác ca khúc "Nhớ lời Bác dạy"
(Do Hội Âm nhạc TP.Cần Thơ và Chi hội Nhạc sĩ Công an nhân dân tổ chức )
Thực hiện thỏa ước kết nghĩa năm 2014 và kế hoạch hoạt động năm 2016, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an cũng như lãnh đạo Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ. Từ ngày 29/7 đến ngày 3/8/2016 Hội Âm nhạc thành phố Cần Thơ và Chi hội Nhạc sĩ Công an nhân dân đã tiến hành tổ chức trại sáng tác ca khúc với chủ đề “Nhớ lời Bác dạy” hướng đến kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (4/10/1961 - 4/10/2016), cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh “Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”, kỷ niệm 15 năm Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy (04/10/2001 – 04/10/2016).
Lễ khai mạc trại đã diễn ra tại Hội trường Liên hiệp Các Hội Văn học thành phố Cần Thơ có sự tham dự của Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – NSND Phạm Ngọc Khôi, Ông Nguyễn Thành Kiên – Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ, lãnh đạo 2 đơn vị kết nghĩa và các nhạc sĩ dự trại.
Sau ngày khai mạc, đoàn nhạc sĩ đã đi thực tế sáng tác tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang.
Tại An Giang, Đoàn đã đến thăm Di tích Quốc gia đặc biệt “Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng” tại cù lao Ông Hổ, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, Tp.Long Xuyên.
Nơi đây, Bác Tôn Đức Thắng đã sinh ra, học tập, trưởng thành và chứng kiến đời sống lầm than cơ cực của người dân do những áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến, để khi hết tiểu học Bác rời quê lên Sài Gòn học nghề và bước vào con đường đấu tranh cách mạng.
Khu lưu niệm bao gồm Khu đền thờ, Ngôi nhà thời niên thiếu, Nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn.
Tại thành phố Long Xuyên, lãnh đạo công an tỉnh, lãnh đạo đơn vị phòng cháy chữa cháy cũng đã thông tin với đoàn nhạc sĩ về hoạt động tại địa phương và hướng dẫn đoàn đến thăm thành phố Châu Đốc, địa bàn sát biên giới Campuchia. Tại đây đoàn nhạc sĩ đã nghe giới thiệu về truyền thống và hoạt động phòng cháy chữa cháy, đặc biệt xúc động khi được nghe kể về 2 chiến sĩ của đơn vị phòng cháy chữa cháy đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Cũng tại thành phố Châu Đốc, đoàn nhạc sĩ cũng đã đến tham quan Miếu Bà Chúa Xứ là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam. Đây là một trong những danh thắng nổi tiếng và là điểm đến của du khách bốn phương, nơi hàng năm diễn ra Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Tạm biệt An Giang, đoàn nhạc sĩ dự trại sáng tác đã đến với tỉnh Kiên Giang, nơi có công trình lấn biển nổi tiếng cả nước.
Tại thành phố Rạch Giá, đoàn đã đã có những cuộc tiếp xúc, giao lưu với văn nghệ sĩ, và được giới thiệu, tham quan các hoạt động tại đơn vị Phòng cháy chữa cháy của tỉnh.
Những ngày lưu lại Kiên Giang, đoàn nhạc sĩ cũng đã đi tìm hiểu về hoạt động của đơn vị phòng cháy chữa cháy tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Đến với U Minh Thượng, đoàn đã đặc biệt xúc động khi vào thăm Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX.
Đây là công trình được xây dựng nhằm tri ân những chiến công, sự hinh sinh cao cả và đáp ứng nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ An ninh Khu IX, Công an các tỉnh miền Tây Nam Bộ; đồng thời để giáo dục truyền thống đối với lực lượng công an nhân dân và các thế hệ sau này. Công trình bao gồm: “Tượng đài Vì an ninh Tổ quốc”; Bức phù điêu “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” ghi danh đơn vị anh hùng và các các nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thuộc các tỉnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ;
Nhà Bảo tàng CAND trưng bày các hình ảnh, tư liệu về sự hình thành và phát triển của lực lượng CAND qua các thời kỳ cách mạng, sự quan tậm của Bác Hồ với các lực lượng công an, những thành tích, chiến công của công an nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ; Nhà Tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh . . .
Thăm quê hương Hòn Đất, đoàn nhạc sĩ đã đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Ba Hòn, nơi có mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng. Tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của Chị đã trở thành niềm cảm hứng dâng tràn trong tâm hồn nhà văn Anh Đức và thăng hoa trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Hòn Đất” với nhân vật Chị Sứ làm rung động hàng triệu trái tim người Việt Nam yêu nước.
Theo con đường dốc quanh co, đoàn nhạc sĩ đã đến đỉnh Hòn Me. Từ nơi này, một vùng đồng bằng rộng lớn trải rộng xa tít tắp…
Trong kháng chiến chống Mỹ, địa danh Ba Hòn gồm Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo là một chốt quan trọng trên tuyến đường 1C. Vì vậy cuối tháng 8/1969, địch đã tập trung hàng chục ngàn quân, trận địa pháo, máy bay nhằm tấn công, tiến chiếm Ba Hòn. Nhờ địa hình hiểm trở cộng với sự mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ mà sau 78 ngày đêm đánh nhau với địch ta đã toàn thắng. Nhiều phương tiện chiến tranh như máy bay, pháo, đạn dược đã bị quân ta phá huỷ. Tuyến đường vận chuyển chiến lược 1C trở nên thông suốt, an toàn là điều kiện để Quân khu 9 tấn công địch tốt hơn.
Nhiều hiện vật đã được lưu giữ tại Nhà truyền thống và khu trưng bày chứng tích chiến tranh trên đỉnh Hòn Me.
Điểm lưu lại cuối cùng của chuyến đi thực tế sáng tác đó là tỉnh Hậu Giang. Tại đây đoàn đã có buổi giao lưu văn nghệ đầm ấm, đầy ấn tượng với các nhạc sĩ Hậu Giang, các ca sĩ của Trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc thuộc tỉnh. Phút chia tay lưu luyến mãi không rời . . .
Trở về Cần Thơ, kết thúc chuyến đi thực tế tại các tỉnh đồng bằng, các nhạc sĩ dự trại ai cũng dạt dào cảm xúc và hứa quyết tâm sẽ cho ra đời các tác phầm âm nhạc gắn với thực sinh động của cuộc sống, chuyển tải được thông điệp từ những người bạn nghĩa tình thuộc lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn thân yêu.
03.8.2016