Tổng kết giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam 2013
Photo: MC
Hội đồng xét giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013, được thành lập theo theo Quyết định số 42/QĐ-HNS ngày 13 tháng 10 năm 2013, do Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam ký, gồm:
Ban Thanh nhạc - Khí nhạc, nhạc sĩ Trần Long Ẩn làm trưởng Ban và các ủy viên là nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Ts-NSƯT Nguyễn Thiếu Hoa, nhạc sĩ Lương Minh, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.
Ban Lý luận do Gs-Ts khoa học Tô Ngọc Thanh làm trưởng Ban và các ủy viên: PGS-Ts.-NGƯT Phạm Tú Hương và Nhà LLPB Âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu.
Hội đồng đã tiến hành thẩm định và xét các tác phẩm âm nhạc gửi tham dự giải 2013 từ ngày 16 đến 18 tháng 11 năm 2013. Riêng Hội đồng Lý luận đã đọc trước các công trình từ ngày 10 tháng 11.
Cho đến ngày 30/10/2013, Văn phòng Hội đã nhận được 169 tác phẩm tham dự của 169 tác giả: Ca khúc 130; ca khúc thiếu nhi: 18; Hợp xướng: 04. Tác phẩm khí nhạc gồm có: Giao hưởng: 01; độc tấu – tứ tấu – hòa tấu nhạc cụ: 09; chương trình biểu diễn của tác giả: 01; các công trình sách nghiên cứu lý luận: 06.
Nhận xét chung, năm nay các tác phẩm khí nhạc và các công trình lý luận giảm so với các năm trước, số lượng ca khúc cũng ở mức độ trung bình, do có thể thay đổi thời hạn nhận bài, kết thúc sớm hơn mọi năm (ngày 30/10) nên một số nhạc sĩ không biết được thông tin, không kịp gửi bài tham dự.
Ý kiến nhận xét của Ban Thanh nhạc –Kkhí nhạc: năm nay số lượng tác phẩm cả thanh nhạc và khí nhạc không quá nhiều, nên không chia thành 2 hội đồng riêng mà gộp lại một hội đồng. Nhìn chung các tác phẩm dự giải có nội dung phong phú. Chủ đề chính vẫn là ca ngợi quê hương đất nước, nhiều bài hát về vùng miền, địa phương, địa danh, di tích lịch sử… Nổi lên các ca khúc như: “Bản làng em mùa xuân” của nhạc sĩ Vũ Duy Cương; “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh” của Trần Nhật Dương; “Trường Sa – Tiếng gọi thiêng liêng” của Phạm Quang Trung… Có nhiều hội viên mới kết nạp, có nhiều tác phẩm tốt như: “Nhớ sông quê” của Nguyễn Văn Cảnh; “Câu giao duyên cha hát” của Nguyễn Đình Đức. Chùm bài về chủ đề biển đảo và lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Một số nhạc sĩ dựa vào âm hưởng dân ca các vùng miền, nhưng thủ pháp mô phỏng, giai điệu, tiết tấu, phụ thuộc vào dân ca hơi nhiều nên thiếu tính sáng tạo, chưa tạo được sự khác biệt độc đáo, mang dấu ấn cá nhân. Nhiều bài hát viết ra còn thiếu sự rung động của thực tế đời sống, mới chỉ dừng lại ở những ca khúc mang tính địa phương, tính phong trào mà chưa thật chú trọng tới chất lượng nghệ thuật. Một số ít bản Romance “ca khúc nghệ thuật” nhưng thực chất cũng chỉ là những giai điệu ca khúc bình thường có thêm phần đệm Piano sơ sài không đúng thể loại. Nhiều nhạc sĩ chọn phương án phối khí chưa hiệu quả, lạm dụng âm sắc điện tử và tiết tấu tự động (máy), người phối khí không hiểu sâu tác phẩm nên làm giảm hiệu quả của tác phẩm.
Mảng ca khúc thiếu nhi có khá hơn, nhất là các ca khúc viết cho lứa tuổi nhi đồng với các chủ đề mới, ngôn ngữ thơ ngây như: bài hát “Đàn kiến chạy mưa”; “Chú dế mèn ngộ nghĩnh”; “Cái nắng đi chơi”; “Bác xe lu”…
Mảng Hợp xướng chỉ có 04 tác phẩm, nhưng nhìn chung không đúng thể loại và các tác giả chưa thật hiểu sâu về thể loại hợp xướng, nhất là nghệ thuật phối bè cho hợp xướng 4 bè.
Tác phẩm khí nhạc năm nay ít và chưa tìm thấy tác phẩm nổi trội. Có tác phẩm kết hợp âm nhạc dân tộc và quốc tế như một bức tranh ghép các mảng tương phản Đông - Tây với kỹ thuật diễn tấu cao, nhưng hiệu quả nghệ thuật chưa thỏa đáng. Các tác phẩm hòa tấu viết cho dàn nhạc dân tộc vẫn theo lối mòn cũ, về ngôn ngữ và phong cách hòa tấu chưa có gì mới.
Mong muốn loại hình khí nhạc, các nhạc sĩ chú ý hơn nữa đến thể loại khí nhạc, từ các hòa tấu hoặc độc tấu, đến các thể loại lớn như concerto, giao hưởng…
Các tác phẩm lý luận năm nay ít, có thể coi là năm thất thu của giải lý luận phê bình, vì số lượng tác giả tham gia ít và đều là những gương mặt quen thuộc, cao niên như: nhạc sĩ Trần Hồng; nhạc sĩ Trương Đình Quang; nhạc sĩ Dân Huyền; nhạc sĩ Thế Bảo… Số các nhà lý luận trẻ ít dự giải, mặc dù nhiều tác giả trẻ có những công trình nghiên cứu, sách báo lý luận nhưng chưa gửi tham dự giải. Không có tác phẩm phê bình âm nhạc đúng nghĩa. Có 01 sách nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền với chủ đề “Âm nhạc lễ tế Nam Giao” của Nguyễn Việt Đức, nghiên cứu đồng bộ chi tiết, cung cấp một khối tư liệu chưa từng được biết đến là những phân tích kiến giả thuyết phục.
Về mảng các bài báo âm nhạc, nhìn chung không nhiều bài viết mang tính nghệ thuật, không có chân dung âm nhạc hoặc phân tích tác phẩm sâu sắc.
Xin lưu ý cho các năm sau: tránh gửi dự thi những bài báo không thuộc lĩnh vực lý luận phê bình như các mẩu “dọn vườn” hoặc những bài chỉ đơn thuần cung cấp thông tin như lý lịch trích ngang.
Hội đồng ghi nhận sự đóng góp của các nhạc sĩ lão thành, nổi tiếng, đã nhiệt tình gửi đến dự giải. Tuy nhiên, xét về qui chế thì chưa phù hợp với qui định đề ra (về thời hạn qui định là 2 năm, từ khi tác phẩm ra đời cho đến ngày xét giải).
Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam xin cám ơn các nhạc sĩ, giáo sư, tiến sĩ… đã tham gia với tinh thần trách nhiệm cao trong các Hội đồng, góp phần thẩm định chính xác, công tâm những giá trị nghệ thuật âm nhạc của các tác giả - hội viên. Cám ơn các ca sĩ, nhạc công… đã biểu diễn, dàn dựng, thu thanh nhiều tác phẩm âm nhạc mới của các nhạc sĩ, góp phần vào bức tranh toàn cảnh âm nhạc Việt Nam năm 2013 thêm phong phú.
Xin chúc mừng các nhạc sĩ – tác giả đoạt giải.
Chúc quý vị sức khỏe – hạnh phúc và thành công.
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Ts.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân |