Tôi đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình...''

21/08/2018

Cuộc giao duyên đặc biệt giữa thơ và nhạc đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của tác phẩm "Tổ quốc gọi tên mình". Với giai điệu thiết tha cùng lời thơ sâu lắng, "Tổ quốc gọi tên mình" thực sự làm lay động hàng triệu trái tim người Việt.

Bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc từ bài thơ cùng tên. Đây là một sáng tác đương đại về chủ đề tình yêu quê hương đất nước gây ấn tượng những năm đầu thế kỷ 21. Tuy mới ra đời nhưng nhạc phẩm này lại có sức lan tỏa rộng lớn, trở thành bài hát nằm lòng của giới trẻ, được thu âm, thu hình và dàn dựng trong các chương trình hát về biển đảo thân yêu.

Ca khúc Tổ quốc gọi tên mình. Nguồn: internet

Bài thơ mở đầu với những nhịp điệu từ xa vọng về, giữa khoảng trời biển mênh mông, nghe thổn thức như trái tim mỗi người khi cảm nhận được nỗi đau về sự hy sinh, mất mát: Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây.

Những lời thơ đó tiếp tục được chắp cánh, vang lên trong ca khúc của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn với giai điệu da diết, xúc động nhưng không kém phần hào hùng, mãnh liệt. Đặc biệt trong phần điệp khúc, các cụm từ "Tổ quốc của tôi“, “Tổ quốc linh thiêng“ và "hòa bình“ được lặp lại để nhấn mạnh khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. 

Có thể nói rằng, sự kết hợp giữa lời thơ và giai điệu đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong trái tim mỗi người Việt Nam mỗi khi nghe Tổ quốc gọi tên mình. Những cung bậc cảm xúc đan xen cũng như “tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá”, đó là nỗi nghẹn ngào khi tổ quốc đang lâm nguy “một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau”, đó là tình yêu đất nước bùng cháy mãnh liệt, triệu triệu trái tim luôn hướng về Tổ quốc: Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc/ Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”.

Triệu trái tim chung nhịp đập Tổ Quốc. Nguồn: musicshow.vn

Lời bài thơ, lời ca khúc ngỡ như lời cha ông đang vọng lại, đang nhắc nhở con cháu hãy ghi nhớ lịch sử, những đau thương, mất mát bao đời đã qua để có được bình yên ngày hôm nay. Và hơn hết là một khát vọng, niềm tin bất diệt về hòa bình “Tổ quốc linh thiêng, tổ quốc linh thiêng/Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa”. 

“Tổ quốc gọi tên mình” có lẽ là tiếng gọi thiêng liêng nhất từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người con đất Việt, nói lên tiếng lòng của tất cả những người Việt Nam. Tác phẩm làm lay động lòng người, là lời hiệu triệu hùng hồn nhất, giúp thổi bùng lên tinh thần yêu nước trong mỗi chúng ta. Nghe những lời lẽ trong ca khúc, cảm xúc về đất nước, về Tổ quốc, về nhân dân, về người lính, về tình đồng chí, đồng bào lại ùa về dâng lên, hòa quyện vào nhau thật cao cả. 

Cũng chính vì thế mà sau khi công bố chưa bao lâu, tác phẩm này đã trở thành một hiện tượng khi được sự đón nhận của hàng triệu người. Hàng trăm ca sĩ đã chọn "Tổ Quốc gọi tên mình" để trình bày, hàng trăm chương trình đã chọn ca khúc để thể hiện. Tuy nhiên, điều đặc biệt là cho dù "Tổ quốc gọi tên mình" được rất nhiều ca sĩ chọn biểu diễn trong nhiều chương trình có quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng đều có chung một bản phối âm, phối khí. 

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biết bao người đã ngã xuống, lấy thân mình chở che cho Tổ quốc “Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố”. Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng cũng rất kiên cường, hiên ngang, bất khuất và hơn chín mươi triệu con người vẫn đang lắng nghe “Tổ quốc gọi tên mình”.

Tác phẩm Tổ quốc gọi tên mình đã được vinh danh với: Giải A - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011; Giải A - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Tp Hồ Chí Minh năm 2011; Giải B - Giải thưởng Văn Học Nghệ thuật 5 năm TP.Hồ Chí Minh. Bản thảo ca khúc "Tổ Quốc gọi tên mình" cũng được đưa vào bảo tàng Quân đội và ca khúc trên đã được đánh giá là một trong những ca khúc hay về đất nước của những năm đầu thế kỷ 21. 

(Nguồn: http://cinet.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.