Tình yêu tổ quốc trong tác phẩm Khúc tráng ca biển

31/10/2014

Trong những ngày đất nước đang hừng hực ngọn lửa đấu tranh bảo vệ biển đảo, mỗi người dân Việt Nam thể hiện lòng yêu nước của mình theo một cách riêng. Anh lính đảo cầm súng vượt sóng gió ngoài khơi, không sợ vòi rồng, súng đạn. Bác ngư dân vẫn căng buồm ra khơi, bám biển. Anh nông dân cắm cờ đỏ sao vàng trên bờ ruộng, vẫn tự hào hát “ơi biển Việt Nam ơi sóng Việt Nam”. Công nhân, giáo viên học sinh xuống đường hô vang khẩu hiệu “Việt Nam muôn năm”. Và văn nghệ sĩ, các anh chị không trực tiếp cầm súng ra trận nhưng ngòi bút của họ khích lệ tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Nhạc sĩ Vũ Thiết là một trong những văn nghệ sĩ đó. Anh có một loạt bài viết về biển đảo đang được công chúng ái mộ:

Về với Trường Sa

Biển chiều Nha Trang
Thư ngoài Trường Sa
Khúc ca lính biên phòng trên đảo
Sóng hát
Khúc tráng ca biển…

Khi tôi bắt gặp một loạt ca khúc viết về biển đảo của nhạc sĩ Vũ Thiết đăng tải trên Youtube và các phương tiên thông tin đại chúng khác, tôi thích nhất bài Khúc tráng ca biển của anh phổ thơ từ bài Mộ gió của nhà thơ Trịnh Công Lộc.

Nhạc sĩ Vũ Thiết tên thật là Vũ Kiến Thiết. Anh sinh ngày 5/3/1956. Quê anh ở Thái Bình. Từ nhỏ, anh đã ham mê âm nhạc. Năm 20 tuổi, anh đã trúng tuyển vào Đoàn Ca múa Thái Bình. Năm 1978 anh công tác tại Đoàn Ca múa Đắc Lắc, là nhạc công sáo flute. Năm 1986 anh học Đại học Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tốt nghiệp năm 1990. Từ đầu năm 1991 đến nay công tác tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ Vũ Thiết có nhiều tác phẩm được giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong đó, tôi đặt biệt chú ý đến ca khúc Khúc tráng ca biển đã đạt giải nhì (không có giải nhất ) trong cuộc thi “Đây b ển Việt Nam” do báo Vietnamnet phối hợp với Hội nhạc sĩ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Điều đặc biêt nữa là bài thơ Mộ gió của nhà thơ Trịnh Công Lộc cũng đạt giải nhì trong cuộc thi này.


NS Vũ Thiết (ảnh sưu tầm)

Nguyên tác bài thơ như sau:

MỘ GIÓ…
Dâng hương những chiến binh giữ biển, đảo không về!

Mộ gió đây,
đất thành xương cốt
Cứ gọi lên là rõ hình hài
Mộ gió đây
cát vun thành da thịt
Mịn màng đi
dìu dặt bên trời…

Mộ gió đây từng
những phút giây biển lặng
Gió là tay ôm ấp bến bờ xa
Chạm vào gió như chạm vào da thịt
Chạm vào
nhói buốt
Hoàng Sa…

Mộ gió đấy
giăng từng hàng, từng lớp
Vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi
Là mộ gió
gió thổi hoài, thổi mãi
Thổi bùng lên
những ngọn sóng
ngang trời.

Bài thơ ngắn gọn. Giọng thơ khắc khoải, có lúc đau đớn thể hiện sự hy sinh, mất mát của hàng trăm người lính biển giữ đảo mãi mãi không về nữa. Họ cống hiến tuổi thanh xuân của mình để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng cho Tổ quốc. Nói về nỗi đau nhưng không bi luỵ, não nề mà ngược lại, bài thơ như một khúc hành quân thôi thúc lòng yêu nước của người lính dảo Việt Nam vượt sóng gió đạn bom của quân thù. Bài thơ thật bi tráng.

Nhạc sĩ Vũ Thiết đổi tên bài thơ Mộ gió thành Khúc tráng ca biển. Không phổ Mộ gió theo kiểu nhạc nhẹ hay dân gian đương đại mà anh chọn dòng thính phòng. Chất thính phòng làm sang trọng bài hát, làm giảm bớt cái bi thương, nỗi đau về người lính ra đi không về.

Khúc tráng ca biển có giai điệu đẹp, được viết nhịp 4/4, giọng la thứ, chậm, tình cảm. Giai điệu cứ tự nhiên tuôn chảy, thơ và nhạc quyện vào nhau, như con sóng mãi ôm bờ, không bao giờ xa cách, vừa da diết vừa mang đậm chất anh hùng ca. Tác giả không hề hô khẩu hiệu, không lên gân tuyên truyền mà tình yêu ấy dâng lên từ biển đảo xa xôi một cách chân thật nhất. Chất tráng ca, hào hùng toát lên từng câu nhạc, quyện vào hòa âm của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và cách thể hiện của ca sĩ Xuân Hảo đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ xoáy vào tim người nghe.

Khi phổ thơ, rất khó để các nhạc sĩ giữ nguyên lời thơ của tác giả bởi viêc tiến hành giai điệu. Với Mộ gió, nhạc sĩ Vũ Thiết không thay đổi nhiều. Duy nhất anh thay đổi môt từ Hoàng Sa thành “lòng ta”.

Gió là tay ôm ấp bến bờ xa
Chạm vào gió như chạm vào da thịt
Chạm vào
nhói buốt
lòng ta…

Tôi nghĩ rằng sự thay đổi này là hợp lí cho ca khúc, bởi khi cất tiếng hát nỗi đau như cứa vào lòng ta, tim ta… sẽ có nhiều rộng chiều sâu hơn là dùng từ Hoàng Sa.

Ca khúc Khúc tráng ca biển được viết ngắn gọn với âm hình chủ đạo đơn giản:

Từ âm hình chủ đạo này, giai điệu cứ thế vang lên một cách tự nhiên như nó vốn có, trào dâng như sóng biển. Có lúc giai điệu như lắng lại, nghẹn ngào bởi nỗi đau như cứa vào da thịt, có lúc trào lên hiên ngang ngạo nghễ “thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời ”.

Có thể nói đây là một tác phẩm rất ngắn gọn cả về nhạc và thơ. Lời ca giản dị mộc mạc, ngắn gọn, súc tích. Phần giai điệu, nhạc sĩ Vũ Thiết dùng dấu nhắc lại, khung thay đổi, dấu hồi tấu, coda. Vì bài thơ quá ngắn, nếu không dùng những thủ thuật này, thì ca khúc không sẽ phải thêm lời hoăc chí ít cũng phải viết thêm một đoạn ca từ nữa.

Tôi xin trích lời của nhạc sĩ Vũ Thiết để làm lời kết cho bài viết của mình:

“Có lẽ ngắn gọn nhất là, mỗi công dân của nước Việt đều hướng về Tổ quốc. Ai cũng muốn làm một điều gì đấy, cho dù là nhỏ để thể hiện lòng yêu nước, tình cảm yêu Tổ quốc từ thẳm sâu trong tim mỗi người”.

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.