Tình trạng yểu mạng trong ca khúc đoạt giải

24/06/2016

Lạm phát cuộc thi

Mỗi năm trung cả nước có vài chục cuộc thi sáng tác với quy mô lớn nhỏ và vùng miền khác nhau, chưa kể tác phẩm ra đời từ các trại sáng tác, hội diễn, hoạt động giao lưu... Như vậy, xét về mặt số lượng, tác phẩm lũy tiến theo thời gian hẳn không nhỏ. Qua công tác tổng kết, trao giải, mùa thi nào cũng thấy “thành công tốt đẹp”, “bội thu” với những dự báo lạc quan phất phới. Song, kỳ thi qua đi, người trong giới vẫn than “đỏ mắt kiếm nhạc phẩm hay” (Nguyễn Đình San). Vậy, có phải cứ tổ chức hội thi là sẽ có tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật cao? Thực tế đã có câu trả lời. Tác phẩm nghệ thuật không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của cá nhân hay tổ chức, cũng không theo tinh thần “thắng lợi rực rỡ” hay “thành công tốt đẹp” như ở các cuộc thi. Thực tiễn cho thấy, nhiều tác phẩm đoạt giải phản biện lại chính tư duy và cách thức tổ chức giải. Thay vì ghi nhận công lao đóng góp của những cá nhân xuất sắc, chúng ta cổ xúy cho hoạt động ồn ào, gây lãng phí nguồn lực. Ở nhiều nước phát triển, Tổ chức tài trợ tìm kiếm tài năng thường tập trung vào một số nhân vật xuất chúng, chứ không dàn trải cho cả “đoàn quân” hùng hậu không nhằm mục đích diễu hành hay duyệt binh. Trong lĩnh vực sáng tạo, một tập thể đông đúc không thể thay thế cho cá nhân xuất sắc, vì bản chất của nghệ thuật là có một không hai, không thể thay thế. Với cách thức phân tán nguồn lực nhỏ lẻ, chúng ta đã tiếp tay cho lối tư duy “Đồng khởi” trong hoạt động sáng tạo mà tâm điểm là các cuộc thi mang tính chất kỷ niệm, chào mừng phổ biến khắp cả nước. Thậm chí có nơi đầu năm tổ chức một cuộc thi, cuối năm làm thêm một cuộc thi khác tương tự với chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương đất nước chung chung. Hội thi nhằm tìm kiếm tác phẩm hay vốn xuất phát từ mục đích tốt đẹp, tạo điều kiện cho giới sáng tác có cơ hội đưa tác phẩm đến gần công chúng hơn và sức hấp dẫn vật chất lẫn tinh thần của giải thưởng cũng có khả năng kích thích sáng tạo, nhưng cách thức tổ chức mới làm nên được giá trị này. Hiện tượng gia tăng số lượng, thậm chí dẫn đến tình trạng lạm phát hội thi như thời gian qua vô tình đã “pha loãng” nội dung, ý nghĩa của nó. Tìm kiếm tác phẩm từ các cuộc thi xem ra không còn là lời giải cho bài toán đi tìm tác phấm có giá trị nghệ thuật. Trên thực tế, nhiều người giành giải thưởng qua những cuộc thi đa số tập trung vào hàng “vĩ nhân tỉnh lẻ”. Họ giành giải thưởng theo phương thức “xoay dòng vốn” nhằm tránh thất thoát, chảy ra bên ngoài vào túi người không cùng băng nhóm. Và tác phẩm cũng theo họ chạy từ cuộc thi vào ngăn kéo để yên giấc ngàn thu.

Hiện tượng chấm giải bằng cách chọn tên (tác giả) thay vì chọn bài (tác phẩm) cũng góp phần đầu thai cho những tác phẩm kém chất lượng. Rất nhiều đơn vị tổ chức, xem qua cơ cấu ban tổ chức, thành phần tham gia đã đoán biết được ai sẽ giành (giựt) giải. Đây là căn bệnh trầm kha của đất nước. Bài học này có lẽ đã khởi đầu từ giáo giục, từ nội dung sách giáo khoa đến thực tế cuộc sống. Vì, sự “chỉ đạo nghệ thuật” có thiên hướng nhắm đến tác giả thay vì tác phẩm. Thi cử trở thành màn trình diễn vụng về với những lời lẽ sáo rỗng, tán tụng, suy tôn cá nhân và sản phẩm yếu kém. Nhiều tác phẩm sau khi đoạt giải rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, tắt lịm trong đời sống. Chúng ta đều biết, giải thưởng cao quý nhất nằm ở tác phẩm, chứ không ở chỗ tác giả.

Qua các hình thức đa dạng, nhưng thực chất là đồng dạng, người ta có thể thấy tính chất sự vụ ở nhiều hội thi. Thông qua đây, biết đâu một hình thức rửa tiền hợp lệ, hợp pháp, hợp tình đã hình thành. Đó là chỗ trắc trở khiến cho nhiều giá trị bị hoen ố, đổi màu, biến dạng… Hậu quả này thể hiện trên chính những tác phẩm sau khi đoạt giải rơi vào tình trạng sống “thần kinh thực vật”, “hồn lìa khỏi xác” và không được siêu thoát.

Thiếu tác phẩm hay

Trên thực tế không biết bao cuộc thi qua đi mà tác phẩm đoạt giải vẫn chưa thể hội nhập đời sống. Chưa dám nói một đời sống với nhu cầu đa dạng của nhiều tấng lờp khán thính giả đa đoan, mà dừng lại một đời sống tác phẩm thôi. Xét ở khía cạnh này, đa số tác phẩm đoạt giải đều chết trước tác giả. Đây chính là tiêu chí xếp hạng tuổi đời cho tác phẩm nghệ thuật. Tình trạng yểu mạng của tác phẩm được định đoạt bởi vòng đời khép kín của tác giả. Tất nhiên, chúng ta có thể trông chờ, hy vọng vào một nghịch lý từng xảy ra trong quá khứ. Đó là rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng sau khi tác giả qua đời. Trong lĩnh vực hội họa, nhiều họa sĩ nổi tiếng sau khi đã di cư sang thế giới bên kia. Một chút huyễn hoặc dẫu sao vẫn cần thiết cho những nhạc sĩ đoạt giải qua mùa thi mà bản thân chưa thể nhận thức được quá trình thử thách chông gai của thời gian (chứ không phải ban giám khảo). “Hàng rào kỹ thuật” khác cũng được dựng lên trên bối cảnh văn hóa, khi mà tình trạng sa sút thẩm mỹ của người làm nghề và người cầm cân nảy mực đã đóng vai trò bà đỡ cho những sáng tác kém chất lượng đi vào giải thưởng. Hội chứng “bán linh hồn cho quỷ” tiếp tay, tiếp sức cho những “trái ương” được mùa.

Phương pháp, tư duy chấm giải thường nhấn mạnh tiêu chí “số lượng” theo kiểu “chặt to kho mặn”. Ban tổ chức viện dẫn số liệu to tát để đưa kết quả lên cân. Trong bữa tiệc thịnh soạn, không thiếu những món “trâu luộc cả con” lọt vào mắt xanh của Ban tổ chức. Đi kèm với nó là màn diễn văn khai mạc, bế mạc với những lời lẽ trịnh trọng, suy tôn thành tích được mùa, bội thu với bằng chứng về số lượng kiểu như người tham gia năm sau nhiều hơn năm trước, số lượng tác phẩm dự thi nhiều hơn số lượng người tham dự, thể loại phong phú, đa dạng… đặc biệt, xuất phát từ ẩn ức yếm thế của nền khí nhạc, hễ cứ có khí nhạc nhập cuộc kể như mùa giải đã giành thắng lợi.

Bao giờ mới biết nói thật

Nhiều người tham gia công tác giám khảo, tổ chức cuộc thi thường không keo kiệt, hào phóng lời hay ý đẹp, lời vàng ý ngọc dành cho giải thưởng. “Ếch nhái” có lẽ chỉ nhảy ra từ mồm, miệng nhà phê bình. Người phê bình lắm khi giống như đứa trẻ trong câu truyện “Chiếc áo mới của đức vua”. Trong khi văn võ bá quan hết lời tấm tắc khen ngợi chiếc áo mới của nhà vua thì chỉ có đứa trẻ phát hiện ra màn trình diễn thoát y của ngài. Không ai chấp một đứa trẻ, nhưng đối với người làm công tác phê bình, đó là một trong những rủi ro mang đặc thù nghề nghiệp. Vì thế, nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý… không phải là mỹ đức của nhà phê bình.

Văn hóa đất nước từ lâu đã đánh mất giá trị trung thực. Nói thật dường như trở thành một thách thức đối với người Việt Nam. “Thật thà” - một trong những phẩm chất nằm ở điều thứ 5 trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng (Khiêm tốn thật thà dũng cảm) không hề phổ biến trong xã hội. Đức tính thật thà, dũng cảm được dạy từ tấm bé, sau khi trưởng thành đã bị rơi rớt, đánh mất, di dời khỏi ngôi nhà nhân cách, thậm chí cả tòa thành văn hóa. Thói giả dối trở thành dòng chủ lưu của xã hội. “Gien sợ” trở thành “gien trội” của người Việt, mà một trong những điều đáng sợ nhất là nói thật. Trung thực, biết nói thật từng là bài học vỡ lòng về làm người. Trong địa hạt thẩm mỹ, những giá trị như Chân – Thiện – Mỹ vẫn được xiển dương như chuẩn mực vĩnh cửu. Song, xuất phát từ nỗi ám ảnh, ẩn ức ma quỷ bên trong con người đã nhấn chìm những giá trị tốt đẹp này.

Trong hoạt động thể thao, tình trạng dàn xếp tỉ số không còn là hiện tượng. Trong hoạt động kinh tế, các giải thưởng đều có mức giá và cơ cấu thành phần. Nhiều tổ chức trưng bày giải thưởng như món đồ trang sức nhằm đánh bóng tên tuổi, hình ảnh, nâng cao thương hiệu của mình. Không ít doanh nghiệp sau đó rơi vào đổ bể, vỡ nợ, phá sản, giải thể. Còn ở lĩnh vực nghệ thuật, những vụ mùa bội thu lại chẳng cung cấp được cho người nghe món ăn tinh thần bức thiết. Giống như thực phẩm bẩn tràn lan, len lỏi vào cơ thể con người. Cùng với địa hạt thẩm mỹ, tất cả đang góp phần đầu độc từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ thể chất đến tinh thần con người Việt Nam. Âm nhạc vốn là tiếng nói biểu cảm của tâm hồn, có liên quan mật thiết với đạo đức, văn hóa, xã hội. Rời bỏ ngôi nhà tâm hồn nhằm tìm kiếm tác phẩm hay có thể coi là một sự lầm lạc trong định hướng. Chu Dịch từng viết: “Quan sát thiên văn để biết sự thay đổi của khí tượng. Quan sát nhân văn để biết sự thay đổi của xã hội.” Quan sát nhiều cuộc thi để thấy được tình trạng sa sút về thẩm mỹ, xuống cấp về tâm thuật, yếu kém về học thuật và một môi trường văn hóa đã bị ô nhiễm.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...