Tình hình sáng tác khí nhạc trong đời sống âm nhạc hiện nay và những vấn đề cần quan tâm

06/02/2015

Gần 40 năm qua (kể từ năm 1975 – Giải phóng miền Nam – thống nhất Đất nước), Âm nhạc Việt Nam tiếp tục truyền thống của những thập niên trước. Dòng chảy chính của Âm nhạc vẫn là dòng chính thống, gắn bó với mạch nguồn dân tộc, ca ngợi cuộc sống lao động sáng tạo của nhân dân, ôn lại lịch sử hào hùng, ký ức về 2 cuộc chiến tranh Cách mạng, ca ngợi tình yêu tuổi trẻ, thiên nhiên, đất nước, con người.

Lĩnh vực sáng tác chủ yếu, cũng là thế mạnh của Âm nhạc Việt Nam vẫn là Ca khúc. Bên cạnh các nhạc sĩ lão thành thế hệ chống Pháp vẫn tiếp tục sáng tác, đã hình thành một lớp nhạc sĩ xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ, đến những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ XX, đã khẳng định vị trí của mình.

Bên cạnh những thành tựu và những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực ca khúc, 30 năm qua nền khí nhạc Việt Nam cũng đã có những bước tiến mới.

Trước năm 1975, ở thành phố Hồ Chí Minh chưa hề có dàn nhạc giao hưởng thì nay đã có một nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch với Dàn nhạc 2 quản đầy đủ, cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh đã đi biểu diễn một số nước và nhiều nghệ sĩ, chỉ huy nước ngoài đã đến làm việc với Dàn nhạc.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vào một thực tế là: lực lượng nhạc sĩ sáng tác khí nhạc ở ta ít hơn về số lượng so với lực lượng sáng tác ca khúc chủ yếu tập chung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng các tác phẩm khí nhạc được biểu diễn, đến được với công chúng lại càng ít hơn so với lượng ca khúc khổng lồ qua các thời kỳ. Đây là một hiện tượng có thật, không phải chỉ ở nước ta, mà các nước khác trên thế giới đều như vậy. Vấn đề là cần có một chiến lược tổng thể như thế nào để duy trì và phát triển hiệu quả của những tác phẩm khí nhạc.

Nhạc sĩ Việt Nam bằng tâm huyết và trình độ của mình đã viết ra rất nhiều tác phẩm lớn, vừa, nhỏ. Số lượng tác phẩm tập trung hơn ba chục năm qua có lẽ tính đến hàng nghìn. Kể từ bản Giao hưởng đầu tiên “Quê hương” của nhạc sĩ Hoàng Việt (1960). Trừ một số tác phẩm đã được sử dụng, số lớn còn lại vẫn nằm nguyên trong ngăn kéo riêng của từng nhạc sĩ. Đây là vấn đề cần được lưu tâm. Vì tình trạng này có thể dẫn tới nguy cơ lãng phí những giá trị chất xám – những tác phẩm sẽ chịu số phận “câm lặng” suốt đời. Việc tiếp tục sáng tạo những tác phẩm mới liệu có còn là niềm thôi thúc với các nhạc sĩ hay không?

Công việc sáng tác một tổng phổ âm nhạc không lời là một việc làm vô cùng vất vả, mất nhiều thời gian và công sức. Có được một tổng phổ âm nhạc, nhạc sĩ phai lao động nhiều tháng thời, có khi năm này qua năm khác. Đứng trước những khó khăn trong đời sống thường nhật, một số nhạc sĩ khí nhạc chuyển sang lao động “nhẹ nhàng” hơn: viết nhạc cho phim (video), cho sân khấu (kịch nói, cải lương…) phối khí nhạc nhẹ… Đây là công việc dễ cho thu nhập cao hơn, mà lại nhiều việc làm hơn. (Tôi không có ý xem thường các hình thức âm nhạc kể trên, vì làm được hay và độc đáo thì vô cùng khó). Nhưng đó là thực tế: âm nhạc khi mất đi tính “tự chủ” của mình, phụ thuộc, ăn theo loại hình khác thì lại dễ kiếm tiền hơn khi đứng “độc lập”. Phải chăng đây là một nghịch lý!

Số nhạc sĩ khí nhạc vốn đã ít, số hành nghề bằng nghề lại càng ít hơn. Đa số còn lại đã và sẽ làm gì để thỏa mãn nhu cầu sáng tác và đảm bảo cuộc sống bình thường? Câu hỏi này còn trăn trở nhiều thế hệ nhạc sĩ chúng ta. Và nhất là những nhà lãnh đạo văn hóa và âm nhạc nước nhà.

Như chúng ta đã biết, một tác phẩm khí nhạc dù nhỏ hay lớn muốn đến được công chúng đểu phải qua 3 giải đoạn: 1. Giai đoạn sáng tạo cá nhân; 2. giai đoạn dàn dựng (thông qua tập thể nhạc công – nhạc trưởng); 3. Đưa tác phẩm tới người nghe đóng vai trò nghiệm thu sản phẩm, nên cũng cần có sự chuẩn bị về kiến thức và những tiêu chuẩn thẩm mỹ âm nhạc tối thiểu.

Ba giai đoạn trên liên quan mật thiết với nhau. Thiếu một trong ba điều đó, hoặc một phần nào chuẩn bị không tốt thì không thể có một sản phẩm âm nhạc đích thực.

Để thức đẩy và phát triển nền khí nhạc, vấn đề đặt ra là cần sự quan tâm chú ý rất lớn về phía Nhà nước, Chính phủ cần đề ra một chiến lược đầu tư chiều sâu, đồng bộ và lâu dài cho khí nhạc – mới hy vọng cơ hội cất cánh và hòa nhập với cộng đồng quốc tế, cũng như đáp ứng những mục tiêu xây dựng đất nước trong thế kỷ sau.

Sản phẩm âm nhạc tốt (một băng âm thanh, băng tiếng, một buổi hòa nhạc…) phụ thuộc rất nhiều vào phương tiện biểu hiện. Phương tiện ở đây trước hết là con người (nhạc công – nhạc trưởng – với tư cách đồng sáng tạo) và sau nữa là nhạc cụ, máy móc thu thanh, phòng hòa nhạc… ở ta các điều kiện kỹ thuật chưa thật cao, chưa đồng bộ, chưa vươn tới tiêu chuẩn quốc tế, nên chất lượng các sản phẩm âm nhạc, nhất là nhạc không lời còn thấp.

Phải ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị âm nhạc chuyên nghiệp như Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc thính phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Vũ Kịch thành phố Hồ Chí Minh… trong những năm qua đã dàn dựng và biểu diễn một số lượng lớn những tác phẩm khí nhạc Việt Nam của các tác giả: Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Hoàng Vân, Ca Lê Thuần, Quang Hải, Trọng Bằng, Nguyễn Văn Nam, Chu Minh, Hoàng Cương, Vĩnh Lai, Phú Quang, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân, Võ Đăng Tín…

Sự kế tục của các lớp nhạc sĩ trẻ, theo gót cha anh, cho chúng ta cơ sở để hy vọng vào những bước phát triển tốt đẹp và vững mạnh trong tương lai của nền khí nhạc Việt Nam. Với các tên tuổi như: Trần Mạnh Hùng, Lê Bằng, Lê Quang Vũ, Vũ Việt Anh, Đỗ Bảo, Xuân Thủy…

Âm nhạc là một quá trình vận động, biến đổi không ngừng. Với khí nhạc, việc tìm kiếm những ngôn ngữ mới, những phương tiện biểu hiện mới để nói lên được những vấn đề trăn trở, bức xúc của mỗi cá nhân – nghệ sĩ trước xã hội, trước vận mệnh của đất nước là công việc khó khăn muôn thuở.Con đường sáng tạo không phải bao giờ cũng suôn sẻ.

Cùng với sự tiếp thu những kỹ thuật sáng tác hiện đại, đôi khi ta bắt gặp đâu đó, trong một vài tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ những biểu hiện chạy theo hình thức, biến giá trị truyền cảm của âm nhạc thành một trò chơi âm thanh, với những hiệu quả lạ tai thậm chí khó hiểu, kỳ quặc. Ngược lại một khuynh hướng khác là đơn giản hóa khí nhạc, vin cớ tiếp cận quần chúng mà để cho ngôn ngữ giản lược đến mức, người nghe tưởng mình đang nghe một bài hát bị tước mất phần lời, chứ không còn sự kết hợp hài hòa, đa dạng, sinh động đầy màu sắc – là những điểm mạnh mà chỉ có khí nhạc mới tải nổi.

Nói đến sáng tác cho khí nhạc, không thể không nói đến các tác phẩm viết cho Nhạc cụ Dân tộc. Trên con đường nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo nhằm xây dựng một nền nghệ thuật hiện đại, chúng ta đã khám phá được nhiều vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống do cha ông để lại. Bên cạnh đó việc bổ sung và sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật mới để vừa chuyển tải được sắc thái của xã hội đương đại, lại giữ được cái gốc – chính là những tinh hoa nghệ thuật đã được chắt lọc qua nhiều thế hệ là nhu cầu thiết yếu. Suốt 30 năm qua, nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ đã không ngừng tìm tòi sáng tạo những tác phẩm âm nhạc cho nhạc cụ truyền thống viết cho nhạc cụ Độc tấu, Hòa tấu và Dàn nhạc Dân tộc.

Hơn 40 năm qua, nhiều nhạc sĩ, cũng chính là những nghệ sĩ biểu diễn, đã gắn tên tuổi mình vào các tác phẩm được công chúng yêu thích âm nhạc ghi nhận. Đó là các nhạc sĩ Xuân Khải, Phương Bảo, Thao Giang, Khắc Chi, Hồng Thái, Thế Dân, Huỳnh Tú, Đinh Hà Linh… với những tác phẩm tữ tình khai thác chủ đề từ âm nhạc dân gian. Ngoài ra, phải kể đến các nhạc sĩ đã gắn bó với các nhạc khí truyền thống như nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với Suối đàn T’rưng (đàn T’rưng độc tấu), Nguyễn Đình Long với hàng loạt tác phẩm viết cho đàn tranh như Khúc hát quê hương và các tác phẩm hòa tấu dàn nhạc truyền thống. Nhạc sĩ Văn Thắng đã mạnh dạn đưa tứ tấu đàn dây vào phần đệm trong các tác phẩm Cánh chim tự do (đàn tranh) và Tiếng lòng (viết cho đàn bầu) mà không kém phần hiệu quả. Rồi nhạc sĩ Hoàng Dương với Khúc nhạc tâm tình, nhạc sĩ Quang Hải với tác phẩm cho đàn tranh độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng mang tiêu đề Quê hương giải phóng… Và nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh nhạc sĩ Trần Quý và Chu Minh đã có một tác phẩm đồ sộ cho Dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc gồm 100 nghệ sĩ biểu diễn.

Thời gian gần đây, chúng ta thiếu những tác phẩm mới viết cho nhạc cụ Dân tộc. Đó là một thực tế.

Mong rằng, ngày càng có những tác phẩm hay hơn, mới mẻ hơn phù hợp nhịp điệu của con người đương đại mà không mất đi bản sắc truyền thống Việt Nam.

Sáng tác cho Dàn nhạc dân tộc là một công việc khó. Ngoài việc khôi phục và truyền dậy vốn nhạc cổ truyền của cha ông (mà nguy cơ ngày càng mai một như: Nhã nhạc cung đình Huế, Hát Xẩm, Hát Xoan Ghẹo, dân ca dân nhạc các dân tộc thiểu số), các nhạc sĩ cần sáng tác nhiều tác phẩm mới cho Dàn nhạc Dân tộc.

Các nhạc sĩ hàng đầu trong lĩnh vực Khí nhạc Dân tộc phải kể đến: Trần Quý, Quang Hải, Đỗ Lộc, Nguyễn Chính,… Việc gần đây, năm 2009 Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thành lập Dàn nhạc Giao hưởng – Dân tộc là một bước tiến mới về mô hình tổ chức và quy mô của âm nhạc dân tộc, đã hình thành một đội ngũ các nhạc sĩ chuyên viết cho nhạc cụ Dân tộc, họ xuất thân là những nhạc công – nghệ sĩ giỏi chơi nhạc cụ Dân tộc như NSND Phương Bảo, Hoa Đăng (Thập Lục); NSND Mai Phương, Mai Huệ (Tỳ Bà); NSND Xuân Khải, NSND Thanh Tâm (Đàn Nguyệt), và các nghệ sĩ: Thao Giang; Thế Dân; Huỳnh Tú, Hoàng Anh Tú, NSƯT Bùi Lệ Chi (đàn bầu)… Họ đã có công nâng tầm âm nhạc Dân tộc lên trình độ chuyên nghiệp, tạo điều kiện tốt để Âm nhạc Việt Nam giao lưu với Âm nhạc quốc tế.

Những vấn đề cần quan tâm

Nhìn lại 3 thập kỷ trở lại đây, ngoài những thành tựu đã đạt được, âm nhạc của chúng ta có những biểu hiện chững lại, thậm chí tụt hậu, nguy cơ mất đi tính chuyên nghiệp. Sự phát triển thiếu hài hòa, mất cân đối giữa các loại hình âm nhạc đã dẫn tới điều đó, một đất nước mà chỉ có ca khúc và chỉ là ca khúc thịnh hành (nhạc Pop) thôi thì sao có thể đại diện cho gia tài văn hóa để nói với mai sau và bạn bè trên thế giới! Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đánh giá thấp vai trò của ca khúc. Bởi chính nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam được xây dựng nên từ những bài ca Cách mạng, những bài ca đi cùng năm tháng. Nhưng trong thời đại mới, một nền âm nhạc tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì chỉ một thể loại ca khúc là chưa đủ. Hơn thế nữa lại quá nghiêng về ca khúc đại trà (ca khúc thịnh hành), mà ta quen gọi là nhạc trẻ lại càng là lệch lạc lớn.

Những năm gần đây ở ta thiếu sự đầu tư cho các thể loại âm nhạc Kinh điển – Bác học từ khâu sáng tác, biểu diễn đến quảng bá tuyên truyền và lưu trữ. Các nhà hát như Nhạc vũ kịch Việt Nam, các Dàn nhạc giao hưởng lớn của Nhà nước và các Trung tâm đào tạo âm nhạc như Học viện Âm nhạc quốc gia, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh… hầu như chỉ biểu diễn các tác phẩm của các tác giả nước ngoài. Sự lệch pha giữa sáng tác và biểu diễn khoảng cách này càng xa, Hội Nhạc sĩ Việt Nam được phép đầu tư tác phẩm song kinh phí tài trợ đầu tư quá ít ỏi, tác phẩm viết xong lại không có tiền để dàn dựng biểu diễn. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã diễn ra suốt những thập niên vừa rồi dẫn tới hiện tình như hôm nay.

Sự lệch lạc về thẩm mỹ còn được nhân lên trong giới trẻ với các bài hát “tự sáng tác”, tự biểu diễn lai căng nhạc Hoa, nhạc Hàn, nhạc Nhật.v.v… Chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều nhạc sĩ ca sĩ tự phong như bây giờ, trong khi sân khấu nhạc nghiêm túc hầu như bị bỏ trống! Các tổ chức âm nhạc Kinh điển – Bác học, có tính Quốc tế như Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia, Nhà hát nhạc Vũ kịch (opera ballet) đa phần chỉ biểu diễn các tác phẩm nước ngoài do người nước ngoài chỉ huy (người chỉ huy như huấn luyện viên trong bóng đá, ta đang thiếu trầm trọng nên luôn phải mời chỉ huy nước ngoài) vì các chương trình này kêu gọi được tài trợ. Và ngay cả trên phát thanh truyền hình, các chương trình nhạc nghiêm túc không bao giờ được phát sóng trong giờ vàng và chỉ được đặt vào “Nhạc đêm khuya” phát 11, 12 giờ đêm. Vậy người nghe có được tôn trọng và có được tiếp cận với âm nhạc nghiêm túc không? Ở đây xin liên hệ tới hệ thống phát thanh truyền hình các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… đều có một kênh riêng dành cho loại hình âm nhạc kinh điển bác học cùng sự dẫn giải cho người nghe! Tại sao chúng ta không làm được như vậy? Đó là câu hỏi chúng ta hoàn toàn có khả năng trả lời thấu đáo song ai sẽ là người “cầm trịch”.

Chúng ta đã có những thành tựu rất lớn về các loại hình âm nhạc kinh điển trong sự phát triển của âm nhạc cách mạng trong hơn nửa thế kỷ qua, song với hiện trạng đang diễn ra thì đó thực sự là mối lo mất “Nền âm nhạc chuyên nghiệp” hoặc nói một cách khác là sự nghiệp xây dựng nền âm nhạc chuyên nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, con đường đi còn rất dài và gian truân vất vả. Đã đến lúc phải bàn bạc, quyết định đưa âm nhạc bác học trở lại vị trí xứng đáng của nó. Và chỉ như vậy, nền âm nhạc của chúng ta mới có tiếng nói trong khu vực và quốc tế. Các tác giả chuyên tâm viết cho Nhạc cụ Dân tộc ngày càng ít, cũng là một nỗi lo về lực lượng sáng tác.

Trước thực trạng đời sống âm nhạc 30 năm qua, chúng tôi xin kiến nghị:

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước:

Cần có những biện pháp chặt chẽ trong khâu quản lý âm nhạc (từ sáng tác, biểu diễn, quảng bá, phát hành…).

Cần khuyến khích đầu tư mạnh vào việc sáng tác và phổ biến tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các sân khấu ca nhạc. Đặc biệt là lĩnh vực khí nhạc.

Cần có những chương trình hướng dẫn phổ cập âm nhạc đến đông đảo quần chúng dưới mọi hình thức, đặc biệt là chương trình dạy nhạc tại các trường phổ thông.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhạc sĩ tiếp cận với đời sống thực tế của nhân dân.

Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh tác phẩm âm nhạc:

Nên có biện pháp chế tài, tăng cường vai trò trách nhiệm trước pháp luật đối với người biên tập và sản xuất kinh doanh đối với các tác phẩm có vấn đề!

Đối với các cơ quan truyền thông đại chúng:

Cần nêu cao ý thức trách nhiệm đối với tình hình lăng xê vô tội vạ. Tránh tình trạng bị mua chuộc trong guồng máy công nghệ lăng xê.

Sáng tác là khâu then chốt, tạo nên sản phẩm âm nhạc. Nhạc sĩ sáng tác là thành phần đầu tiên, quan trọng trong vòng tròn khép kín: Sáng tác – Biểu diễn (quảng bá) – Thưởng thức. Hay nói cách khác là một mắt xích trong sơ đồ: Tác giả - Nghệ sĩ biểu diễn – Công chúng (khán giả).

Khâu sáng tác luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu để tạo nên một tác phẩm âm nhạc có đời sống trong xã hội. Mục tiêu của các nhạc sĩ sáng tác là cho ra đời những tác phẩm, công trình có giá trị nghệ thuật cao, có tác dụng mạnh mẽ, âm vang lâu dài trong công chúng, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân. Để có được lực lượng sáng tác trẻ trong tương lai, chúng ta cần đặc biệt chú trọng tới khâu đào tạo, đào tạo tại các nhạc viện, học ở ngoài đời, từ thực tiễn cuộc sống.

Đội ngũ sáng tác âm nhạc qua 30 năm đổi mới là dần lớn mạnh, lực lượng sáng tác Ca khúc vẫn chiếm số đông và sản phẩm của họ là những bài hát có công chúng rộng lớn, phần nào đã tạo nên thị trường âm nhạc. Đi theo các nhạc sĩ và tác phẩm của họ là lực lượng nghệ sĩ biểu diễn, ca sĩ cũng lớn mạnh và có mức thu nhập ngày càng cao.

Số lượng tác phẩm tuy nhiều và đa dạng, phong phú nhưng chất lượng và sức lan tỏa bền lâu còn là vấn đề cần quan tâm. Trong hàng trăm, hàng ngàn ca khúc mới (kể cả lĩnh vực âm nhạc Kinh điển như: Hợp xướng, Giao hưởng, Nhạc kịch, Vũ kịch…) chưa có những tác phẩm tiêu biểu, đỉnh cao, có sức lan tỏa, vang vọng lâu dài như tác phẩm thời kỳ trước.

Sự mất cân đối, lệch lạc trong các thể loại âm nhạc là điều đáng quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai, khi quy luật kinh tế thị trường chi phối mọi lĩnh vực cuộc sống, trong đó không loại trừ đời sống âm nhạc.

Phải làm sao giữ vững đường lối phát triển nền âm nhạc “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, vừa phải đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của công chúng yêu nhạc và không mất đi bản sắc âm nhạc Việt Nam. Đó là những gì mà giới sáng tác âm nhạc cần quan tâm trong thời gian trước mắt và giai đoạn tiếp theo.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...