Tìm về mùa thu - hoài niệm thu Hà Nội

03/10/2014

Khi giai điệu bài hát ‘Tìm về mùa thu’ (nhạc: Quỳnh Hợp/thơ: Nguyễn Trọng Luân) vang lên, người nghe được đắm chìm vào nỗi nhớ. Một nỗi nhớ day dứt, hoài niệm của người yêu Hà Nội lâu lắm rồi mới trở về bồi hồi, ngập ngừng trên phố thu.

Có lẽ, mùa thu là lúc lòng ta dễ chìm vào trong những tâm trạng bâng khuâng nhất. Ký ức như cuốn phim chầm chậm đưa ta về thời xưa cũ. Nhưng trong ‘Tìm về mùa thu’ thì không chỉ như vậy. Ta sẽ bắt gặp bước chân của một người lính già mái tóc pha sương đang thả mình trên những con phố đầy ắp kỷ niệm, trong gió chiều lồng lộng của bờ bãi sông Hồng, trên cây cầu Long Biên yêu dấu. Và, ta như đọc được trong tâm thức của ông một sự khắc khoải, đợi chờ và hy vọng. Ta như thấy trong đôi mắt ông hình ảnh của mùa thu xưa, những đoàn xe thẳng tiến ra mặt trận, mùa thu chia tay không hẹn ngày về, mùa thu của niềm tin chiến thắng.

Giai điệu và ca từ khắc vào trong trái tim người nghe hình ảnh người thiếu nữ Hà Nội lưu luyến chia tay người yêu ra trận năm nào, bàn tay vẫy mãi cho đến khi chiếc xe cuối cùng khuất dần trong nước mắt. Cô gái đó bây giờ ở đâu, thu vẫn còn mà chiều còn ly biệt. Để rồi ta lại bắt gặp lại thu Hà Nội trong ào ào lá đổ bên đường Trường Sơn, một sự giao hòa đầy tinh tế giữa thơ và nhạc.

‘Tìm về mùa thu’ đã tiếp nối quá khứ và tương lai, khắc họa được thu Hà nội ở trong lòng người ra đi, dù ở đâu thu Hà nội vẫn ở trong lòng, dù đi đâu vẫn là mãi mãi niềm tin Hà nội. Nỗi nhớ đó đi theo người lính băng qua cuộc trường chinh đầy gian khổ, hiểm nguy để rồi hôm nay trở về trong nỗi nhớ da diết khôn nguôi.

Với người lính ấy, dù Hà Nội có thay đổi bao nhiêu thì ông vẫn thấy mình trong từng góc phố, trong từng tiếng chuông, trong mùi hương, ngọn gió. Với ông, Hà Nội còn là một tình yêu sâu thẳm.

Ta bắt gặp trong bài hát bóng hình một người con gái. Hà Nội hóa thân thành người con gái trong trái tim người lính già hay người con gái trong trái tim ông đã tan vào trong Hà nội? Có thể lắm chứ, khi ông yêu và nhớ đến vậy, cũng như ông yêu và nhớ Hà nội đến vậy.

Bài hát đưa ta về với một thu Hà nội thật đủ đầy, một hoài niệm bâng khuâng theo bước chân của người lính với mái tóc đẫm màu sương gió. Ông đã ra đi vào một chiều thu Hà nội và ông cũng đã trở về, ông trở về để tìm lại mùa thu xưa, mùa thu của riêng ông. s

Ca khúc như đọng lại, trầm lắng và thiết tha, thoảng đâu đây thu xưa đã trở về trong tiếng sấu rụng nghe như có tiếng bước chân trong ngõ vắng.

23/9/2014-

* Bài hát ‘Tìm về mùa thu’ nằm trong album PHỐ THU - chùm ca khúc về Hà Nội của nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Đó là những ca khúc rất mới, rất thu, rất phố và rất con gái để Quỳnh Hợp mừng 60 năm giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 – 10/10/2014). Album ra mắt ngay đầu tháng 10 này chỉ với giọng ca của nam ca sĩ Đức Quang.

 

13 ca khúc trong album PHỐ THU là sự đồng điệu của tác giả âm nhạc với các nhà thơ đã có tình yêu rất riêng và rất xa với Hà Nội như: Phạm thị Mai Khoa (Thế là thu sang), Đỗ Thị Hoa Lý (Nhịp bước em về, Mơ về Hà Nội, Níu bước thu đi), Đoàn Ngọc (Những mùa hoa Hà Nội), Nguyễn Ngọc Hạnh (Ngỏ lời yêu Hà Nội), Nguyễn An Ninh (Tiếng phố thở), Nguyễn Quốc Chinh (Bồng bềnH phố thu), Hồng Diệu (Bâng khuâng mùa thu) và chùm 4 ca khúc từ thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Luân là Phố thu, chớm thu, Gửi mưa, Tìm về mùa thu.

Nghe bài hát tại đây: http://hoinhacsi.org/?q=ca-khuc-detail/2085 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.