Tìm về cội nguồn dân ca Sán Chí

02/03/2015

Câu chuyện về cội nguồn hát dân ca của dân tộc Sán Chí được nghệ nhân Trần Á Chăm (83 tuổi) ở thôn Giữa, xã Kiên Lao - một cây đại thụ trong làng hát dân ca các dân tộc thiểu số của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) kể nghe hư hư thực thực nhuốm màu truyền thuyết.


CLB hát dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao biểu diễn trong Ngày hội VHTT huyện Lục Ngạn.

Chuyện thế này, đã lâu lắm rồi, khi trời đất còn rất gần nhau, gần đến nỗi những người cao lớn đứng trên đỉnh núi còn có thể với tay đến tận chín tầng mây. Tục truyền rằng: Có hai chàng trai trẻ hát hay, thuộc nhiều bài, vì đam mê nên cứ nghe ở đâu có hội là tìm đến. Số bài hát hai chàng thuộc chép thành sách chất đầy mấy thuyền. Thế rồi một ngày kia, hai chàng cùng thuyền sách xuôi dòng sông vừa rong chơi vừa tìm người hát đối. Cứ đi, đi mãi mà chả gặp người nào hát đối đáp nổi, hai chàng lấy làm tự mãn lắm. Một buổi sớm khi đi qua vùng đất thuộc xã Kiên Lao bây giờ, hai chàng thấy một thiếu nữ đang giặt khăn, áo dưới sông bèn ghé gần lại, neo thuyền rồi buông lời hát ghẹo. Hát mấy bài liền vẫn không được cô gái đáp lời đành chọc tức rằng:

Tôi có nhiều bài hát cô em ơi
Có ba trăm bài và hai thuyền sách hát
Lại còn sáu người gánh sách đi bộ thôi
Sáu thuyền sách nữa đang xuôi theo về
Tôi lấy một thuyền ra hát đối
Đối mà không được buộc cổ lôi…

Đưa ra lời thách đối, hai chàng hý hửng mừng thầm nghĩ rằng khó thế này thì đến trời cũng không giúp được cô nàng kia. Thế nhưng chàng vừa dứt lời thiếu nữ bỗng dừng tay và cất tiếng hát. Giọng hát cô trong veo vang giữa chốn đại ngàn, làm xao động cả một góc trời khiến chim họa mi phải giận, chim khiếu phải hờn, bầy sâm cầm, le le vịt trời thôi ngụp lặn, dỏng tai lắng nghe.

Giặt áo bên sông em Lưu Ba
Lưu Ba là người đặt câu hát
Lời hát hay đều do Lưu Ba đặt
Danh tính hai chàng, từ đâu tới
Có bài, có bản thì nên đối
Không bài, không bản là lỗ nhân

Câu hát của nàng vang lên khiến hai chàng bần thần không biết tìm lời nào đối cho phải nhẽ đành lần giở cả thuyền sách ra xem, loay hoay mãi vẫn không tìm ra lời để đáp lại. Đến chiều tà khi cô gái bỏ về mà hai chàng vẫn chẳng tìm ra. Sau khi phơi khăn áo xong, cô gái quay lại bến sông thì ôi thôi, không thấy bóng hai chàng trai trẻ đâu mà chỉ còn trơ trọi hai thuyền sách. Hóa ra, hai chàng vì không tìm được lời hát đối bị cô gái coi là “lỗ nhân” đã quá xấu hổ mà dầm mình xuống sông tự vẫn. Chỉ còn chuyện nàng Lưu Ba và hai thuyền sách hát còn lưu truyền.


Nghệ nhân Trần Á Chăm

Để tưởng nhớ đến hai chàng trai hát hay, giàu lòng tự trọng, nàng đi truyền dạy cho mọi người trong làng cùng học, đặt lời cho các câu hát, làn điệu. Khi mọi người đã biết hát, một hôm nàng đi lên núi và không bao giờ trở về. Dân làng trong bản thương nhớ nàng bảo nhau lưu lại những lời hát nàng đã dạy. Có lẽ vì thế hàng năm người dân tộc Sán Chí tổ chức nhiều dịp để hát. Nhiều nhất là về mùa xuân khi hoa đào, hoa mận nở, lúc chồi non lộc biếc sinh sôi khắp chốn núi rừng, khi trai gái dập dìu hát tìm bạn tình trên núi, hay hò hẹn ở những chợ phiên.

Rồi đến hội tháng tư khi vừa qua mùa giáp hạt có hoa sim, hoa mua nở tím. Canh hát tháng năm có hoa phong lan ngào ngạt hương thơm, tháng sáu có hoa mẫu đơn thắm đượm tình người. Cứ vậy quanh năm trai gái trong bản tìm nhau qua những canh hát dài bịn rịn, thiết tha. Lời bài hát tự nhiên như hương rừng, gió núi, cả những câu chuyện về cỏ cây muông thú, sự sống muôn loài…

Rồi cũng chẳng biết tự bao giờ, cái sự hát ấy của người dân Sán Chí đã trở thành tập quán hàng năm của cả một vùng rộng lớn, lan tỏa đến nhiều dân tộc khác. Các đôi trai gái tỏ tình qua từng canh hát, lời hát vương vấn, ý nhị từ nói xa đến gần, nhóm lửa yêu thương. Cứ vậy, họ hát cho đến khi hai người lấy được hai ánh mắt vào nhau, bàn tay tìm đến với bàn tay. Lửa tình rực cháy, hai trái tim thổn thức vỡ òa trong yêu thương khao khát, lời tỏ tình được đón nhận… Lúc đó dường như chỉ có rừng núi đại ngàn mới biết, chứng dám, che chở cho tình yêu của họ.

Ngày nay, hát dân ca trong dân tộc thiểu số nói chung vẫn được giữ gìn và phát huy. Mỗi dân tộc đều có làn điệu riêng. Điển hình là hát shi, lượn, soong hao của người Tày, Nùng; sình ca (Cao Lan); soong cộ (Sán Dìu); sán chay (Sán Chí). Tại các địa phương đã thành lập hơn chục CLB hát dân ca dân tộc thiểu số để giữ gìn truyền thống, bồi đắp lòng tự hào cho thế hệ sau. Riêng đồng bào dân tộc Sán Chí, xã Kiên Lao - nơi được coi như cái nôi của dân ca các dân tộc truyền thống ấy vẫn đang được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Hiện CLB hát dân ca của xã được thành lập từ năm 2010, đến nay có 34 thành viên ở nhiều lứa tuổi, thế hệ cùng tham gia.

Những nghệ nhân cao tuổi như Trần Á Chăm; Lâm Văn Đông 75 tuổi; Trần Thị Sự; Lâm Thị Khen đều 74 tuổi thường xuyên vẫn cùng con cháu ôn lại các làn điệu. Lớp hội viên từ 40 đến 60 tuổi cũng có nhiều người biết hát. Đã có hàng trăm bài dân ca lời mới được các thành viên CLB đặt lời cho phù hợp. Ngoài ra, thế hệ tương lai dưới 10 tuổi như Lâm Thị Hương,Vi Thị Thơm, Hoàng Văn Biên là những mầm non nghệ thuật đang được các nghệ nhân rèn giũa, bồi đắp từng ngày.

Ông Lâm Minh Sập, chủ nhiệm CLB tự hào: Phát huy truyền thống quê hương, CLB hát dân ca Sán Chí hiện là cánh chim đầu đàn trong việc duy trì, bảo tồn vốn văn hóa của dân tộc trong huyện. Chúng tôi nguyện giữ gìn, phát huy cho đến muôn đời con cháu mai sau.

(Nguồn: http://baobacgiang.com.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...