Tiết tấu - Vị chúa tể trong nghệ thuật âm nhạc

15/03/2017

Khi đề cập các yếu tố quan trọng trong nghệ thuật âm nhạc, người ta thường nhắc đến giai điệu, hòa thanh, tiết tấu… Song, theo phương pháp loại trừ nhằm đạt tới mục tiêu tối giản, chúng ta có thể bỏ đi giai điệu, hòa thanh và bảo lưu mỗi tiết tấu. Sở dĩ làm như vậy là vì trong nhiều loại hình âm nhạc không hề tồn tại giai điệu, nhất là nhạc cụ gõ. Dàn Phèng la của người Hoa vốn có lịch sử lâu đời chẳng hề diễn tấu được giai điệu. Cơ cấu tổ chức này tập hợp nhiều nhạc khí (chiêng) đồng loại, từ Não, Bạt, Cẩu tử la nhỏ vừa lòng bàn tay đến Thâm ba, Tô la có chu vi chừng 150cm, đường kính trên 50cm, kết hợp với trống, đạc, mõ, chuông, khánh... âm thanh vang trời, nhưng chẳng thể diễn tấu bất kỳ nét giai điệu nào khiến cho người nghe nhớ nhung. Nhạc gõ trong các loại hình múa lốt, như: lân, sư, rồng, hẩu cũng chỉ làm rộn ràng phố phường bằng trống, sập sã (Double symbal), thanh la với bản chất đánh động, mà không hề có khả năng điều chỉnh cao độ nhằm tạo ra giai điệu, càng kém về khả năng biểu cảm theo lối nỉ no, tỉ tê hay giãi bày tâm sự. Như vậy, giai điệu không phải thành tố nhất thiết cần có trong nghệ thuật âm nhạc. Nhiều trường phái âm nhạc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nỗ lực loại trừ giai điệu ra khỏi tác phẩm, thậm chí có những nhà soạn nhạc dị ứng với giai điệu.

Vậy, còn hòa thanh? Như trên đã nêu, đối với loại hình âm nhạc không có giai điệu thì hòa thanh không có cơ sở trú ngụ. Ngay tại châu Âu, trước thời Trung cổ chưa từng xuất hiện khái niệm hòa thanh. Hòa thanh, giai điệu đều là những yếu tố ra đời muộn màng. Hòa thanh thống trị trong âm nhạc phương Tây thế kỷ XVII với sự thịnh hành của âm nhạc chủ điệu. Các tác phẩm âm nhạc thời kỳ này đóng khung vào hai điệu tính trưởng thứ. Và bên ngoài nó, hay nói đúng hơn, song song với châu Âu thời Cổ điển có vô vàn truyền thống âm nhạc thờ ơ với hòa thanh, thậm chí cả giai điệu. Cả vùng châu Á rộng lớn, chiếm hơn nửa dân số trên địa cầu, gồm 51 quốc gia, có lịch sử lâu đời và truyền thống âm nhạc không có hòa thanh. Vậy, yếu tố còn lại, đó chính là tiết tấu.

Tiết tấu là gì? Chiếu theo định nghĩa của môn Kiến thức âm nhạc cơ bản, tiết tấu nhằm chỉ “mối tương quan giữa các trường độ nối tiếp nhau”. Nói cho dễ hiểu, tiết tấu được tổ hợp bởi những âm thanh có trường độ dài ngắn khác nhau, kết hợp cùng cường độ mạnh nhẹ. Tiết tấu không phải phạm trù thuộc sở hữu của ngành âm nhạc mà phổ biến trong các hoạt động của đời sống, nói rộng ra, thuộc quy luật vận hành của vũ trụ. Tùy theo độ dài - ngắn, nhanh - chậm mà tiết tấu được thể hiện dưới các mô hình - chu kỳ khác nhau. Chẳng hạn, như chu kỳ tiết tấu của trái đất chẳng hạn. Thời gian trái đất quanh quanh mặt trời là một năm, quanh quanh mình là một ngày. Như vậy, mô hình tiết tấu của trái đất sẽ có hai dạng: thứ nhất là: xuân hạ thu đông; thứ hai là: ngày và đêm. Hai mô hình tiết tấu này lại có thể chia nhỏ hơn, như các mùa lại chia tiếp thành tiết: xuân phân, lập hạ, thu phân, lập đông; ngày có: sáng, trưa, chiều; đêm có trước và sau giờ tý… Trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể chia nhịp điệu ngày tháng thành các chu kỳ tiết tấu khác nhau. Nếu lấy một tuần làm câu nhạc, cuối câu ta có hai dấu lặng, tương ứng với hai ngày nghỉ và một năm có 365, 366 ô nhịp. Quy luật co giãn theo ngẫu số phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Khi mở rộng khuôn khổ bản nhạc, người ta gia tăng chu kỳ tiết nhịp, rồi kéo dài thời lượng bằng cách giảm thiểu tốc độ, ngược lại, thu nhỏ bằng cách giảm chu kỳ tiết nhịp, tăng tốc độ lên. Bài học này con người đã tiếp thu từ thiên nhiên và áp dụng vào nghệ thuật âm nhạc bằng các hình thức biến đổi về tiết tấu.

Không dừng lại ở chiều thời gian, tiết tấu còn đi vào chiều không gian, như mỹ thuật, kiến trúc, văn, thơ… đồng thời các loại hình nghệ thuật lại tự liên kết với nhau theo những cách hình dung gần gũi, như hội họa cũng sử dụng khái niệm Ton, Gam màu, đường nét chuyển động như giọng, thang âm, giai điệu trong âm nhạc. Thơ ca có tiết tấu, vần, điệu như nhịp, phách, cao độ, trường độ trong âm nhạc. Rồi hình dung từ ở nghệ thuật âm nhạc không ngừng tích hợp nghệ thuật không gian, như sáng, tối, ảm đạm, mông lung, đa sắc… Khi đứng lẻ loi một mình, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng đều cảm thấy cô đơn. Hiện tượng này nhắc nhở về cội nguồn tổng hợp của các loại hình nghệ thuật. Thuở xưa, thơ, nhạc, họa, múa… vốn là một thể thống nhất trong nhiều dạng thức văn hóa. Sau khi phát triển theo hướng chuyên môn hóa, từng loại hình mới theo đuổi những cách thức biểu hiện khác nhau. Nhưng, trên chặng đường ấy, chúng vẫn thể hiện những đường liên kết tự nhiên qua nhiều phương diện. Chữ “âm nhạc” gốc Hy Lạp không hề chỉ loại hình nghệ thuật chuyên biệt như sau này mà dùng để gọi tên một ngành nghề của nữ thần Mousike, gồm những công việc liên quan đến thơ ca, âm nhạc và vũ đạo. Bởi vậy, thơ, nhạc, vũ – tam vị nhất thơ nằm rải rác trong thư tịch cổ, đồng thời hiện hữu ngay giữa đời sống âm nhạc.

Xuất phát từ những khía cạnh đa dạng của hiện thực, tiết tấu hình thành nên đặc trưng “cảm biến” giúp con người dễ dàng nhận biết, gọi chung là cảm giác về tiết tấu. Theo đó, tiết tấu có bốn yếu tố: sự thay đổi về thời gian, đường hướng biến hóa ổn định, có thể nhận biết được những thay đổi (nhờ chu kỳ) và nhận biết bằng giác quan. Như vậy, tiết tấu chính là thành tố bất biến trong nghệ thuật âm nhạc nhằm đo lường sự chuyển động của thời gian. Loại hình nghệ thuật này gắn kết tự nhiên với tiết tấu, xuất phát từ bản chất của loại hình nghệ thuật thời gian. Thuở ban sơ nghệ thuật âm nhạc đã đánh cắp ý tưởng sáng tạo của vũ trụ, cất giấu bên trong thực thể âm thanh của mình. Bởi vậy, đứng trước những thay đổi của nghệ thuật âm nhạc, tiết tấu vẫn đứng vững như vị chúa tế quyền uy, không gì lay chuyển. Sau khi xâm nhập nghệ thuật không gian vô thanh, nghệ thuật thời gian vô hình, kết nối với dấu lặng, tiết tấu trở thành nhân tố chủ đạo tạo tựu cho sự hiện hữu của nghệ thuật âm thanh bằng những biến đổi vi diệu, nhiệm màu.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...