Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ

27/01/2015

1. Sóng trên biển phong trào

Sau sự thoái trào của cây đàn Electric Keyboard (hay quen gọi là đàn Organ), mấy năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế tại những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… phong trào học đàn piano bắt đầu trở nên thịnh hành, phổ biến... Đối với một nhạc cụ, ngoài giá trị vật chất, nó còn được khoác trên mình ý nghĩa văn hóa, tính chất biểu trưng... Đàn piano tuy không có nhiều tính năng đa dạng như đàn Electric Keyboard, nhưng lại mang giá trị biểu trưng của văn hóa Tư sản (phương Tây). Xét ở khía cạnh này, đàn piano đã hình thành suốt chiều dài mấy trăm năm lịch sử, tạo nên bởi những đóng góp to lớn của nhiều nhạc sĩ thiên tài, nghệ sĩ kiệt xuất. Đàn piano vốn là một công cụ trong tay người sáng tác, nhờ vậy, nó tập trung số lượng dồi dào tác phẩm âm nhạc ưu tú, xuất sắc. Khi tiếp xúc với đàn piano, người học dễ dàng liên tưởng tới W.A Mozard, L.V.Beethoven, F. F.Chopin, F.Liszt… hay Arthur Rubinstein, Rudolf Serkin, Sviatoslav Richter, Vladimir Samoylovych Horowitz, Glenn Gould, Đặng Thái Sơn…

Giá trị văn hóa, nghệ thuật tích lũy theo thời gian tạo nên nhiều lớp hào quang phủ ngoài cây đàn. Những âm thanh kết tinh từ thành quả của những vĩ nhân, thiên tài, pianist xuất chúng luôn chập chờn, ám ảnh, hóa thân cao độ vào giấc mơ âm nhạc của người theo học. Nó trở thành nguồn năng lượng vô hình thôi thúc, làm thành cầu nối với cây đàn. Chẳng phải ngẫu nhiên, làn sóng học đàn Electric Keyboard “sớm nở tối tàn” và đi đến hồi kết một cách lặng lẽ. Thực tế đó không chỉ xuất phát từ lý do kinh tế, mà còn chịu ảnh hưởng trước tác động văn hóa. Electric Keyboard chưa thoát khỏi hình bóng của piano để chuyển hóa thành cây đàn độc lập và quan trọng hơn là tạo nên dấu ấn cá nhân. Từ chỗ liên tục được bổ sung giá trị đặc biệt, đàn piano nghiễm nhiên trở thành biểu trưng của nền văn hóa thượng lưu, hấp dẫn nhiều người tham gia thiết kế, xác lập Căn cước văn hóa. Ở những khu đô thị mới, như Phú Mỹ Hưng thuộc hạng “Gangnam Style”, “Xã hội Tiểu khang” chẳng hạn, bên cạnh chiếc xe hơi đắt tiền dấu mình trong garage những tòa biệt thự sang trọng, còn có cây đàn piano ngự trị giữa phòng khách xa hoa. Nhiều phụ huynh hướng con cái theo học piano, không ngoài cả mục đích thể hiện lối sống, giai tầng xã hội….

Lang thang trên những con đường quy hoạch chỉnh trang trong khu đô thị mới, bất giác nghe thấy tiếng đàn văng vẳng phát ra từ một căn biệt thự giữa không gian tĩnh mịch, yên ả... tiếng dương cầm càng trở nên mê hoặc khiến ta lạc bước vào một chiều không gian khác, nơi in dấu một thời đã qua..

2. Dĩ vãng một thời

Cuộc đời con người ngắn ngủi hơn so với chiều dài lịch sử. Vì thế, lịch sử luôn là tấm gương phản chiếu chiều không gian - thời gian ký ức. Lịch sử âm nhạc nước nhà đã ghi nhận những tên tuổi, như: Thái Thị Liên, Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh… làm nên dấu ấn một thời qua những đóng góp mang tính chất nền tảng trong nền âm nhạc Cổ điển cho cây đàn piano. Thế nhưng để có được tiếng đàn vang lên siêu thoát giữa những “Thánh đường” âm nhạc là chuỗi ngày dài gian khó, cần mẫn, nhọc nhằn… Hình ảnh “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” không chỉ là hình tượng nghệ thuật đi vào tác phẩm, mà còn chính là cuộc sống của nhiều thầy cô giáo, sinh viên, học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam những năm tháng chiến tranh. Sau khóa học 1964 – 1965, thầy trò Trường Âm nhạc trải qua nhiều đợt sơ tán lên Phú Xuân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang rồi về Giang Soi, Hà Tây… Giữa những trận bom ác liệt, trên bầu trời xanh ngát, dưới mặt đất ngổn ngang bom đạn vẫn có những âm thanh trong trẻo của đàn dương cầm cất lên. Bởi vậy, hình tượng “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” mới khiến lòng người xao xuyến hơn cả tiếng đàn phát ra từ một căn biệt thự. Nó ngự trị trong thế giới tâm hồn, đánh dấu sự hồi sinh giục giã. Mãn Giác Thiền Sư từng cảm thán, xao động trước “nhành mai trước sân”. Vì, nó đánh dấu ý nghĩa hồi sinh, giá trị huyền vi, bất tử sau đêm dài ngủ vùi giữa mùa đông lạnh giá. Sự phục sinh của tâm hồn là những giây phút bình yên giữa tang thương đất trời. Ý nghĩa phỏng chiếu đó chuyển tải ước nguyện ngàn đời của một dân tộc từng đi qua những năm tháng sống giữa cái chết mong manh.

3. Biến khúc trên chủ đề Hiện thực

Trong xu hướng thị trường hóa, nhạc viên là một trong những cơ sở kiêm vai trò phổ cập giáo dục âm nhạc. Ở nước ta, nhạc viện là tổ chức quan phương về lĩnh vực giáo dục âm nhạc. Nhìn từ góc độ thị trường, nó có giá trị như một thương hiệu nhằm kích thích, thu hút “khách hàng”. Vào thời kỳ kinh tế thị trường nhuốm màu sắc thương mại phủ lên nhiều lĩnh vực, địa hạt, “thương hiệu” có khả năng thu hút, hấp dẫn nhiều đối tượng. Những mô hình đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp như nhạc viện trở thành điểm đến của các bậc phụ huynh lựa chọn cơ sở giáo dục cho con em. Xét về nguồn nhân lực, nhạc viện đáp ứng được nhu cầu đa dạng, từ đơn giản đến khắt khe, cộng hưởng với sự lầm tưởng giữa việc tiếp nhận giáo dục tại cơ sở nhạc viện và học theo chương trình của nhạc viện. Đôi lần nghe thấy tiếng đàn phát ra từ phòng học piano ở Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh không khỏi ngạc nhiên bởi thứ âm thanh ngô nghê, không còn thuần túy chất kinh viện, “sạch nước cản” thuở nào. Nhạc viện vốn là “vườn ươm tài năng” nghệ thuật âm nhạc nước nhà, sau khi tham gia tích cực vào quá trình xã hội hóa, phổ cập thứ giá trị tinh thần từng thuộc về thiểu số khó tránh khỏi tha hóa, ngả màu đa tạp. Hiện tượng cộng tồn giữa nhiều mô hình đào tạo không tương thích nhau trong cùng một cơ sở ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh, uy tín của Nhạc viện xét về lâu dài. Nó đẩy cơ sở âm nhạc này xuống cấp bình dân và không khéo sẽ dẫn tới sự lẫn lộn giữa trình độ chuyên nghiệp – nghiệp dư, thậm chí tổn hại đến thanh danh nhiều thế hệ đã đóng góp vào lịch sử. Luật giá trị thời thượng hững hờ với những chuẩn mực khắt khe đang san phẳng đi khoảng cách giữa âm nhạc đỉnh cao và đại chúng. Nhiều sinh viên ngoại quốc không khỏi ngạc nhiên về tình hình tạp nham bên trong Nhạc viện. Học viên ngoài giờ đông đúc hơn sinh viên chính khóa. Mặc dù vấn đề gia tăng nguồn thu ngân sách nổi lên như một mâu thuẫn cần giải quyết, nhưng xét về tư duy chiến lược, mục đích vươn tới cơ sở đào tạo âm nhạc đỉnh cao vẫn phải duy trì như một định hướng bất biến. Ngay cả nước Mỹ vốn (được tưởng) có nền kinh tế thị trường tự do thuần túy, song rất nhiều cơ sở giáo dục, nhà hát… không tiếp nhận những phần tử chưa đạt chuẩn. Nhiều sản phẩm sáng tạo đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển đều được Chính phủ tài trợ hoặc doanh nghiệp đầu tư rủi ro... cung cấp nguồn tài chính. Nhà nước chúng ta đã “làm quá ít những việc đáng làm và làm quá nhiều những việc không nên làm”, từ đó dẫn tới tình trạng “nửa vời” như hiện nay.

Xét về lâu dài, cần tách hai bộ phận đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên ra khỏi cơ sở đào tạo của các nhạc viện. Nhạc viện không nên tranh dành thị phần với thị trường đào tạo âm nhạc đại chúng. Các thầy cô nhạc viện cần thấy rõ trách nhiệm của mình trước sự đánh đổi giữa cách thức mưu sinh và phương thức thể hiện mình nhằm tránh tình trạng đóng nhầm vai.

Theo nghiên cứu thực nghiệm, người ta đã tìm ra mối liên hệ giữa giáo dục âm nhạc và tình hình suy giảm hành vi phạm tội đối với trẻ vị thành niên. Đất nước Venezuela, quốc gia có những bước phát triển đáng kinh ngạc về cơ sở giáo dục âm nhạc công lập cho trẻ em nghèo, trẻ vị thành niên và đã tìm thấy hiệu quả tích cực thông qua chương trình phổ cập âm nhạc. Số lượng trẻ phạm pháp giảm đáng kể sau khi quốc gia này áp dụng chương trình El Sistema. Tổ chức El Sistema thành lập năm 1975 quản lý trên 150 dàn nhạc thanh niên, 70 dàn nhạc thiếu niên, tạo điều kiện cho hơn 250 nghìn thanh thiếu niên tham gia học tập âm nhạc miễn phí. Các em được cấp nhạc cụ, thẻ xe buýt đi học… Trong khi ở nước ta, ngay cả Nhà văn hóa, Cung thiếu nhi vốn là thiết chế sinh hoạt dành cho trẻ em cũng bị xé vụn thành những mảnh lợi ích rời rạc. Tất cả đều có sự hậu thuẫn của hoạt động kinh doanh biến “thiên đường trẻ thơ” thành chốn dung tục, tạp nham. “Thị trường nửa vời” đã cộng tồn cả hai yếu tố suy đồi, dã man của Chủ nghĩa tư bản và thoái hóa, biến chất của Chủ nghĩa xã hội. Nhiều nhà làm luật đang đề xuất trẻ hóa đối tượng trẻ vị thành niên phạm pháp. Biện pháp răn đe, chừng trị bằng pháp luật xem ra cần thiết trong lúc này, nhưng thật khó thể đi sâu vào sở trú tâm hồn con người chừng nào môi trường văn hóa, xã hội, giáo dục, đạo đức… chưa được cải thiện. Trong căn nhà đổ nát, tan hoang về giá trị đạo đức, lối sống, mong sao những hạt giống tâm hồn vẫn tiếp tục được gieo lên từ tiếng dương cầm.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...