Tiếng động thiên nhiên trong âm nhạc

21/04/2016

Như chúng ta đã biết, hình tượng của thiên nhiên đã được phác họa và tái hiện trong nhiều tác phẩm âm nhạc kinh điển qua các thời kỳ như: thời kỳ Trung cổ, Phục hưng, Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, hay âm nhạc thế kỷ XX cho đến nay. Trong hầu hết những tác phẩm âm nhạc đó, các nhà soạn nhạc đã đưa những âm thanh trong thiên nhiên vào tác phẩm của mình thông qua việc khai thác triệt để tính năng ưu việt của các nhạc cụ để mô phỏng và bắt chước những âm thanh tự nhiên, hoặc tài năng hơn nữa là xây dựng hình tượng thiên nhiên trong bút pháp sáng tác âm nhạc. Tuy nhiên, với sự vận động, phát triển, biến đổi của vũ trụ và vạn vật, trong đó có con người thì nhu cầu nghe nhạc cũng như quan điểm về thẩm mỹ nghệ thuật ngày càng đa dạng. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân để các tác phẩm âm nhạc ra đời đáp ứng thị hiếu âm nhạc khác nhau của công chúng yêu nhạc. Có thể nói, từ nửa cuối thế kỷ XX cho tới thế kỷ XXI đã xuất hiện nhiều tác phẩm âm nhạc khắc họa hình tượng của thiên nhiên một cách rõ nét và cụ thể hơn. Nhiều nhạc sĩ đã sử dụng những âm thanh điện tử hoặc thu thanh trực tiếp tiếng động từ thiên nhiên và đời sống của con người rồi hòa âm, làm nền cho tác phẩm của mình.

Với nhiều khuynh hướng và cách làm khác nhau nhưng có một trường phái chính, đó là New age.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì “Nhạc New age là nhạc chậm rãi nhằm tạo ra cảm hứng nghệ thuật, thư giãn và lạc quan. Nó được các thính giả sử dụng trong quá trình tập yoga, mát xa, thiền định và đọc, như một phương pháp quản lý căng thẳng hoặc để tạo ra một bầu không khí thanh bình như ở nhà hoặc các môi trường khác và thường gắn liền với chủ nghĩa môi trường và tâm linh New age”.

Qua khái niệm trên cũng cho thấy rằng việc đưa bản chất âm thanh của thiên nhiên vào âm nhạc là có mục đích rõ ràng và xuất phát từ tính sáng tạo nhất định. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề gây nhiều bàn luận trong giới hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Vì nhiều người cho rằng, hình tượng trong âm nhạc mang tính nghệ thuật cao, không thể dùng những âm thanh thật để miêu tả cảm xúc của con người một cách dễ dãi được.

Vậy đối với các công chúng yêu nhạc thì sao khi nghe một bản nhạc lại thấy xuất hiện tiếng kêu của các loài động vật như tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tiếng lao xao của cây rừng, tiếng gió hú trên đồi, tiếng tuyết lở trên núi cao, tiếng sóng biển rì rào, tiếng mưa rơi, tiếng gào thét của bão tố, tiếng động từ đường phố hay thậm chí cả tiếng trẻ thơ khóc, cười, tiếng người nói xôn xao nơi phố chợ…? Chắc chắn cũng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Do đó, bài viết cũng xin giới thiệu một số nhạc hay một vài tác phẩm âm nhạc có sự xuất hiện của những tiếng động trong thiên nhiên để chúng ta cùng thử trải nghiệm.

Trên thế giới có khá nhiều ban nhạc sáng tác và biểu diễn thể loại New age, trong đó phải nhắc tới ban nhạc Bandari. Đây là ban nhạc ở Thụy Sĩ được thành lập vào năm 1990 và do Oliver Schwartz dẫn đầu gồm các thành viên là nghệ sĩ sáng tác, biễu diễn và ghi âm.

Để thực hiện những CD của mình, ban nhạc Thụy Sĩ này đã đến hầu hết tất cả các hồ nước, các dòng sông nổi tiếng như River Rhine hoặc lên những dặng núi cao ở châu Âu như dãy The Alps…để thu lại thanh âm của thiên nhiên, kết hợp với những giai điệu nhẹ nhàng êm dịu hòa quyện cùng tiếng lá xào xạc, tiếng nước chảy qua khe đá hay tiếng chim hót trong buổi sớm mai. Nghe nhạc của Bandari, chúng ta như đang đứng trước một làn gió mát, đang ngắm nhìn dòng nước trong xanh lững lờ trôi hay màu xanh bạt ngàn của đồng cỏ bao la. Mỗi tác phẩm đều mang đến một không gian đầy chất thơ và cảm giác bình yên, lắng đọng trong tâm thức của người nghe. Điều này có thể cảm nhận rõ nét qua những tác phẩm như: Melody of rain, Good morning sunshine, The First Snowflackes…

Một nhóm nhạc nữa sáng tác và biểu diễn dòng nhạc New age rất nổi tiếng, đó là Secret Garden. Nhóm này có hai thành viên là nghệ sĩ dương cầm, đồng thời là nhạc sĩ sáng tác người Na Uy Rolf Løvland và nữ nghệ sĩ vĩ cầm người Ai Len Fionnuala Sherry. Hai nghệ sĩ này đã bán được hơn 3 triệu album và giành thắng lợi trong cuộc thi âm nhạc Eurovision vào năm 1995 với ca khúc Nocturne. Từ thông tin trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và nhiều bài báo đã cho thấy thành công lớn nhất của Secret Garden tại Eurovision là album đầu tiên có tựa đề Songs from a Secret Garden. album này đã bán được 1 triệu bản trên khắp thế giới, được chứng nhận bạch kim ở Na Uy và Hàn Quốc, vàng ở Ai Len, Hồng Kông và New Zealand, hai năm liên tiếp (1996 và 1997) lọt vào bảng xếp hạng Billboard New Age. album White Stones cũng đứng trong Top 10 bảng xếp hạng Billboard New Age vào năm 1997. Họ ra tiếp album Dawn of a New Century vào năm 1999 với phần lời do Petter Skavlan sáng tác, hai album còn lại là Dreamcatcher vào năm 2001 và Once in a Red Moon cũng đạt được thành công lớn khi nằm trong Top 10 bảng xếp hạng Billboard.

Không khai thác triệt để tiếng động của thiên nhiên trong tác phẩm nhưng giai điệu và hòa âm của Secret Garden tràn ngập tiếng sóng biển, những tiếng piano lóng lánh như tiếng mưa rơi trầm tư sâu lắng, tiếng violon nhẹ nhàng da diết nỗi nhớ như nhịp đập trái tim đầy hòai niệm... Hãy thử lắng nghe những tác phẩm nổi tiếng của nhóm Secet Garden như: Nocturne, Pastorale, Song from a secret Garden, Sigma, Serenade to Spring, Adagio…. chắc quý vị sẽ tự cảm nhận thấy rõ điều này.

Sự hiện diện của thiên nhiên trong âm nhạc đôi lúc chỉ là phác hoạ một cách khái quát, nhưng nhiều khi lại hiện hữu đầy sống động. Chúng ta có thể thấy rõ trong những CD hấp dẫn và độc đáo của nhà sản suất âm nhạc người Trung Quốc Wu Chin-tai, kết hợp với hãng thu âm Wind Music tại Taiwanese với các sản phẩm như các CD The forest show, My Ocean hay CD mới nhất mang phong cách New age sản xuất năm 2013 mang tên Birds II: Where the Sounds of Nature Dwell đã mang lại những âm thanh thiên nhiên thật sự thú vị.

Khi sống gần gũi với thiên nhiên con người luôn có những cảm xúc mạnh mẽ, tìm được sức mạnh của chính mình cùng những ý tưởng và sự sáng tạo tinh tế trong nghệ thuật. Những âm thanh và cảnh sắc của thiên nhiên đã góp phần cùng các nhà sản xuất âm nhạc cho ra đời những sản phẩm sinh động. Bằng sự cảm nhận tinh tế, mỗi chúng ta đều có thể nhận thấy sự hiện diện của tiếng thiên nhiên trong âm nhạc. Bằng sự tinh tế trong sáng tạo, nhiều nhạc sĩ không chỉ mô phỏng những âm thanh từ thiên nhiên bằng các nhạc cụ mà còn thể hiện cuộc sống hiện thực và bản chất của thiên nhiên tạo nên những bản hòa âm tuyệt diệu, có sự liên kết chặt chẽ trong từng câu, từng ý nhạc.

Tại Thái Lan cũng có một số nhạc sĩ sáng tác âm nhạc theo xu hướng này. Có thể nhắc tới CD Season of life của Chamras Saewataporn, trong đó có tác phẩm The river of forever đã thu lại những âm thanh suối chảy, kết hợp với nghệ thuật trình tấu flute của nghệ sĩ Nukoon Panyadee và được hòa âm tại phòng thu ở Bangkok Thailand. Tác phẩm viết về không gian thanh bình bên bờ suối trong mát, thời gian cứ thế trôi đi trong sự chiêm nghiệm về cuộc đời của con người cùng những cảm giác kỳ diệu khi hòa mình trong dòng chảy tươi mát ấy. Dòng suối cứ chảy mãi trong sự luân hồi của ngày và đêm, đó là sự sống vĩnh cửu của tinh thần con người và cuộc sống của thiên nhiên.

Hiện nay, trong những dòng chảy của nhiều trào lưu âm nhạc thì các tác phẩm âm nhạc gắn liền với thiên nhiên luôn mang lại sự mới lạ và thư giãn tinh thần. Nếu như sau những ngày là việc căng thẳng, con người phải chi phí rất nhiều tiền bạc và thời gian để tìm đến với những khu rừng nguyên sinh, những vùng biển mênh mông sóng vỗ, khám phá những vùng đất hoang sơ... để được hòa mình vào không gian vốn tươi đẹp và quyến rũ, thì những nhạc sĩ cùng với sự sáng tạo tinh tế đã có thể mang lại cho chúng ta những giây phút đam mê đó qua những đĩa nhạc.

Có thể đây cũng là câu trả lời của nhiều công chúng yêu nhạc. Quả thật là kỳ diệu, vì khi thưởng thức một bản nhạc chúng ta lại được đưa tới những vùng đất tươi đẹp, được hòa mình với những cảnh sắc sống động. Điều này cho chúng ta nhớ tới một nghệ sĩ tài ba đã mang hơi thở của thiên nhiên bao la vào trong các tác phẩm âm nhạc – nghệ sĩ Dan Gison. Vốn là một nhiếp ảnh gia, nhà điện ảnh và nhà ghi âm người Canada, ông còn có nhiều thành tựu trong kỹ thuật ghi âm cuộc sống hoang dã và âm thanh trong tự nhiên. Năm 1946, ông thành lập công ty Dan Gibson Productions Ltd và bắt đầu sự nghiệp làm phim thiên nhiên và series truyền hình. Với tình yêu say đắm vẻ đẹp của thiên nhiên, Dan Gison đã đi đến nhiều vùng đất lạ, khám phá và thu âm lại những âm thanh kỳ diệu của cuộc sống hoang dã. Ông đã từng đặt chân tới những khu rừng nguyên sinh phía Bắc Phi để thu lại những tiếng ru của đại ngàn, chinh phục nhiều ngọn núi và thung lũng để khám phá tiếng sói hú gọi bầy trong đêm trăng giữa núi rừng hoang lạnh. Trong những chuyến đi của mình, ông còn thu lại tiếng sóng từ những hồ nước ẩn mình trong rừng sâu đến vùng biển Thái Bình Dương, cho tới tiếng sóng biển lạnh cóng miền Bắc cực với những tảng băng trôi, hay những âm thanh kỳ lạ ở vùng cát nóng bỏng của sa mạc.

Năm 1981, ông đã cho ra thương hiệu âm nhạc thiên nhiên của riêng mang tên Solitudes và cùng với một số nhạc sĩ như Micheal Maxwell, Ron Allen, John Herberman... sản xuất khoảng 150 album nhạc thiên nhiên. Những sản phẩm âm nhạc này thành công tới mức kích thích mọi giác quan của con người, cuốn hút người nghe đến những miền đất xa thẳm.

Nếu như nghe album Guarians of Atlantis của Dan Gison và Micheal Maxwell trong những ngày hè oi bức sẽ giúp chúng ta được hòa mình vào không gian của những đợt sóng tung trào ở vùng biển Atlantic đầy thú vị. Với cảm giác đang lướt nhanh bên dưới cùng những con sóng, đi sâu xuống đáy biển, lạc vào vương quốc của cá heo, khám phá vẻ đẹp tinh tế trong sự kết hợp giữa âm nhạc với âm thanh lóng lánh ánh bạc, sâu thẳm từ đáy đại dương, và lắng mình trong sự tự do vĩnh cửu.

Album nhạc mang tên Journey with the Whales của Dan Gison cùng nhạc sĩ John Allen là những âm thanh kỳ lạ của những chú cá voi nhảy lên khỏi mặt nước rồi lặn sâu xuống đáy biển. Trong sâu thẳm đại dương bao la là những giai điệu bất tận, mơ màng, những bài hát êm dịu vang lên trong tâm thức từ lớp lớp luân hồi thời gian và không gian. Chúng ta sẽ được thưởng thức sự đối thoại thú vị giữa âm nhạc với những âm thanh kỳ ảo của đại dương. Hay khi lắng nghe album Forest piano chúng ta có thể cảm nhận được những màu sắc âm thanh huyền ảo đầy thanh bình trong khu rừng nguyên sinh. Lời hát của lá rừng xào xạc trong gió cùng giai điệu nhẹ nhàng buông trôi của tiếng đàn piano sẽ cho chúng ta được đắm mình dưới ánh trăng đêm vằng vặc, lắng nghe đất hát và hơi thở từ không gian bao la trên bầu trời với từng đám mây trôi theo làn gió vô tư, rồi cùng mơ màng cùng dòng suối chảy về vô tận.

Ngoài rất nhiều các hãng sản xuất âm nhạc, các nghệ sĩ, các nhạc sĩ tài năng trên thế giới đã cho ra đời những sản phẩm âm nhạc thiên nhiên thì tại Việt Nam cũng đã có một số nhạc sĩ khám phá phong cách âm nhạc này. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh với album Kiss of the Sea xuất bản năm 2009 mang với phong cách New age đã sử dụng những âm thanh tự nhiên đôi khi như một đoạn dạo đầu hoặc là chủ đề xuyên suốt của một bản nhạc. Nhạc sĩ đã khai thác tính năng của nhạc điện tử hòa cùng những âm thanh vang vọng từ thiên nhiên như tiếng sóng biển, tiếng gió kết hợp với những giai điệu bất tận trong hứng khởi từ cuộc sống tự nhiên được tái hiện bằng những giai điệu âm nhạc.

Có thể nói, từ xa xưa con người đã sống gần gũi với thiên nhiên, vì vậy những tác phẩm nghệ thuật mang bóng dáng của thiên nhiên là một điều tất yếu. Bằng những góc nhìn khác nhau, các nhà sản xuất âm nhạc và các nhạc sĩ đã khai thác âm thanh trong thiên nhiên và trong đời sống vào các tác phẩm âm nhạc của mình với nhiều màu sắc phong phú. Thiên nhiên mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật, do đó những tác phẩm âm nhạc xây dựng rõ nét hình tượng thiên nhiên hoặc sử dụng tiếng động từ thiên nhiên một cách có ý thức và hợp lý cũng là một hình thức tạo nên sự mới lạ trong thưởng thức âm nhạc. Đây cũng là sự tương tác hai chiều giữa đời sống tinh thần của con người với tự nhiên. Mặt khác, sự hiện diện của thiên nhiên trong các tác phẩm nghệ thuật nói chung còn là bức thông điệp giúp mọi người thêm yêu mến và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ sự sống cho trái đất và cho chính chúng ta.

Hà Nội, 17/09/2015

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...