Tiếng cồng vượt thác

23/04/2015

Mười lăm năm sống trên miền Bắc, tôi chưa có một bài hát nào viết về Tây Nguyên. Mãi đến năm 1968, tôi mới viết nhạc cho một vũ kịch Chén rượu diệt địch do Y Brơm biên đạo, Đoàn ca múa Tây Nguyên (tập kết) trình diễn.

Tôi và Nhật Lai cùng sống chung tại Khu Văn công Cầu Giấy, nơi ở của Đoàn ca múa miền Nam và Đoàn ca múa Tây Nguyên. Tôi được anh Nhật Lai truyền ngón nghề một vài chiêu thức, đặc biệt là những kinh nghiệm trong quá trình nhạc sĩ Nhật Lai viết vở nhạc kịch Bên bờ Krông Pa (1968). Đây là vở nhạc kịch (opera) thứ hai của Việt Nam, sau vở Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Tôi mãi ôm ấp hoài bão là sau này thế nào cũng cho ra đời một vở nhạc cảnh nào đó. Muốn như vậy thì phải không ngừng tích lũy vốn sống, vốn nghề nghiệp, vốn âm nhạc dân gian. Và, quan trọng nhất vẫn là rèn luyện được sự kiên nhẫn, miệt mài trong lao động sáng tạo.

Tháng tư năm 1970, tôi giã từ Hà Nội, vượt Trường Sơn về miền Nam, có mặt trực tiếp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cẩm nang tôi mang theo nặng gần ba ký lô sách, gồm: Tính năng các đàn dây, tính năng các nhạc cụ của bộ Gỗ, Đồng, Gõ, Gảy và Phím, Phối khí tứ tấu đàn dây, Phối khí dàn nhạc giao hưởng nhỏ, Phối khí dàn nhạc đại giao hưởng, Tính năng các giọng hát và tài liệu nghiên cứu của nhạc sĩ Ngô Đông Hải (tức Nguyễn Đồng Nai) về thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Nam Bộ.

Suốt 4 tháng hành quân, dọc dường bị rắn độc cắn tưởng chết, rồi bị sốt ác tính… tôi định quăng bớt tài liệu âm nhạc. Nhưng suy đi nghĩ lại, những cuốn sách này rất quý hiếm cho mình mà còn mang lại nhiều kiến thức kỹ thuật sáng tác cho các bạn đồng nghiệp ở chiến trường… nên tôi ráng “tha” về đến nơi đến chốn.

Năm 1971, tôi được biệt phái bên Cục Chính trị Quân giải phóng, tham gia giảng bài cho trại sáng tác. Tôi gặp lại bạn bè cũ, như: Vũ Thành, Trí Thanh, Phong Kỳ, Trương Việt Thông, Thạch Xrây Manh, Đinh Oai, Lê Đình Tiểng…

Theo yêu cầu của Đoàn Văn công Quân giải phóng, tôi viết bản độc tấu đàn t’rưng cùng dàn nhạc do Đinh Oai biểu diễn (Trước khi đi B, Đinh Oai là nhạc công của Đoàn Ca múa Tây Nguyên). Đây là tiết mục đầu tiên của tôi viết về Tây Nguyên ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, với tiêu đề Tiếng t’rưng giữ rẫy.

Vài tháng sau, tôi trở về cơ quan là ngành âm nhạc Giải phóng thuộc Tiểu ban Văn nghệ R, rồi biệt phái đến Đoàn múa hát Giải phóng do anh Thái Ly phụ trách. Anh Thái Ly và tôi bàn bạc với nhau phải có một tiết mục dài hơi nhằm tập hợp các bộ môn ca, múa và nhạc để kịp thời xuống đường phục vụ chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Trước đây, đoàn đã từng dàn dựng và biểu diễn thành công ca cảnh Giải phóng của nhạc sĩ Thanh Trúc. Như vậy, anh chị em đã quen loại hình vừa hát vừa diễn xuất trong một cốt chuyện nào đó. Phân nửa quân số của đoàn được chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc, đã tốt nghiệp ở trường Âm Nhạc, trường Múa tại Hà Nội (có người tốt nghiệp ở Bungari như nhạc sĩ Đinh Sơn).

Nhạc sĩ Thanh Trúc và nhạc sĩ Kpa Ylăng che giùm tôi một túp lều dưới gốc cây da. Một bầy sâu (ấu trùng) chưa thành bướm đỏ cứ lúc nhúc “chào ra mắt” tôi trên bàn viết, trên võng, trong bồng, trên nền nhà. Tôi dự định viết một nhạc cảnh, nhưng chưa rõ chọn đề tài nào, chất liệu âm nhạc nào? Tôi đang ở rừng, chưa đi thực tế đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây đang hừng hực khí thế nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt ác ôn, bám đất giữ làng. Buộc lòng phải khất lại đề tài về Nam Bộ, hẹn năm sau. Còn bây giờ phải viết về phong trào đồng khởi của các dân tộc ở Tây Nguyên. Dân ca Tây Nguyên giàu chất trữ tình, đậm chất bi hùng, mang tiết tấu vũ điệu hấp dẫn, mà cảm hứng của tôi cũng đang nhập tâm hào hứng.

Mùa này, rừng già miền Đông Nam Bộ về đêm lạnh giá, khí hậu ẩm thấp khó thở. Quần áo giặt đem phơi mấy ngày chưa khô. Tôi bị sốt rét cách nhật. Mỗi lần lên cơn sốt cập nhiệt hơn 40 độ. Vừa run lẩy bẩy vừa lẩm nhẩm một số giai điệu. Nhà thơ Lê Giang viết lời hát tới đâu tôi phổ nhạc ra tới đó.

Đêm đêm, nhạc sĩ Hoàng Thọ (clarinette) và nhạc sĩ Kpa Ylăng vác súng đi săn. Lúc thì được con cheo, khi thì được con… mèo rừng. Anh em xúm xít quây quần quanh nồi cháo, vừa đập bầy muỗi vừa cười nói râm ran.

Nhớ một đêm, tôi vừa ôm cây đàn mandoline cũ kỹ từng tưng một vài chủ đề trong nhạc cảnh thì nhạc sĩ Thanh Trúc rọi đèn pin đến thăm tôi, vừa hỏi tôi viết đến đâu rồi, vừa hát cho tôi nghe một ca khúc mới. Đó là bài Câu hát bông sen mà sau này trở thành nổi tiếng. Người đầu tiên trình diễn là ca sĩ Tô Lan Phương.

Tôi phải thi đua với thời gian để kịp hoàn thành nhạc cảnh cho đoàn múa hát còn phải tập dượt. Tôi cũng dè chừng rủi mình có chuyện gì thì cũng còn có cái gì đó để lại. Bởi cơn sốt rét ác tính còn đang hành hạ tôi. Bị teo cơ, tóc rụng, sưng lá lách lá gan nên bụng bị phình lên như “quả địa cầu”. Thế nhưng, nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác đã viết xong. Tổng phổ dày cộm, những dòng nhạc hiện lên chi chít, các nốt nhạc như những hạt mè đen được rải dày đặc lên giấy.

*

* *

Vở nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác quy tụ nhiều anh chị em nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng trong rừng: Thế Hải đóng vai Già làng, Tô Lan Phương vai cô gái. Phạm Dũng vai anh giải phóng quân. Tôi trực tiếp “vỡ hoang” dàn nhạc. Anh Thái Ly thì lo đạo diễn. Họa sĩ Phạm Đỗ Đồng thiết kế phục trang. Thợ mộc Thành làm một số đạo cụ. Đoàn cử người xuống Gò Dầu, Tây Ninh mua vải vóc, và tậu một cây đàn accordéon nhãn hiệu Ý mới toanh cho Kpa Ylăng sử dụng.

Tôi còn nhớ anh chị em tập cả ngày đêm, mới ráp vài lần giữa hát với dàn nhạc, với múa thì có lịnh: Anh Tư Siêng (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) sắp đi họp bên Chính phủ nên muốn xem qua vở nhạc cảnh. Không ngờ lại có mặt các nhạc sĩ: Nguyễn Đồng Nai, Hồ Bông, Cửu Long, Phạm Minh Tuấn và Kỳ Lân. Ngoài ra còn có nhà văn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam). Té ra, đây là một buổi duyệt chính thức mà không được báo trước. Anh em có nhiều ý kiến thật nhiệt tình. Có người lo nhạc cảnh này quá sức, khó có thể dựng thành công, nên gởi tổng phổ ra Hà Nội sử dụng thì may ra. Người thì bảo nên rút ngắn lại, đơn giản như thể loại ca cảnh. Người thì đề nghị phối khí lại, chớ không thì nghe “chỏi” lắm. Lại có ý kiến cho rằng nếu có quỹ thời gian thì tập tành ngày càng nhuyễn hơn, cùng với sự chăm chút phục trang, đạo cụ và trang trí mỹ thuật thì đây có thể là một tiết mục khá hấp dẫn.

Khi phái đoàn rút về, anh Thái Ly phát động toàn đoàn hạ quyết tâm dàn dựng cho thành công vở nhạc cảnh.

Đêm tổng duyệt chương trình ca múa nhạc đạt kết quả tốt đẹp. Riêng nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác được nhiều bạn bè tán thưởng. Chúng tôi lên đường phục vụ các đơn vị bộ đội, Thanh niên Xung phong, dân công đang chiến đấu trên đường 13.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), trên đường chuyển về căn cứ mới, chúng tôi đón giao thừa Tết Quý Sửu trong những căn nhà đổ nát của một thị tứ vừa trải qua một trận bom dữ dội. Tôi bàn giao việc chỉ huy dàn nhạc cho nhạc sĩ Kỳ Lân. Sau đó, Đoàn múa hát Giải phóng biểu diễn phục vụ các chị em được trao trả từ những nhà tù Mỹ ngụy. Đêm diễn được tổ chức trong một nhà kho tại Lộc Tấn (Lộc Ninh). Cái nóng nực hừng hực khiến cho người diễn lẫn người xem nhễ nhại mồ hôi. Lâu lâu lại có chị em được trao trả từ các nhà tù, vì bị khảo tra đánh đập nên có người ngất xỉu phải chở đi cấp cứu.

Tại hội trường âm dưới mặt đất ở Thiện Ngôn – Sa Mát (Tân Biên – Tây Ninh), nhạc cảnh được chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam lần thứ hai. Có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục Miền, các lãnh tụ của Đoàn Thanh niên, đặc biệt có những đại biểu của T4 (Sài Gòn – Gia Định): Dương Văn Đầy, Phạm Chánh Trực, Tôn Thất Lập, Lê Duy Hạnh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Trương Quốc Khánh.

Đài phát thanh Giải phóng thu tiếng tại chỗ chương trình biểu diễn của Đoàn múa hát, và in sang băng cassette tiếng nhạc cảnh tặng cho tôi. Tôi giữ gìn như báu vật đời mình cho đến hôm nay.

Tôi nhớ một đêm, nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác được biểu diễn chào đón nhà thơ Tố Hữu tại căn cứ Ban Tuyên huấn R. Đêm đó trăng thanh gió mát, rừng xuôi gió nên chúng tôi nghe văng vẳng tiếng trống, tiếng cồng nổi lên vang vọng, dàn nhạc và dàn đồng ca đang trỗi lên phần mở đầu nhạc cảnh. Rồi tiếng kêu gọi của Già làng Thế Hải:

- Buôn làng ơi! Dân làng ta ơi!
Hãy đánh cồng lên…

Lòng chúng tôi nôn nao, ruột gan cồn cào khó tả. Tôi cõng cháu Y Đan (con trai của nhà soạn kịch Ngô Y Linh) chạy trước, Lê Giang và chị Năm Liên (vợ Ngô Y Linh) chạy lúp xúp theo sau. Một cuộc chạy marathon băng đường rừng, lội qua suối, đạp lên rễ cây rừng đầy ấn tượng trong những năm kháng chiến.

Đầu năm 1974, để bảo toàn lực lượng trước tình hình giặc đánh phá ác liệt, Đoàn múa hát Giải phóng, Đoàn cải lương Giải phóng và nhiều anh chị em sáng tác đều lên đường ra Hà Nội. Kpa Ylăng được giao giữ tổng phổ nhạc cảnh. Và, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người anh em nhạc sĩ dân tộc Banar “tặng” lại cho tôi tổng phổ do nhạc sĩ Nhật Lai phối khí lại, diễn ở Hà Nội… Một lần nữa, tôi lại nhận được một kỷ vật vô giá.

*

* *

Sáng chủ nhật ngày 26-12-2004, Đoàn múa hát Giải phóng họp mặt truyền thống tại rạp hát Kinh Châu. Đúng 10 giờ, Thế Hải đứng dậy, nói to, dường như muốn thông báo một cái tin giựt gân:

- Anh Lư Nhất Vũ có đem đến một món quà đặc biệt. Trước khi nhập tiệc, đề nghị chúng ta im lặng để cùng thưởng thức.

Qua máy đọc đĩa CD hiện đại cùng hệ thống âm thanh hàng hiệu… Tiếng cồng vượt thác nổi lên nghe trong veo, lanh lảnh. Mọi người rất đỗi ngạc nhiên, ngỡ ngàng, nhận ra tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo của mình sao mà nửa quen nửa lạ. Tâm trạng của mỗi người như bay về với những ký ức ba mươi hai năm qua…

Tại sao âm thanh còn chất lượng như vậy? Bởi vì mấy tháng trước tôi nhờ nhạc sĩ Trần Vương Thạch chép ra đĩa CD từ băng caseette chứa nhạc cảnh mà tôi giữ mấy chục năm, lọc xì tạp âm, giữ lại những tràng vỗ tay của các đại biểu đại hội.

Sau tám tháng mười bốn ngày, tức đêm ngày 9 tháng 9 năm 2005, Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 11 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động Hạng III do nhà nước tặng. Cũng nhân dịp này, Nhà hát chính thức ra mắt đoàn Nhạc kịch với nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác.

Những “nhân chứng lịch sử” lên sân khấu trình diện và nhận những bó hoa. Đó là NSƯT Tô Lan Phương, nhạc sĩ Trần Mùi, Nguyễn Hùng, Thế Viên, Thế Hải, Mai Lâm, Kim Tuyến, NSND Việt Cường, NSƯT Phi Yến, Thu Nga, ca sĩ Phạm Dũng. Ai ai cũng ngậm ngùi nhắc đến những người đã ra đi, như: NSND Thái Ly, nhạc sĩ Kỳ Lân, Đinh Sơn, Hoàng Thọ, Dư An, Duy Nãi…

Tiếng cồng vượt thác được sống lại với thân hình vạm vỡ hơn, với cảnh trí hoành tráng, với phục trang sặc sỡ và đa dạng, với hiệu quả âm nhạc có vẻ “hàn lâm” hơn.

Cảm ơn bạn bè đồng nghiệp đã “hà hơi tiếp sức” cho nhạc cảnh này đã trải qua 33 năm, nay được sống lại giữa lòng Thành phố Bác Hồ, giữa Nhà hát lớn của Thủ đô Hà Nội.

Xin cảm ơn nhạc sĩ Võ Đăng Tín (Giám đốc Nhà hát), nhạc sĩ Trần Vương Thạch (chỉ huy dàn nhạc), nhạc sĩ Lý Giai Hoa (chỉ huy hợp xướng), NSND Việt Cường và Kim Quy (Đạo diễn và biên đạo), họa sĩ Trọng Dũng (thiết kế mỹ thuật)…

Chúng tôi vẫn nghe hòa quyện giữa những tiếng hát của quá khứ với hiện tại, giữa Già làng Thế Hải với Diệp Quốc Việt, giữa cô gái Tây Nguyên Tô Lan Phương với Thu Giang và Ngọc Tuyền, giữa anh giải phóng quân Phạm Dũng với Anh Bằng.

Cuộc đời chúng tôi có thói quen lượm lặt, chắt chiu những niềm vui cỏn con nho nhỏ, những mùi vị ngọt bùi và cay đắng… để xâu chuỗi lại thành những vòng tràng hạt làm hành trang trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy thử thách cam go. Chúng tôi chưa quen đón nhận hạnh phúc ập đến bất ngờ, nên lòng không tránh khỏi bàng hoàng, bỡ ngỡ…

V

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.