Tiếng Anh trong nhạc trẻ hiện đại

24/09/2014

Thời đại toàn cầu hóa, tiếng Anh trở thành một thứ ngôn ngữ phổ biến đến nỗi không khó gì để bắt gặp những câu chuyện với những từ tiếng anh xen lẫn tiếng việt của các bạn trẻ trên những quán trà chanh vỉa hè. Tiếng Anh đã đi vào cuộc sống thường nhật của những người trẻ và âm thầm len lỏi vào đời sống văn hóa – nghệ thuật, cụ thể là nhạc trẻ hiện đại.

Tiếng Việt không hấp dẫn bằng tiếng Anh?

“Tấn công” nhạc Việt vào khoảng đầu những năm 2000 bằng những từ phổ biến, dễ hiểu như “baby”, “I love you”, “happy”, “kiss”, “crazy”… cho đến nay, tiếng Anh xuất hiện với mật độ khá dày trong các ca khúc trẻ, đặc biệt là với những bài hát của giới Underground. Trong những ca khúc đó, tiếng Anh mà người sáng tác sử dụng không chỉ dừng ở phạm vi từng từ đơn lẻ nữa mà đã là những câu hát dài, pha trộn một cách nửa mùa với những từ ngữ nửa Anh nửa Việt. Ví dụ như trong bài hát “Tìm” của ca sĩ Min (St.319), phần rap của Mr.A có đoạn: “Just wanna say : I'm sorry! Baby gal I made you hurt. Nơi chúng mình dựng xây, chẳng còn gì. Lâu đài đó đổ nát mah gal … Em đã giữ điều gì trong những nghĩ suy? Why u don’t talk to me ?!” … Thật đáng báo động khi hiện nay có hàng trăm ca khúc có ca từ lẫn lộn Anh – Việt như vậy.

Một trong những nguyên tắc sử dụng tiếng nước ngoài là khi tiếng Việt không có từ nào có thể thay thế. Nhưng nhìn lại, những từ mà các tác giả sử dụng tiếng nước ngoài ấy đều là những từ có thể sử dụng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Chưa kể việc lạm dụng tiếng nước ngoài khiến người nghe cảm thấy tác giả thiếu sự trân trọng, yêu thương với tiếng Việt. Bởi ngôn ngữ mẹ đẻ mà chúng ta đang sử dụng hoàn toàn có thể giúp người sáng tác thể hiện hết tất cả tâm tư, tình cảm của mình, ngay cả những nỗi niềm riêng tư, thầm kín nhất. Trong lịch sử ca khúc âm nhạc Việt Nam có biết bao bài hát bất hủ, đi cùng năm tháng mà các nhạc sĩ không hề phải sử dụng bất kỳ một chữ nước ngoài nào. Nhiều khi chính việc sử dụng tiếng nước ngoài - tưởng như một cách giao thoa với thế giới - lại trở nên kệch cỡm. Đó là chưa kể tới việc không phải khán giả Việt nào cũng hiểu những lời tiếng Anh, nhất là những khán giả lớn tuổi ở các vùng sâu, vùng xa.

Đưa nhạc Việt ra ngoài biên giới

Sẽ rất đáng khen nếu các nhạc sĩ, tác giả đặt lời cho bài hát của mình hoàn toàn bằng ngoại ngữ. Điều này ngoài thể hiện trình độ ngoại ngữ tốt của người viết nhạc, khả năng phát âm tiếng nước ngoài của người hát còn là tạo cơ hội để các ca khúc Việt nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung được hòa nhập với môi trường âm nhạc trên thế giới và được bạn bè quốc tế biết đến.

Thanh Bùi – chàng nhạc sĩ Việt kiều có lẽ là cái tên nổi bật nhất với nhiều ca khúc song ngữ và tích cực đưa các sáng tác của mình ra nước ngoài. Gần đây nhất công chúng thấy là sự kết hợp của Thanh Bùi và Tata Young (một ngôi sao nhạc Pop của Thái Lan) trong bài hát “Where do we go?” (có tên tiếng Việt: Tình về nơi đâu). Ngoài ra cũng có không ít các ca sĩ như Đức Tuấn, Đồng Lan,… đã thực hiện những album song ngữ nhằm mở rộng thị trường cho các sản phẩm của mình và đặc biệt trong dòng nhạc Underground không thể không nhắc đến 2 cái tên Kimmese và Suboi. Là một ngôi sao trẻ đa tài của showbiz Việt hiện nay, Kimmese qua những ca khúc Hiphop và R&B của mình không chỉ thể hiện cho khán giả thấy vốn tiếng Anh cực chuẩn mà còn cả khả năng sáng tác và hát. Còn nổi bật trong cộng đồng Underground Sài Thành, với cá tính âm nhạc mạnh mẽ, lôi cuốn cùng khả năng viết Rap và hát tiếng Anh rất tốt, nàng rapper Suboi đã nhận sự chú ý rất lớn của truyền thông quốc tế. Tháng 8/2013, Suboi đã xuất hiện trên tờ báo uy tín của Anh là The Guardian và được miêu tả là một trong những nữ rapper cá tính nổi tiếng nhất Việt Nam.

Sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hiện đại nói chung và trong âm nhạc nói riêng để có thể hội nhập với thế giới là điều cần thiết. Tuy nhiên, sử dụng sao cho đúng để vẫn giữ gìn và phát huy được sự phong phú của tiếng Việt thì điều đó còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi nhạc sĩ, ca sĩ. Hy vọng trong tương lai, công chúng sẽ được nghe các ca khúc trẻ thuần Việt nhiều hơn nữa thay vì “những đứa con lai” như hiện nay.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...