Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020): Đại hội cơ sở khu vực Hà Nội: Chuyên ngành Nghiên cứu lý luận, Đào tạo, quản lý và biểu diễn nghệ thuật

08/04/2015

Ngày 7 tháng 4 năm 2015, tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở khóa IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020) khu vực Hà Nội: Chuyên ngành Nghiên cứu lý luận, Đào tạo, Quản lý và Biểu diễn nghệ thuật, gồm: 189 hội viên của 9 đơn vị: Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; Viện Nghiên cứu Âm nhạc; Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.


Đoàn Chủ tịch gồm các nhạc sĩ (từ phải sang): Đỗ Hồng Quân, Lê Văn Toàn, Nguyễn Thị Minh Châu

Đến dự có Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; NSƯT Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội, và các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã đọc bản Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành khóa VIII và phát biểu tại Đại hội: “Đại hội cơ sở là Đại hội toàn thể, là cuộc gặp gỡ của các nhạc sĩ các thế hệ. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ qua, mong có nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu trong từng lĩnh vực. Nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, từ hoạt động sáng tác; công tác lý luận phê bình; hoạt động biểu diễn; đào tạo; hoạt động của Hội đồng nghệ thuật; Tạp chí Âm nhạc và Website; công tác hội viên, chi hội, câu lạc bộ…

Nổi bật là mảng đối ngoại, đã mở ra một thời kỳ mới, đặc biệt sự kiện “Festival Âm nhạc mới Á – Âu” 2014. Trong dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đón tiếp các nghệ sĩ quốc tế tham dự Festival tại Phủ Chủ tịch nước và hết sức khen ngợi sáng kiến của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xướng tổ chức Festival. Âm nhạc Việt Nam đã chứng minh được tính chuyên nghiệp của mình, nhiều tác phẩm âm nhạc của các tác giả Việt Nam được các đồng nghiệp quốc tế sưu tầm làm tài liệu nghiên cứu. Trong những năm gần đây, nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam đã được vang lên tại các sự kiện âm nhạc quốc tế ở: CHLB Đức; CH Tatarstan; LB Nga, Nhật Bản...

Tại Hội nghị và Festival Âm nhạc Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 32 được tổ chức tại Nhật Bản tháng 11/2014, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã được kết nạp là thành viên chính thức của ACL và được chọn là nước tổ chức Hội nghị - Festival ACL lần thứ 34 vào năm 2016”.

Đa số đại biểu đều nhất trí cao với Bản báo cáo chính trị của Ban chấp hành khóa VIII, có 9 nhạc sĩ phát biểu đóng góp ý kiến:

- Nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn:

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã làm được rất nhiều việc lớn, âm nhạc Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế. Hội nên quan tâm đến mảng âm nhạc dân tộc, dân gian, nhất là về cồng chiêng, trống đồng…

- Nhạc sĩ Ngọc Oánh:

Di sản âm nhạc để lại rất nhiều thể loại phong phú và độc đáo nhưng chúng ta đã hầu như lãng quên. Chúng ta có một quá trình dài phát triển âm nhạc cổ truyền dân tộc nhưng nhiều bản nhạc cổ, nhạc cụ âm nhạc cổ đã bị thất lạc, thời kỳ Cách mạng tháng Tám âm nhạc rất sôi nổi nhưng giờ đây hầu như bị lãng quên. Cần giáo dục, khơi gợi lòng từ hào dân tộc thông qua âm nhạc cho các thế hệ. Từ nhiều năm nay, chúng ta đã làm đề án Bảo tàng Âm nhạc và có minh họa rất sinh động. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã từng đề nghị chúng tôi nên lưu giữ những nhạc cụ của các chiến sĩ cách mạng ở trong tù. Chúng ta cần có một bảo tàng âm nhạc.

- Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp:

Tâm đắc với đề tài của bản báo cáo chính trị Ban chấp hành khóa VIII: ĐOÀN KẾT - DÂN CHỦ - ĐỔI MỚI - SÁNG TẠO, hoan nghênh tóm tắt báo cáo của đồng chí Chủ tịch Hội, trong 5 năm mà Hội ta làm được rất nhiều việc, triển khai các hoạt động âm nhạc rất tốt. Đồng ý với ý kiến của nhạc sĩ Ngọc Oánh: Cần có một bảo tàng âm nhạc, để lưu giữ những tác phẩm, những nhạc cụ âm nhạc, không chỉ cho các thế hệ sau mà còn cho khách quốc tế đến Việt Nam thưởng thức. Về các chương trình nghệ thuật cho Ngày Âm nhạc Việt Nam mồng 3/9. Đây là ngày rất ý nghĩa, nên chọn lọc các tác phẩm có sức hút và chất lượng để quần chúng nhân dân thưởng thức. Về hoạt động sáng tác nên khuyến khích các nhạc sĩ viết về đề tài cách mạng.

- Nhạc sĩ Hồng Thái:

Trong nhiệm kỳ qua, Hội ta đã làm được nhiều việc lớn, chúng ta đã được chứng nhận “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Đây là một “điểm nhấn” quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua. Về âm nhạc dân gian, nên quan tâm hơn nữa, chúng ta mới chỉ đi theo đường mòn chứ chưa khai thác được những tiết tấu dân gian, ví dụ như: tiết tấu của trống ngũ liên… Cần được bảo tồn các di sản âm nhạc dân tộc.

- Nhạc sĩ Hoàng Lân: Chúng ta có nền âm nhạc dân tộc rất đáng tự hào. Hội nên phối hợp với các cơ quan truyền thông để hướng dẫn công chúng thưởng thức âm nhạc. Câu lạc bộ Âm nhạc báo chí được thành lập là rất tốt nhưng cần phát huy hoạt động hơn nữa.

Về 3 dòng Âm nhạc được chia: Âm nhạc dân gian - truyền thống; Âm nhạc hàn lâm - kinh điển và Âm nhạc phổ thông giải trí, thì âm nhạc phổ thông giải trí có thể gọi là âm nhạc đại chúng trong đó có cả những ca khúc phổ thông từ thời kháng chiến.

- Nhạc sĩ Hà Đình Cường:

Đề nghị Hội lưu ý còn một sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ tới là kỷ niệm “60 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam” (1957 – 2017).

- Nhạc sĩ Thụy Loan:

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã làm được rất nhiều việc, các nhạc sĩ phát biểu đã nói đến vấn đề Âm nhạc dân tộc, liên quan đến kế thừa và phát huy âm nhạc cổ truyền. Thời gian qua, chúng ta quan tâm đến Âm nhạc cổ truyền hơi nhẹ so với các thể loại âm nhạc khác. Đây là mảng hết sức quan trọng, chúng ta nên phát huy thường xuyên hơn nữa.

Về 3 dòng Âm nhạc: Âm nhạc phổ thông giải trí, đồng ý chuyển sang là Âm nhạc đại chúng.

- Nhạc sĩ Xuân Ba:

Hội nên tổ chức và tạo điều kiện cho các hội viên chuyên ngành biểu diễn được đứng trên sân khấu nhiểu hơn nữa.

- Nhạc sĩ Lê Văn Toàn:

Rất đồng tình với ý kiến đóng góp của các nhạc sĩ. Riêng với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hội đã quan tâm đến mảng đào tạo, đặc biệt Hội phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia tổ chức Hội thảo quốc tế “Đào tạo nhạc sĩ trẻ tại các học viện âm nhạc”, tham dự và có bài tham luận gồm các nhạc sĩ, nhà lý luận âm nhạc, các giáo sư, giảng viên… âm nhạc từ hơn 30 quốc gia trên thế giới (tháng 10/2014) rất thành công, rất tuyệt vời!

Thời gian tới, Hội tiếp tục tập hợp sức mạnh của các hội viên: Sáng tác – Lý luận – Đào tạo – Biểu diễn, hôm nay các đại biểu đã đóng góp cho bản báo cáo thể hiện trách nhiệm cao. Đồng ý với ý kiến của nhạc sĩ Ngọc Oánh: Cần có một bảo tàng Âm nhạc quốc gia cho giới âm nhạc Việt Nam – do Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm chủ quản, quản lý.

Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tổng kết:

Đại hội đã tiếp thu các ý kiến đóng góp quí báu của các đại biểu. Một vấn đề thực tế là âm nhạc cổ truyền chưa được chú trọng trong thời gian vừa qua, cần có chiến lược quốc gia, cần có sự đồng khởi, trang bị âm nhạc dân tộc cho các nhạc sĩ trẻ, học sinh, sinh viên... Hội đã thành lập Câu lạc bộ “Nghệ thuật đàn Bầu Việt Nam” vào tháng 12/2014. Về 3 dòng âm nhạc, cần có một cuộc hội thảo về chủ đề này để nghiên cứu chia lại. Đặc biệt cám ơn ý kiến của nhạc sĩ Ngọc Oánh rất thiết thực về Đề án xây dựng Bảo tàng Âm nhạc. Trong kỳ họp vừa qua, Ban chấp hành đã đề cập đến Đề án xây dựng “Bảo tàng Âm nhạc quốc gia” là cần thiết và Hội sẽ tiến hành các thủ tục trong nhiệm kỳ tới.

Xem phóng sự ảnh tại đây: Đại hội cơ sở khu vực Hà Nội: chùm ảnh 1

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...