Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020): Đại hội cơ sở khối các đơn vị quân đội tại Hà Nội

13/04/2015

Sáng 10 tháng 4 năm 2015, tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở khóa gồm 81 hội viên của 6 đơn vị quân đội tại Hà Nội: Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Đoàn ca múa Quân đội; Đoàn Nghi lễ 781; Bộ đội Biên phòng; Bộ đội Phòng không - Không quân và Quân đội lẻ Hà Nội.

 

Đến dự có Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội; Thiếu tướng – nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Hội; Nhạc sĩ Vũ Duy Cương - Ủy viên Ban chấp hành – Chánh Văn phòng Hội; các nhạc sĩ lão thành, các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội.

Đại hội đã bầu ra Đoàn chủ tịch để điều hành cho Đại hội gồm: Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Thiếu tướng Đức Trịnh, NSƯT Vi Hoa; NSƯT Viết Thân, nhạc sĩ Đôn Truyền.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thay mặt Ban chấp hành khóa VIII, tóm tắt bản cáo cáo chính trị về những hoạt động âm nhạc của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, và phát biểu: “Thời gian vừa qua, Hội đã tổ chức các đại hội cơ sở ở các khu vực, hôm nay là Đại hội của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một bộ phận rất quan trọng. Mong có những ý kiến đóng góp của các đại biểu”.

Các nhạc sĩ đã phát biểu ý kiến:

- Nhạc sĩ Doãn Nho:

Rất hoan nghênh bản báo cáo của Ban chấp hành khóa VIII, nhiệm kỳ vừa qua Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã làm việc rất tốt và thành công, đội ngũ nhạc sĩ lớn mạnh, có tính chất mặt trận tập hợp những người có khả năng trong một đội ngũ lớn mạnh, trong đó có rất nhiều các giáo sư, tiến sĩ... Tập hợp được và điều hành được từ trung ương đến các địa phương. Có được trọng điểm là các nhạc sĩ sáng tác, đã đẩy ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam lên tầm quốc tế, đó là những tác phẩm giao hưởng, tác phẩm khí nhạc…

Sang nhiệm kỳ mới, ta phải nâng cao một bước khí nhạc, mà không quên phát triển thanh nhạc.

Về lý luận phê bình, Ban Lý luận phê bình đã có những phương hướng ngay từ đầu nhiệm kỳ, đề xuất thực hiện công trình nghiên cứu “Lý thuyết Âm nhạc Việt Nam - tư duy đơn âm và đa âm” mà chưa được ủng hộ. Chúng tôi trông đợi ở nhiệm kỳ tới phải cố gắng xúc tiến thực hiện đề tài khoa học này. Đề nghị dành một khoản kinh phí thích đáng cho khâu lý luận phê bình.

Cần biểu dương các đơn vị cơ sở, các Hội âm nhạc tỉnh, thành phố, các chi hội, các câu lạc bộ Âm nhạc… đã đóng góp vào những thành công của Âm nhạc Việt Nam, nhiều đơn vị đã hoạt động rất tốt trong điều kiện khó khăn về kinh phí.

- Nhạc sĩ Đôn Truyền:

Báo cáo rất đầy đủ, Hội đã làm được rất nhiều việc. Đây là một bước chuyển biến lớn mạnh về mọi mặt, qua những lao đao, giờ chúng ta đã có hậu. Vinh dự đón nhận Danh hiệu “Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân”. Tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu đã có, đã chuyên nghiệp hóa, đã tự tin cùng với các đồng nghiệp trong khu vực và thế giới.

Chúng ta còn thiếu mảng Âm nhạc sân khấu cổ truyền, tôi cho rằng âm nhạc sân khấu dân tộc là quan trọng, các cung bậc tình cảm, các mặt của đời sống xã hội đều có trong sân khấu. Đề nghị Hội khuyến khích những người hoạt động với âm nhạc sân khấu, Tuồng, Chèo…

- Nhạc sĩ Đặng Hùng:

Giải thưởng Hội Nhạc sĩ hàng năm là rất danh giá, cần tôn vinh những người được giải thưởng. Đề nghị Hội nên dàn dựng những tác phẩm được giải cao, công bố giải thưởng bằng chương trình biểu diễn, để giới chuyên môn có thể đánh giá công nhận và công chúng được thưởng thức.

- Nhạc sĩ Lê Tịnh:

Rất mong muốn có một Câu lạc bộ Khí nhạc, Câu lạc bộ Giao hưởng của Hội thành lập ra, để anh em có cơ hội hoạt động và phát triển.

- Nhạc sĩ Văn Thành:

Mong ước có được Dàn nhạc Giao hưởng trong khối quân đội ta, có thể là của Nhà hát Quân đội hay của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

- Nhạc sĩ Trần Chương:

Âm nhạc là âm thanh, làm sao tác phẩm được vang lên? Tác phẩm của các nhạc sĩ khi được sáng tác ra, đặc biệt là là những tác phẩm được giải, Hội nên quan tâm, có thể in thành sách và được phát hành, được phát trên các đài phát thanh, truyền hình… Hiện nay tác giả phải tự thu âm ca khúc của mình sáng tác, phải có kinh phí, rất khó khăn. Đề nghị Hội có chính sách đối với các nhạc sĩ có tác phẩm sáng tác.

- Nhạc sĩ Nguyễn Tiến:

Nhất trí với bản báo cáo chính trị và phương hướng hoạt động của Ban chấp hành khóa VIII. Nhất trí với ý kiến của các nhạc sĩ Doãn Nho và Đôn Truyền, đề nghị thành lập Ban biên soạn để biên tập các cuốn sách lý luận.

Về hoạt động biểu diễn Hội cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, các Đài truyền hình, các chương trình âm nhạc của ta có tính định hướng thì ít được phát. Chúng ta là Hội Nhạc sĩ chỉ đạo về âm nhạc, nhưng rất nhiều các cuộc thi âm nhạc, các chương trình nghệ thuật… diễn ra mà không có Hội tham gia. Cần đẩy mạnh hội nhập, giao lưu tích cực hơn nữa với các nước Asean. Có cuộc vận động sáng tác viết cho âm nhạc truyền thống, khí nhạc, giao hưởng.

- Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tổng kết:

Cám ơn ý kiến đóng góp quí báu của các đại biểu, nhất là ý kiến của các nhạc sĩ: Doãn Nho, Đôn Truyền, Hội cũng đã có Quĩ Đầu tư sáng tạo, chúng tôi đang thực hiện và bắt tay vào công trình lý luận, rất đồng tính với nâng cao vị thế của khí nhạc, đề cao âm nhạc dân tộc, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Về dàn dựng các tác phẩm được giải của Hội, rất khó khăn về kinh phí và nhân lực cho việc dàn dựng, biều diễn, nhưng chúng tôi dự định sẽ tổ chức 5 năm một lần. Chúng tôi sẽ bổ sung hoàn chỉnh cho bản cáo cáo. Đại hội này chúng tôi mong muốn có được những gương mặt mới đại diện cho các vùng miền vào Ban chấp hành. Đai hội cơ sở hôm nay đã thành công tốt đẹp và có 35 đại biểu chính thức đi dự Đại hội toàn quốc. Xin chúc mừng các đại biếu! Chúc các nhạc sĩ, nghệ sĩ sức khỏe, hạnh phúc, nhiều sức sáng tạo.

Xem phóng sự ảnh tại đây Đại hội cơ sở tại Hà Nội: chùm ảnh 4

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...