Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020): Đại hội cơ sở khu vực Hà Nội: Khối cơ quan Phát thanh – Truyền hình
Ngày 9 tháng 4 năm 2015, tại Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở khu vực Hà Nội: khối cơ quan Phát thanh – Truyền hình, gồm 63 hội viên của 3 đơn vị: Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội.
Đến dự có Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội; Nhạc sĩ Trọng Đài - Ủy viên Ban thường vụ - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Hội; Nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên Ban thường vụ - Trưởng Ban Kiểm tra; Nhạc sĩ Vũ Duy Cương - Ủy viên Ban chấp hành – Chánh Văn phòng Hội; các nhạc sĩ lão thành lãnh, các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội và các nhà báo.
Đại hội đã bầu ra Đoàn chủ tịch để điều hành cho Đại hội gồm: Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Trọng Đài và nhạc sĩ Thiên Sơn.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thay mặt Ban chấp hành khóa VIII, tóm tắt bản cáo cáo chính trị về những hoạt động âm nhạc của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, và phát biểu:
“Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về Đại hội các Hội Văn học, Nghệ thuật, Hội đã tiến hành các Đại hội cơ sở.
Về phương hướng hoạt động, cần nhấn mạnh nâng cao tính chuyên nghiệp vì thời gian qua có những ồn ào về hiện tượng đạo nhạc, sáng tác lệch chuẩn… Vì vậy cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng để cùng nhau định hướng cho âm nhạc. Đây là công việc của cả một hệ thống: các cơ quan chức năng của Nhà nước, các cơ quan truyền thông… Cuộc đấu tranh cho các Hội Văn học Nghệ thuật có Đảng Đoàn không giống các Hội quần chúng xã hội khác, là cuộc chiến đấu đầy cam go. Hội đang thúc đẩy cơ sở đào tạo âm nhạc trẻ ở Quảng Ninh hoàn chỉnh, chuẩn bị cho bộ máy nhân sự đi vào hoạt động, và chúng tôi cũng đang bắt tay vào đề án xây dựng Bảo tàng Âm nhạc Việt Nam để trình lên Chính phủ. Về tên gọi của Hội, trước đây đã có nhiều tranh luận.
Các đại biểu có mặt đầy đủ hôm nay thể hiện sự nghiêm túc, nhiệt tình. Rất mong có được các ý kiến đóng góp bổ sung trong từng lĩnh vực”.
Các ý kiến đóng góp:
- Nhạc sĩ Văn Dung:
Về tên gọi của Hội, hội viên của Hội Nhạc sĩ nhưng có cả các nghệ sĩ biểu diễn, các nhà lý luận, đào tạo… vì vậy Hội nên nghiên cứu lại tên gọi.
- NSND Thanh Hoa:
Tên gọi Hội Nhạc sĩ Việt Nam của ta rất là hay. Đối với một dân tộc - một quốc gia thì Âm nhạc rất quan trọng, vì vậy Hội Nhạc sĩ không thể trở thành hội phi chính phủ được, Hội Nhạc sĩ phải là Hội của Đảng của Nhà nước. Trách nhiệm của Hội quá lớn, nói đến đổi tên Hội thì thấy tiếc.
Nhạc sĩ phải được đào tạo và có trí tuệ, có đặc thù riêng. Còn về các ca sĩ biểu diễn họ chỉ sống bằng bề nổi, ca sĩ biểu diễn là cảm hứng, chỉ nổi tiếng trong một thời gian ngắn, có khi là bột phát, nhiều ca sĩ không có giáo dục về âm nhạc. Thị trường âm nhạc đã được thả lỏng trong một thời gia dài, không có sự định hướng, giáo dục về âm nhạc, đôi khi gây nhức nhối rất nhiều, Hội không thể ôm đồm được tất cả, vì quá ôm đồm lên không thể chu đáo được. Nên chăng thành lập một Trung tâm Biểu diễn riêng. Ban Biểu diễn của Hội hoạt động rất kém, dường như không có tiếng nói của nghệ sĩ biểu diễn, cần phải đẩy mạnh các hoạt động và bảo vệ quyền lợi cho các nghệ sĩ biểu diễn.
Trong những năm gần đây Hội đã thay đổi và phát triển rất nhiều, Ban lãnh đạo những năm gần đây đã mở ra nhiều hoạt động lớn cho âm nhạc Việt Nam. Còn về phần bầu Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành bầu là đúng.
- Nhạc sĩ Thanh Hải:
Hiện nay thị trường âm nhạc của ta có nhiều biến động, có những bài hát với những ca từ làm hỏng, làm méo mó, biến dạng tiếng Việt. Về nội dung biểu diễn chưa rõ cơ quan nào có chức năng can thiệp, quyền hạn để can thiệp vào hoạt động âm nhạc là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhưng Bộ Văn hóa san sẻ cho Hội Nhạc sĩ bao nhiêu quyền hạn? Kể cả âm nhạc trong phim truyền hình hiện nay cũng là vấn đề bức xúc, nên có chỉ đạo chặt chẽ với cách làm của các biên tập viên Đài truyền hình.
- Nhạc sĩ Dân Huyền:
Về tên gọi của Hội và cơ cấu tổ chức Hội thì các Hội chuyên ngành trung ương khác cũng bao gồm nhiều chuyên môn trong ngành. Ví dự như Hội Điện ảnh Việt Nam cũng có nghệ sĩ, diễn viên, nhà lý luận…, Hội Mỹ thuật Việt Nam có họa sĩ, nhà điêu khác… Cho đến thời điểm này, chúng ta nên giữ nguyên cơ cấu của Hội.
- Nhạc sĩ Ngọc Phan:
Trong nhiệm kỳ tới, Hội nên tăng cường chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Ban Biểu diễn.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tổng kết:
Hội là tổ chức của những người hoạt động âm nhạc, mở rộng bao gồm cả nghệ sĩ biểu diễn. Hội có Ban Biểu diễn do NSND Quang Thọ làm trưởng Ban, chúng tôi ghi nhận ý kiến của NSND Thanh Hoa và sẽ cố gắng đẩy mạnh hoạt động của Ban Biểu diễn.
Tôn chỉ mục đích cũng như phạm vi hoạt động của Hội đã được Nhà nước phê duyệt: “Hội Nhạc sĩ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động âm nhạc trong các lĩnh vực: sáng tác, lý luận, biểu diễn và đào tạo âm nhạc. Hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động theo đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng…”, và Hội đã được khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong thời gian vừa qua âm nhạc gây nhiều bức xúc, nhiều hiện tượng âm nhạc nguy hại như làm mới những ca khúc cũ của các tác giả khác, người làm đã thế mà người nghe cũng không biết. Về quản lý các hoạt động âm nhạc trên thị trường, Hội đặt trong mối quan hệ chịu sự quản lý của Nhà nước, Hội chỉ đề đạt những ý kiến mang tính chuyên môn với Bộ Văn hóa, mà Bộ Văn hóa thì bao gồm nhiều lĩnh vực. Vì vậy, chưa tìm được tiếng nói chung, thời gian tới Hội sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng, để kịp thời lên tiếng trước những hiện tượng tiêu cực trong đời sống âm nhạc, giữ gìn môi trường âm nhạc trong sáng, lành mành, có định hướng đúng đắn.
Xin ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhất là các ý kiến của các nhạc sĩ lão thành: Văn Dung, Thanh Hải, Ngọc Phan… Chúng tôi xin tiếp thu sửa đổi. Hy vọng khóa tới sẽ có được một Ban chấp hành mới thực sự có năng lực, hài hòa hơn nữa để phát huy được tác dụng của các Ban. Có thể nâng số lượng thành viên của Ban chấp hành lên nữa như ở Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên… cũng nên có đại diện.
Xem hình ảnh tại đây: Đại hội cơ sở tại Hà Nội: chùm ảnh 3