Thưởng thức cải lương như một dạng khí nhạc
Hơn một thế kỷ hình thành, phát triển, nhưng hiện nay nghệ thuật cải lương đang đứng trước nhiều thách thức để tồn tại. PGS.TS Nguyễn Bình Định-Viện trưởng Viện Âm nhạc đã có những trao đổi với phóng viên về thực trạng này.
Nghệ thuật cải lương đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện để có hướng đi phát triển đúng đắn. Ảnh minh họa.
Không riêng gì cải lương mà các bộ môn âm nhạc truyền thống nước ta khoảng 20-30 năm trở lại đây đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong thời kỳ phát triển nở rộ (từ năm 1960 đến 1980), cải lương đã từng là bộ môn sân khấu truyền thống có nhiều tác phẩm, nhiều kịch bản nhất; có số lượng đông nhất về soạn giả, khán giả, diễn viên; có địa bàn phổ cập rộng nhất, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều tài năng nhất về sân khấu (bao gồm cả diễn viên, soạn giả, đạo diễn).
Tuy nhiên, khoảng từ cuối những năm 1990 trở đi tình hình đã trở nên ngày càng khó khăn, phức tạp do sự thay đổi nhu cầu thưởng thức của công chúng, sự xâm lấn của nhiều loại hình giải trí nghệ thuật, sự ảnh hưởng từ lối sống, văn hóa phương Tây, những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường... khiến lượng khán giả ngày càng ít dần.
Điều kiện và cơ hội biểu diễn bị thu hẹp, những người có tâm huyết và tài năng (kể cả diễn viên, tác giả kịch bản, đạo diễn) ngày càng thiếu vắng. Những cách nghĩ, cách làm không đúng hướng, có cả vô tình hay cố ý đã tạo ra những méo mó, mất gốc, những sản phẩm không đảm bảo chất lượng trong cả sáng tác, biểu diễn, đào tạo, nghiên cứu phê bình…
Cần phải có nhiều động thái tích cực để bảo tồn phát huy giá trị cải lương. Trong đó những người làm quản lý, những nghệ sĩ trong thời gian tới cần tăng cường công tác sưu tầm, nghiên cứu, tổng kết, tư liệu hóa để giúp cho việc nhận diện đúng và đủ về nghệ thuật cải lương. Đồng thời có đầy đủ những tư liệu cần thiết để lưu giữ phục vụ cho công tác bảo tồn, quảng bá, tìm hiểu, học tập và nghiên cứu.
Cùng với đó, quan tâm đến công tác truyền dạy, đặc biệt là qua giáo dục chính thức và không chính thức; sử dụng kết hợp phương pháp truyền dạy truyền thống (truyền khẩu, truyền nghề) với phương pháp hiện đại (có lý thuyết, có thực hành, có bài bản, có chương trình, giáo trình, giáo án, có phương tiện dạy và học hiện đại…). Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá, nhất là đối với lớp trẻ qua nhiều kênh như phát thanh truyền hình băng đĩa, internet, hệ thống giáo dục phổ thông, phục vụ khách du lịch…
Đặc biệt, rất cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp để bảo vệ và gìn giữ nghệ thuật cải lương, trong đó có định hướng và phân công cụ thể trách nhiệm của các đối tượng. Trong đó thành phần cần phải tham gia là các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn có liên quan ở trung ương và địa phương, đội ngũ sáng tác, đạo diễn cải lương, các phương tiện thông tin đại chúng, cộng đồng dân cư ở các địa phương Nam bộ có nghệ thuật cải lương…
Ngoài ra, cần có sự đầu tư thích đáng về nhân lực, vật lực và thường xuyên và định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Qua đó tiến hành rút kinh nghiệm, thưởng phạt công minh và kịp thời.
Bên cạnh phương hướng và biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương (bao gồm cả phần sân khấu và phần âm nhạc), tôi cũng xin mạnh dạn đưa ra phương hướng và biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của âm nhạc trong nghệ thuật cải lương.
Trên thực tế, ngoài việc đến với công chúng qua trình diễn các vở diễn (toàn bộ hay trích đoạn), nghệ thuật cải lương còn có thể đến với công chúng dưới dạng các tiết mục ca nhạc thính phòng.
Tức là không trình diễn vở diễn sân khấu cải lương mà chỉ trình diễn các điệu hát của các nhân vật trong vở diễn, đương nhiên vẫn có thể kèm theo động tác kịch để minh họa cho sinh động, tăng thêm hiệu quả thể hiện; hoặc cũng có thể trình diễn hòa tấu các điệu nhạc cơ bản được sử dụng trong cải lương (6 bản Bắc, 3 bản Nam, 7 bản Lễ, 4 bản Oán) tạo ra các tiết mục cho người nghe thưởng thức như một dạng khí nhạc. Cách làm này có sự tham gia chủ yếu của 3 đối tượng hoạt động ở 3 lĩnh vực gồm sáng tác, biểu diễn và đào tạo.
Ngoài ra, trong tương lai gần, việc thưởng thức nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng ở từng cá nhân sẽ ngày càng thịnh hành như qua điện thoại di động, qua mạng internet, qua USB, băng đĩa…
Bên cạnh đó, khán thính giả sẽ giảm dần việc nghe và xem toàn bộ một vở diễn sân khấu, mà chỉ xem những trích đoạn chính, những trích đoạn mà mình ưa thích, hoặc không xem phần diễn xuất sân khấu mà chỉ thưởng thức phần âm nhạc.
Chúng ta có thể áp dụng giống như nghe và xem các ca khúc, bản nhạc trong phim. Trung Quốc đã đưa các bài hát trong Kinh kịch vào cho quần chúng hát karaoke, việc đó là một cách phổ cập, truyền bá rất hiệu quả. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của mọi thành phần có liên quan, nghệ thuật cải lương sẽ được bảo tồn và phát huy đạt kết quả tốt, giúp cho cải lương sẽ tiếp tục trường tồn và đơm hoa, kết trái cho đời.
Tác giả: Minh Quân