Thương nhớ Tây Bắc!
Ai đã một lần đặt chân lên miền đất đó, mỗi lần hồi tưởng, hẳn phải nghe thấy tiếng vọng của đại ngàn, lẩn quất đâu đây những hoài niệm, những hình ảnh nhung nhớ da diết về người dân miền sơn cước, thật thà, thuần phác, chan chứa tình người. Tây Bắc- những triền núi cao nhấp nhô, tầng tầng lớp lớp điệp trùng, những thung lũng bất chợt hiện ra, huyền diệu, những cánh rừng già xanh thẳm, luôn gợi nguồn cảm hứng bất tận cho lữ khách giang hồ. Những đêm trăng sáng bàng bạc, cảnh vật miền Tây Bắc càng trở nên sâu thẳm, kỳ vĩ, như gởi mở biết bao nhiêu huyền thoại từ cái thủa đẻ đất đẻ nước của ông Đùng bà Đà, cả trăm giống loài chui ra từ một quả bầu khô, hay những câu chuyện ma Mường bùa Thái.., thực thực hư hư, vừa sợ vừa gợi chí tò mò!
Bình minh miền Tây Bắc dường như bao giờ cũng đến muộn. Ngược lại, hoàng hôn lại sớm tắt. Không gian dường như cô đọng, cố thủ trong trầm tư, sâu lắng. Hẳn thế mà con người nơi đây hình thành một dáng vẻ, một tính cách riêng kiểu Tây Bắc, chan chứa tình người và tiềm ẩn biết bao cái duyên thầm, để thương để nhớ. Rực lửa mà kín đáo, quyết liệt mà êm dịu, như ru ta mãi vào trong giấc mộng Liêu trai. Chả trách biết bao người Kinh lên đó công tác, mê mẩn với núi rừng Tây Bắc mà quên đường về.
Ngồi trên sườn núi nhìn chiều dần buông, đâu đó trong tâm khảm, phảng phất một nỗi niềm nhớ nhà, nhớ người thân đến da diết, nao lòng. Khói chiều bảng lảng, trườn từ những mái nhà sàn ấm cúng, lãng đãng bò đi, lan tỏa vào không gian, vô định. Chợt thấy lòng nhẹ nhàng bâng khuâng, vị tha khôn xiết, như muốn ôm ấp hết thảy nhân gian vào lòng mà che chở, mà yêu thương cho thỏa khát khao cái tiếng hú gọi bầy!
Những khi ngồi ô tô chạy dọc triền núi lúc tờ mờ sáng. Sương đêm còn phủ nguyên bụi trắng, như một lớp màng trong suốt, óng ả, vắt vương trên cánh rừng mai ven đường, đẹp tuyệt trần như một bức thủy mạc của danh họa thần tiên. Rạo rực nhất là những lúc xe chạy trên đỉnh đèo, xuyên qua vùng mây dày đặc, ướt sũng. Lòng lữ khách chợt trỗi dậy nguồn cảm hứng bất chợt, nao nao, xao xuyến đến khôn tả.
Trước đây, đã từng được nghe nhiều, rất nhiều về miền đất ấy, bởi thầy tôi- học giả Tô Ngọc Thanh đã gắn bó hàng bao nhiêu năm với miền Tây Bắc. Cả tuổi trẻ phiêu diêu, hiến dâng cho miền rừng thiêng, biết bao hạnh phúc, vinh quang và cả cay đắng, tủi cực của ông cũng đều gắn liền với những tên núi tên sông hay những cánh ruộng bậc thang cheo leo dọc triền núi. Cũng đã từng được thầy cho bám càng đi chơi đôi lần, xong phải đến khi tự mình dấn thân vào chốn rừng thiêng núi thẳm đó, tôi mới thực sự cảm thấu muôn vàn điều bí ẩn, quyến rũ của miền đất này.
Ngay trong chuyến khảo sát đầu tiên- mùa Đông năm 1999, hùng hổ xách ba lô lao vào bản, chỉ trong ngày đầu, tôi đã chợt nhận ra mọi áp lực trần trụi từ cuộc sống bươn bải, lam lũ và ẩn chứa biết bao nhọc nhằn. Không có những tảng thịt nướng, chõ xôi nóng bên bếp lửa bập bùng, không sẵn có những câu hát giao duyên ngọt ngào của những sơn nữ ven nương, không có suối nguồn trong vắt, mơ màng...
ĂN…
Trước khi lên đường, sư phụ đã gọi đến căn dặn những điều tối thiết khi đi rừng. Chuẩn bị đầy đủ những đồ đạc vật dụng như dao, đèn pin, thuốc men, dầu gió, võng màn... và đặc biệt là lương khô chống đói. Ông nói không thể xem thường chuyện này vì cái rét Tây Bắc cùng sự vận động đường rừng núi sẽ làm bọn trai thành phố như tôi đói nhanh lắm. Trên đó thường chẳng có quán xá gì. Đồng bào thì quá quen với mức ăn của họ và luôn đi ngủ sớm. Thằng tôi thì lại thức khuya quen rồi. Mì tôm ư? Phi thực tế bởi không lẽ ăn một mình, rồi nấu nướng lỉnh kỉnh? Còn mời cả nhà chủ thì “nói trộm vía”, bao nhiêu cho đủ, dễ đến hàng kiện cũng chỉ nhoáng cái là hết. Có lần nằm vùng ở chân đèo Pha Đin, một thùng mỳ tôm đem ra ăn sáng với nhà chủ, chỉ trong vòng 15-20’ là… sạch bách. Thế nên chỉ có mỗi cách mang vài cân lương khô theo dự phòng. Loại này ở nhà chẳng bao giờ thèm đụng đến, bởi ăn giống bánh bích quy “nửa mùa”, ngang phè, nhưng ở miền núi lại rất hữu dụng. Lúc dở bữa, đói chẳng chịu nổi thì ra chỗ rừng vắng hay… chui vào trong chăn mà ăn vụng cho cơn đói đỡ hành hạ. Để “chắc ăn”, nên chiêu thêm mấy ngụm nước cho trương bụng, tác dụng lắm. Nếu không dùng hết, trước khi về, chia hết cho bọn trẻ trong bản, lại càng hay.
Những tưởng thế là yên tâm, “giáp trụ” đầy mình, không còn gì lo lắng nữa. Vậy mà “tai nạn” vẫn tới, cái đói mềm người vẫn tấn công tôi như thường. Chuyện là thế này. Trong một buổi đi khảo sát ở bản bên, tôi chỉ đem theo những vật dụng cần thiết và máy móc để làm việc, còn balô để lại nhà chủ. Quãng gần trưa, xong việc, tôi cùng chị bạn trong đoàn thấy đã đói bụng, liền mò về “căn cứ”, vì 2 chị em đã đặt họ nấu ăn cả ngày. Về đến nơi thì ôi thôi, cả nhà lên nương từ sáng sớm vẫn chưa về. Ở đây, bà con thường nấu cơm ăn sáng làm bữa chính, ăn no để đi làm cả buổi cho chắc dạ. Trưa chỉ ăn nhẹ củ khoai củ sắn. Tối đến họ mới nấu cơm. Cuốc bộ khắp nơi, đến 11g trưa là chúng tôi đã cồn cào ruột gan rồi. Chắc đói quá, lú lẫn nên chị đồng nghiệp bảo: “Hay lấy kẹo ăn tạm, chị có mang theo 5 gói”. Nhưng rồi chợt phá lên cười, vì sực nhớ ra tất cả đều để trong balô, mà nhà chủ chúng tôi trọ thì xây nhà kiểu người Kinh và luôn… khóa cửa đàng hoàng. Thế mới chết! Hai chị em đành ngồi ở thềm cửa tán phét cho qua cơn đói. Được 15 phút thì hết chịu nổi. Bụng bảo dạ, sao ở nhà thì đến 12g trưa vẫn chưa muốn đi ăn mà ở đây đói nhanh thế. Thế mới biết, cái rét Tây Bắc, cộng thêm sự di chuyển, vận động vượt trội so với lúc ở thành phố đã khiến mọi “lịch trình” của đồng hồ sinh học đảo lộn tứ tung. Rồi chị chợt đưa ra diệu kế. Chả là vì 2 hôm trước, khi mới vào bản, đúng dịp lễ cúng cơm mới nên nhà nào cũng làm sẵn bánh dầy nhân đỗ xanh (hình như có cả tóp mỡ). Nhà chủ và nhà hàng xóm kế bên sườn núi có mời chúng tôi ăn thứ bánh dầy đó. Lúc ấy nhìn mấy cái bánh đặt trên lá chuối, còn in hằn rõ vết ngón tay đen xì của người nặn bánh, 2 chị em đều từ chối khéo… rằng đã ăn no rồi. Cái bệnh vệ sinh thời văn minh đô thị là vậy! Giờ chị nhớ lại mấy miếng bánh đó bèn rủ tôi quay lại ngôi nhà nọ, hy vọng họ lại… mời mọc tiếp! Leo lên dốc đá, lần vào nhà nọ, chẳng thấy ai hết, chắc lại đi nương cả rồi. Nhìn lên ban thờ, ôi thôi, sạch bách. Thất vọng pha chút cay cú, 2 chị em liền mò sang nhà khác, rồi nhà khác nữa. Để kiếm chuyện làm quà, vào nhà nào chúng tôi cũng khen “nhà bác đẹp quá, thoáng mát quá, rộng thật”, rồi “mùa này nhà ta có thu hoạch được nhiều thóc không bác”… Nhưng hỡi ôi, bàn thờ nhà nào cũng trống trơn giống hệt nhau, không có gì để xin ăn cả. Hai kẻ “hành khất” đành quay lại nhà chủ. Mãi hơn 12g cô con gái lớn mới về nấu cơm cho ăn, suýt ngất!
Trong suốt các chuyến điền dã Tây Bắc, không hiểu sao tôi ăn khỏe kinh khủng. Sức ăn tăng đột biến đến không tưởng, tựa thuồng luồng vậy. Như trong đợt nghiên cứu Hát trai gái Giáy, không có bữa nào tôi ăn dưới... 6 bát. Đến độ có bữa mải ăn không để ý đến cái nồi cơm, chị bạn đi cùng phải giật ve áo: “Này cậu! Nhìn kìa…” Ngượng quá! Cơn háu đói hẳn vì sự vận động đường núi, cộng thêm lượng công việc cuốn chiếu liên tục, không nghỉ ngơi nên tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Nhưng có lẽ một phần quan trọng hơn là vì lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Chúng tôi đóng tiền ăn theo nhà chủ. Họ ăn gì mình ăn nấy cho có vẻ... 3 cùng với dân. Thế nhưng đồng bào chịu kham chịu khổ quen rồi, cơm hàng ngày hầu như không có thịt. Đậu phụ dim hay sốt dường như là món ăn quan trọng, cung cấp năng lượng chính trong mỗi bữa. Nhà nào khá khẩm thì mỗi tuần sẽ có một hay hai bữa có tí thịt, tí cá. Nhà tôi ở nhờ được xem là khá giả nhất bản. Thỉnh thoảng ông chủ bắt đâu được con cá suối độ hơn 2 ngón tay, luộc lên, dầm với muối ớt lổn nhổn cả xương cho 5 miệng ăn nhà chủ với 2 chị em chúng tôi là 7 người. Đương nhiên là tôi chỉ dám chấm mút vài gắp, ngon tuyệt trần. Còn thì tranh thủ tọng thật nhiều cơm phòng… đói.
Cải xanh Tây Bắc ngon không bút nào tả xiết. Không, phải gọi là ngon khủng khiếp mới đúng. Ăn tại địa phương, mới thấy hết cảm giác hoang dại, mặn mòi, nhằng nhặng của nó. Đất núi đậm hơi sương lạnh, vườn cải nhà nào cũng xanh um, óng mượt, lổng ngổng như trêu ngươi kẻ háu ăn dưới nắng chiều. Biết dân Hà Nội thèm rau sạch nên bữa nào nhà chủ cũng chiêu đãi một đĩa cải xào tú hụ. Còn nữa, lên đó, mới cảm nhận hết vị quyến rũ của món đặc sản măng muối. Măng rừng Tây Bắc đủ loại, được xếp vào loại hảo hạng. Ở Hà Nội không tài nào kiếm được hương vị nguyên bản đó. Măng muối ăn lẫn với rau cải xào, đưa cơm lắm. Thành thử tôi ăn hết bát này đến bát khác mà chẳng thấy chán. Nhưng rồi cũng chính do khẩu phần ăn “còi dinh dưỡng” và nhiều xelulô “xịn” đó mà chỉ gần 2 tiếng đồng hồ sau bữa ăn, bụng dạ đã mau chóng cồn cào trở lại, năng lượng miền Tây Bắc biến đâu sạch. Lại phải sử dụng “bí pháp chân truyền”, moi lương khô ra gặm, chiêu thật nhiều nước cho trương bụng, để có sức làm việc tiếp.
Một tối nọ, chắc thấy tôi làm việc vất vả quá nên chị đồng nghiệp đi cùng quyết định cải thiện. Hơn 22g, đang thu thanh các tốp nghệ nhân vươn Bảo xao, chị đến bên rỉ tai: “Cho cậu ăn thịt gà nhé”! “Khiếp, bác chỉ được cái nói trúng tim em”- thấy phấn khởi hẳn lên. Khoảng gần 12g đêm, cả nhà chủ, già trẻ lớn bé cùng các nghệ nhân với chúng tôi khoảng…mười mấy miệng ăn được chiêu đãi nồi cháo gà. Nhưng có lẽ nơi đây, người cũng chẳng có gì ăn để béo thì gà béo sao được(?). Mỗi bát cháo chỉ được kèm đúng một miếng thịt- của chú gà mà chắc vốn có tầm vóc khiêm tốn. Cha mẹ ơi, thủa bé đến giờ chưa bao giờ thấy miếng thịt gà nào ngon đến thế. Gà miền núi ngon đã đành rồi, nhưng lại vào đúng thời điểm “mầm đá” đêm Đông giá lạnh nữa chứ! Thịt chắc, xương mềm, thơm, ngon, ngọt, thấu đến tận chân răng. Rút kinh nghiệm chuyện lão Trư ăn đào trường thọ, tôi gặm cẩn thận miếng thịt gà vô giá đó… Hết nạc, vạc đến xương, nghĩ nhằn ra thì phí quá, đêm đến sẽ ân hận, nên liền lén nhai nát, nuốt lấy nước để hưởng thụ vị protêin + canxy hiếm hoi của núi rừng. Và bên ánh lửa bập bùng, tôi đã nuốt chửng lúc nào không hay!
Trong đợt điền dã ở Thuận Châu, chúng tôi được gửi cho một nhà được coi là khá giả nhất trong bản. Vợ chồng chủ nhà được bầu là Hộ nông dân làm ăn giỏi, có bằng khen hẳn hoi. Nhà có TV màu second-hand, nhiều gia súc và hẳn một chiếc minkhơ dã chiến. Vậy mà trung bình 1 tuần, họ vẫn phải ăn một bữa sắn hay ngô trừ cơm. Còn những nhà khác đương nhiên sắn ngô thay cơm là bình thường. Như vợ chồng nhà hàng xóm sát vách, đến những tấm ván tường gãy, thủng toang hoác, cũng chẳng buồn sửa lại. Những đứa trẻ nheo nhóc, những người mẹ gày guộc, lam lũ, đủ sắn, ngô ăn hàng ngày đã được coi là đặt chỉ tiêu “xóa đói giảm nghèo” ở nơi đây.
Có lần đoàn nghiên cứu “suy dinh dưỡng” quá, buộc phải tự bò đi chợ. Cũng chẳng có gì cao sang lắm, chỉ cần thịt và chỉ thế thôi. Tôi được phân công ngồi nướng khẩu phần thịt của cả nhà. Lợn Tây Bắc đương nhiên là ngon rồi. Mà có điều lạ là ở đây không tiêu thụ giống lợn lai của người Kinh. Đồng bào gọi đó là “lợn vi sinh”, ăn không tốt! Ngồi trong bếp nướng mấy cục xương “đắp thịt”, mùi thơm sực nức khiến bọn trẻ sán đến ngay, ngồi cười toe toét. Một lát, vợ chủ nhà ra ngồi bên. Cô ấy nói: “Cho bọn trẻ một miếng nhá? Để chúng nó ăn trước còn học bài mà!” Đơn giản đến thân thương là vậy. Và tôi cời ngay 3 cục sườn nướng có nhiều thịt nhất cho bà mẹ trẻ ấy. Một đĩa muối, mấy quả ớt chỉ thiên cay xé lưỡi. Bọn trẻ say sưa thưởng thức bữa tiệc trong mơ. Tới bữa, vài người hàng xóm kéo nhau sang uống rượu. Chẳng đủ thức ăn cho mọi người, đành hài lòng vậy. Bà mẹ trẻ cũng không hề gắp miếng nào, chỉ chực nhường cho bố mẹ chồng và khách. Cuối bữa, theo sự yêu cầu của tôi, cô và chị hàng xóm cùng cất cao tiếng hát bên mâm rượu. Cảm xúc trong tôi chợt dâng trào nghèn nghẹn, đủ cả mọi phong vị của hiện thực. Nghệ thuật quyến rũ quyện lẫn với vẻ đẹp hồn nhiên hoang dã, chan lẫn cái nghèo bao đời trên đôi vai nhọc nhằn của đồng bào. Ôi, đói?!
Có đợt nằm vùng, “vắng thịt” đúng 1 tuần liền, trở ra đến thị xã, việc đầu tiên là xông ngay vào một quán ăn, gọi liền 2- 3 món thịt để… ăn vã. Tự thấy mình thật kém cỏi! Nếu ai đã từng trải qua cảm giác ấy, mới thấy xót xa cho những bữa tiệc linh đình, kiểu ăn không hết rồi đổ đi ở chốn thị thành. Hồi segame, nghe TV thông báo nguồn ngân sách chi tiêu, tôi cứ ao ước, giá người ta bỏ 1/20 thôi cũng đủ để chia sẻ phần nào cho miền Tây Bắc. Và đấy là lý do tại sao tôi luôn thấy chua xót mỗi khi bàn dân thiện hạ kêu gào, phẫn nộ trước sự thất bại của cái đội tuyển bóng đá thuộc loại gần đội sổ thế giới, rồi cầu thủ này- kia bán độ, hay sự kêu gào cho khẩu phần ăn có mỗi hơn trăm nghìn/ngày của vận động viên nọ… Phù phiếm và trớ trêu thay cho những kiếp người trên cõi nhân gian!
NGỦ…
“Ăn cùng” thì không thành vấn đề, nhưng tôi vốn lại rất kém cỏi cái khoản “ngủ cùng”. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, được ba mẹ chiều cho ngủ riêng từ nhỏ, nhà lại có nền nếp sạch sẽ khá đặc biệt nên tôi được xếp vào loại khó tính trong văn hóa ngủ. Xấu nhất là không nằm được chiếu, cứ phải có đệm mới nghe. Bởi vậy cứ mỗi lần lên đường đi công tác, trong ba lô lúc nào cũng thủ sẵn võng màn, túi ngủ đàng hoàng. Đến nơi nếu thấy giường nhà chủ không có đệm là xin phép tìm chỗ mắc võng. Quyết không ngủ cùng ai. Hơn nữa, tôi còn có cái tật ngủ rất tỉnh. Có tiếng động lạ là thức dậy liền. Có đận đi công tác cùng mấy ông siêu ngáy, hôm sau mặt mũi hốc hác, về người rạc hẳn đi vì nghe sấm động suốt canh trường. Có anh bạn ngáy to tới mức, tôi đã dọn chỗ riêng cách giường anh ta tới… 30m nhưng vẫn không thoát, cả hành lang vẫn vang động, “rung chuyển” như thường! Kinh dị hơn khi nằm cùng mấy “cao thủ” một lúc. Dàn đồng ca 3 bè hòa quyện, bè trầm như sấm rền, bè trung lừng lững thong dong suốt canh khuya, bè cao lảnh lót, tắc lự phát một, phát một... Chốc chốc 1 hay 2 bè tạm ngưng (do tôi huých cho 1 phát) để bè kia độc diễn… Vừa quen với tiếng rên rỉ đó, thiu thiu được một lát thì lập tức, bản đại hòa ca lại bắt đầu với đủ mọi tần số, cường độ… Sáng dậy than vãn, ông nào cũng khăng khăng như đinh đóng cột: “Tao ngáy bao giờ? Thằng kia ngày thì có!” Ai có lâm trận thì mới thấu hiểu được cho nỗi khổ tâm của kẻ khó ngủ như tôi. Xin thanh minh nỗi khiếp sợ của cái thằng tôi như vậy!
Trên Tây Bắc, điều thật may là nhà của đồng bào bao giờ cũng có xà, cột gỗ, rất chắc chắn. Chọn chỗ hợp lý nhất, căng võng, trèo lên, chui vào túi ngủ, buộc một dây màn lên đầu võng, đoạn kéo xuống phủ lên mặt là ngon lành. Phần nhiều bọn trẻ ở đâu cũng rất tò mò, thành thử tôi luôn được chúng “ưu tiên”, xúm xít nhòm nhòm ngó ngó mỗi khi leo lên võng, kéo theo cái nhìn của cả đám người lớn. Ngủ đến 4 -5 ngày ở đó rồi mà người ta vẫn xem như thể mình là diễn viên xiếc vậy. Nên thường tôi chui vào túi ngủ rồi mới… dám loay hoay cởi quần dài cho thoải mái. Đợt điền dã ở Bát Sát, vào đúng dịp rét như cắt da cắt thịt, buổi đêm, mây tràn vào nhà trắng xóa (vì nhà ở đây cấu trúc thông thoáng tứ bề). Chùm chăn ngủ trong mây đến 5g giờ sáng thì nghe thấy tiếng lao xao, tỉnh ngay. Hóa ra bọn trẻ đến vây quanh võng từ lúc nào. Xì xồ líu lô chỉ chỏ, thỉnh thoảng cười ré lên. Chắc chúng thấy tôi như một vật thể lạ nhất trên đời! Mình thì áo đơn áo kép mà vẫn thấy lạnh. Còn các bé, quần áo rách rưới, có đứa thì cưởi truồng, còm nhom, cõng em đến mà xem tôi ngủ. Nhìn vừa thương vừa thấy ngộ nghĩnh. Vùng dậy, thu gọn đồ rủ cả bọn ra ngoài tập thể dục.
Có lần nằm ở Thuận Châu, cán bộ xã sắp đặt cho ở một gia đình có chăn đệm đàng hoàng. Yên tâm rồi, chẳng cần võng veo gì nữa. Đêm đầu tiên, đi làm tới tận khuya, mấy anh em mới mò về. Cả gia đình nhà chủ đã yên vị. Bật đèn pin lò mò chui vào vị trí mà nhà chủ đã dọn sẵn. Thôi xong! Lúc đó mới biết, chăn của họ vừa cứng vừa ngắn mọi chiều, gió sẽ thỏa sức mà “cù” suốt đêm thâu. Người tôi quá cỡ. Đắp chiều nào cũng không ổn. Tìm chỗ mắc võng thì quá muộn rồi. Đành mặc nguyên áo khoác, chui vào túi ngủ “tăng cường” rồi cố mà thiếp đi sau một ngày làm việc cật lực.
NGỨA…
Ai đã lên miền rừng, tôi tin là không thể không biết đến sự khó chịu của các loại “kẻ thù truyền kiếp” địa phương như dĩn, bọ chó, muỗi rừng, vắt… Nơi nào vệ sinh còn đỡ. Phải những vùng nhiều loại “sản vật” này, bọn “thơm da thơm thịt” thành thị chỉ có làm mồi ngon cho chúng xơi đều đều mỗi ngày. Do được “giáo dục” từ trước, mỗi lần lên Tây Bắc, tôi luôn thủ sẵn trong mình lọ dầu nóng. Ngoài việc đề phòng chữa trị cảm mạo, va đập sưng tấy cho anh em trong đoàn.., hàng ngày, tôi cứ xoa dầu vào các “cửa ngõ” hay những nơi “trọng yếu” trên thân thể như cổ tay, cổ chân, gáy, thắt lưng... Xong xuôi, cài cúc kín lại là chống chọi được với “kẻ địch” cho đến khi… hết mùi dầu! Có lần đi rừng, khinh suất không phòng bị, đi ngang qua mấy rặng tre rậm rì, nổi hứng chụp ảnh, dừng lại ngắm ngắm nghía nghía làm dăm kiểu. Bổng thấy ngứa nhăng nhắc, nhói lên từng điểm ở gáy và dưới xương bả vai. Thôi xong rồi!
Bọn dĩn bé tí tẹo, chẳng nhìn thấy chúng bao giờ. Nghe nói chúng nhảy toanh toách khắp nơi. Có nhà tôi ở nhờ, nuôi cả chuồng gà Tam Hoàng trong nhà, cạnh đầu giường ngủ ông chủ. Cứ gọi là dĩn quần tụ hội tề họp hành suốt trong phạm vi bán kính mấy mét. Anh chủ nhà thì quý tôi vô cùng nên cứ gạ ngủ cùng cho tình cảm. Tôi đương nhiên rất quý anh những không vì thế mà “liều mạng” được. Sức khỏe là điều tối quan trọng khi đi điền dã. Không hoàn thành công việc thì toi cơm Nhà nước nên chúng tôi luôn phải giữ gìn mọi thứ.
Mỗi vết dĩn đốt, vết mẩn đỏ tía, ngứa nhưng nhức, thỉnh thoảng dội từng cơn rần rật, rất khó chịu. Người da “dữ”, về Hà Nội cả tháng trời chưa hết vết đó, khiếp lắm. Cô nào mặc váy thì coi như “thôi rồi… cẳng ơi”, chúng nó “liên hoan linh đình” luôn, cứ gọi là cho hoa gấm đầy đùi. Đồng bào thì chẳng thấy ai bị đốt bao giờ, tài thật. Hình như bọn chúng chỉ thích “làm thịt” dân thành phố mà thôi (hay tại mình ăn nhiều thịt và bánh kẹo nhỉ?). Nói vậy thôi, chứ so với rệp (nhất là bọ chó) thì thấy bảo dĩn là cái đinh! Rệp thì ngày nay hiếm lắm rồi. Thời thầy tôi- GS Tô Ngọc Thanh còn lang thang đây đó, thấy bảo có nhà nhiều rệp lắm. Đến độ chiều đi nương về, chủ nhà bập bập chút chụt ầm ĩ gọi đàn gà về tụ hội dưới gầm nhà sàn. Rồi lấy chầy dộng xuống sàn gỗ liên tục, khắp nơi cho rệp rơi xuống để “chiêu đãi” bọn cục ta cục tác, khiếp quá. May thời tôi đi điền dã đã hết mấy cái vụ đó. Đồng bào bây giờ ăn ở vệ sinh hơn nhiều nên lũ rệp hình như đã bị “tuyệt chủng” (hy vọng thế!). Nhưng bó chó thì liệu hồn, chẳng qua tôi ăn ở hiền lành nên chưa bị chúng xơi lần nào đo thôi. Nghe kể bọn tặc huyết này trên miền núi rất quái thủ, rất thích nhè vào những chỗ “ác hiểm” khó nói mà kiếm ăn, như… mông chẳng hạn. Thầy tôi cười mà rằng, bị nó đốt chỉ có mỗi cách trật mông ra, nhờ ai đó lấy cái kim, bật lửa hơ nóng rồi chọc vào trúng đít… con bọ thì nó mới chịu rút ngòi ra. Còn nếu rứt ngay nó ra thì cái ngòi sẽ nằm lại trong mông, coi như xong phim. Thật vô phúc cho ai lâm phải kiếp nạn này.
Trên miền rừng, vấn đề vệ sinh dường như luôn là mục tiêu hàng đầu của cánh chúng tôi. Cái lời đe dọa “rừng thiêng, nước độc” là điều hoàn toàn có thật và dễ lý giải. Mình ở thành phố quá vệ sinh sạch sẽ, ngày nào cũng tắm xà phòng nên da luôn quen với trạng thái thông thoáng, lâu ngày thành ra mất hẳn lớp biểu bì bảo vệ. Khi ở rừng, do không có điều kiện thuận lợi nên thường ngại tắm. Dễ sinh ngứa ngáy, ai sức đề kháng yếu sẽ dễ biễn chứng thành lở loét. Nước dùng hàng ngày chủ yếu lấy từ suối hay mạch nguồn trên núi dẫn về. Các loại lá cây rừng rơi rụng, thối rữa lẫn trong đó. Đồng bào thì đã quá quen, lập thành sức kháng thể như kiểu “vắc xin” tự nhiên ngay từ thủa lọt lòng. Người thành thị thì không bao giờ có chức năng tự vệ đó. Nên làn da của đồng bào khỏe hơn chúng ta rất nhiều. Tôi may mắn thuộc loại thích ứng được với nhiều nguồn nước, chỉ có điều phải tắm liên tục mới chịu được. Mùa Đông Tây Bắc khắc nghiệt lắm. Sáng dậy đánh răng, ngậm ngụm nước trong chum, lạnh buốt răng như ngụm nước đá, phải mím môi ngậm một lúc cho ấm lên thì mới có thể xúc miệng và bắt đầu. Ai mà quen tắm nước nóng là rất khó khăn. Đó là chưa kể đến vấn đề nhà tắm. Bà con thì thường tắm trong bếp hay ngoài đầu hồi nhà sàn lúc chạng vạng tối. Có nơi, văn hóa tắm lại thuộc dạng “cộng đồng” hoang sơ, cứ nhè lúc buổi trưa, ra bể nước công cộng mà tắm cả hội cho nước đỡ giá, tự nhiên lắm. Thấy mình đi qua, các cô vẫn cười nói ríu rít như không. Nhưng nếu đứng nhìn dù ở đằng xa là cũng có vẻ ngượng ngùng. Dân thành phố thì thách kẹo cũng không dám chơi kiểu thiên nhiên như vậy. Cánh đàn ông cũng ngại chứ đừng nói chi chị em đi cùng. Cũng may, tôi thuộc loại chịu rét rất tốt nên cứ đợi lúc mọi người ngủ, rồi ra nguồn nước, đề khí rồi dội ào ào là xong. Có đi như thế mới thấy cảm phục những đồng nghiệp nữ. Như bác Phương trưởng Ban của tôi là ví dụ điển hình. Can trường, chịu khổ, chịu ở… thiếu vệ sinh thuộc loại có tiếng ở Viện. Tôi thực sự kính nể bác ấy về mấy khoản này. Hồi trên Bát Sát, tôi sắp đặt nghệ nhân, thu thanh cả tối trong nhà chủ. Bác ấy thì lọ mọ đi phỏng vấn mấy nhà trong bản. Trời mưa phùn lạnh thấu xương. Quãng gần khuya thấy bác lò dò tập tễnh bước vào. Vén quần lên cho xem, máu me toe toét dưới đầu gối, ống đồng sưng vù. Hóa ra bác mót tiểu quá, đi “giải quyết” chỗ đường bằng sợ mọi người nhìn thấy nên leo lên tận đỉnh dốc để kiếm chỗ an toàn, rồi “bắt được con ếch” to sụ, quần áo bê bết bùn. Cũng may tôi luôn có dầu nóng phòng thân, chữa trị kịp thời, nhưng kể cũng hú vía. Con gái đi điền dã bản lĩnh như bác ấy, xin khẳng định ngay, chính sư phụ Tô Ngọc Thanh cũng phải thán phục là xưa nay hiếm!
Nghệ nhân Hoàng Thím- cây Tính tẩu xuất sắc nhất miền Tây Bắc
MÊ MẨN TIẾNG NHẠC…
Tôi chưa có được cái may mắn hưởng thụ nhiều loại dân ca, dân nhạc Tây Bắc như thầy tôi. Nhưng chỉ với những gì đã gặp, đã đủ để thuyết phục con tim, khơi dậy biết bao cảm xúc trong lòng. Nhạc đàn các tộc người thiểu số phía Bắc không phát triển. Hệ nhạc cụ và bài bản có thể nói là không đạt được sự bề thế, phong phú và đa dạng như các tộc người trên Trường Sơn- Tây Nguyên. Nhưng bù lại, hệ thống nhạc hát của đồng bào lại tỏ ra vượt trội với rất nhiều sắc thái khác nhau. Đặc biệt, hệ kỹ thuật thanh nhạc thật độc đáo và vô cùng quyến rũ. Như kiểu hát 2 bè tự nhiên, hòa quyện đến độ ma quái, hay lối kết hợp giữa giọng thật và giọng giả, chuyển đảo âm khu như chơi đùa với thanh âm, nửa kinh điển, nửa lãng tử, dập dờn như cánh bướm đêm ẩn hiện dưới ánh trăng miền rừng.
Tôi đã từng may mắn tiếp cận với những giọng oanh vàng miền sơn cước ấy, không bút nào tả xiết. Đặc biệt nhất, khi hợp người, hợp cảnh, ai đã một lần thưởng thức những làn điệu dân ca ấy, hẳn sẽ bị thuyết phục hoàn toàn bởi cái cảm giác vấn vương, như tỉnh như mê, lúc xa lúc gần, thấp thoáng ẩn hiện như những nàng tiên sơn cước, đẹp mê hồn như ma rừng trong những câu chuyện cổ tích bên bếp lửa, mâm rượu.
Có lần dựng lại lễ cúng thần rừng ở Thuận Châu. Đêm trăng sáng, đồng bào quần tụ vui chơi ở sân bản. Thứ âm nhạc duy nhất để nhảy múa nơi đây đơn giản chỉ là một cái trống nhỡ, treo lên một cọc gỗ. Một vài chàng trai, cô gái thay nhau đánh trống, cũng chỉ là một chùm tiết tấu chu kỳ đơn giản giữ nhịp. Chỉ thế thôi, cả bàn già trẻ lớn bé cũng nhau nhún nhảy, múa lượn dưới ánh trăng. Họ say sưa nhảy múa, quên hết thảy mọi khó khăn nhọc nhằn, như thể rất hài lòng với cuộc sống. Điều kỳ lạ nhất là hầu như cô gái nào nơi đây nhảy cũng rất điệu nghệ, thân mình gọn gàng, săn chắc, các bước chuyển động uốn lượn hoàn toàn mang dáng dấp của những vũ công chuyên nghiệp. Cũng có thể do lao động và leo núi nhiều nên hình thể cũng như những bước nhảy dường như đã trở thành bản năng trong họ. Tôi chứng kiến những bà mẹ trẻ, lưng địu đứa nhỏ, 2 tay dắt 2 đứa lớn đến dự hội. Cô mặc rất đẹp- cái bộ áo váy như chỉ giành cho ngày hội. Tới nơi, quan sát một lúc rồi gửi con cho mấy người đứng bên, cô lặng lặng tiến vào vòng vũ điệu, hòa nhập một cách rất tự nhiên và điêu luyện như thể dân nhà nghề vậy. Thình thùng thình thùng thình, chỉ vậy thôi mà họ có thể nhảy múa thâu đêm. Một triết lý sống xưa như trái đất chợt lóe sáng- nếu con người ít ham muốn và biết tự hài lòng với những gì mình có, họ sẽ tìm thấy HẠNH PHÚC.
Hơn 23g, một tiếng rủ rỉ bên tai: “Vui không, đi chơi với em không?” Hóa ra ra cô gái chăn trâu mà tôi đã từng hỏi đường khi mới vào bản. Trong bộ váy áo mới, trông cô không còn là một cô bé nữa. Mà sao dưới ánh trăng, trông cô nào cũng xinh, cũng quyễn rũ đến lạ kỳ. Đi đâu- Tôi hỏi. Lên núi chơi, cả mấy đứa. Xa không em- Đi bao lâu? Khoảng nửa giờ là đến nơi thôi mà! Ái chà, cái nửa giờ của cô tối biết rồi, chắc độ một con dao quăng đây. Thôi nào- Tôi tự nhủ về điểm dừng của bản năng gốc. Sau này về Hà Nội, tôi có nhận được 2 lá thư của 2 cô sơn nữ… dưới ánh trăng đó. Thú thật, chỉ dám đọc một lần rồi “ỉm” ngay, như sợ bùa mê vậy!