Thực thi bản quyền về văn học, nghệ thuật: Vướng… như gà mắc tóc
Không có cán bộ chuyên trách, phân công quản lý chéo, nhiều quy định có văn bản rõ ràng nhưng cán bộ cơ sở vẫn lúng túng không biết áp dụng làm sao cho đúng, địa phương có chức năng tiếp nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan nhưng “thất nghiệp” vì không có chủ sở hữu tác phẩm hoặc có quyền liên quan đến làm thủ tục...
Hàng loạt các vấn đề bất cập nảy sinh đang khiến cho việc thực thi quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại hầu khắp các địa phương trên cả nước kém hiệu quả.
Lúng túng trong thanh tra, xử lý
Riêng về hoạt động thanh, kiểm tra công tác bản quyền trên cả nước, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó trưởng Phòng Thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hiện nay, ngoài cơ quan thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn có thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, thanh tra Bộ Giao thông vận tải.
Bản quyền liên quan đến nhiều lĩnh vực trong khi thanh tra văn hóa không hiểu nhiều về công nghệ, khi tổ chức tập huấn đã khó, khi hoạt động thực tiễn còn khó hơn. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan thời gian qua cũng cho thấy, phần lớn các vụ xử phạt đều nằm ở lĩnh vực khác và là kết quả từ sự phối hợp của thanh tra Bộ với đơn vị chức năng khác thực hiện.
Cụ thể, năm 2016, thanh tra Bộ đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 79 quyết định xử phạt các doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với chủ sở hữu chương trình phần mềm máy tính với tổng số tiền nộp ngân sách 2,27 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là kết quả phối hợp giữa Thanh tra Bộ với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, công an các địa phương, thanh tra văn hóa địa phương vì các đơn vị phối hợp này mới có đủ cơ sở để tác nghiệp, chứng minh được các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thanh tra Bộ vẫn chủ yếu chọn giải pháp: thường xuyên gửi khuyến cáo đến các đơn vị, người sử dụng, các đoàn nghệ thuật và doanh nghiệp kinh doanh băng đĩa, tránh tình trạng bị xử phạt hoặc khởi kiện ra tòa.
Với các đơn vị cấp cơ sở, việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn lúng túng hơn. Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng Phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội khiến không ít người giật mình khi cho biết, từ khi sở được phân quyền tiếp nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến nay chưa có trường hợp nào đến đăng ký.
Nếu có người đến đăng ký thì bộ phận tiếp nhận cũng sẽ rất lúng túng vì cũng chưa có hồ sơ, quy trình thực hiện các thủ tục chính xác để áp dụng.
Tranh cãi mức thu
Cũng theo ông Trực, thời gian qua, tại Hà Nội đã xảy ra khá nhiều tranh cãi vì mức thu bản quyền tác giả âm nhạc trong các chương trình biểu diễn không tương đồng, mặc dù nội dung, quy mô thì tương tự nhau. Có trường hợp, đơn vị tổ chức biểu diễn “trưng” ra một bản hợp đồng với đối tác nước ngoài, trong đó khẳng định, đối tác mới là đơn vị chịu trách nhiệm đóng tiền bản quyền và số tiền này đã được đối tác đóng ở nước ngoài.
Địa phương nghi ngờ đây có thể là một chiêu thức để “lách” tiền bản quyền nhưng cũng không có cách nào chứng minh được. Chưa kể, có những văn bản quản lý về biểu diễn hiện hành không thống nhất khiến cán bộ không biết xử lý làm sao cho đúng. Điển hình là quy định về thủ tục xin cấp phép biểu diễn.
Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2016 bãi bỏ quy định đơn vị tổ chức phải cam kết bằng văn bản thực thi đầy đủ quy định của pháp luật về quyền tác giả. Ngược lại, theo Nghị định 15/2016 của Chính phủ đã ban hành trước đó thì thành phần hồ sơ làm thủ tục xin cấp phép tổ chức biểu diễn phải có bản cam kết và bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chưa bỏ bản cam kết này.
Riêng các khúc mắc do đội ngũ thực thi không biết nên làm thế nào thì các quận, huyện Hà Nội gặp khá nhiều. Ngay tại Hoàn Kiếm - quận trung tâm Thủ đô - thanh tra quận từng phải hủy một mục xử phạt 15 triệu đồng đối với quán bar có sử dụng tác phẩm âm nhạc biểu diễn nhưng không xin phép, không thực hiện quy định pháp luật về bản quyền.
Lý do là quán này chơi nhạc mix (trộn nhạc) còn người thanh tra thì không am hiểu nhạc nước ngoài nên không tách bạch được tác phẩm nào của tác giả nào đang được người chơi trộn nhạc tại bar. Nhiều quán cà phê trên địa bàn có tổ chức biểu diễn âm nhạc nhưng quản lý thì khẳng định, quán chỉ trang bị nhạc cụ cho khách tự chơi, tự đệm nhạc cho nhau hát. Vì vậy, cán bộ cũng không xử lý được...
Với khu vực ngoại tỉnh, hoạt động thực thi bản quyền còn “nan giải” hơn. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay, trong các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ chính trị của địa phương, khi duyệt kinh phí, đơn vị tổ chức cũng chỉ được thanh toán thù lao cho nghệ sĩ biểu diễn và lực lượng hậu cần khác. Khoản chi cho tác giả âm nhạc không được thanh toán vì bên tài chính cho rằng không có cơ sở nào để xác định mức thù lao cho tác giả.
Với các cơ sở kinh doanh karaoke, yêu cầu trả tiền bản quyền càng khó vì không cơ sở nào chấp nhận mức giá do các đơn vị đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã đưa ra. Trong khi đó, khung giá cơ bản chung để áp dụng lại chưa đơn vị nào xây dựng, công bố...
Ông Tuấn cũng thừa nhận, trước đây, Hải Dương từng cử người đi tham quan, học tập tại nhiều tỉnh thành khác song mỗi tỉnh, thành áp dụng một kiểu. Khi cán bộ đi học tập về, áp dụng tại địa phương cũng không được vì không phù hợp với thực tế của chính địa bàn đang quản lý...
Mò mẫm trong đêm
Trao đổi về thực thi bản quyền tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, NSND Vương Duy Biên cũng cho rằng đây là vấn đề rất khó khăn, không thể giải quyết ngay trong một thời gian ngắn. Sản phẩm sao chép bị làm xấu đi, sai tinh thần, sai tỷ lệ, không giữ được cái thần thái của tác phẩm nhưng tác giả thì không có thời gian tìm hiểu sản phẩm này được làm bao giờ, làm ở đâu?
Giải quyết triệt để vi phạm này càng khó vì không có lực lượng chuyên trách giải quyết.
Cũng theo ông Biên, việc thực thi bản quyền còn nhiều bất cập có nhiều nguyên nhân. Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ nhưng luật chưa thực sự rõ ràng nên vẫn cần có thêm các văn bản dưới luật để giải thích, hướng dẫn. Lực lượng, hệ thống kiểm tra giám sát thực thi bản quyền như thế nào, chế độ với họ ra làm sao, nhận thức của họ đến đâu cũng đang là vấn đề phải bàn.
Người làm ở lĩnh vực này phải là những người vừa am hiểu văn hóa nghệ thuật, vừa am hiểu luật. Vì vậy, lực lượng này đáp ứng được về số lượng đã khó, đáp ứng yêu cầu về chất lượng càng khó hơn. Hiện nay, chúng ta mới có ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhưng nhân sự các địa phương này cũng còn nhiều vấn đề. Đa phần cán bộ là người kiêm nhiệm, chưa có chuyên môn sâu.
Đã rất nhiều lần Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị bổ sung đội ngũ nhân lực này cho các địa phương song chưa được đáp ứng. Nếu cứ đợi có đầy đủ nguồn nhân lực thì không biết đến bao giờ mới triển khai được, vì vậy cơ quan quản lý chỉ đào tạo theo hình thức tập huấn, soạn thảo các văn bản hướng dẫn về địa phương rồi địa phương quán triệt xuống.
Ông Biên cũng nhận định: “Muốn thực thi bản quyền tốt còn phải do ý thức trong dân, của người hoạt động nghệ thuật. Bản thân người hoạt động trong lĩnh vực này còn nhận thức rất mơ hồ. Muốn nâng cao ý thức thì phải có công tác truyền thông tốt, truyền thông liên tục. Việc này cũng rất khó. Chỉ riêng việc tập huấn cho các địa phương, các đơn vị tổ chức nghệ thuật, tổ chức sự kiện, cán bộ quản lý cấp sở đã khó vì thiếu kinh phí.
Chưa kể, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ là tranh chấp dân sự. Xử lý tranh chấp dân sự thường là tòa án nhưng số đông người Việt chưa quen với cách xử lý này. Ở nước ngoài có tòa án riêng, lực lượng riêng chuyên xử lý các vụ việc như thế này nhưng ở Việt Nam thì chưa...”.
Trao đổi về giải pháp để thực thi bản quyền văn học nghệ thuật tốt hơn, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền cho biết, Cục đang hoàn tất dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định này sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề trong thực thi bản quyền thời gian qua.
Về đăng ký bản quyền, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình cụ thể trong hoạt động phối hợp với các địa phương đồng thời xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến. Khi cá nhân đăng ký, nếu có tranh chấp, họ có thể mang chứng nhận ra tòa làm bằng chứng...
Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tác giả, người sở hữu tác phẩm, người có quyền liên quan và bên sử dụng tác phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu hưởng thụ của công chúng. Những vướng mắc khó khăn do luật, hy vọng, trong thời gian tới, khi Luật Sở hữu trí tuệ tiếp tục được sửa đổi, khó khăn này sẽ được giảm thiểu.
Những vướng mắc về quy trình, thủ tục hành chính khác, Cục sẽ tiếp tục rà soát, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh cho phù hợp. Về hoạt động thu, chi tác quyền của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có hướng dẫn thực hiện nhằm đảm bảo nhất quán mức thu. Trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện ra tòa.
Các tổ chức cũng phải xây dựng được biểu mức thu phù hợp với từng vùng, từng miền, từng nội chung, từng tính chất chương trình, phải xác định được tác phẩm được tác giả ủy quyền. Hiện tại, Cục Bản quyền cũng đang làm việc với một số doanh nghiệp về công nghệ thông tin. Các đơn vị này sẽ có trang thiết bị chiết xuất thông tin từng bài hát, từng giây, từng ngày, giờ, số lần tác phẩm được phát trên sóng truyền hình để các đơn vị được ủy thác quyền đối chiếu với danh sách đã được ủy quyền để thu tiền.
Với lĩnh vực karaoke, các đơn vị này cũng sẽ cung cấp xuất thông tin sử dụng của từng đầu máy trong mỗi cơ sở kinh doanh, thậm chí, nếu chủ cơ sở gian lận rút mạng ra hát, khi cắm vào, thông tin dữ liệu vẫn được phục hồi. Khi áp dụng công nghệ như thế, cơ quan thanh tra xử lý vi phạm cũng dễ hơn...
(Nguồn: http://antg.cand.com.vn)