Thông cáo báo chí Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020)

19/06/2015

Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 93-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức Đại hội các Hội Văn học, Nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội trong các ngày 23, 24, 25 tháng 6 năm 2015 tại khách sạn La Thành, 218 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, với sự tham dự của 551 đại biểu hội viên, với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, dân chủ, nhân văn” bảo đảm thiết thực, tiết kiệm hiệu quả.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020) diễn ra trong năm 2015 là năm có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước: kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 40 năm thống nhất đất nước và 70 năm thành lập nước. Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị, nghề nghiệp quan trọng, sâu rộng của đội ngũ những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận và đào tạo.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết số 23 – NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị quyết số 33 – NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng như trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam xác định chủ đề chính của Đại hội là “Đoàn kết – dân chủ - đổi mới – Sáng tạo, tiếp tục xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tính đến tháng 6/2015, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có 1.356 hội viên các chuyên ngành Sáng tác, Lý luận, Đào tạo, Biểu diễn. Trong đó: Sáng tác: 794 hội viên; Biểu diễn: 347 hội viên; Nghiên cứu lý luận: 114 hội viên; Đào tạo: 101 hội viên. Với 46 Chi hội, 17 Đoàn nhạc sĩ, hoạt động tại các tỉnh, thành, khu vực, vùng miền, các cơ quan quản lý văn hóa, các đơn vị nghệ thuật, các học viện âm nhạc, viện nghiên cứu, các trường đào tạo Văn hóa nghệ thuật, các Đài Phát thanh – Truyền hình, khối quân đội, công an và các đơn vị lẻ.

Thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của các Ban, Ngành Trung ương, để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX, từ tháng 3 năm 2014, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã triển khai kế hoạch tổ chức đại hội cơ sở Hội Âm nhạc, chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại các khu vực, vùng miền, cụm khu vực, các khối cơ quan và lực lượng vũ trang cả nước, để lấy ý kiến đóng góp các văn kiện quan trọng trình đại hội và lấy ý kiến tín nhiệm giới thiệu chức danh Chủ tịch và các Ủy viên Ban chấp hành khóa IX, trình báo cáo Ban Chỉ đạo Đại hội với kết quả thành công tốt đẹp, đúng nguyên tắc, công khai, dân chủ, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao của hội viên.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX (Nhiệm kỳ 2015 – 2020) gồm các nội dung: Tổng kết hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2010 – 2015); Phương hướng hoạt động của Hội khóa IX (Nhiệm kỳ 2015 – 2020); Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành khóa VIII; Báo cáo và lấy ý kiến sửa đổi Điều lệ Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX (dự thảo); Các đại biểu trình bày tham luận, các ý kiến đóng góp; Nêu những vấn đề thảo luận và thảo luận tại Hội trường; Đại hội bầu Ban chấp hành khóa IX. Theo nguyện vọng của các nhạc sĩ, Đại hội lần này sẽ quan tâm đến một số lĩnh vực: Chi hội địa phương, cân đối Ủy viên Ban chấp hành phụ trách tại các khu vực, vùng miền như: miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên..., ưu tiên các ủy viên là nữ, dân tộc thiểu số, trẻ hóa độ tuổi... Trong chương trình đại hội, các đại biểu sẽ được thưởng thức một đêm hòa nhạc đặc biệt vào 20 giờ, ngày 22 tháng 6, tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau thành công của Đại hội, các đại biểu sẽ được vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và vào tham quan nhà Quốc hội mới.

Trước vận hội mới của đời sống văn học nghệ thuật, với những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, toàn thể hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng Ban chấp hành nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết vai trò, trách nhiệm của mình trước nhân dân và toàn xã hội, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong các hoạt động sáng tác, lý luận, biểu diễn và đào tạo, bằng tất cả tâm huyết tài năng, trí tuệ và trách nhiệm công dân tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật góp phần xây dựng nền Âm nhạc Việt Nam hiện đại và dân tộc, giầu tinh thần dân chủ nhân văn.

 

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...