ThonArt và tuyến phố đi bộ Tây Hồ mang tên họ "Trịnh"
Là đơn vị đầu tiên đồng hành cùng UBND Quận Hoàn Kiếm trong việc triển khai dự án Phố đi bộ Hồ Gươm, sắp tới Công ty cổ phần văn hóa nghệ thuật ThonArt tiếp tục đồng hành cùng UBND Quận Tây Hồ triển khai dự án tuyến phố đi bộ mang tên Trịnh Công Sơn.
"Tất cả những ai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đều yêu Hà Nội. Khi mình có tình yêu với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, tự khắc mỗi người đều có ý thức hơn trong việc phát triển, xây dựng thành phố". Đó là lời tâm sự, cũng là lời khẳng định thể hiện sự quyết tâm của chị Phan Thu Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa nghệ thuật ThonArt.
Tuyến phố mang tên người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn có chiều dài khoảng 400 mét, quy mô mặt cắt ngang đường từ 9-12 mét, nằm trên đoạn đường từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân, giao với ngã ba đê Âu Cơ, cạnh trường THPT Phan Chu Trinh. Đây là con phố đẹp, nhiều ý nghĩa, bởi Trịnh Công Sơn - tên ông đã hội tụ cả thơ-nhạc-họa, điều đó đã khơi gợi cảm hứng cho những doanh nhân vốn đam mê với hoạt động nghệ thuật.
Biến những điều không thể thành có thể
Với suy nghĩ: những nơi dân cư sống đông vui thì đương nhiên đời sống ở đó phát triển. Vậy thì phát phát triển du lịch phải bắt đầu từ những nơi dân cư còn thưa vắng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn chưa cao. Đây là tâm nguyện của chị Phan Thu Hằng và các cộng sự.Những ngày đầu, trong quá trình khảo sát, điều mà chị Phan Thu Hằng mãi đau đáu suy nghĩ không phải nên chọn đoạn phố nào cho thuận tiện và có lợi cho nhà đầu tư, mà là nên chọn nơi đâu để thực hiện dự án mang ý nghĩa nhân văn nhất có thể.
Ngay sau đó, phối cảnh tổng thể được ra đời chi tiết từ màu sắc, chất liệu, kích cỡ mà chỉ nhìn trên mô hình cũng đã khiến người xem ngỡ ngàng.
Là người đi tiên phong, khó khăn và những va vấp là không thể tránh khỏi, song chị Phan Thu Hằng tâm sự: "Khi bắt tay vào bất cứ việc gì tôi luôn nghĩ nó sẽ thuận lợi, từ ý nghĩ biến thành quyết tâm. Còn khó khăn thì ở đâu cũng có, mình có vượt qua được hay không thôi. Quan trọng là trong quá trình làm sẽ phải tìm ra hướng đi tốt nhất, bởi tất cả những cộng sự sẽ cùng nhau trên con đường dài chứ không chỉ là những thuận lợi và khó khăn trước mắt.
Những khác biệt mang tên phố "Trịnh"
Để làm nên những khác biệt trên con phố mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì đó là một cơ duyên và cả sự may mắn. May mắn bởi khi chia sẻ với bạn bè, chị đã nhận được sự đồng điệu trong tâm hồn của cả đội ngũ những người có trách nhiệm ở các cơ quan, ban ngành, cũng như đội ngũ các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn. Mỗi người một lĩnh vực, mỗi góp ý dù nhỏ cũng đã gợi mở ra nhiều ý tưởng có ý nghĩa bằng tất cả sự chăm chút để hoàn thiện ý tưởng đó. Tất cả cũng chỉ với mong muốn duy nhất làm sao phải nâng tầm văn hóa để phát triển du lịch. Khi du lịch phát triển, bản thân đời sống cư dân nơi đó cũng phát triển.
Ngay từ khi triển khai thực hiện dự án đã cho thấy sự cộng cảm, sức sáng tạo và khả năng bao quát tổng thể cũng như nội hàm của vấn đề một cách toàn diện. Môi trường là tiêu chí đầu tiên mà nhóm thiết kế đặt ra trong việc xây dựng nguyên tắc trong văn minh thương mại. Du khách sẽ dễ dàng nhận biết được từng khu vực, từng dãy hàng bởi màu sắc của đồng phục (mũ, quần áo) đến sắc màu từ những mái che, những chiếc ô của mỗi khu vực, những thùng đựng rác công cộng, những giỏ đựng rác trong mỗi gian hàng.Cả tuyến phố đi bộ sẽ nói " KHÔNG" với túi nilon và đồ nhựa. Tất cả vật dụng ở khu ẩm thực và một vài khu vực khác sẽ hoàn toàn dùng đồ giấy, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường môi trường.
Với rất nhiều hạng mục thì điểm nhấn đặc biệt của khu phố, chính là con đường hội họa Trịnh Công Sơn, nối sang rặng nhãn giữa hai cái hồ là một cây cầu. Trên cây cầu sẽ là không gian hội họa mở. Đó là nơi các họa sĩ ngồi vẽ, ký họa chân dung mà theo họa sĩ Phạm Kiên, thì tự khắc những tác phẩm đó là món quà vô giá tặng cho du khách để nâng tầm văn hóa cũng như giá trị Việt và giao lưu quốc tế.
Những bưu thiếp được làm từ ảnh chụp của các bé sẽ được nhóm của họa sĩ Phạm Kiên thiết kế, dựng thành những tấm pano lớn đặt ở vườn hoa. Ở đó còn có những thùng thư miễn phí và chính các tình nguyện viên sẽ giúp du khách chuyển thư tới bưu điện thay vì du khách sẽ phải đi tìm trạm bưu điện, đó cũng là hình thức kích cầu du lịch. |
Đồng hành cùng với hoạt động này là cuộc thi ảnh cho trẻ em mang tên: Thành phố dưới góc nhìn của bé. Nghĩa là những bức ảnh các em chụp khi đến tuyến phố sẽ được ThonArt thu nhận toàn bộ, sau đó làm thành những tấm bưu thiếp, một mặt có in hình cây đàn, gắn bó với huyền thoại Trịnh Công Sơn. Bất cứ một du khách nào cũng có thể được nhận bức tranh mà họ yêu thích khi đến với phố đi bộ Tây Hồ, còn các em sẽ được nhận quà tặng là sách, chuyện tranh do Nhà xuất bản Kim Đồng trao tặng. Điều đó không chỉ có ý nghĩa giáo dục mà còn nâng cao nhận thức của trẻ về văn hóa đọc cũng như những góc nhìn của trẻ về cuộc sống xung quanh mình.
Nếu như Góc xanh Hà Nội của Nhím hướng tới những dịch vụ tốt cho trẻ em. Ở đó, những bốt điện được tạo hình thành những cây xanh hoặc được sơn màu sắc sặc sỡ với dòng chữ Stop nằm rải rác trên tuyến phố, nhằm cảnh báo nguy hiểm cho trẻ em, tạo hành lang an an toàn thì Con đường tình yêu dành cho tuổi trẻ lại thật lãng mạn nằm giữa hai đầm Sen. Hai bên sẽ được thiết kế thành những lan can. Tại đây, các bạn có thể buộc những sợi ruy băng có bút tích của mình trên thành cầu để lưu dấu ấn tình yêu và tạo thành sắc màu tươi mới cho con phố.
Nói đến phố đi bộ Tây Hồ không thể không nhắc tới đó là khu biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố. Khu vực này được kỳ vọng là một sản phẩm du lịch đặc sắc, mang dấu ấn của Hà Nội, góp phần đa dạng hóa dịch vụ vui chơi giải trí. Bên cạnh đó còn có khu vực đá quý, là nơi trưng bày và bán những sản phẩn đá Việt Nam như: rubi, saphia, thạch anh, ngọc... được khai thác ở những mỏ đá quý ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây sẽ là nơi du khách có thể mua quà tặng người thân, gia đình khi đến với phố đi bộ Tây Hồ.
Điểm khác biệt cũng đầy tính giáo dục và nhân văn đấy là khu vực dành trẻ em, được thiết kế đặt dưới rặng cây, có nhiều bóng mát; khu vực dành cho người khuyết tật là nơi rộng, thoáng, dễ di chuyển.Hay như việc tận dụng xe khách chạy điện chở du khách đi du lịch quanh thành phố sẽ chuyển đổi để làm thành những chiếc xe điện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển,đồng thời cũng tạo cho người dân có điều kiện kinh doanh các sản phẩm du lịch trên chính những xe điện ấy. Và như thế, người dân thủ đô nói riêng, cả nước nói chung cũng như bạn bè quốc tế sẽ lại được nghe tiếng «leng keng»-tàu điện, gợi nhớ về một Hà Nội xưa cũ.
Thành công chỉ đến khi những trái tim hòa chung nhịp đập
Để có thể hình dung tổng thể về dự án này một cách chi tiết phải kể đến sự góp sức của chàng trai trẻ Nguyễn Tuấn Hưng, vừa tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành quản trị nguồn nhân lực tại Đại học Hàng Không - Cục Vũ Trụ Bắc Kinh, Trung Quốc. Hưng và các cộng sự đã dành nhiều thời gian, tâm huyết phối cảnh và chỉnh sửa từng chi tiết trong dự án để có được bản thiết kế hoàn hảo. Cố vấn dự án là họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, cùng nhiều nhà nghiên cứu, những họa sĩ có uy tín, tạo nên sân chơi mới cho các họa sĩ cũng như là nơi gặp gỡ giao lưu quốc tế trong lĩnh vực mỹ thuật. ThonArrt còn kết nối với câu lạc bộ phụ nữ quốc tế, nhằm giúp cho chi hội phụ nữ ở quận Tây Hồ có thể phát triển ngành nghề, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống của chính mình.
Khi ThonArt mới trong giai đoạn dựng mô hình nhưng dường như các bạn trẻ rất hào hứng và có rất các bạn xin làm tình nguyện viên.Trong đó, hỗ trợ trò chơi dân gian là nhóm My Hà Nội của Ngô Quý Đức, đơn vị đã từng đồng hành cùng ThonArt trong chương trình: Ký ức Hà Nội. Hay như dự án Góc Xanh Hà Nội Của Nhím của Nguyễn Phan Hằng Giang (Hiện theo học Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý & Phát Triển Du lịch tại Đại học Italia). Phụ trách Đối Ngoại, giao lưu với CLB Phụ nhữ Quốc Tế (chủ yếu là phu nhân các Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Hà Nội và người nước ngoài) là chị Nguyễn Minh Hương. Phụ trách Nghệ thuật biểu diễn cho các hoạt động phục vụ công chúng do Thạc sĩ Nguyễn Hồng Nhung - giảng viên trường Cao Đẳng Nghệ thuật HN. Bên cạnh đó là những dự án phối hợp cùng công ty IDB Việt Nam...
Theo chị Phan Thu Hằng: Tất cả anh chị em văn nghệ sĩ, doanh nhân đều là những người yêu Hà Nội. Khi dự án triển khai cũng sẽ có những dư luận đa chiều nhưng Thon Art đón nhận và sẽ làm tốt. Từ việc làm đúng đắn, hướng tới cộng đồng có ích thì dự án sẽ được ghi nhận, ủng hộ. Cho đến, nay khi dự án đang trong quá trình triển khai chi tiết thì đó là thành công của tất cả mọi người. Khi làm điều ý nghĩa thì đó là tài sản vô giá mình nhận lại. Nó vô hình mà lại to lớn vô cùng chị Hằng tâm sự.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn dự kiến tổ chức vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, mùa Hè từ 18 giờ đến 24 giờ, mùa Đông từ 17 giờ 30 đến 23 giờ. Riêng Chủ nhật sẽ hoạt động từ 15 giờ đến 22 giờ. Khi triển khai tuyến phố đi bộ, Ban quản lý dự án sẽ phối với với quận tổ chức trông giữ xe tại đường phố Lạc Long Quân. Việc phân luồng, cấm đường khu vực này sẽ không ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân Tây Hồ. Giai đoạn 2 dự án sẽ tiếp tục mở rộng không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố ra các khu vực lân cận, hai hồ sen, đường dạo dẫn ra hồ Tây và phố Nhật Chiêu. Giai đoạn 3 mở rộng phạm vi về phía hồ sen và bến thủy nội địa khu vực Đầm Bảy và vùng phụ cận thuộc phường Nhật Tân và Quảng An.
(Nguồn: http://www.tamnhin.net.vn)