Thời của giá trị ảo!

01/08/2016

Đã bao giờ giá trị của một giọng ca, một bài hát trở nên “hit” lại không do chính nội lực của nghệ sĩ mà phân định bởi sự “chém gió” từ những người ngoài cuộc? Nhạc Việt đại chúng có lẽ đang ở cao trào của sự lệch chuẩn!

“Ảo”


Ca sĩ Tùng Dương


Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh

“Vợ người ta”, dường như không có mấy gợi hình nghệ thuật nhưng nó chính là tên một ca khúc trong thời gian gần đây. Không chỉ có thế, nó còn tạo cơn sốt chưa từng có trong làng nhạc thị trường giải trí khi tính tới thời điểm này trên trang nghe nhạc mạng zing có tới ngót 137 triệu lượt nghe. Điều lạ là, ngay cả với một người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp như tôi, luôn bám sát đời sống âm nhạc đại chúng, kể cả những giá trị mà mọi người vẫn gọi là thị trường, lại không hề biết tới ca khúc này ngay khi nó đã cán đích hàng triệu lượt nghe. Tôi chưa tin mình đã lạc hậu với dòng chảy của đời sống âm nhạc đại chúng nhưng phải tới khi báo chí nhắc nhiều tới nó mới mới giật mình ồ có thật! Hóa ra vẫn còn một dòng chảy ngầm của âm nhạc, nó dường như là một thế giới riêng biệt lập. Nội dung của “Vợ người ta” là gì? Không cần nghe cũng đã mường tượng tới một mối tình ngang trái. Nhưng nó như một thứ virut có sức công phá và lan tỏa vô cùng mạnh mẽ. Phải chăng, nó là một sự bế tắc cho đời sống tinh thần của một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện nay? Hay là chỉ đơn thuần đáp ứng một thứ giải trí tầm phào không cần giá trị thẩm mỹ vốn là một sứ mệnh nghệ thuật? Hay còn những lý do nào khác nữa? Rõ ràng, dù xuất phát từ lý do gì thì nó vẫn là một tồn tại trong đời sống âm nhạc đại chúng hiện nay. Và tất nhiên, đây chỉ là một trường hợp trong vô số những trường hợp mà chúng tôi không thể điểm hết trong khuôn khổ bài viết.

Gỉa sử bây giờ đặt ra câu hỏi nhạc Việt đại chúng đang thuộc về tay ai? Nếu thuận theo lẽ thường thì đương nhiên, nó sẽ thuộc về những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở trên đất nước này và cả các nghệ sĩ hải ngoại. Nhưng thực tế không hẳn vậy, dù không muốn cũng phải nói ra, gần như nó đang được trao về tay mấy diễn viên hài! Nếu là một khán giả thường xuyên của truyền hình, sẽ chẳng khó bắt gặp hình ảnh mấy anh chị diễn viên hài ấy trong các cuộc thi truyền hình mỗi khi bật tivi vào buổi tối. Thậm chí, có khi trong cùng một buổi tối, chuyển kênh nào cũng thấy mặt. Dễ hiểu, bây giờ đang là “thời đại” của truyền hình thực tế. Trong khi bản chất của truyền hình thực tế là thu hút thật nhiều người theo dõi, kéo được nhiều quảng cáo. Chuyên môn chưa hẳn là yếu tố số một, tất cả những yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, chẳng hạn như khai thác thân phận người dự thi, tạo các lùm xùm bên lề, sự tương tác giữa thí sinh với giám khảo… Như thế rõ ràng chẳng ai phù hợp bằng các nghệ sĩ hài ngồi vào vị trí “ghế nóng” trong các cuộc thi mang tính tổng hợp. Cũng vì muốn tạo “hot” nên gần như truyền hình thực tế không có chê, trong khi sự khen ngợi đã vượt lên thứ hạng có thể nói là “cao siêu”, giống như cái “mỹ từ” cửa miệng “vi diệu” của một giám khảo hài thường dành tặng cho người chơi.

Không chỉ có nhạc thị trường âm ĩ gây bão trong thế giới ngầm, không chỉ có những nghệ sĩ bên ngoài can thiệp sâu, góp phần tạo cảm giác “ảo” cho đời sống âm nhạc đại chúng, ngay chính một số nghệ sĩ trước nay vẫn được coi là có dấu ấn trong lĩnh vực âm nhạc cũng hữu ý hay vô tình góp sức. Câu chuyện về một phần trình bày của nữ ca sĩ trong một sự kiện trọng đại của đất nước gần đây không thể nói là tốt nếu không muốn dùng những từ khủng khiếp hơn. Chính cô cũng thừa nhận trên báo giới về việc này. Sự việc có lẽ cũng chỉ ào lên một chút rồi nhanh chóng đi vào quên lãng nếu như không có sự góp sức của một vài nghệ sĩ âm nhạc và nhà báo, nhà hoạt động truyền thông thân cận khi cố tình xoay chuyển thế cờ thành sáng tạo, làm mới, thử nghiệm hay những gì khác nữa nghe thật là có đóp góp. Động cơ để họ làm vậy là có ý tốt cho nữ ca sĩ, nhưng chính điều đó lại khiến họ rơi trúng kế “gậy ông đập lưng ông”, đẩy sự việc lên cao trào. Chắc chắn nó sẽ là một vết đen trong đời sống âm nhạc còn được nhắc nhiều cho mãi đến sau này. Một mặt khác, ở tầm rộng hơn, việc cố tình dẫn dư luận đi theo một hướng khác không đúng sự thật, nếu không bị dư luận lên án mà ngược lại, đạt được mục đích của những người định hướng còn nguy hơn vì nó góp phần làm cho đời sống âm nhạc trở nên rối tung, giống như một nồi canh hẹ.

“Thoát ảo” tìm sự thăng bằng!

Không thể phủ nhận tính đa dạng của nghệ thuật cũng như nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Đương nhiên, mỗi một đối tượng công chúng phụ thuộc vào trình độ, nhận thức và tình cảm mà phù hợp với một khía cạnh nào đó trong đời sống âm nhạc. Việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc là một đòi hỏi chính đáng nhưng một khi, có quá nhiều công chúng còn nhu cầu về những bài hát có nội dung cũng như ca từ dễ dãi, những câu chuyện chưa thực sự tôn lên tính thẩm mỹ, đề cao tính nhân văn giúp người nghe dần đẹp hơn trong tâm hồn thì âm nhạc chưa hoàn thành được sứ mệnh của nó.

Tương tự, không thể phủ nhận tài năng của các nghệ sĩ diễn viên trong các lĩnh vực nghệ thuật của họ và cũng từ tài năng họ xứng đáng có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng. Mà thực tế, truyền hình thực tế không hẳn là cuộc thi âm nhạc nhưng lại có lượng lớn người tham dự chọn âm nhạc để thi nên có thể giám khảo cũng chỉ là người bị động nhưng việc nghệ sĩ hài tham gia quá sâu vào sự định đoạt các hạt nhân âm nhạc cũng tạo ra những tình thế dở khóc dở cười. Chẳng hạn, trong một chương trình thực tế rất “hot” được trình chiếu trên kênh truyền hình VTV3, có cô bé hát Xẩm hay tạo cơn sốt trong dư luận nhưng trong một vòng thi không hiểu ai định hướng lại chọn lối hát Xẩm màu mè như kiểu ca nhạc và dùng từ phụ, hư từ của Ca trù. Thế mà lại được toàn bộ ban giám khảo tấm tắc khen hay. Thật là một tình huống dở khóc dở cười cho âm nhạc! Thêm nữa, cùng sự bùng nổ truyền hình thực tế với hầu hết các cuộc thi đều liên quan đến ca hát lại là hệ quả buồn dẫn tới sự đìu hiu của các trường nghệ thuật. Chẳng hạn, trong khi quá nhiều bạn trẻ ước mơ là ca sĩ thì lượng thí sinh dự thi thanh nhạc trong các trường này giảm hẳn. Họ chọn đường tắt bước thẳng lên truyền hình và phó mặc cho may rủi. Sẽ không phải suy nghĩ nếu như những thí sinh bước ra khỏi cuộc thi không là lực lượng bổ sung cho đời sống ca nhạc tương lai. Đời sống âm nhạc đại chúng sẽ như thế nào khi trong hành trang bước vào nghề chưa đủ lượng kiến thức cơ bản trong khi cuộc đời hoạt động ca hát của họ sẽ luôn gắn với những chiêu trò và kỹ nghệ “tung mỳ chính” từ những người có tầm ảnh hưởng nhất định? Sự “tung mỳ chính” một cách… siêu thực sẽ góp phần tạo nên những ảo giác của thí sinh về tài năng. Rõ ràng điều này là mầm nống cho chất lượng chung của âm nhạc đại chúng trong tương lai khi họ bước vào ra khỏi cuộc thi.

Nhìn lại đời sống âm nhạc những năm trước khi truyền hình thực tế xâm nhập sẽ thấy những cuộc thi dù là đại chúng đều do những nghệ sĩ uy tín làng nhạc cầm cân nảy mực, nào là Thuận Yến, Huy Du, Trần Hiếu, Qúy Dương hay thế hệ sau là Đỗ Hồng Quân, Quang Thọ, Thu Hiền…Để rồi những tài năng ca hát như Thanh Lam, Hồng Nhung, Ngọc Sơn…hay Mỹ Linh, Tấn Minh, Trọng Tấn, Lan Anh, Anh Thơ… được phát hiện. Đúng là không thể phủ nhận yếu tố và vai trò mang tính thời đại của truyền hình thực tế nhưng đương nhiên nó không thể là nơi có thể yên tâm đặt niềm tin. Rõ ràng cần phải “thoát ảo” để lấy lại trạng thái thăng bằng cho đời sống nhạc Việt đại chúng là điều cần thiết cho thời điểm này. Thiết nghĩ, nghệ thuật luôn phải hàm chứa cái đẹp, đề cao cái đẹp. Một khi đã là cái đẹp thì sẽ chạm tới trái tim người nghe mà không cần bất cứ một lời nói đầy hoa mỹ nào. Còn ngược lại, dù người nói là ai và lời nói có cánh đến đâu nhưng phần trình diễn không tạo được đồng cảm của khán giả thì không thể coi đó là hay. Tôn trọng sự thật và không được làm sự việc trở nên rối thêm xem ra cũng là một trong những điều rất cần đối với âm nhạc đại chúng trong giai đoạn hiện nay. Vậy nên, để “thoát ảo” và tìm lại sự thăng bằng cho đời sống nhạc Việt đại chúng tất nhiên cần rất nhiều điều nhưng sự chân thành, ý thức trách nhiệm và đúng người đúng việc là 3 yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.

(Nguồn: t/c Âm nhạc)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...