Thời của Bolero?
Như đang có cơn sốt bolero.
Lên xe ô tô, thường được nghe miễn phí, những bài hát thuộc dòng nhạc bolero.
Quà tặng cho nhau, giờ có thêm sản phẩm mới, là đĩa nhạc, cái usb chứa bài hát bolero.
Quán karaoke cho đến đám cưới quê bây giờ, nhạc bolero được người ta chọn nhiều hơn.
Mở truyền hình, vặn đài, hết show này đến chương trình khác, thi tài hát bolero.
Báo chí, truyền thông xã hội giành nhiều diện tích, thời lượng luận bàn về dòng nhạc này.
Người ta suy luận, hình như bolero đang lên ngôi, đang trở thành một trào lưu, một xu hướng âm nhạc?
Người ta cũng suy đoán, đặt dấu hỏi, phải chăng đang là thời của dòng nhạc bolero, khi truyền thông đang làm cái công việc như là định hướng, dẫn dắt thị hiếu âm nhạc công chúng?
Bolero, ở nước ta, có thời được gọi là nhạc vàng, nhạc sến, có đời sống, có “thân phận” với những thăng trầm. Tiếp thu một dòng nhạc nước ngoài, dựa trên tiết tấu đặc trưng Mỹ- la tinh, nhạc sỹ, nghệ sỹ Việt Nam đã sáng tạo nên một dòng nhạc hơi hướng dân tộc, đậm chất tự sự- hoài niệm, được một bộ phận công chúng yêu thích.
Sự trở lại của bolero vào thời điểm hiện tại, nói lên điều gì?
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, đến hiện thời, bolero còn tồn tại, cùng các dòng nhạc đỏ, nhạc xanh, chứng tỏ sức sống của nó trong lòng công chúng. Suy cho cùng, mọi hiện tượng tồn tại đều có lý. Có lý nên nó tồn tại. Bolero, nhạc vàng, hay dòng nhạc nào khác, cũng thế.
Sự trở lại của bolero còn chứng tỏ, đời sống âm nhạc nước nhà đang rất phong phú, cởi mở, tự do. Công chúng chọn món ăn tinh thần theo sở thích. Ai yêu thích bolero, cứ việc nghe, cứ việc hát, chẳng ai cấm, chẳng ai ngăn. Nhiều ca sỹ nổi danh một thời chuyên hát dòng nhạc này, từ nước ngoài cũng được về nước biểu diễn trên những sân khấu lớn. Nhiều ca sỹ thành danh với dòng nhạc khác, cũng chuyển hướng, thử sức phô diễn với dòng nhạc đậm chất bình dân, hoài niệm này. Không hiếm trường hợp, đang vô danh, bỗng chốc thành “thánh” nọ “thánh” kia với dăm ba bản bolero.
Mấy chục năm về trước, làm sao có thể tự do công khai hát và cổ xúy nhạc vàng? Hồi đó, thanh niên hát nhạc tiền chiến, thậm chí hát quan họ Bắc Ninh “Bèo dạt mây trôi”, “Ra ngõ mà trông”...còn bị nhắc nhở, phê phán nữa là!
Bolero là sản phẩm văn hoá, sự tồn tại và phát triển tuân theo quy luật văn hoá. Nhu cầu tự thân, đích thực của công chúng quyết định sự trở lại hay chìm lắng của dòng nhạc này.
Nhưng, cũng không khó nhận ra một điều, sự trở lại của bolero trong thời điểm hiện tại, vừa bình thường, lại vừa không bình thường. Bình thường, vì nó đáp ứng như cầu thị hiếu của một bộ phận công chúng. Cuộc sống xô bồ, với nhiều áp lực mưu sinh và những mâu thuẫn trong gia đình, xã hội khó giải tỏa khiến một phận công chúng tìm đến, nép mình vào bản nhạc “nói hộ lòng mình”. Không bình thường, vì biểu hiện “hội chứng đám đông”, theo “mốt”, mang tính phong trào quá rõ. Thị hiếu âm nhạc của một bộ phận công chúng không còn là tự thân, mà đang bị truyền thông thương mại dẫn dắt với mức độ thái quá.
Quan sát cách hệ thống truyền thông mà chủ yếu là các “nhà đài” làm sự kiện bolero, người ta dễ suy đoán và ngộ nhận. Hình như đang là thời của bolero? Hình như dòng nhạc chìm khuất một thời, giờ đang trở lại, lên ngôi, thành trào lưu âm nhạc chăng? Ở khía cạnh này, phải chăng nhà quản lý văn hoá đồng quan điểm với “nhà đài”?
Xét đặc trưng, mặt tích cực và hạn chế của dòng nhạc bolero đang tồn tại ở Việt Nam và thời điểm trở lại của nó, khó mà nói rằng, này là thời của bolero; càng khó để nói rằng, bolero đã, hoặc sẽ là trào lưu âm nhạc. Chính là cái cách truyền thông thương mại thị trường đã nhào nặn, đánh bóng sản phẩm âm nhạc một thời, và sự im hơi lặng tiếng của nhà quản lý văn hóa, khiến người ta nhầm tưởng.
Xét về quy luật phát triển, nên vui hay nên buồn cho nền âm nhạc nước nhà, khi một dòng nhạc “ngày xưa” lại đang hầu như độc chiếm từ sàn diễn đến màn hình ti- vi?
Bolero có những đóng góp tích cực nhất định vào nền âm nhạc nước nhà khi tiếp nhận có sáng tạo tiết tấu từ một dòng nhạc nước ngoài, phổ vào đấy chất dân ca dân nhạc và hệ thống ca từ giàu chất tự sự- hoài niệm, hướng con người trở về quá khứ, cội nguồn. Nhưng cũng chính bolero, hầu hết là bài bản xuất hiện từ những năm 50 thế kỷ trước đến trước năm 1975, hiếm hoi sáng tác mới, khiến tự nó đã là một hạn chế, gây nên sự lặp lại, nhàm chán, không hợp thời. Mặt khác, trong rất nhiều bản nhạc bolero ngồn ngang ca từ nỉ non, bi lụy, buồn chán, oán trách số phận, khiến con người dễ buông xuôi, quay lưng với thực tại.
Vậy thì thời hiện tại, chắc chắn không phải thời của bolero.