Thơ được phổ nhạc, có nhiều tiền bản quyền không nhỉ? Hỏi ai bây giờ?

20/08/2013

Hôm rồi, đến 66 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy Hà Nội nhận tiền bản quyền tác giả thơ. Thú thật, lần đầu nên rất bỡ ngỡ, có phần ngại ngùng nên tôi chưa lên thẳng bàn chi trả trên tầng 7 mà còn loanh quanh ở tầng 1, chuyện vãn với mấy người cũng đang chờ đến lượt. Mấy ông nhạc sĩ tuổi ngang tôi chừng hơn 60, nằm ở khoảng giữa trong danh sách “top 100” (nghĩa là từ 20 đến 190 triệu/ quý ). Nghe họ nói, mà giật mình, (tôi thấy bảo mình chỉ được chưa đầy 2 triệu), mặc dù nghĩ tên mình, thơ mình cũng “oách xà lách”, trong lòng cũng thấy hơi tức anh ách. Lẽ nào?

Hút xong ba điếu thuốc, nghe được thông tin từ ba thế hệ nhạc sĩ, thế hệ trên 60 tuổi, từ 60 trở xuống và các nhạc sĩ trẻ mới toanh, tôi mới biết sự suy đoán (trước khi đến đây) của tôi là sai bét nhè. Có những tên tuổi hoành tráng, danh sách tác phẩm cũng nhiều và rất nổi trong một thời dài (nói cho văn vẻ tức là những bài ca đi cùng năm tháng) thì tiền bản quyền nhận nhiều lắm trong một năm chỉ khoảng 60 triệu (Nếu những tác phẩm đó trọn bộ - từ âm nhạc đến ca từ là của người đó, còn ca từ của người khác thì chỉ được 70% trong số đó). Hầu hết trong “top 100” những tác giả nhận từ 80 triệu đến 600 triệu/năm lại là những tác giả nằm ở dòng nhạc…khác, mà chúng ta quen gọi đó là nhạc thị trường. Trong số này có những tác giả trước đây âm nhạc của họ không được phổ biến rộng rãi. Cũng trong số này, có không ít tác giả mà các phương tiện thông tin đại chúng chẳng đưa tên tuổi họ ra bao giờ. Ngoài ra còn có tới hơn 2000 nhạc sĩ, nhà thơ, thân nhân tác giả được nhận tiền bản quyền hằng năm. Có người còn ít hơn tôi nữa, một năm chỉ có hơn 100 ngàn đồng.

Gì thì gì, chứ chuyện tiền là không nên lơ mơ phải không quý vị.?Tôi không muốn lấy ngay, định loanh quanh, thời gian cho một lần chi tiền (quý, một năm 4 quý) chừng mươi ngày, chẳng có gì phải vội với một tỷ phú thời gian như tôi, để tìm hiểu mọi chuyện. Ngoài cổng có mấy quán chè chén. Lân la, cuối cùng tôi cũng được nhạc sĩ phổ nhạc của tôi cho nhìn thấy “bảng thanh toán” của ông ấy. Tổng số là 29 triệu 600 ngàn đồng, quý 2/2013. Chao ôi, đọc xong, mệt kinh người. Bảng kê cho thấy tiền tác phẩm của ông ta được sử dụng từ nhiều nơi: VTV, VOV Nhà hàng, khách sạn, quán Karaoke, nhạc chuông, nhạc chờ, sân khấu biểu diễn, sản xuất băng đĩa, sách âm nhạc… (chưa thấy có internet). Nhiều nhất trong số đó là nhạc chuông, nhạc chờ. Còn từ VTV, VOV, sân khấu biểu diễn thì chẳng được là bao. Xem xong. Tôi nhăn nhó, nói, thảo nào vợ tôi nó cứ bảo thấy bài của anh hát khắp nơi mà chẳng thấy tiền. Ông bạn có gần 30 triệu thì cười tươi, thế này là quá giỏi rồi. Ông đọc thì thấy, đòi được ngần ấy ở các lĩnh vực là quý quá rồi. Có nơi, ông thấy không, một bài, một lần phát có hơn 12.000đ. Thì thơ của ông, 30% trong 1 bài đó có hơn 4.000đ/ lượt là đúng còn gì nữa.

Tôi lại hỏi: 2 bài của ông thấy thường được hát trên sân khấu, nghe nói ca sĩ hát nhận tiền cát xê, một lần diễn ấy tới hơn 80 triệu đồng, còn của ông có hơn triệu? Ông cười bảo, bài của mình chỉ sân khấu miền Bắc mới hay sử dụng, còn sân khấu trong Nam họ diễn những bài khác. Mà trong Nam, người ta nghiêm chỉnh trả tiền tác quyền lắm. Nên ông thấy không nhiều nhạc sĩ trong Nam tiền gấp mấy lần ngoài này. Ngoài Bắc mình, đã ít show, bầu show lại hay “trốn kỹ”, nếu không trốn kỹ thì lại “xin xỏ”, lại lấy văn bản cấp này, cấp kia, lý do này lý do nọ để “xin” hạ mức giá bản quyền tác phẩm…

Tôi bảo, có cách nào để biết ông Giám đốc Trung tâm được bao nhiêu tiền bản quyền một năm không? Ông bạn bảo, nhiều người chẳng muốn công khai số tiền của bản thân đâu. Công khai ra, công chúng lại bình phẩm, ông tưởng ông oách nhưng nhìn bảng tiền thì thấy ông cũng thường thôi. Nhưng thực tế thì cũng không hẳn như thế ông xem đây thì biết rồi. Còn ông Giám đốc - Nhạc sĩ Phó Đức Phương á, muốn biết không khó, ông này hồn nhiên lắm, hỏi là nói ngay.

Thế là tôi lên tầng 7. Gặp kế toán. Kế toán lần đầu nhìn thấy tôi, hỏi tên, nhoay nhoáy tra trên máy tính, sau 2 phút, đưa tôi bảng kê, tiền. Té ra, quý này tôi được gần 2 triệu. Còn từ trước đến giờ, các nhạc sĩ vẫn chừa phần của tôi ở đó. Cộng lại tôi được gần 8 triệu. Nhân viên kế toán còn giải thích rằng, không phải quý nào, năm nào cũng giống nhau mà tùy thuộc vào người ta sử dụng nhiều hay ít. Lúc đó tôi còn nghe được bàn bên có ông kể, cái câu “quả gì mà xanh xanh thế, xin thưa rằng quả khế”, được nhà đài chế làm quảng cáo thành “thạch gì mà ngon ngon thế, xin thưa rằng thạch rau câu nhé”, đã trả tiền tác phẩm phái sinh trên 20 triệu cơ. Rồi tôi lân la tìm đến ông Phó Đức Phương, nghe tự giới thiệu, tôi là tác giả thơ Tâm Tâm, ông nhớ ngay là thơ tôi được phổ nhạc ở những bài nào. Sau một hồi chuyện bản quyền âm nhạc 10 năm gian khổ, ông cũng cho tôi nhìn cái bảng thống kê tiền sử dụng tác phẩm quý 2/2013 của ông, té ra tác phẩm cũng như tên tuổi của ông cũng chịu sự chi phối của thị trường, dựa trên các lượt tải, các dữ liệu sử dụng của các nơi gửi về, sau thao tác của quản lý kỹ thuật, phần mềm máy tính nó tự động đưa ra kết quả, chứ không có cách nào ông được nhận hơn người khác. Ông cười cười, mình đứng ở gần cuối danh sách top 100% là vui lắm rồi. Chào ông Phương về, ra khỏi cửa tôi lại gặp Nhạc sĩ của những bài hát về HN, mặt ông tươi như hoa, bảo, mình đang vội, khi nào gặp nhau nhé. Ông lĩnh ngót ngét 28 triệu quý này. Ngoài ra,ông còn tổ chức biểu diễn nữa. Như thế đời sống một số nhạc sĩ có vẻ cũng sung túc. Chưa kịp mừng cho ông ấy thì thấy mấy người thì thào, nhạc của ông này thường là phổ thơ nhưng khi ông ấy tự tổ chức show thì không mấy nhà thơ biết để đi đòi tiền. Dĩ nhiên là không có thơ của tôi, chứ không tôi đã hỏi tiền bản quyền của tôi mỗi khi ông tổ chức biểu diễn đâu?

Xem ra, câu chuyện bản quyền còn nhiều điều thú vị. Tôi sẽ tìm hiểu thêm và biết đâu, tôi sẽ bắt chước để làm về bản quyền cho thơ của mình và cho các bạn thơ của tôi nữa.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...