Thiếu nữ Hà Thành với Ca Trù
Nhạc Hàn hay nhạc rock chỉ là âm nhạc thoáng qua còn ca trù mới có thể đọng mãi trong tâm trí.
Từ mấy năm nay, đền Quan Đế ở 28 Hàng Buồm (Hà Nội) đã trở thành nơi tập luyện, biểu diễn của giáo phường ca trù Thăng Long. Bên cạnh những tên tuổi lớn như nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ, ca nương đào đàn Phạm Thị Huệ thì còn có một lớp học của khoảng 10 bạn trẻ đam mê môn nghệ thuật truyền thống.
Ca nương đào đàn Phạm Thị Huệ cho biết: "Ca trù là một di sản quý giá đang cần được bảo vệ khẩn cấp. Các lão nghệ nhân giờ chỉ còn sót lại vài người và bản thân tôi cũng không thể hát được mãi. Vì thế, giáo phường mở lớp học ca trù để truyền lại cho thế hệ trẻ."
Ca nương đào đàn Phạm Thị Huệ cho biết: "Nếu như trước đây, du khách có thể ngồi nghe hát ca trù từ ngày này qua ngày khác thì bây giờ mọi người chỉ nghe trong một hai giờ. Và trong khoảng thời gian ấy, mình phải trình diễn các tiết mục khác nhau để tăng sự hấp dẫn cho môn nghệ thuật truyền thống."
Khi mở lớp, ca nương Phạm Thị Huệ cũng gặp rất nhiều khó khăn do truyền thống của môn ca trù không truyền cho người ngoài. "Phải thuyết phục mãi, các cụ mới đồng ý."- cô Huệ chia sẻ.
Năm 2007, giáo phường bắt đầu dạy miễn phí cho tất cả những ai yêu ca trù. Từ đó đến nay, đã hơn 100 người yêu ca trù được tryền dạy về di sản văn hoá đã được UNESCO công nhận.
Không chỉ học hát, học đàn, các bạn trẻ còn được tạo điều kiện biểu diễn để có thể thực hành những bài đã học và có thêm cơ hội để giao lưu cùng khán giả.
Nói về lý do học ca trù, Đặng Thị Hường (SN 1994) cho biết: "Mình là cháu nội của nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc. Từ nhỏ khi nghe bà hát, ca trù đã dần thấm vào trong con người mình. Mình yêu những lời hát cổ, yêu cái giọng âm ư. Bây giờ, khi bên ngoài tràn ngập pop, rock, Kpop thì với mình ca trù vẫn là thứ âm nhạc không thể nào thay thế".
Mỗi tuần 1 đến 2 lần, các bạn trẻ lại cùng nhau tập luyện hát ca trù tại ngôi đền Quan Đế giữa lòng phố cổ Hà Nội. Lớp học có 10 thành viên, từ 12 đến 28 tuổi.
Hà Vy hiện đang là học sinh lớp 6 trường THPT Tô Vĩnh Diện. Vi cho biết: "Từ khi học lớp 1 đã được bà Huệ cho đi nghe hát ca trù. Dần dần, thứ âm nhạc bác học ấy ngấm vào người và yêu thích từ lúc nào không hay. Tuy mới nhập học được vài tháng nhưng Vy đã hát được các bài đơn giản và bắt đầu tập chơi đàn đáy." Các thành viên còn lại hầu hết là sinh viên Khoa Nhạc cụ dân tộc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Ca nương Đặng Thị Hường (1994, ở giữa), cháu của nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc. Cô học ca trù từ năm 6 tuổi và gắn bó cho đến tận bây giờ.
Bên cạnh lớp học ở đền Quan Đế còn có một lớp học ngay tại làng An Khánh, Hoài Đức dành cho các em bé từ 5 đến 10 tuổi, là cháu chắt của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc.
Nói về nguyên nhân ra đời lớp học này, ca nương Phạm Thị Huệ chia sẻ: "Sau khi cụ Chúc mất, các cháu được mọi người nói nhiều về tình yêu ca trù của cụ. Một tuần sau, bé Quỳnh Anh và mấy đứa đứng thập thò ở cửa. Khi chị hỏi tại sao, cả một hàng mới bước ra bảo muốn học ca trù. Thế là lớp học hình thành. Do tất cả đều là anh chị em trong nhà, nên không khí lúc nào cũng vui vẻ.
Và với những học trò nhí, ca nương Phạm Thị Huệ thường dùng bim bim để làm phần thưởng. Nguyễn Thị Nhung, chắt ngoại của nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc cho biết: "Hồi nhỏ, em cũng hay được cô Huệ mua bim bim nên bị “mua chuộc” theo hát ca trù đến tận bây giờ."
Tuy mới nhập học được vài tháng nhưng Trần Thu Hà lại là gương mặt khá nổi bật của lớp. Đã học múa từ nhỏ nên Hà đảm nhiệm vai trò biên đạo cho các bạn.
Hiện nay, ca nương Phạm Thị Huệ đang dựng lại múa hát bỏ bộ để trình diễn tại Nhà hát lớn.
Các động tác của múa hát bỏ bộ tái hiện lại hình ảnh sinh hoạt của người nông dân xưa. Theo lời kể của nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đệ thì đây là tiết mục hấp dẫn nhất đối với dân làng.
Trong khi đó Chúc hỗ lại là một bài hát để tiến vua.
Huệ Phương là con gái của ca nương Phạm Thị Huệ. Từ khi 5 tuổi cô bé đã được theo mẹ đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và cũng chính là “cứu tinh”của mẹ cô. Ca nương Phạm Thị Huệ chia sẻ: "Khi tôi đến gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc để xin học thì cụ cũng lưỡng lự lắm nhưng khi thấy Huệ Phương thì cụ đồng ý nhận làm học trò ngay."
Lên sân khấu từ năm 6 tuổi, đã cùng mẹ biểu diễn khắp nơi nên Huệ Phương được giao trọng trách làm MC và thể hiện ca khúc: “Sống như những đoá hoa”.
Đây cũng là một cách để các ca nương đến gần hơn với công chúng.
Để quảng bá cho môn nghệ thuật truyền thống này, giáo phường ca trù Thăng Long tổ chức các buổi biểu diễn vào 20h thứ 3, 5,6,7 và chủ nhật hàng tuần tại 28 hàng Buồm.
Giáo phường hy vọng qua hoạt động này sẽ có thêm nhiều bạn trẻ yêu thích và đăng ký học ca trù hơn nữa để bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc.
(Nguồn: http://tiin.vn)