“Thằng Cuội” thức dậy sáng ngời

26/10/2015

Nhạc phim hay không chỉ bộc lộ tài năng của nhạc sĩ sáng tác, hòa âm mà còn cả trình độ nghệ thuật của đạo diễn

Hơn nửa tháng kể từ khi chính thức tung album nhạc phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Thằng Cuội” đã trở thành ca khúc được tìm kiếm nhiều nhất và chiếm lĩnh vị trí đầu bảng xếp hạng trên Zing Mp3. Vốn là một ca khúc cũ đã thân thuộc, gần gũi với hàng triệu trẻ em Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua, nay được hòa âm phối khí lại, sử dụng làm nhạc của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Thằng Cuội” gây “sốt” không kém bộ phim “nổi đình nổi đám” này.

Nhạc của phim quá hay

Xuất hiện lần đầu tiên trong teaser của bộ phim, không chỉ những hình ảnh đẹp, đầy chất thơ về phong cảnh thiên nhiên hớp hồn khán giả mà ca khúc “Thằng Cuội” cũng nhanh chóng nhận được sự quan tâm. Phiên bản đầu tiên là acoustic với đàn guitar được nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm hòa âm, phối khí cùng sự thể hiện của ca sĩ trẻ Ngọc Hiển. Ngoài việc săn lùng để nghe, một tài khoản trên YouTube còn đăng tải video lặp lại ca khúc “Thằng Cuội” trong vòng 30 phút. Sự yêu thích ban đầu ca khúc này của khán giả cũng góp phần nào đó kéo họ tới rạp khi phim công chiếu. Rất nhiều người cho rằng “nhạc phim hay như vậy chắc phim sẽ hay” nên chờ đợi ngày phim ra mắt.


Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Khi xem phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, ai cũng phải xuýt xoa ấn tượng về hình ảnh đẹp và âm nhạc gợi cảm. Ca khúc “Thằng Cuội” với giai điệu du dương cùng giọng hát trong trẻo của Ngọc Hiển vang lên trong suốt chiều dài bộ phim khiến cảm xúc ùa về trong mỗi người xem. Ngọc Hiển có cách hát tự nhiên, tình cảm, không quá trau chuốt về kỹ thuật. Chính sự mộc mạc, dung dị ấy lại có khả năng gây cảm xúc mạnh mẽ, chạm đến trái tim người nghe nhất. Cùng với hình ảnh, bài hát vang lên đúng lúc đã kéo khán giả về với ký ức tuổi thơ thật gần gũi, nên thơ. Khi thì giọng hát mộc mạc, du dương với đàn guitar trong cảnh rước đèn trung thu; khi thì êm đềm và sâu lắng trong cảnh những đứa trẻ vui đùa bên nhau, cùng bắn bi, thả diều, nhảy dây; khi thì trầm lắng với tiếng violin trong cảnh buồn man mác nơi miền quê….

Ngoài ca khúc chủ đề do Ngọc Hiển thể hiện, trong phim, đạo diễn còn sử dụng các phiên bản khác do 2 nhạc sĩ nổi tiếng Christopher Wong và Garrett Crosby hòa âm, phối khí. Đặc biệt, phiên bản hòa tấu giao hưởng orchestra với dàn nhạc quốc tế được Christopher Wong thực hiện tại Bulgaria mang lại trải nghiệm mới mẻ, vừa lạ vừa quen cho khán giả. Nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm chia sẻ: “Đã nghe ca khúc này đến hàng trăm lần nhưng khi ngồi xem phim, nghe giọng hát cất lên tôi cũng nổi da gà”. Ca sĩ Phương Thanh cũng bảo: “Một bộ phim mộc mạc, giản dị nên từ cách hòa âm phối khí đến cách hát cũng theo đúng tinh thần này. Phim ngập tràn cảm xúc vì câu chuyện, diễn viên, hình ảnh và tất nhiên là âm nhạc quá xuất sắc”. Không quá lời khi nói rằng âm nhạc chính là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của bộ phim.

Khéo léo và chăm chút

Giới chuyên môn đánh giá cao đạo diễn Victor Vũ khi anh khéo léo chọn bài hát “Thằng Cuội”, một sáng tác của cố nhạc sĩ Lê Thương ra đời cách đây hơn 50 năm để làm nhạc nền của phim. Được biết, đạo diễn cũng mất khá nhiều thời gian để nghe qua rất nhiều ca khúc thiếu nhi của Việt Nam nhưng sau đó anh chọn “Thằng Cuội” vì nó phù hợp với một cảnh quay trong phim. Là một đạo diễn luôn có ý thức đi tìm nhạc phim sao cho mới mẻ, thú vị, phù hợp hơn là những thứ nhạc “minh họa” chi tiết, sơ sài, Victor Vũ đã quyết định “mặc áo mới” cho ca khúc này.

 
Nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm

Nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm cho biết: “Tôi không gặp nhiều khó khăn hay áp lực khi hòa âm ca khúc này. Khi anh Vũ yêu cầu hòa âm lại trên tinh thần càng giản dị, mộc mạc càng tốt thì tôi đã nghĩ ngay đến việc chỉ đệm guitar để cho giọng hát được tôn lên. Làm ca khúc này không cần tay nghề giỏi mà cần cảm xúc. Tôi may mắn tham gia vào quá trình chọn cảnh ở Phú Yên và làm công tác trợ lý đạo diễn cho đoàn phim nên hiểu rất rõ tinh thần của phim”. Về lý do chọn Ngọc Hiển, nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm nói: “Ngọc Hiển sở hữu giọng hát trong trẻo, có chút nũng nịu của trẻ con rất tự nhiên lại không bị chi phối quá nhiều về kỹ thuật”. Ngọc Hiển cũng cho biết cô không mất nhiều thời gian để tập luyện ca khúc này và gần như hát bằng kỷ niệm thời thơ ấu.

Sau khi nghe bản hòa âm do Đỗ Thanh Lâm thực hiện, đạo diễn Victor Vũ đã hài lòng ngay, không chỉnh sửa gì thêm. Vì thấy quá hay nên đạo diễn quyết định chọn “Thằng Cuội” làm ca khúc chủ đề của phim thay vì chỉ phục vụ cho một phân cảnh như ý định ban đầu. Quyết định đầu tư thực hiện 4 phiên bản cho bài hát chủ đề, trong đó có 2 phiên bản được 2 nhạc sĩ nổi tiếng Christopher Wong và Garrett Crosby hòa âm, phối khí và 1 phiên bản hòa tấu giao hưởng orchestra với dàn nhạc quốc tế được Christopher Wong thực hiện tại Bulgaria một lần nữa cho thấy sự nỗ lực, đầu tư, chăm chút nhạc phim của đạo diễn và nhà sản xuất.

Victor Vũ vốn là một người khó tính và đòi hỏi cao ở tất cả các khâu khi làm phim chứ không chỉ âm nhạc. Riêng với một phim nhẹ nhàng và tình cảm, ít cao trào và kịch tính như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, anh cho rằng phần hình ảnh và âm thanh (nhạc phim) rất quan trọng. Tài năng của Victor Vũ không chỉ là việc khéo léo chọn nhạc mà còn tinh tế sử dụng nhạc sao cho âm thanh và hình ảnh hòa quyện với nhau, âm thanh hỗ trợ cho sự chuyển động của hình ảnh. Rõ ràng, nhạc phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay không chỉ bộc lộ tài năng của nhạc sĩ Lê Thương, phần hòa âm của nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm cùng các nhạc sĩ nước ngoài mà cả trình độ nghệ thuật của đạo diễn Victor Vũ.

Đừng xem nhẹ nhạc phim!

 

Thành công của nhạc phim trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khiến cho người làm nghề nhìn nhận lại một cách nghiêm túc phần âm nhạc trong phim vốn lâu nay không được chú trọng. Có nhận định cho rằng: “Trong điện ảnh, kịch bản chỉ là tấm vải thô, còn hình ảnh và âm thanh là yếu tố thêu dệt trên tấm vải thô đó những sắc hoa đẹp”. Nhưng hiện nay, rất nhiều đạo diễn coi nhẹ việc đi tìm nhạc phim. Một đạo diễn lâu năm nhận xét: “Họ thường không cố gắng đi tìm những nhiệm vụ chức năng kịch tính khác của nhạc phim, sao cho mới mẻ hơn, thú vị, bổ ích hơn mà chỉ xem là những thứ nhạc minh họa chi tiết, sơ sài”. Song, việc sử dụng có hiệu quả hay không là tùy thuộc vào tài năng, phong cách của đạo diễn bởi có những ca khúc hay nhưng nếu sử dụng không hợp lý, không tinh tế thì cũng thất bại.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.