Thạch Bi Sơn: sự kết hợp giữa Ca trù và Tuồng

09/04/2013

Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Quang với hơn 200 ca khúc về chủ đề quê hương, người mẹ và tình yêu. Âm nhạc của Ngọc Quang đượm chất trữ tình, sâu lắng, mang âm hưởng của các làn điệu dân ca ngọt ngào, để lại ấn tượng mạnh trong lòng công chúng yêu nhạc. Thạch Bi Sơn là một trong số những ca khúc ấy, đã nhận được giải ba Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2012.

 

Nhạc: Nguyễn Ngọc Quang

Lời thơ: Nguyễn Ngọc Quang - Huỳnh Văn Quốc

Phối khí: Xuân Huy

Ca sĩ trình bày: Quang Thơm

 

Nhạc sĩ Ngọc Quang

Thạch Bi Sơn được nhạc sĩ Ngọc Quang khai thác chất liệu Ca trù và Tuồng. Đây là sự kết hợp lạ, tạo nên nét độc đáo cho ca khúc. Mở đầu Thạch Bi Sơn là những câu nhạc mang âm hưởng rõ rệt của Ca trù, giai điệu hùng tráng, linh thiêng kể về Núi Đá Bia hay Núi Ông – tên gọi khác của Thạch Bi Sơn, “hòn vọng phu” thứ hai của đất nước và là một trong những biểu tượng nổi tiếng với niềm tự hào của người dân Phú Yên. Thạch Bi Sơn là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, cũng là ngọn núi tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Thạch Bi Sơn quanh năm mây trắng bao phủ, đứng bên khối đá ẩn hiện trong mây phóng tầm mắt ra xung quanh thấy phía nam là biển Vũng Rô và vịnh Vân Phong, xa xa là thành phố Nha Trang; phía bắc là núi Chóp Chài, dòng sông Ba, thành phố Tuy Hòa. Người dân Nam Trung Bộ coi Thạch Bi Sơn là một Linga tượng trưng cho dương tính, biển Vũng Rô là Yoni tượng trưng cho âm tính. Người Pháp gọi Thạch Bi Sơn là “ngón tay của Chúa”. Tương truyền vào năm 1471, trong lần dẫn quân đi mở mang bờ cõi, vua Lê Thánh Tông cho quân mài nhẵn khối đá trên đỉnh núi và khắc tên ghi rõ cương thổ Đại Việt, vì thế mà có tên gọi là Núi Đá Bia:

Lồng lộng trời cao thăm thẳm biển
Đá vươn lên thẳng dáng kiêu hùng
Khí phách cha ông tạc vào năm tháng
Oai hùng một thưở đất phương nam…

Thạch Bi Sơn (Ảnh Internet)

Sự khéo léo trong bản phối khí xuất hiện ngay từ đầu. Sau tiếng Phách của Ca trù là âm thanh tiếng kèn Bóp của Tuồng cổ đã gợi hơi cho lời hát theo nét Ca trù làm người nghe không khỏi ngạc nhiên. Ca trù và Tuồng cứ thế đan xen nhau, hòa quyện nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên sự hòa hợp giống như thiên nhiên với con người, đất với trời, âm với dương, quá khứ với hiện tại…

Biển Vũng Rô (Ảnh Internet)

Sau bốn câu hát mở đầu, nếu theo mạch của âm nhạc thì tiếp theo sẽ là những âm thanh đặc trưng của Ca trù hay Tuồng cổ. Nhưng thật bất ngờ, tiết tấu trống rộn ràng đã bắt đầu một cách rất tự nhiên cho phần trình bày mang hơi thở của thời đại với phần nền nhạc nhẹ làm điểm tựa cho những nét giai điệu đặc trưng của Ca trù và Tuồng. Cũng như giai điệu của ca khúc, phần nhạc đệm có sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh của các nhạc cụ đặc trưng cho hai thể loại âm nhạc. Đó là âm thanh tiếng kèn Bóp đảm nhiệm việc dẫn dắt giai điệu nhưng lại không tòng theo lời hát, hay âm thanh tiếng đàn Nguyệt đảm nhiệm vai trò đệm đồng thời hỗ trợ cho tuyến giai điệu của giọng ca, âm thanh của bộ gõ từ tiếng phách của Ca trù đến tiếng trống cái của Tuồng, hay phần nền theo phong cách nhạc nhẹ … Sự kết hợp sáng tạo và độc đáo từ giai điệu bài hát cho đến phần nhạc đệm đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm dân gian đương đại Thạch Bi Sơn, một ca khúc mới ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước:

Đá
Đá sừng sững giữa trời mây trắng xóa
Ngàn năm vẫn chờ nên hóa đá
Ngàn sau vẫn còn thương nhớ bóng hình ai
Người đi theo lời non nước
Mấy thu chưa trở về
Nắng mưa ai vẫn chờ
Chiều chiều mây phủ Đá Bia…

Vịnh Vân Phong (Ảnh Internet)

Phần lời có thêm sự đóng góp của nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, chất thơ cộng hưởng với Ca trù và Tuồng càng làm tăng thêm sự hào sảng và ám ảnh người nghe. Vẻ đẹp của “hòn vọng phu” thứ hai được nhạc sĩ Ngọc Quang khắc họa đầy đủ qua từng nét nhạc, từng câu hát:

Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Nào ai biết
Bia huyền thoại hay là có thật
Chỉ biết trong lòng người
Trong lòng người có Thạch Bi Sơn…

Phú Yên (Ảnh Internet)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.