Tây chơi nhạc ở Ta (Bài 1): Lốm đốm sắc màu

10/09/2014

Chừng 3-5 năm trước, khi nói đến “nhạc trẻ” Việt Nam (theo nghĩa rộng của từ này), thường chúng ta chỉ nói đến những người Việt trẻ trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Nay, đặc biệt tại TP.HCM, nếu chỉ nhìn như vậy là thiếu sót, vì bên cạnh những nghệ sĩ/nhạc công nước ngoài chơi nhạc cover, đã có hàng trăm nghệ sĩ/nhạc sĩ trẻ nước ngoài sống, sáng tác và chơi nhạc thường xuyên.

Âm nhạc, nhạc cụ và đời sống Việt Nam đã xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn trong các sáng tác của họ. Đơn cử như chương trình âm nhạc Đừng nuôi con khỉ sau 5 lần tổ chức, gần đây nhất đã thu hút 11 ban nhạc chơi nhạc sáng tác, khoảng 1.200 người tham gia, bán được hơn 900 vé. 3-4 năm gần đây tại TP.HCM đã thực sự có một “đội ngũ nhạc trẻ” là người nước ngoài.

Họ sống và làm việc tại Việt Nam. Họ ban ngày có thể là một ai đó, nhưng khi hoàng hôn xuống, họ trở thành những người chơi nhạc cừ khôi. Như những nhà tiểu thương văn hóa, họ âm thầm đem âm nhạc của mình đến đây và hòa nhịp.

1. Thierry Bernard Gotteland, người Pháp, là giảng viên ngành Thiết kế âm thanh Trường RMIT (TP.HCM). Ra khỏi môi trường học thuật, anh là một nghệ sĩ thị giác và sắp đặt, kết hợp với âm thanh như một phương tiện biểu đạt sở trường. Anh từng có những triển lãm gây tiếng vang tại TP.HCM. Nhưng Thierry không chỉ là họa sĩ mà còn là tay chơi nhạc cự phách.

Cùng một tay trống kiêm nghề thiết kế tự do từ Singapore tên Moe, Thierry thành lập Moeth, ghép từ các chữ cái đầu tiên của cả hai, và tạm gọi là theo đuổi một cuộc chơi âm thanh của riêng mình với những âm thanh nặng trịch phảng phất doom metal (thể loại rock metal nhưng không quá ồn ào và chứa đựng những tính chất như: bóng tối, nỗi buồn, sự chán nản và tâm trạng u sầu) của Electric Wizard. Moeth trong những lần xuất hiện ít ỏi của mình đã biểu diễn cùng cộng đồng chơi metal Sài Gòn, nơi chỉ quanh quẩn các dòng metal đã từng thịnh hành, hay mở màn cho 2 dự án thể nghiệm đặc sắc của 3 thành viên chính thức của nhóm nhạc The Observatory đến từ Singapore.


Nhóm L.C.L (Link Connected Liquid) với những thành viên người Nhật, đa phần sống
tại TP.HCM, là một trong những nhóm rock nước ngoài đang được yêu thích hiện nay

Lên theo sóng trào lưu cosplay và các festival manga (truyện tranh Nhật Bản), L.C.L (viết tắt của Link Connected Liquid) là một nhóm chơi lại các sáng tác âm nhạc phổ biến đến công chúng qua các bộ phim hoạt hình (anime) chuyển thể từ các bộ truyện tranh Nhật Bản ăn khách như Naruto, Bleach hay Black Rock Shooter, Full Metal Alchemist… và, khỏi phải nói, họ được cộng đồng Việt đón nhận nồng nhiệt. L.C.L là ban rock mới được thành lập trong vài năm trở lại đây với cả thảy 6 thành viên người Nhật mà đa phần đều sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Họ có cộng đồng của mình, mỗi người mỗi việc. Và khi không chơi chung thì họ làm việc hoặc… chơi nhạc riêng.

Khi không chơi cho L.C.L, tay trống Nori sẽ chơi cho GEN, một trong những nhóm alternative rock rất “Nhật” với các thành viên Nhật, Việt và có thể bất cứ ai. Kazuki, một thành viên khác của L.C.L, điều hành một quán bar nay đã đóng cửa, vốn dành nhiều đất cho các thể loại âm nhạc khác nhau.

Hai người bạn Nhật khác, cũng quen biết với Nori và Kazuki là Kato Soichi và Yusuke Endo dù làm cùng một công ty lập trình đặt tại thành phố lại chọn theo hai con đường âm nhạc khác nhau. Kato theo hướng heavy metal và hard rock “thuần thành” của thập niên 1980 mà anh đã lớn lên cùng với nó, thậm chí vô cùng háo hức khi được mở màn cho thần tượng một thời Paul di’Anno, (cựu thành viên của nhóm rock huyền thoại Iron Maiden, người đã diễn tại Hard Rock Café TP.HCM hôm 27/3). Trong khi đó Yusuke lại chọn một lối ngẫu hứng vẫn rất “Nhật” về hình ảnh lẫn âm thanh, phá cách trên các món nhạc cụ có sẵn và cả tự tạo ra nhóm Stripped Cobra cũng đang rất được yêu thích tại Việt Nam.

Chris Wolter, người Đức, là một người khá kín tiếng về công việc ngoại trừ những dự án và công trình ở các quốc gia láng giềng, nhưng những raver (dân đi club chuyên nghiệp) lại nhắc đến anh là một trong những DJ nổi bật. Hiện Chris vẫn tiếp tục là một người… kín tiếng. Ít ai biết anh là một trong những đồng sáng lập chuỗi event chơi nhạc techno, minimal và deep house Saigon Heartbeat, nay rút ngắn còn Heartbeat. Nhưng có điều khó hiểu là Heartbeat lại không nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ những trang tin giải trí cho cộng đồng người nước ngoài. Cũng chẳng vấn đề gì với Chris, anh vẫn chơi nhạc theo cách của mình. Chris Wolter nói rằng, cùng với Heartbeat, anh đã tìm thấy một chỗ đứng cho mình giữa một ngôi làng âm nhạc trắng toát chỉ lốm đốm những sắc màu đa dạng xây dựng trên những định kiến, phân biệt và ưu đãi.

2. Ngoài những điểm riêng quá rõ rệt như nền văn hóa hay đặc thù nghề nghiệp, thậm chí gia cảnh, điểm chung có thể dễ dàng tìm thấy ở những cá nhân này chính là sự năng động và cởi mở trước âm nhạc, một điều đến nay vẫn vô cùng lạ lẫm nơi người Việt.

Đến từ những điểm nhộn nhịp về giải trí và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở phương Tây, dễ thấy những “tiểu thương văn hóa” này hoàn toàn thoải mái khi muốn giới thiệu vốn liếng của họ đến một nơi tràn ngập nhạc cover tại các tụ điểm âm nhạc ít ỏi, nơi những sáng tác rock đại chúng bằng tiếng Việt quá khan hiếm.

Họ chưa vấp phải bất cứ nỗ lực so găng nào với các nhóm người Việt theo nghĩa cạnh tranh tài năng để cùng phát triển và đẩy âm nhạc lên tiêu chí chất lượng cao hơn. Những nhóm nhạc nước ngoài tại Việt Nam phần lớn thể hiện âm nhạc của mình bằng âm thanh và hình ảnh phóng chiếu theo những gì họ đã trải qua, yêu thích. Nhưng điều đó chưa đủ để họ tồn tại bởi những người nghe rock Việt vẫn thích nghe nhạc bằng mắt và họ tìm đến quán bar để “mãn nhãn” với rock cover, các bản sao phi-carbon, tức các nhạc công chơi nhạc không thể hay bằng nguyên tác.

Thế nhưng, con đường từ mắt sang tai tưởng ngắn lại vẫn gian nan, bởi nhiều nguyên nhân. Chất lượng âm nhạc bấp bênh bởi những nhạc công bán chuyên nghiệp hoặc hoàn toàn nghiệp dư, hoặc khó đánh giá được bằng các chuẩn hiện có từ các tiếp xúc lười biếng với văn hóa âm nhạc xung quanh và thế giới của khán giả Việt, sự phân vân giữa hai nền văn hóa quá khác biệt nhau trong cùng một cá thể, có thể là những cản trở.

Nhưng cản trở lớn nhất chắc hẳn là kinh doanh, bởi khi tách rời khỏi nguồn khách nhập cư đa quốc tịch, rất ít các chủ quán người Việt dám mạo hiểm. Thậm chí đến những đơn vị du lịch còn lầm tưởng nghiêm trọng thị hiếu của các du khách nước ngoài đến Việt Nam, đã mang họ đến thẳng những điểm âm nhạc đầy ắp những The Beatles hay Zombie được diễn từ tháng này sang năm nọ.

Người Việt, thiếu vắng những máy trợ thính thị hiếu mang tên truyền thông để nghe bằng đôi tai, vẫn tiếp tục những giai điệu du dương nhàm chán. Nếu không, “mode” nghe bằng mắt, bằng sự tò mò sẽ còn được kích hoạt rồi tắt đi cho đến khi, hẳn là, phải rất lâu sau nữa. Bởi một nền âm nhạc đích thực, trộm nghĩ, cần có những người nghe bằng cả con tim, bằng đôi mắt và bằng cả đôi tai của mình, bất kể đó là thứ âm nhạc nào, đến từ đâu và do ai trình diễn. Là khi ba thế giới ấy giao nhau và cùng phát triển.

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...