Tản mạn về nhạc và lời

25/05/2018

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (ảnh: Phương Vũ)

Tôi có 2 ông bạn nhạc sĩ viết nhạc và lời rất trái ngược nhau. Một ông làm lời ca thì rất nghiêm túc mà khi hát lên nghe thật lẳng lơ, thậm chí hơi “đĩ” một chút. Một ông lời ca nghe khá “nuy”, có cả những từ như “khỏa trần” mà hát lên lại thấy bài ca thật là nghiêm túc. Có điều lạ là những ca khúc của hai ông nhạc sĩ này đều không phải là những ca khúc xoàng, vẫn được phát sóng đều đều qua truyền hình hoặc đài phát thanh.

Có không ít trường hợp đọc lời ca lên thấy chương chướng, nhưng khi nó đi cùng âm nhạc thì lại nghe cũng xuôi. Ví như bài Ca dao em và tôi của An Thuyên. Đọc lời lên nghe kỳ kỳ thế nào: “Xẻ nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng em làm con thuyền… Bẻ đôi câu thơ, chặt đôi câu thơ em làm mái chèo…”, cứ tưởng trăng là một cái bánh hay một miếng gỗ, và câu thơ thì như que củi hoặc khúc tre để người ta “cắt” và “bẻ”, ấy vậy mà ca sĩ hát lên lại nghe có vẻ mùi mẫn lắm. Người thích thì hát cả ngày; người chê thì vội vàng… tắt máy. Kể cũng oái oăm thay.

Khán thính giả ca nhạc hôm nay muôn người muôn tính. Người chê ca sĩ kẻ thích ông bầu, người chê ông bầu người mê nhạc sĩ. Người lười đi xem đã đành, người không ưa ca nhạc cũng quắt quay tìm vé vào rạp làm “fan”. Nhưng rộ lên gần đây là sự dè bỉu chê bai nhiều bài “tình ca” xuất hiện trên sân khấu ca nhạc nào “não tình”, nào “câu khách”… Có người còn cảnh báo rằng, các nhạc sĩ thời nay chạy theo “thị trường” dễ dãi quá, thậm chí trở thành người nhái, nhái đủ loại nhạc nước ngoài từ Âu – Mĩ tới Hồng Kông – Lào – Thái. Cứ cái đà này ta nên bỏ tiền đầu tư cho nhạc ngoại còn thu được giá trị cao hơn! Quả là nhiều bài hát hiện nay cứ như là đã “nghe ở đâu rồi”. Nhạc sĩ lão làng Tô Hải, cho rằng: “Tất cả những loại này đều bị nhốt trong một cái nhà y hệt nhau”, “câu cú đều phát triển theo mẫu các bài hát pop – rock phổ thông”, lại “do sử dụng những cung điệu, hòa thanh có sẵn” hoặc “do nhằm tới những mục đích thành công dễ dãi (cả về tiếng tăm và tiền tài)”. Còn nhạc sĩ Hồng Đăng thì nhắc nhở các nhạc sĩ trẻ: “Phải học, phải học kỹ hơn nữa, và phải tham khảo hàng nghìn tác phẩm trước khi sản sinh ra tác phẩm của chính mình” và “cần phải tôn trọng khán thính giả”, không nên “trong tay sẵn ca sĩ, sẵn dàn nhạc, cứ ấn bừa cho thính giả những món ăn không ngon, thậm chí có khi là món ăn độc” (Âm nhạc - số 4 – 1999). Những ý kiến ấy theo tôi đều nghiêm túc và sâu sắc. Nhưng có lẽ hiện tượng “ăn sẵn” này khởi nguồn sâu xa từ sự nông cạn về vốn sống và trách nhiệm của người cầm bút. Sự nông cạn đã khiến tác giả nhầm tưởng hoặc ảo tưởng về tác phẩm. Họ cũng xúc động đấy, họ cũng “sáng tác” đấy, nhưng những bản tình ca của họ chỉ là sự nhai lại mà thôi, dù sự nhai lại không y sao hoàn toàn bản chính đã có sẵn. Đây là một vấn đề rất khó và tế nhị, chỉ những người sành điệu mới có thể “chỉ mặt đặt tên” cho những tác phẩm sáo mòn và dễ dãi ấy.

Khi đang viết bài này, trên bàn tôi đang có sẵn hơn 100 ca khúc thịnh hành. Tôi lật mở và thấy nội dung các bài tình ca na ná nhau: Anh gặp em – giận hờn – xa nhau – và chờ mong. Lời ca có khác nhau tí chút, nhưng cơ bản là giống nhau. Ví dụ 50 bài đều có “lá rơi”: Ngày tháng trôi theo mùa lá rơi (Anh yêu em – Vũ Quang Trung), Lá thu rơi tiếng thở dài (Biển chờ – Bảo Chấn), Lá xanh đã vàng phượng vĩ đã tàn (Hè muộn – Bằng Kiều), Cuốn bay theo đám lá vàng rơi – Lá hoa thu sang nay đã úa tàn (Một ngày mùa đông – Bảo Chấn), Chút lá thu vàng đã rụng (Nỗi nhớ mùa Đông – Phú Quang), Lá xanh rụng giữa sân ngời (Vẫn hát lời tình yêu – Dương Thụ), Cây bây giờ lá rụng gió heo may (Hoa tím ngoài sân – Thanh Tùng), v.v… Rồi nào là mưa buồn, tóc buồn, mây buồn, cô đơn, sầu não, rưng rưng, khóc, khát. Rồi nào là chờ mong, tìm lại nụ hôn… Hầu như nếu cấm các từ ấy thì các tác giả ca khúc sẽ phải chuyển sang viết nhạc không lời! Có lẽ vì thế mà người ta có cảm giác rằng, chúng ta giàu ca khúc mà thật nghèo tâm trạng, nghèo cảm xúc, và nghèo cả tư tưởng.

Tình trạng này đang xô đẩy lớp trẻ chuyển sang mê nhạc ngoại là có thật. Tất nhiên, mê nhạc ngoại không có tội, thậm chí tâm hồn còn được phong phú hơn lên, miễn là biết tìm đến những bản nhạc có giá trị cao. Nhưng mình là người Việt, đặc biệt là lớp trẻ, mà ít được nghe những bài hát mới đậm đà tâm hồn Việt thì thật là một thiệt thòi lớn cho cả hiện tại lẫn tương lai.

Là bởi nhức nhối mà “lo xa” vậy thôi chứ thực ra, ở ta vẫn còn không ít những nhạc sĩ ca khúc sáng giá. Trịnh Công Sơn là một sự kết hợp tài tình giữa Lời và Nhạc. Những Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang, bộ ngũ hổ này từng làm lay động sân khấu ca nhạc ở ta khắp trong Nam ngoài Bắc, và vẫn còn những bất ngờ. Những Hồng Đăng, Thanh Tùng, Nguyễn Đình Bảng cũng chưa hề lui vào phòng hậu.

Nhân đây tôi cũng xin được “bật mí” với các bạn trẻ một con sư tử đang ngủ bên sân khấu ca nhạc, đó là nhạc sĩ Ngọc Đại. Anh có trong tay 500 bài hát chưa công bố, trong đó có 2/3 là ca khúc phổ thơ, mà toàn những bài thơ tân kỳ, mới lạ. Mới đây tôi được anh hát cho nghe 10 bài phổ thơ của Vi Thùy Linh và 5 bài phổ thơ Văn Cầm Hải. Những bài hát đầy ấn tượng, làm choáng ngợp người nghe. Không bài nào giống bài nào, nhưng nó giống tác giả của nó, nồng nhiệt đam mê, mạnh bạo tung phá trong nhiều cung bậc của tự do và dân chủ. Có lẽ chính vì anh đã giải được nỗi oái oăm giữa Nhạc và Lời (thơ) trong ca khúc của mình. Tuy nhiên không phải bài nào cũng suôn sẻ, thậm chí chối tai. Có người xếp ca khúc của anh thuộc loại “nhạc khó”, khiến nhiều người kinh hãi, và không ít người ngỡ ngàng thích thú.

Nếu “nhạc khó” đặt bên cạnh “nhạc dễ” có thể làm phong phú cho sân khấu ca nhạc, thì chắc công chúng sẽ sẵn sàng “cố lên” để tiếp nhận. Và lúc ấy, câu chuyện oái oăm giữa nhạc và lời sẽ trở thành quá khứ.

Nhưng tôi nghĩ, còn lâu…

Vâng, còn lâu những người “dọn vườn”, “nhặt sạn” cho âm nhạc mới chịu thất nghiệp. Bởi sự dễ dãi của giới nhạc sĩ vẫn còn nhan nhản…

Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...