Tản mạn về hò - Một thể loại dân ca độc đáo
Trong nền âm nhạc dân tộc dân gian, Hò là một trong những thể loại gắn bó thân thiết với sinh hoạt lao động của người dân Việt. Hò có thể chỉ là một làn điệu duy nhất, nhưng cũng có khi là một tập hợp nhiều làn điệu có chung thuộc tính về nội dung cũng như hình thức biểu hiện nghệ thuật.
Đã có một thời, những điệu hò được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Từ miền sơn thượng với bao thác ghềnh hiểm trở, đến miền đồng bằng phì nhiêu, bao la bát ngát, cho tới tận những nơi cửa biển hay ngoài khơi xa sóng to gió cả, đâu đâu cũng vang vọng những giọng hò. Hò bảng lảng dọc triền sông, hò lãng đãng trên những cánh đồng lúa chín mùa thu hoạch, hò xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày ở mỗi miền quê… tất cả đã góp phần tạo nên một kho tàng phong phú và đa dạng các loại hò.
Ngày nay, đời sống hiện đại, làn sóng công nghiệp hóa cùng biết bao thăng trầm của thời cuộc đã làm lãng quên rất nhiều sinh hoạt nghệ thuật dân gian. Đi canô, xuồng máy, người ta không còn cần đến những điệu hò… ơ… trên sông nước mỗi sớm chiều. Phương thức gặt lúa, đánh bắt trên sông đã không còn như xưa, khiến mất dần những giai điệu của Hò cấy lúa, cũng như Hò giựt chì, Hò leo dốc, Hò kéo gỗ… Thẩm mỹ, nhu cầu nghệ thuật của các lớp con cháu thế hệ mới đã thay đổi cơ bản với khá nhiều những nét văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng du nhập từ nước ngoài. Và, cũng như nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác, các điệu hò dường như chỉ còn tồn tại trong ký ức của một thời vang bóng. Tuy vậy, để bảo tồn những giá trị của thể loại âm nhạc này, đây đó, người ta đang nỗ lực phục dựng, bảo lưu một vài điệu hò được xem như có tính nghệ thuật cao, nhằm tạo dựng một bức tranh khái quát về Hò của người Việt, giúp những thế hệ sau có thể tìm hiểu được những nét độc đáo nhất về một thể loại âm nhạc đã từng có thời gian gắn bó thân thiết với cuộc sống của biết bao thế hệ người dân Việt.
Hò phần nhiều là sinh hoạt mang tính diễn xướng tập thể. Tựu trung, các điệu hò được chia thành 2 lớp rõ rệt, một lớp gọi là XƯỚNG (cái xướng - do một người hát), lớp còn lại gọi là XÔ (con xô - do vài người hoặc cả một nhóm đồng thanh phụ họa đáp lại), tất cả được kết nối liên tục.
Xướng---Xô---Xướng---Xô---Xướng---Xô---→
Trong đó, lớp XƯỚNG là phần lời ca - nội dung chính của điệu hò, thường rất phổ biến là thơ lục bát và lục bát biến thể. Một bài hò dài hay ngắn hoàn toàn tùy thuộc vào dung lượng lời ca. Những câu thơ thường được phân ngắt thành nhiều dạng khác nhau tùy vào sở thích nghệ thuật vùng miền với phương pháp điệp từ, đảo từ và thêm những hư từ chen giữa. Ví dụ: một câu Hò mái nhì xứ Huế:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non
Sẽ có thể hát như sau:
Hơ… hờ... ờ
Trước bến…
Ơ… hờ… ơ hờ…
Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thươn,g ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Ơ… hờ… ơ hờ…
Thuyền ai thấp thoáng trên sông
Đã đưa câu mái… ơ… hơ… đưa câu mái đẩy, chạnh lòng… hơ… ơ… hơ… đưa câu mái đẩy chạnh lòng non ơ…nước non…ơ… hơ…
Hay với điệu Hò chèo thuyền Bắc Bộ, câu thơ lục bát:
Chồng chài vợ lưới con câu
Sông Ngâu bể Sở biết đâu bến bờ
Sẽ được hát thành:
(Xướng) Chồng chài là chài vợ lưới
(Xô) Dô, dô khoan dô hầy
(Xướng) Vợ lưới thì con câu
(Xô) Dô, dô khoan dô hầy
(Xướng) Sông ngâu là ngâu bể sở
(Xô) Dô, dô khoan dô hầy
(Xướng) Biết đâu, đâu bến bờ?
(Xô) Dô, dô khoan dô hầy, dồ i khoan í dô ồ hầy
Sau lớp XƯỚNG, đám đông (lớp XÔ) sẽ hát phân đoạn phụ họa. Đây là những nét giai điệu định hình với những hư từ cố định, mang tính đặc trưng cho thể loại. Chỉ cần nghe những câu ca như: hò ơ, ơ hò, là hụ là khoan, dô khoan dô hầy, khoan ơi khoan… là ta có thể đã biết ngay đó là điệu hò nào.
Sẽ thấy lớp XÔ phụ họa chính là những nét giai điệu định hình với những hư từ cố định, mang tính đặc trưng cho thể loại. Thậm chí, chỉ cần nghe những tổ hợp câu ca lớp XÔ như: hò ơ... ơ hò, là hụ là khoan, dô khoan dô hầy, khoan khoan hò khoan, khoan ới dô khoan… là ta có thể đã biết ngay đó là điệu hò nào. Các tổ hợp điệp khúc này có tiết tấu nhấn chu kỳ rõ rệt, đóng vai trò hỗ trợ sự thống nhất động tác cho cả nhóm người đang cùng lao động.
Trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đại đa số các làn điệu âm nhạc sinh ra thường gắn bó hữu cơ với một sinh hoạt cụ thể, với một công việc lao động nào đó trong cuộc sống. Người ta gọi đó là tính thực hành xã hội của làn điệu. Hát ru dùng để ru con ngủ, hát trai gái dùng trong sinh hoạt giao duyên, hát đồng dao gắn bó với trò chơi trẻ nhỏ, nhạc đám ma thì dùng trong nghi thức tang lễ… Với các điệu hò, sự gắn bó với những sinh hoạt trong cuộc sống lại ở tầng bậc phức tạp hơn.
Có những điệu hò, dường như chỉ cần nghe tên gọi đã thấy rõ tính thực hành xã hội của nó được “cụ thể hóa” như thế nào. Chẳng hạn Hò giã gạo, thủa ban đầu ắt dùng trong khi giã gạo, Hò giật chì hẳn được dùng khi kéo lưới (vì viền tấm lưới đánh cá có buộc các cục chì, khá nặng khi kéo), Hò kéo gỗ để dùng khi cả nhóm người kéo cây gỗ nặng, Hò leo dốc dùng khi cả đoàn người gồng gánh cuốc bộ lên đèo cao, dốc ngược…
Nhìn trên tổng thể, có thể tạm chia hò ra thành 2 loại:
+Loại gắn bó với những sinh hoạt sông nước, như Hò giật chì, Hò kéo lưới, Hò kéo chài, Hò mái ba, Hò Đồng Tháp, Hò mái nhì, Hò mái đẩy, Hò mái chè, Hò mái nện, Hò mái ba, Hò mái duỗi, Hò mái xắp, Hò chèo đò, Hò chèo thuyền...
+ Loại gắn bó với những sinh hoạt trên cạn, như Hò đạp lúa, Hò Xay lúa, Hò leo dốc, Hò kéo gỗ, Hò nện (Hò hụi), Hò giã gạo (Hò khoan), Hò giã vôi, Hò giã đậu, Hò cấy, Hò giọng đồng, Hò tát nước, Hò vân, Hò là, Hò hí la, Hò phơi xăm, Hò nậu xăm, Hò lĩa trâu, Hò ý gia, Hò quét vôi, Hò kéo thác, Hò dẩy nôốc, Hò nghé ngọ (Hò gọi nghé), Hò khâu đay, Hò khâu song, Hò giả điệp, Hò đưa linh, Hò bài chòi, Hò bài thai, Hò bài tiệm, Hò nàng Vung, Hò mài dừa, Hò đẩy xe mía, Hò khiêng xe nước… Trong hò trên cạn, lại có những loại hò gắn liền với nghi lễ tín ngưỡng như Hò đưa linh (chuyên dùng trong tang lễ đồng bằng Nam Bộ), Hò bả trạo (chuyên dùng trong Lễ cầu ngư của cư dân ven biển Phú Yên…
Trong phân bố địa văn hóa, hò chủ yếu tập trung ở miền Trung và miền Nam. Có thể khẳng định, số lượng các điệu hò là rất lớn. Ở đây, chúng tôi chỉ thâu tóm, lượm nhặt tên gọi các điệu hò hiện hữu trên hệ thống tư liệu, chứ phần lớn trong số đó, người viết bài này (dù là một nhà dân tộc nhạc học chuyên nghiệp) cũng chưa từng được nghe (!) Nói thế để thấy được sự phong phú, đa dạng của các điệu hò trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Bà Lê Thị Chanh (phải) đang hò giã gạo:
Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn
Cho anh về với một đoàn cho vui
(Ảnh: T.T.D.tuoitre.vn)
Bên cạnh mục đích giải trí - kích thích năng lực trong lao động, nhiều điệu hò dường như đã “thoát khỏi” tính thực hành xã hội để mặc nhiên trở thành những hình thức âm nhạc mang tính nghệ thuật cao hơn. Sẽ thấy trong đó khá phổ biến các điệu hò chuyên dùng trong sinh hoạt giao duyên trai gái, mang tính thi thố đối đáp. Những người tham gia sẽ chia thành 2 phe Nam – Nữ, như điệu Hò giã gạo là ví dụ điển hình, nó không còn chuyên dùng để… giã gạo nữa! Dưới đây là một dị bản phổ biến:
(Nữ Xướng) Khoan ơi khoan mời bạn khoan là hò à khoan
(Xô) Hờ hơ ớ hơ…hờ
(Nữ Xướng) Ờ hơ ớ hơ…hờ. hết hạ thu sang mùa màng rộn rã
chứ đến đây xin mở lời chào tất cả con bà con….
(Xô) Hờ hơ ớ hơ…hờ…
(Nữ Xướng) Hờ hơ ớ hơ…hờ… muốn thương nhau thì mượn câu hò tiếng hát để tâm sự đổi trao chứ mời thanh niên nữ với nam ớ nữ
(Xô) Hờ hơ ớ hơ…hờ…
(Nữ Xướng) Hờ hơ ớ hơ…hờ… mời thanh niên nam nữ ta mạnh dạn bước vào chơi…..mà hò chơi….
(Xô) Hò hơ hớ hơ…
(Nữ Xướng) Hò hơ ớ hơ…hờ… này hỡi anh ơi cho em hởi anh, chữ chi mà chữ chốc xuống đất, chữ chi mà chữ cất lên tra, chử chi nặng ai na cũng không nổi, chử chi mà gió thổi bay mà không bay …
(Xô) Hờ hơ ớ hơ…hờ…
(Nữ Xướng) Hò hơ ớ hơ…hờ… trai nam nhi bên chàng mà đặng đối đặng,
(Xô) Hờ hơ ớ hơ…hờ…
(Nữ Xướng) Hờ hơ ớ hơ…hờ… đối đặng thì miếng trầu cay thiếp trao chàng.
(Xô) Hờ hơ ớ hơ…hờ…
(Nam Xướng) Hò hơ ớ hơ…hờ… Hai chữ tiền tài thì anh quẳng xuông đất,
hai chữ nhân nghĩa anh cất lên cao,
hai chữ nhớ thương thì phượng na không nổi,
chữ tình chữ nghĩa gió thổi bay mà không bay…
(Xô) Hờ hơ ớ hơ…hờ…
(Nam Xướng) Hờ hơ ớ hơ…hờ… trai nam nhi bên chàng đặng đối đặng…trai nam nhi bên chàng đối đặng hỏi em chừ răng tính răng?…
(Xô) Hò hơ ớ hơ…hờ…
Có nhiều hình thức hò đối đáp nam – nữ đã thực sự trở thành sân chơi dạng diễn xướng dân gian có trình thức, lề lối khá chặt chẽ. Một cuộc hát như vậy thường đủ các chặng cơ bản như Hát chào mời - Hát hỏi thăm - Hát thi thố đối đáp - Hát tạm biệt. Ví dụ Hò cấy Nam Bộ có rất nhiều loại, nhưng tựu trung đều phải trải qua 3 chặng:
+ Chặng đầu là Hò dạo, Hò thăm hỏi, Hò chào mời
+ Chặng tiếp theo là Hò đối đáp, Hò kết bạn, Hò xe duyên (là giai đoạn chính của cuộc chơi)
+ Chặng cuối là Hò giã biệt, tiễn bạn (kết thúc buổi hát đối đáp).
Bên cạnh đó, theo sự phát triển nghệ thuật, nhiều điệu hò có thể tồn tại độc lập, mang tính giải trí đơn thuần khi được “độc diễn” mà không cần sự phối hợp tập thể. Trên thực tế, chúng có thể vẫn được dùng để giải trí trong lao động nhưng không còn mang tính năng hỗ trợ nhịp điệu lao động nữa. Hẳn vì thế mà ở đây, yếu tố XƯỚNG –XÔ với các mô hình nhịp điệu chu kỳ đã bị triệt tiêu hoàn toàn. Thay vào đó là sự ngâm ngợi với nhịp điệu tự do, đường tuyến giai điệu ngân nga, giàu chất tự sự. Tiêu biểu cho hình thức này là các điệu Hò mài nhì, Hò mái đẩy… (xứ Huế) hay Hò Đồng Tháp, Hò giọng đồng, Hò bản đờn… (ở Nam Bộ). Hơn thế nữa, cũng do tính tự sự điển hình nên những điệu hò này còn được ghép nối với các tác phẩm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp để hợp thành một liên khúc cổ nhạc mang tính nghệ thuật cao. Ví dụ Hò Đồng Tháp có thể ghép với bài Vọng Cổ trong nhạc Tài tử - Cải lương Nam Bộ, hay Hò mái nhì thường ghép liền với điệu Nam Bình của ca nhạc thính phòng Huế…
Về mặt hình thức, đại đa số các loại hò đều chỉ đơn thuần là một làn điệu độc lập, tồn tại đơn lẻ và chưa trở thành một thể loại lớn, duy danh theo nghĩa tập hợp nhiều làn điệu. Tùy vào từng bối cảnh sinh hoạt nhất định mà người ta chỉ sử dụng một hoặc vài điệu hò gắn bó hữu cơ. Như trên sông Hương, lúc chèo đò ngang dọc đưa khách, người chèo đò thường dùng điệu Hò Mái nhì… Lúc làm ruộng, có thể tùy hứng hát điệu Hò giọng đồng, Hò nghé ngọ hay vài điệu hò khác.
Các nghệ nhân vùng biển An Chấn biểu diễn điệu hò bá trạo, một điệu hò vùng biển rất sôi động
nhờ những động tác chèo thuyền (Ảnh: Thanh Xuân nguồn vietnamnet)
Trong các loại hò gắn liền với sinh hoạt trên sông nước, theo các nghiên cứu của Viện Âm nhạc, có lẽ thể loại Hò sông Mã chính là hiện tượng đặc biệt nhất, được xem như một tập hợp lớn nhất các điệu hò chuyên dùng cho nhiều tình huống trong những bối cảnh khác nhau. Có thể nói, Hò sông Mã giống như phác đồ của cả một hành trình phiêu diêu xuôi ngược dòng sông Mã, gắn bó mật thiết với lữ khách buôn đi đò dọc đường sông. Trên mỗi con thuyền chở khách, người cầm lái thường sẽ bắt giọng làm cái xướng, còn 8 người khác chia 2 tốp chèo đò bên 2 mạn thuyền sẽ đóng vai con xô phụ họa đáp lại, lúc lúc lại hoán đổi vị trí cho nhau. Ở một số điệu hò, các trai đò lực lưỡng còn dùng động tác dậm chân đồng loạt lên ván thuyền chắc nịch để tạo tiết tấu giữ nhịp phụ họa, tăng thêm phần hấp dẫn của nghệ thuật. Như thế, trên dòng sông Mã, không chỉ chèo đò, các trai đò dọc còn là những nghệ sĩ dân gian đích thực. Và, con đò dọc đường trường sông Mã thực sự hấp dẫn như một sân khấu âm nhạc di động trên sóng nước, lãng du cùng mây núi, đất trời. Lịch sử đã ghi nhận hiện tượng các chủ đò thường phải cạnh tranh nhau để giành giật bằng được những trai đò có giọng ca vàng. Thuyền nào có trai đò hát hay, đương nhiên sẽ thu hút khách nhiều hơn, nhất là khi khách buôn chuyến không hiếm thành phần các cô, các bà. Người ta còn đồn rằng, nhiều khách buôn đã chết mê chết mệt những trai đò tài ba, hát giỏi. Thậm chí, có bà vợ ông quan huyện nọ hay vị ni cô kia đã bỏ nhà bỏ cửa, bỏ chùa để trốn theo anh trai đò có chất giọng Trương Chi mê hồn (!!!) Những giai thoại đó đủ để minh chứng cho sức hấp dẫn, mê hoặc lòng người đến nhường nào của thể loại hò đặc biệt này.
Trong tổng thể Hò sông Mã, sẽ dễ dàng nhận ra chức năng thực hành xã hội của các điệu hò thành viên với những cấu trúc giai điệu khác biệt, độc đáo. Bắt đầu đưa khách rời bến ngược dòng từ khu vực hạ lưu, tốp trai tráng chèo đò bắt đầu cất giọng hào sảng hát điệu Hò rời bến. Giai đoạn đầu của cuộc hành trình, do phải đi ngược dòng, điệu Hò đò ngược được sử dụng nhiều để hỗ trợ cho việc tập trung thống nhất năng lực lao động. Gặp lúc con thuyền không may mắc cạn, họ giải quyết sự cố cùng điệu Hò mắc cạn, Hò kéo thuyền, Hò vác thuyền… Dọc hành trình, khi gặp nơi thác ghềnh hiểm trở, vũng xoáy ngã ba sông thì có điệu Hò vượt thác. Gặp nơi có đền miếu, chùa chiền linh thiêng thì cả chủ đò lẫn lữ khách thường cập bến lễ lạt, khấn vái cầu may, mong cho chuyến đi được phúc lộ bình an. Khi đó, các trai đò sẽ hát các điệu Hò làn văn hay Hò niệm Phật. Gặp lúc xuôi dòng, thư thái, họ lại thường hát điệu Hò xuôi dòng. Lúc đêm khuya thanh vắng, buông thuyền nhè nhẹ trôi theo dòng sông, họ sẽ hát điệu Hò ru ngủ hay Hò làn ai để giúp khách trên thuyền dễ dàng chìm sâu trong giấc mộng. Đây là những điệu hò mang tính hát kể, tính chất giai điệu trữ tình, buồn man mác, có sức chuyển tải nội dung cả một câu chuyện dài. Đó thực sự là những màn diễn xướng mang tính nghệ thuật cao trong thể loại Hò sông Mã. Thật kỳ vĩ biết mấy!
Cũng như nhiều thể loại âm nhạc dân gian trong thời đại hội nhập quay cuồng, các điệu hò Việt Nam dường như không thoát khỏi số phận nghiệt ngã trong buổi chiều tà. Trừ một số điệu hò được giới nhạc chuyên nghiệp đưa vào kho tàng bài bản để lưu giữ, còn đại đa số đều chìm sâu trong ký ức, trong sự quên lãng của một thời xa vắng, thế hệ hậu sinh mấy ai còn biết được cha ông ta đã từng sở hữu một kho tàng các giọng hò vô cùng phong phú và đa dạng đến như vậy?!./.
(Nguồn: http://www.spnttw.edu.vn)