Tản mạn về âm nhạc bối cảnh
Theo định trên trang wikipedia.org/wiki: “Âm nhạc bối cảnh nhằm chỉ loại hình âm nhạc lồng ghép vào các cảnh trong phim truyền hình, điện ảnh, hoạt hình, trò chơi điện tử, mạng Internet nhằm điều tiết không khí, xen vào các mẩu đối thoại, có khả năng gia tăng sức biểu cảm giúp người xem trải nghiệm được tình huống trong phim, ngoài ra, âm nhạc sử dụng ở môi trường công cộng, như quán bar, café, trung tâm thương mại cũng gọi là âm nhạc bối cảnh.”
Sự ra đời của trào lưu Hậu hiện đại giữa thế kỷ XX, đặc biệt với những thay đổi về văn hóa, tư tưởng, khoa học công nghệ, thị trường đã tạo nên diện mạo đa dạng của đời sống âm nhạc, trong đó cho thấy sự cần thiết của âm nhạc giữa môi trường mở, giúp thu hút sự quan tâm, chú ý, tăng cường khả năng tương tác đa chiều.
Lội người dòng thời gian trở về quá khứ, âm nhạc bối cảnh đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử. Trào lưu Hậu hiện đại nhằm tái nhận thức về sự cần thiết của hoạt động âm nhạc bên trong những thực thể phức hợp. Từ lâu, âm nhạc đã là một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp, có thể kết hợp với thi ca, hội họa, trò diễn, sân khấu, nghi lễ… Âm nhạc bối cảnh thực chất nhằm nhấn mạnh ý nghĩa chuyển hóa vai trò, công năng trong phạm vi rộng. Chẳng hạn như một buổi trình diễn thời trang, người ta cần đến âm nhạc như một biện pháp gia tăng yếu tố thính giác bên cạnh nhu cầu thị giác. Trong sân khấu, phim ảnh, ca kịch truyền thống… âm nhạc chính là thành tố bất phân giữa ca, nhạc, trò diễn, tình huống… từ đó tạo nên một trường âm thanh nghiêng về khả năng biểu cảm, bắt đầu khai trường đến kết thúc, tất cả đều có sự tham gia của âm nhạc. Ngay như ở điện ảnh, khi bộ phim đã chấm dứt, trong lúc hàng chữ chạy dài trên màn hình, nhà làm phim vẫn không quên lồng ghép âm nhạc để đảm nhận tiếp vai trò thông tin ngoài kịch bản. Như vậy, công năng của âm nhạc đã chuyển hóa từ tính chất đơn nhất sang phức hợp. Tuy không đóng vai trò chủ đạo, nhưng âm nhạc vẫn có khả năng gắn kết với người tiếp xúc bằng sự hiện diện của âm thanh, qua đó phác họa bầu không khí, gia tăng tính biểu hiện, thậm chí giúp kiến tạo trường xúc cảm giúp người quan sát dễ nhập vào hoàn cảnh phim, sân khấu, trò diễn hay hoạt động nghi lễ…
Nhận thấy mức độ cần thiết của âm nhạc, dù vô thức hay ý thức, rất nhiều môi trường, hoàn cảnh đều huy động đến nghệ thuật âm thanh, từ tôn giáo, tín ngưỡng, học đường, lễ hội, festival… cho đến những loại hình nghệ thuật tổng hợp cũ, mới. Tuy nhiên, dù xuất hiện với tư cách nào, đối với “nhạc nền”, việc lựa chọn phông nền ra sao và như thế nào quyết định sự thành bại của bản thân âm nhạc cũng như loại hình nghệ thuật hay tình huống mà nó tham gia. Chẳng hạn như ở môi trường nghi lễ, đòi hỏi không khí trang nghiêm, long trọng, người ta không thể chọn nhạc Pop, nhạc Rock, thứ nhạc kích động, gây náo loạn, ngược lại, trong môi trường sống động của vui chơi thể thao, hoạt động trợ tiêu (hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm) không thể chọn thứ nhạc chậm rãi, ủ ê, buồn rầu, bi thảm. Âm nhạc vốn vô hình, nhưng lại tác động đến tâm lý con người và ảnh hưởng một cách hữu hình thông qua hành vi, năng lực tương tác, hấp thu, cảm nhận. Cơ sở tín ngưỡng có thể dễ dàng cấm người tham quan ăn mặc lố lăng bước vào không gian thờ tự, nhưng đối với âm nhạc, loại hình nghệ thuật không có hình tướng dễ dàng lọt vào môi trường này, thoát khỏi cửa kiểm soát của các giác quan, như nhạc Hip hop du nhập thánh đường Cơ đốc giáo, nhạc Hành khúc xuất hiện trong Tự viện, nhạc Pop đi vào đền, miếu... Hiện tượng trên có thể hình dung như những vị khách ăn mặc lố lăng trà trộn vào nơi tôn nghiêm. Từ tính chất vô hình, vô ảnh, âm thanh dễ dàng đột nhập “bất hợp pháp” vào nhiều môi trường văn hóa chuyên biệt. Sở dĩ lấy ví dụ môi trường tín ngưỡng, là vì không gian này dành cho những cộng đồng luân lý, có quy phạm nghiêm ngặt về chuẩn mực đạo đức, lối sống. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, chúng ta không thể ngăn cấm những “kẻ lạ mặt” xâm nhập môi trường tín ngưỡng, văn hóa, nhưng cần xác định rõ chủ thể, khách thể ở từng khu vực.
Rời khỏi môi trường tôn giáo ra ngoài thế tục, tình hình đương nhiên mất kiểm soát và bát nháo hơn. Điển hình như âm nhạc sử dụng trên phố đi bộ, hội sách, nhà sách, công viên… Rất nhiều nơi sử dụng âm nhạc không đúng bối cảnh, như nhạc Hành khúc chẳng hạn. Xuất phát từ hệ lụy lịch sử, nhạc Hành khúc ở Việt Nam giống như Hip hop. Có lẽ, không đâu mà Hành khúc được ưa chuộc như ở ta. Loại nhạc mang nặng tính chất cổ động, suy tôn, cổ súy, ồn ào với tinh thần, không khí sục sôi này phổ biến từ cơ quan, xí nghiệp, trường học cho đến cơ sở tín ngưỡng, hiệu sách, phố đi bộ... Và như trên đã nhận định, dù nhạc thời thượng hay cổ điển, nghi lễ hay thế tục, âm nhạc bối cảnh phải được lựa chọn trên cơ sở phù hợp với nội dung, môi trường văn hóa. Bên cạnh đó, việc điều tiết âm lượng âm nhạc bối cảnh cũng rất đáng lưu tâm. Ở những nơi công cộng, như sân khấu ngoài trời, sân vận động, quảng trường, phố đi bộ, trường học… tuy không gian đóng hay mở, rộng hay hẹp, tất yếu hình thành nên những đường biên giả định cho âm thanh tập trung nhằm phát huy tác dụng. Không thể ỷ lại sự tiện dụng của thiết bị âm thanh mà thả sức tấn công, khủng bố bằng âm lượng lớn. Nên nhớ, bất kỳ âm thanh nào, nếu vượt ngưỡng cho phép đều phát huy tác hại hơn là tác dụng. Chưa kể, trong môi trường đa dạng với sự tham gia của nhiều nhóm xã hội, cá thể, xu hướng va chạm nhau giữa các nhu cầu rất dễ xảy ra. Trong trường hợp ấy, âm nhạc bối cảnh với tần suất sử dụng loại nhạc không phù hợp, hỗ trợ bởi âm lượng lớn sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của nhiều người, gây bất đồng về giá trị.
Âm nhạc có khả năng kiến tạo miền huyễn tưởng cho tâm hồn con người trú ngụ. Đối với việc sử dụng âm nhạc nhầm bối cảnh có thể gây tác dụng phụ. Điều này có thể liên hệ tới một lĩnh vực khác là Âm nhạc trị liệu. Giữa hai nhóm bệnh trầm cảm và tăng động, nếu bác sĩ tâm lý, nhạc sĩ kê toa nhầm, như bệnh nhân trầm cảm cho nghe loại nhạc có tốc độ chậm, tính chất bi ai, ngược lại, bệnh nhân tăng động cho tiếp xúc với Rock, Rap… vô hình trung sẽ khiến cho tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng.
Từ tính chất, công năng của mình, nhạc nền tự nhiên làm hình thành hệ sinh thái nhân văn nhằm tôn vinh những chủ thể khác biệt. Trong bối cảnh ấy, âm nhạc cần lùi lại phía sau “hậu trường” để đóng vai trò phụ. Chọn âm nhạc bối cảnh không thể tùy theo sở thích mà phải bằng sự hiểu biết nhằm gia tăng nhu cầu thính giác.