Tâm huyết của các nghệ sĩ "cứu" và bảo tồn hát xẩm
Nhạc sĩ Thao Giang đi đầu trong sưu tầm, phục dựng nghệ thuật hát xẩm. Nhiều nghệ sĩ trong đó có những người trẻ tuổi góp phần nhân rộng và mang lại sức sống cho loại hình này.
Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Thao Giang ra đời năm 2005 với mục đích khôi phục, bảo tồn các loại hình âm nhạc dân gian, trong đó có hát xẩm. Đây được coi là cái nôi phục dựng, phát triển hát xẩm trong đời sống hiện nay. Nhạc sĩ Thao Giang cho biết, trước đó ông đã mất gần 20 năm nghiên cứu, sưu tầm bài xẩm từ các nghệ nhân dân gian khắp tỉnh thành thông qua phương pháp điền dã.
Thời đó, phương tiện ghi âm còn hạn chế. Việc ghi chép chủ yếu là bằng trí nhớ, học trực tiếp từ các cụ. Phương tiện đi lại cũng khó khăn. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và niềm đam mê, nhạc sĩ Thao Giang đã ghi lại một phần lớn di sản âm nhạc dân tộc trước khi nhiều nghệ nhân hát xẩm qua đời.
Việc cứu xẩm diễn ra giữa bối cảnh chỉ rất ít các nghệ nhân
dân gian còn sống. Cụ Hà Thị Cầu cũng đã qua đời năm 2013.
Nhà nghiên cứu khẳng định, xẩm là loại hình âm nhạc dân gian có tính chuyên nghiệp chứ không phải bản năng, thô sơ. Nghiên cứu về hát xẩm, hệ thống lại toàn bộ làn điệu, ông thấy rằng nó được quy định chặt chẽ ở bốn điểm: cấu trúc âm nhạc, văn học, nhạc khí và môi trường diễn xướng.
Xưa nay, nhiều người vẫn nghĩ, hát xẩm là chỉ những người đi hát ăn xin. Thực tế không phải vậy. "Người hát xẩm không chỉ lang thang. Ngoài xẩm chợ, xẩm tàu điện... còn có hát xẩm nhà tơ (hát xẩm thính phòng). Đối chiếu bốn điểm quy chuẩn, chúng tôi thấy trong xẩm thính phòng, cấu trúc âm nhạc không ồn ào, giai điệu nhẹ nhàng, tinh tế hơn, không xô bồ như ngoài chợ mà cũng không trữ tình như trên tàu điện. Về văn học, nó đề cập đến những câu chuyện có tích của Trung Hoa chứ không phải chuyện con tôm, con cá. Về nhạc khí, đàn bầu, đàn hồ được thay cho trống phách vì diễn trong nhà". Nhạc sĩ Thao Giang cho rằng, việc giới thiệu xẩm phải giới thiệu toàn diện để thấy xẩm là loại hình nghệ thuật có thể sánh ngang với mọi thứ nghệ thuật mà mọi người đã và đang yêu thích.
Nghệ sĩ Quang Long của nhóm Xẩm Hà Thành cũng là một trong những người theo đuổi nghiên cứu nghệ thuật này. Ông cho rằng, xẩm khó tiếp cận với các thế hệ sau bởi chủ yếu được chuyển tải bằng hình thức truyền miệng, không như chèo, quan họ... sớm được đưa lên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp, được biểu diễn thường xuyên trong các dịp lễ hội. Vì thế, việc phục dựng thể loại này trong điều kiện các nghệ nhân đã ra đi gần hết, đưa lên sân khấu là một nỗ lực không hề nhỏ.
Nhạc sĩ Thao Giang, Quang Long, ca sĩ Thanh Ngoan, nghệ sĩ Văn Ty, Xuân Hoạch, Mai Tuyết Hoa, Khương Cường... là những người đi đầu trong việc bảo tồn, gìn giữ thể loại này. Ngoài việc "cứu" một phần di sản mà các nghệ nhân để lại, những người nghiên cứu về hát xẩm còn có trách nhiệm tìm ra quy luật, nguyên lý cổ xưa, rồi bổ sung, sáng tác làn điệu mới phù hợp với nội dung và nhịp sống hiện đại.
Nghệ sĩ không nghĩ tới việc kiếm tiền từ hát xẩm
Các nghệ sĩ theo học xẩm tại Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Thao Giang phần lớn thuộc thế hệ 8X, đều đã thành nghề, cùng thầy của họ đi diễn nhiều nơi. Ngoài các đêm diễn hàng tuần ở chợ Đồng Xuân và quanh phố cổ được thành phố Hà Nội hỗ trợ một khoản nhỏ, các buổi diễn trong nội thành của nhóm thu được từ 12 tới 16 triệu đồng một đêm. Số tiền này, theo nhạc sĩ Thao Giang, có thể giúp các học trò của ông trang trải việc học nâng cao kiến thức về hát xẩm.
Nhạc sĩ chia sẻ thêm, các nghệ sĩ trẻ hoàn toàn có thể đi diễn phòng trà kiếm tiền nhưng họ vẫn gắn liền với gánh hát của ông vì đam mê với xẩm và các loại hình âm nhạc dân tộc. "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những thế hệ nghệ sĩ không chỉ biết biểu diễn mà phải có trình độ lý giải, nghiên cứu, đúc kết, tìm ra quy luật, tiếp tục truyền dạy và sau này có thể sáng tác thêm các làn điệu mới… Các em sau này sẽ là chủ nhân của những di sản tinh thần này", Thao Giang nói.
Các nghệ sĩ biểu diễn trong đêm "Xẩm và Đời" của nhóm xẩm Hà Thành.
Nhóm Xẩm Hà Thành với ba thành viên chính là Quang Long, Mai Tuyết Hoa, Khương Cương vốn cũng từ cái nôi do nhạc sĩ Thao Giang gây dựng, nhưng đã tách ra từ khoảng năm 2009 - 2010 để nhân rộng nghệ thuật hát xẩm đồng thời được hoạt động theo ý thích riêng. Nghệ sĩ Quang Long chia sẻ, để theo đuổi nghệ thuật hát xẩm, các nghệ sĩ đều phải bỏ tiền túi rất nhiều bên cạnh sự hỗ trợ của các đơn vị, bạn bè...
Theo Quang Long, nghệ thuật hát xẩm vốn không phải để kiếm tiền. Các nghệ nhân dân gian như cụ Hà Thị Cầu, Tô Quốc Phương... đều có cuộc sống vất vả. Họ hát vì niềm đam mê là chính. Các nghệ sĩ ngày nay, cũng không mong muốn kiếm tiền nhờ hát xẩm, mà chỉ mong nghệ thuật này sống lại trong đời sống và ngày càng khẳng định được giá trị của nó. Nghệ sĩ Quang Long cũng mong rằng việc bảo tồn xẩm không chỉ xuất phát từ đam mê, ý thích của các cá nhân, mà được đưa vào chiến lược phát triển văn hóa chung của nhà nước.
(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)