"Tài năng bắt chước” lên ngôi
Các cuộc thi tôn vinh khả năng bắt chước, nhái giọng của người nổi tiếng nối tiếp nhau ra đời, thu hút sự tham gia của cả thí sinh không chuyên lẫn ca sĩ có tên tuổi. Từ những chương trình chỉ đơn thuần là trò chơi giải trí nay đã trở thành nơi tìm kiếm tài năng. Tương lai nhạc Việt sẽ ra sao nếu những “tài năng nhái giọng” trở thành ngôi sao nghệ thuật?
Ca sĩ Võ Hạ Trâm tham gia chương trình Gương mặt thân quen 2016.
Khoe tài giả giọng “săn” cơ hội
Cách đây 3 năm, giữa lúc gameshow Việt đang bão hòa, “Gương mặt thân quen” xuất hiện lần đầu đã tạo nên “cơn sốt”. Lúc đó, khán giả tìm đến chương trình vì tính giải trí, vì những màn giả trai, giả gái gây cười. Nhưng sau 4 mùa tổ chức, “Gương mặt thân quen” dần biến thành diễn đàn tôn vinh “tài năng bắt chước” - nơi mà người có tài nhái giọng, copy phong cách của người khác được coi là “tài năng”.
Chương trình đã thu hút lượng lớn thí sinh tham gia, phần lớn là những ca sĩ hoặc đã có tên tuổi muốn được khán giả nhớ tới, hoặc để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Những “cơn sốt” mang tên Khởi My, Hoàng Lâm, Thanh Duy… mà chương trình tạo ra đã hấp dẫn và nuôi ước mơ nổi tiếng của nhiều ca sĩ trẻ.
Gần đây, nhiều chương trình truyền hình thực tế cũng nhanh chóng nhảy vào loại hình giải trí này để kiếm doanh thu. Sau phiên bản dành cho người lớn thì “Gương mặt thân quen nhí” đã ra đời, tung hô và đào tạo những em nhỏ thành “bản sao” của ca sĩ thần tượng. Rồi đến hàng chục cuộc thi lớn nhỏ khác, từ “Song ca cùng thần tượng”, “Ca sĩ giấu mặt”, “Solo cùng bolero”, gần đây nhất là “Biến hóa hoàn hảo”.
Các bạn trẻ đua nhau tham gia, thậm chí ngoài hậu trường còn xuất hiện tin đồn “phải đi cửa sau” để có được tấm vé vào chơi trong chương trình chuyên về “copy phong cách”. “Cơn sốt” của những chương trình này đã vô tình tạo nên công thức: Tham gia một cuộc thi giả giọng + bước chân vào showbiz = nổi tiếng. Mai Quốc Việt - được tôn vinh là “phù thủy giả giọng” - đã trở thành một hiện tượng khi hát với giọng của 13 ca sĩ. Hoài Lâm, Khởi My sau khi đăng quang quán quân cũng “đổi đời”, cát sê liên tục tăng và nghiễm nhiên trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Rồi nhiều ca sĩ được đào tạo bài bản cũng muốn tham gia để mong khán giả “nhớ mặt điểm tên”.
Hoài Lâm từng tạo nên “cơn sốt” với việc nhái giọng và phong cách
của Sơn Tùng M-TP.
Điển hình là Võ Hạ Trâm, ca sĩ có giọng hát đẹp và kỹ thuật thanh nhạc tốt. Có sở trường là nhạc trữ tình, cách mạng, nên thông tin cô tham gia “Gương mặt thân quen 2016” - chương trình phải hát đủ dòng nhạc - khiến nhiều người bất ngờ. Không ít khán giả cho rằng, sau nhiều năm bước chân vào làng giải trí nhưng chưa có được một chỗ đứng vững chắc nên Võ Hạ Trâm quyết định tham gia chương trình, hoặc cũng có thể cô muốn thử thách bản thân mình ở nhiều phong cách, thể loại khác nhau. Dù được đánh giá rất cao, nhưng càng về sau, Võ Hạ Trâm càng “lép vế” so với các ca sĩ trẻ, đối thủ khác trong chương trình.
Mới đây, cô đã lên tiếng “tố” bị ban tổ chức “dìm hàng”. Cô cho rằng mình bị giám khảo chèn ép về điểm số, bởi trong nhiều tuần cô hóa thân vào các nhân vật như NSƯT Thanh Ngân, Shakira hay như ca sĩ Anh Thơ, dù nhận được cơn mưa lời khen về giọng hát từ giám khảo nhưng điểm của cô vẫn không được như mong đợi.
Có vẻ, Võ Hạ Trâm đã sai khi tham gia chương trình, vì “Gương mặt thân quen” là sân chơi cho những người biết giả giọng, càng giống phong cách của ca sĩ khác càng tốt, chứ không hẳn tôn vinh sự sáng tạo trong nghệ thuật. Tiêu chí này càng được nhấn mạnh hơn khi các thí sinh cùng tham gia chương trình như Phan Ngọc Luân, Hà Thúy Anh đều cho rằng “về tài năng, kỹ thuật thanh nhạc, Võ Hạ Trâm rất giỏi nhưng tiêu chí về độ giống nhau thì cô lại thiếu”.
Và Phan Ngọc Luân đã thẳng thắn rằng: “Võ Hạ Trâm chưa thật sự giống với nhân vật, do vậy giám khảo mới chấm điểm thấp hơn”, chứ không có sự chèn ép. Mỗi cuộc thi đều có những áp lực riêng buộc các thí sinh phải có sự cân nhắc trước khi quyết định tham gia và việc chỉ trích thiếu khéo léo của thí sinh sẽ không bao giờ là giải pháp khôn ngoan. Dù sao, trong nhiều tháng qua, tên tuổi của Võ Hạ Trâm cũng liên tục xuất hiện trên truyền thông, chứ không im lìm như trước.
Trái ngược với Võ Hạ Trâm, Hòa Minzy đã được rất nhiều khi tham gia “Gương mặt thân quen 2016”. Từ bị ghét, nay lại được yêu, chỉ bởi có tài biến hóa thành nhiều ca sĩ khác. Đến nỗi, khi xuất hiện thông tin Hòa Minzy bị loại khỏi top 4 của chương trình, khán giả đã “nhảy dựng” và quyết bảo vệ cô ca sĩ trẻ.
Trấn Thành và Hari Won bên một thí sinh nhái phong cách Hari trong chương trình
“Biến hóa hoàn hảo”.
Nghệ thuật khó chấp nhận “bản sao”
Việc phát triển những chương trình giả ca sĩ thần tượng, nếu chỉ mang tính giải trí là điều đáng khuyến khích, nhưng các gameshow có fomat dạng này ở Việt Nam đều đang đi “lệch chuẩn”. Cả ban tổ chức, giám khảo, đến thí sinh tham gia đều nhầm lẫn, coi khả năng giả giọng là tài năng và nguy hiểm hơn là họ còn có ý thức lăng xê “bản sao” đó thành những ca sĩ chuyên nghiệp.
Những nghệ sĩ kỳ cựu như Hoài Linh, nhạc sĩ Đức Huy, diva Mỹ Linh liên tục dành những lời có cánh để khen thí sinh, ai giả giọng, nhái phong cách càng giống thì càng được khen nhiều. Hay những người trẻ hơn như Trấn Thành, Hari Won, khi ngồi “ghế nóng” “Biến hóa hoàn hảo” cũng không tiếc lời khen cho các tiết mục “copy càng giống càng tốt”.
Hát giống hệt giọng người khác có chăng chỉ là giỏi bắt chước, chứ không thể tôn vinh thành tài năng. Ở lĩnh vực nào việc “copy” cũng là nguy hiểm, trong lĩnh vực nghệ thuật càng không cho phép sự rập khuôn, bởi chỉ có sự sáng tạo không ngừng mới tồn tại và phát triển, còn sự bắt chước chỉ tạo ra những “bản sao nhòe nhoẹt”.
Thực tế đã chứng minh điều này. Hoài Lâm dấn thân showbiz bằng công thức “giả giọng, tạo nên hiện tượng và nổi tiếng”, nhưng sau khi bước ra khỏi “Gương mặt thân quen”, tên tuổi của anh chìm dần, vì sự nổi tiếng mà anh có chỉ là nhất thời. Dù anh đang có bệ đỡ hoàn hảo là “con nuôi của Hoài Linh”.
“Hiện tượng Mai Quốc Việt” giờ cũng ít được nhắc tới. Dù anh vẫn cố gắng định hình phong cách âm nhạc nhưng dưới con mắt khán giả, Mai Quốc Việt vẫn diễn và hát “một màu” trong chiếc áo “phù thủy giả giọng” mà thiếu sự sáng tạo. Không ít trường hợp khác cũng đã “vỡ mộng”, bởi hào quang của sự nổi tiếng tức thời khiến họ không biết phân biệt đâu là giá trị thực, ảo.
Và ngay cả ban tổ chức các chương trình “giả trai, giả gái” này, vì lợi nhuận, họ đã không định hướng cho khán giả và thí sinh rằng, đây chỉ là chương trình giải trí đơn thuần, không có giá trị đóng góp vào việc đào tạo, tìm kiếm tài năng nghệ thuật. Kết quả là mỗi năm có rất nhiều “tài năng bắt chước” bước vào làng giải trí. Và nếu việc này vẫn cứ kéo dài, hoặc chỉ tạo ra “thế hệ nghệ sĩ ao làng” vì thiếu sáng tạo hoặc sẽ tạo nên những… “sản phẩm nghệ thuật copy”.
(Nguồn: http://laodong.com.vn)