Tài năng âm nhạc truyền hình: “Thừa” nhưng vẫn “thiếu”

01/04/2016

Đã từ lâu, khái niệm về những gương mặt mới trong làng nhạc không còn gói gọn trong các trường hợp được đào tạo bài bản, hay nhất định được ghi nhận từ một vài cuộc thi âm nhạc mang tính truyền thống nào đó. Các tài năng mới giờ có thể xuất hiện từ bất cứ chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc nào.

Cùng với sự bùng nổ các định dạng chương trình truyền hình âm nhạc là hàng chục gương mặt mới được phát hiện vào mỗi mùa lên sóng. Tuy nhiên, khán giả vẫn chưa cảm thấy “đủ” với những tài năng âm nhạc mới này.


Hương Tràm tham gia The Remix.

“Ngập sóng” truyền hình thực tế

Không còn là một bữa tiệc thịnh soạn được chọn vào những tháng cụ thể trong năm, chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đang có xu hướng lấp sóng vào hàng tháng, những ngày đẹp cuối tuần. Sự phân bố các chương trình không chỉ còn ở chiều sâu, phân chia những dạng cuộc thi âm nhạc ở những mức độ đòi hỏi tính chuyên môn khác nhau như “Sao Mai”, hay “Sao Mai điểm hẹn”, “Tiếng hát truyền hình”... mà còn từ những định dạng quốc tế như “Vietnam Idol” (Thần tượng âm nhạc), đến “The Voice” (Giọng hát Việt), “The winner is” (Tôi là người chiến thắng) và số các chương trình truyền hình thực tế trong lĩnh vực âm nhạc hiện đã tăng lên đáng kể. Không chỉ nhiều định dạng của quốc tế tiếp tục được du nhập cho mọi lứa tuổi như: “The Voice Kids” (Giọng hát Việt Nhí), “Gương mặt thân quen nhí”, “The X - Factor”, rất nhiều chương trình đã được sáng tạo từ các nhà sản xuất trong nước.

Thời gian qua, để tìm được một lượng khán giả đông đảo hơn, các định dạng chương trình quốc tế dần trở nên xói mòn bởi sự khai thác hết mức tối đa của các nhà sản xuất và đẩy nhanh hơn quá trình tạo ra các chương trình mang thương hiệu Việt Nam. Đương nhiên, ở khái niệm là một cuộc thi hát trên sóng truyền hình đơn thuần, chúng ta không thiếu, nhưng xét ở một chương trình truyền hình thực tế thì đã bắt đầu có nhiều sản phẩm thuộc sở hữu của các nhà sản xuất trong nước. Có thể điểm một vài gương mặt mới trong thời gian gần đây như: “Ngôi sao phương Nam”, “Solo cùng Bolero”, “Thần tượng Bolero” và có cả thể loại thi hát Karaoke trên truyền hình là “Hát vui - Vui hát” cũng đã chính thức lên sóng truyền hình.

Và hai trong số các đài truyền hình chiếm lĩnh gần như các chương trình truyền hình thực tế này đó là THVL và VTV. Trong quá trình tìm nhiều nguồn chương trình truyền hình thực tế, các nhà sản xuất trong nước không chỉ quan tâm những format ở Âu - Mỹ, mà các nước lân cận như Hàn Quốc cũng được đưa vào sự chọn lựa. Trong năm 2015, định dạng “Ca sĩ giấu mặt” đã được thực hiện ở phiên bản Việt và phát sóng trên kênh THVL. Thực tế, lĩnh vực ca hát vẫn chiếm số lượng lớn trong một vài chương trình mang tính giải trí tổng hợp như: “Người hùng tí hon”, “Siêu nhí tranh tài”... - cũng được chú ý trong thời gian vừa qua.

Cùng với nhiều chương trình truyền hình âm nhạc ra đời như vậy, việc chọn lựa thể loại và dòng nhạc để thi cũng sớm phân hóa các chương trình, lựa chọn lượng khán giả cụ thể và nhỏ hơn. Như hai chương trình “Thần tượng Bolero” và “Solo cùng Bolero” gần như dành hẳn cho khán giả yêu thích nhạc trữ tình, đặc biệt là Bolero. Trong khi đó, “Tài tử tranh tài” lại hướng đến sự pha trộn, thể nghiệm giữa nghệ thuật cải lương truyền thống kết hợp với nhạc nhẹ, có một chút kịch. Rõ ràng, các chương trình âm nhạc trên sóng truyền hình ngày càng trở nên phong phú và đa dạng hơn, khi các sân chơi không chỉ dành riêng cho thí sinh không chuyên mà nhiều ca sĩ cũng bước vào sự thách đấu, như trong “Tuyệt đỉnh tranh tài”, “Cặp đôi hoàn hảo”... Ở mỗi mùa lên sóng, không ít những gương mặt mới được phát hiện bên cạnh 1 quán quân, liệu họ có đủ sức thuyết phục khán giả?


Một tiết mục tại Vietnam Idol.

Tài năng âm nhạc vẫn “chưa đủ”

Không thể phủ nhận tính giải trí của các chương trình truyền hình âm nhạc dù ở đó yếu tố thi đấu của các thí sinh vẫn là quan trọng. Khán giả truyền hình hôm nay không còn tìm thấy được ý nghĩa thuần chất về số điểm, tài năng hay sự khổ luyện một cách rõ nét. Thông qua các chương trình truyền hình thực tế này, tài năng âm nhạc được xây dựng theo khái niệm về ngôi sao giải trí trên truyền hình nhiều hơn. Yếu tố hình ảnh đã được cân nhắc rất sâu để chọn ra ngôi vị quán quân hài hòa nhất trong các tiêu chí được đặt ra cho từng cuộc thi.

Điểm lại những cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình kiểu này được lên sóng đều đặn trong năm, người ta thấy có khoảng 5 chương trình. Thông thường, với mỗi định dạng, con số thí sinh được chọn lựa là hơn 20 người. Vô hình chung ở mỗi mùa, thông qua các cuộc thi âm nhạc như thế này, khán giả sẽ có thêm 100 gương mặt mới để mình lựa chọn, chưa kể đến con số hàng ngàn thí sinh đăng ký dự thi được các nhà sản xuất công bố. Như vậy, số lượng những người đam mê âm nhạc rất lớn, nó đủ sức đáp ứng nhu cầu nghe nhạc ngày càng lớn của công chúng. Tuy nhiên, khi tinh lọc và lựa chọn để đi vào những vòng thi quan trọng, con số ấy ít dần và đến cuối cùng thì chỉ có một người thắng cuộc.

Nhìn lại hàng loạt các chương trình truyền hình âm nhạc thành công trong thời gian qua như “Vietnam Idol”, “The winner is”, “The Voice”, “Nhân tố bí ẩn” và tân binh “Solo cùng Bolero”, hay “Ngôi sao phương Nam”..., hầu như chỉ có quán quân của các cuộc thi là có sản phẩm cũng như quá trình hoạt âm nhạc âm nhạc rõ nét sau đó, còn các thí sinh trong top 20 hay top 10 đa phần hoạt động mờ nhạt, ít tạo được sự chú ý. Ngay một định dạng được cho là cực kỳ mới mẻ, lôi cuốn như “Giọng hát Việt”, bên cạnh sự thành công về mặt thu hút khán giả truyền hình, hoạt động của riêng cá nhân quán quân đoạt giải cũng ngoài tầm kiểm soát. Hương Tràm - quán quân Giọng hát Việt mùa đầu tiên (2013) - được đánh giá rất cao về giọng hát khi cô đăng quang, nhưng các sản phẩm của Hương Tràm thực sự chưa làm nổi bật được vị trí của cô. Mãi tới năm nay (2016), khi Hương Tràm quyết định tham gia vào The Remix thì cô mới tạo được sức hút.

Trường hợp tương tự, Nhật Thủy của “Vietnam Idol” 2015 hay Vũ Thảo My của “Giọng hát Việt” 2013, Tia Hải Châu của “Tôi là người chiến thắng” 2013, Lâm Ngọc Hoa của “Solo cùng Bolero” 2015... đều được chọn với tiêu chí cao nhất của những chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc mà họ tham gia. Nhưng có lẽ, vì sự xuất hiện của tất cả cái tên này gần như gói gọn trong 1 hoặc 2 năm liền kề nhau, ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến sự quan tâm của công chúng dành cho họ. Mật độ dày đặc của các chương trình được lên sóng hàng tháng đã tạo nên sức ép không hề nhỏ với những tài năng âm nhạc mới như thế này. Khán giả không còn quá mặn mà đến việc chú tâm vào quá trình hoạt động của một thần tượng nữa mà họ có xu hướng chọn lựa gương mặt mới có khả năng thích ứng với một dòng âm nhạc nhất thời nào đó.

Nhiều gương mặt mới được tìm ra trong các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình không đồng nghĩa với việc họ sẽ sớm là những ngôi sao giải trí. Thực tế chứng minh, không ít những cái tên thất bại trong những cuộc thi như thế này song lại tỏa sáng và thành công trên con đường đi rất riêng của mình như: Thảo Trang, Hoàng Quyên, Phương Mỹ Chi... Thay vì đi tìm một lời giải cho độ bền và sức bật của các tài năng âm nhạc kiểu này, khán giả lại hướng tới họ bằng một cái nhìn mới, cụ thể và mang ý nghĩa thực tế trong thời điểm cụ thể hơn. Những gương mặt mới này có thể có đầy đủ các danh xưng như “quán quân”, “thần tượng”, “người chiến thắng”... nhưng vẫn chỉ là điểm sáng của một mùa giải trên sóng truyền hình, vòng quay có khi 12 tháng cũng có lúc nhanh hơn - 6 tháng - phụ thuộc vào sức hút của chương trình đó. Vì vậy, các tài năng âm nhạc trên sóng truyền hình rất dễ có tuổi thọ nghề ngắn hơn chúng ta tưởng.

(Nguồn: http://laodong.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...