Tái hiện trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 bằng nhạc Rock

20/06/2014

Ca khúc "Vượt ngàn trùng khơi" của ban nhạc rock Đông Đô là lời tri ân với những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.

Album đầu tay “Máu thắm da vàng” của ban nhạc rock Đông Đô vừa phát hành chính thức tới công chúng và người hâm mộ trên toàn quốc. Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với ghi ta bass Hồng Tiến, thành viên ban nhạc rock Đông Đô để tìm hiểu album.

PV: Ca khúc “Vượt ngàn trùng khơi” ca khúc nằm trong album “Máu thắm da vàng”, là điểm nhấn cho album này phải không, thưa anh?

Hồng Tiến: Đúng vậy, ca khúc “Vượt ngàn trùng khơi” là một trong những điểm nhấn của album “Máu thắm da vàng”. Đặc biệt, trong thời điểm “Biển Đông dậy sóng”. Đông Đô muốn chuyển tải thông điệp nằm trong những dấu ấn lịch sử, câu chuyện anh hùng ca của album tới bạn trẻ đó là: tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo, tinh thần tuổi trẻ muốn khát khao cống hiến và ước vọng hòa bình.


Ca khúc "Vượt ngàn trùng khơi"

“Vượt ngàn trùng khơi” được Đông Đô sáng tác kỷ niệm sự kiện đảo Gạc Ma năm 1988 và đã được quay MV tới công chúng. Và ca khúc này Đông Đô cũng xin được gửi tới anh linh những người lính, những anh hùng đã hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

PV: Bên cạnh “Vượt ngàn trùng khơi”, album còn nhiều sáng tác khác mà như Hồng Tiến vừa chia sẻ đó là câu chuyện anh hùng ca của đất nước. Vậy câu chuyện đó thế nào?

Hồng Tiến: Đó là một câu chuyện xuyên suốt về chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam. Khởi đầu là “Hà Nội mùa đông năm 1946” một bản hòa tấu, đến thời điểm 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ có ca khúc “Việt Nam” và giải phóng Thủ đô 10/10/1054 có “Khải hoàn ca”, “Hồi sinh” cho Mỹ Lai và Mỹ Sơn 1968, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 có “Khắc lên sử xanh”, “Vùng đất Rồng” kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và đến 2012 ban nhạc cho ra đời ca khúc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam “Vượt ngàn trùng khơi”.


Các thành viên nhóm Đông Đô

PV: Còn tên “Máu thắm da vàng” thì sao? Tại sao Đông Đô lại chọn tên này cho album. Trong album cũng không có ca khúc nào như vậy?

Hồng Tiến: Trước thời điểm ra mắt album, các thành viên của Đông Đô cũng đã bàn nhiều lần để tìm một cái tên chính thức. Nó phải mang ý nghĩa và tính chất đặc trưng nhất cho lịch sử và cho con người Việt Nam. Cái tên đầu tiên là bài hát “Việt Nam”, nhưng vẫn chưa ấn tượng và đặc trưng lắm. Sau một thời gian tiếp tục tìm kiếm, cuối cùng Đông Đô lấy tên “Máu thắm da vàng”.

Vì nói đến con người Việt Nam đó là máu thắm và da vàng như nhiều biểu tượng khác ví dụ như mầu của lá cờ Tổ quốc. Và “Máu thắm da vàng” cũng là tên ca khúc “Hồi Sinh” viết về Mỹ Lai trong album nhưng sau này được Đông Đô đổi tên.

Ca khúc này Đông Đô viết khi tham dự sự kiện “Đồng ca vì công lý” kết hợp với ca sĩ Thái Thùy Linh, trong bài hát có câu “hát cho em hát vì máu thắm da vàng” - thời điểm đó thì câu hát này là tên của bài hát, nhưng về sau Đông Đô đã đổi tên cho bài hát để thể hiện sự hồi sinh trên vùng đất đau thương - Mỹ Lai, cũng là sự hồi sinh của đất nước sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

PV: Vì sao Đông Đô lại chọn con đường viết những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước mà không phải đề tài như các ban nhạc khác thường sáng tác?

Hồng Tiến: Bởi đó là tinh thần yêu nước, là thông điệp khát khao cống mà Đông Đô muốn gửi tới các bạn trẻ. Chúng ta là những con người Việt Nam, đang sinh sống làm việc tại Việt Nam, chúng ta yêu mảnh đất hình chữ S này và Đông Đô nghĩ sẽ phải làm được điều gì đó cho Tổ quốc mình. Vì vậy, các sáng tác của Đông Đô từ trước đến này đều tập trung cho chủ đề ca ngợi con người và Tổ quốc Việt Nam.

Đây là đề tài mà Đông Đô giành sự quan tâm nhiều nhất, còn tất nhiên cũng phải thử sức mình trong nhiều đề tài khác nữa…

PV: Được biết Đông Đô cũng có ý định phát hành album “Máu thắm da vàng” ra nước ngoài, ý tưởng này như thế nào?

Hồng Tiến: Trước đây, “Máu thắm da vàng” đã được phát hành online và phát hành theo hình thức đặt hàng. Bây giờ là chính thức phát hành có mặt trên kệ đĩa tại các điểm bán. Còn ra nước ngoài là điều Đông Đô đang thực hiện cũng theo một cách thức khác.

Đó là Đông Đô có nhiều người thân, người quen và bạn bè đang công tác học tập tại nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, Đông Đô đã nhờ họ mang tinh thần con người Việt Nam đến với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế. Và “Máu thắm da vàng” sẽ kể cho họ nghe lớp thanh niên chúng tôi sống thế nào, Tổ quốc thân yêu đẹp và anh hùng thế nào. Đồng thời, để mọi người biết rock Việt Nam thế nào.

PV: Xin cảm ơn anh./.

Ban nhạc Đông Đô:

Thành lập năm 2007 với 6 thành viên:

Nguyễn Đức Lộc - Keyboardist/ Composer/ Vocalist

Trịnh Hồng Tiến – Bassist

Trịnh Trọng Duy – Vocalist

Khương Hải Hoàn – Guitarist

Đỗ Văn Trung – Guitarist

Trần Hoàng Đức – Drummer

Dòng nhạc: Heavy Metal, Symphonic Metal, Nu Metal, Melodic Meta

(Nguồn: http://vov.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.