Tái hiện không gian âm nhạc truyền thống Thăng Long

12/05/2015

Ngày 8-5, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) đã diễn ra chương trình mở màn cho chuỗi nghệ thuật "Chuyện nhạc phố cổ" kể về âm nhạc xưa và nay của đất Kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội. Lần đầu tiên, một không gian âm nhạc cổ truyền được phục dựng một cách nguyên bản, không có bất cứ sự hỗ trợ kỹ thuật khuếch thanh nào, tạo niềm vui không chỉ với khán giả mà còn cả các nghệ sĩ.

Đất Thăng Long xưa nay có nền âm nhạc phong phú, độc đáo và đặc trưng bậc nhất cả nước. Nhưng việc thiếu không gian biểu diễn và sự thờ ơ của giới công chúng đương thời đã làm mai một đi nhiều vốn âm nhạc cổ quý giá đó. "Chuyện nhạc phố cổ" ra mắt là một nỗ lực nhằm mang những âm giai, âm sắc của ca nhạc Việt Nam như ca trù, hát tuồng, hát xẩm, hát quan họ, chèo, chầu văn, cải lương… đến với công chúng, trước hết là người Việt Nam, sau đó là quảng bá tới du khách quốc tế.

Tham gia chương trình là những nghệ sĩ đầu ngành đang gìn giữ tốt và nhiều nhất vốn âm nhạc cổ truyền hiện nay, đó là: NSND Xuân Hoạch (đàn nguyệt, đàn đáy), NSND Thanh Hoài (hát chèo), NSƯT Thanh Bình (hát ca trù, chèo), NSƯT Vũ Ngọc (bộ gõ), NSƯT Công Hưng (đàn nguyệt), NSƯT Mạnh Phóng (hát chèo), nghệ sĩ Thanh Hà (hát chèo)… Những cái tên ấy gợi nhớ đến nhóm Đông Kinh cổ nhạc được thành lập 2-3 năm nay, có chương trình "Tiếng trúc tiếng tơ" lay động của khán giả Pháp và Việt Nam thời gian qua. Thì ra vẫn chính là họ, có mời thêm một số gương mặt khác như NSND Minh Gái (tuồng), NSƯT Thúy Ngần (chèo), NNDG Trọng Quỳnh (hát văn). Trong giới, ai cũng biết đây là những nghệ sĩ tài năng gạo cội và khá kỹ tính, kén chọn với các sân khấu. Câu trả lời của NSND Xuân Hoạch về việc nhóm tham gia chương trình là: "Đây chính là sân khấu mơ ước của chúng tôi. Một sân khấu mộc trong lòng phố cổ, không có thiết bị hỗ trợ khuếch thanh, người nghệ sĩ ngồi trên chiếu cói, đàn hát trực tiếp, truyền cảm xúc của mình cho khán giả, ở khoảng cách thật gần như thế".

Sân khấu tầng 3 của Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ không lớn, được thiết kế với vật liệu hiện đại, tôn trọng tối đa sự mộc mạc, giản dị, bảo đảm âm thanh chân thực. Chính không gian ấy cũng đã khích lệ ê kíp thực hiện tạo ra chuỗi chương trình phục dựng nguyên bản nhất có thể vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Nghệ sĩ Vũ Nhật Tân, người đề xuất ý tưởng và là cố vấn nghệ thuật của chương trình cho rằng: "Ngoài việc nghệ sĩ được đàn hát không cần hỗ trợ kỹ thuật, để toát lên hết vẻ đẹp của âm nhạc cổ truyền, vốn hay ở độ rung, nảy, rền, vang, truyền thẳng xúc cảm đến khán giả, chúng tôi còn muốn phục dựng cả nghi lễ hát cổ nhạc. Chẳng hạn như hình thức ném thẻ của khán giả thưởng cho người hát hoặc chơi đàn hay". "Chuyện nhạc phố cổ" dự kiến sẽ được diễn ra mỗi tháng một lần vào tối thứ sáu tuần thứ 2 của tháng. Chương trình mở màn dàn dựng để tạo cái nhìn tổng quan cho khán giả về các loại hình âm nhạc truyền thống ở đất Thăng Long từ xưa đến nay với những tiết mục đặc trưng nhất. Còn các chương trình tiếp theo sẽ đi sâu vào từng môn nghệ thuật cổ truyền, đáp ứng nhu cầu của người thưởng thức.

Trong nhiều năm qua, không thiếu những chương trình, dự án biểu diễn âm nhạc truyền thống được tổ chức ở đất Kinh kỳ, nhưng để tồn tại và thành công như mong đợi là không nhiều. Điều này, những người tổ chức chuỗi "Chuyện nhạc phố cổ" cũng không khỏi lo ngại. Nghệ sĩ Vũ Nhật Tân, người am tường về âm nhạc cổ truyền, hoạt động rộng rãi trong giới âm nhạc thể nghiệm, đương đại, cho biết: "Ít ra chuỗi chương trình thỏa mãn ước nguyện của những người làm nghề và gìn giữ vốn cổ như chúng tôi lại đem đến cho khán giả thưởng thức cái hay nhất, đẹp nhất của âm nhạc dân tộc, thứ âm nhạc sinh ra, nuôi dưỡng, tồn tại và phục vụ cho chính họ". Có bắt tay vào thực hiện mới thấy được những gian nan và hiểu được cần có nhiều sự góp sức từ phía Nhà nước, các nhà hảo tâm và khán giả hơn nữa. Song NSND Xuân Hoạch đã nói: "Chúng tôi đều lớn tuổi rồi, chương trình có duy trì được lâu dài thì cũng đến ngày chúng tôi không có sức biểu diễn. Điều quan trọng là đào tạo những người kế cận, có đủ tài đàn hát, tâm theo nghiệp đến cùng để tiếp tục công việc này".

"Chuyện nhạc phố cổ" không dễ để được kể bất tận…

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...