Sông ĐNhép thét gào
Tôi thường sưu tầm những bài hát Nga có lời dịch cho vào blog. Vì nhiều bài mình yêu thích mà chưa ai dịch, thế là tôi bắt tay vào công việc dịch bài hát và thơ. Khi thấy bài hát dân ca Ukraina do nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển thể sang tiếng Việt rất hay, tôi không biết lời và khi đó gọi điện cho người bạn cùng lớp người Ukraina, tôi hát tiếng Việt để bạn nhận ra bài hát và gửi lời gốc cho tôi.
Khi dịch nghĩa lời bài hát sang tiếng Việt. tôi thấy nội dung không giống lời của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Thắc mắc của tôi được các anh chị đã từng học ở Trung Quốc giải thích: có thể do nhạc sĩ dựa trên bản dịch tiếng Trung Quốc.
Trong thời gian tìm lời bài hát “Sông Đ-nhep thét gào” tôi cũng tìm được một lời bài hát khác là “Người đói thét gào”.
Nội dung của bài này tố cáo chế độ thống trị hà khắc của Sa hoàng Nikolai vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khiến cho dân chúng đói khổ lầm than, đòi lật đổ ngai vua, xây dựng chế độ mới.
Như vậy chính dịch giả Trung Quốc đã lấy phần đầu bài thơ của Taras Shepchenco “Sông Đ-nhep thét gào” đem ghép với bài “Người đói thét gào” thành một bài mới mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đem dịch. Như vậy lỗi do một dịch giả Trung Quốc đem râu ông nọ cắm cằm bà kia mà thôi.
Xin giới thiệu bài thơ “Người đói thét gào” để hiểu được vì sao nhạc sĩ Phạm Tuyên lại có bài hát “Quê hương” hay “Dân ca Ukraina” có nội dung hoàn toàn khác với nguyên bản của bài dân ca Ukraina “Sông Đnhep thét gào”.
РЕВЭ ТА СТОГНЭ ЛЮД ГОЛОДНЫЙ - NGƯỜI ĐÓI THÉT GÀO
Ревэ та стогнэ люд голодный, |
Những người đói khát đang thét gào, Đòi tự do cho bản thân mình. Chống lại chúng ta là sa hoàng vô dụng Máu đào đã đổ xuống đất này. |
Попам, чортам довговолосым, Вэлять людэй так научать: На свыти жыть голодным, босым, Царськи законы почитать. |
Những linh mục, quỷ sa tăng tóc dài, Dạy con người như thế này đây: Trên thế gian những kẻ nghèo, chân đất Phải tuân thủ pháp luật của Sa Hoàng. |
А люды трохы поумнилы, Уже нэ слухають попив, Крычать, що мають воны сылы - Долой царя, долой панив! Не трэба нам царя Мыколы, Його с прыстолу мы звергнэм, Напышем новыи законы, Порядки нови заведем. |
Nhưng dân chúng đã thông minh hơn, Chẳng thèm nghe lời các cha đạo, Gào thét, vì áp bức đau khổ… Đả đảo Sa Hoàng, đả đảo cha cố! Chúng ta không cần Sa Hoàng Nikolai, Chúng ta lật đổ ông ta khỏi ngôi vua, Chúng ta sẽ viết pháp luật mới, Và lãnh đạo cả chế độ mới. |
А царь Мыкола, вын, гайдуче, Сыдыть в виконцэ выгляда. Кровавый труд жандармской пули Вином та мэдом залыва. |
Sa Hoàng Nikolai và những đầy tớ Ngồi ngắm nhìn qua khung cửa sổ. Những viên đạn hiến binh đẫm máu Như rượu vang và mật tràn khắp nơi. |
Bản dịch lời ca của nhạc sĩ Phạm Tuyên:
DÂN CA UCRAINA
Đồng xanh bát ngát mênh mông U-cơ-ren,
Dòng sông lướt trôi trong xanh êm đềm.
Bạch dương tươi tốt, lá xanh cành vươn bên bờ,
Là nơi cố hương thân yêu mong chờ.
Giặc kia hung ác lấn xâm nơi quê hương,
Đồng xanh mến yêu biến thành chiến trường.
Làng quê yêu dấu tan hoang vì quân hung bạo,
Bạch dương xác xơ lá rụng tiêu điều.
Luyện trong gian khó, chúng ta bao thanh niên
Vượt qua khó khăn gian nguy không sờn.
Dù ta có chết quyết không chịu thân nô lệ,
Tự do tiến lên vinh quang muôn đời.
Bản dịch bài thơ của Nguyễn Xuân Hòa:
Dòng Đnhiép mênh mang gào rền rĩ
Gió giận dữ chồm lên hàng liễu rủ
Rồi cuộn tung những đợt sóng cồn
Đến chân trời xám ngắt mù sương
Trăng mờ ảo luồn mây u ám
Thoắt ló mặt, thoắt ẩn mình như trốn
Tựa lá thuyền con giữa biển lênh đênh
Lúc chao mình, lúc cưỡi sóng trườn lên
Hết eo óc gà thôi gáy sáng
Chỉ còn nghe trong đêm ắng lặng
Tiếng cây rừng kèn kẹt canh khuya
Tiếng con chim đập cánh giữa sương mờ.
Xin được gửi bức thư này tới nhạc sĩ Phạm Tuyên:
Kính thưa bác Phạm Tuyên, chúng cháu là những người yêu thích ca hát và biết bác qua nhiều ca khúc nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác của bác. Có một số bài hát tiếng Nga bác dịch cho thiếu nhi rất hay như “Nụ cười”, “Ở trường cô dạy em thế” được mọi người rất yêu thích.
Chỉ có một bài hát bác dịch đã lâu, đó là bài “ Dân ca Ucraina” lời Việt bác viết rất hay, được bọn cháu rất yêu thích từ nhỏ. Nhưng bây giờ có thời gian, cháu so sánh với bản gốc từ tiếng Ucraina, thì thấy nội dung bài hát nó không khớp.
Lời bài hát này do nhà thơ - hoạ sĩ tài ba của Ucraina Taras Shepchenco (1814-1861) sáng tác vào những năm 1840. Ông rất yêu quê hương, yêu dòng sông Đ-nhep, ví dòng sông mênh mông như biển cả, tình cảm của nhà thơ dành cho sông Đ-nhep rất nhiều. Ông đã mua một khu đất tại Kanev, trên bờ sông Đ-nhep, sau khi ông mất, ông được chôn cất chính trên mảnh đất đó.
Bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng bản hay nhất mà bác sử dụng là của nhạc sĩ Dimytri Krirzanovski. Cháu có thể cung cấp nguyên bản tiếng Ucraina và bản dịch sang tiếng Nga của bài hát này, đồng thời cháu cũng cung cấp luôn bản dịch tiếng Nga bài thơ của chính tác giả khi sinh thời.
Điểm thứ nhất: bác lấy tên bài hát “Dân ca Ucraina”, theo cháu như vậy không phù hợp. Đây là bài hát khá nổi tiếng, theo như người Nga nói rằng họ có thể dịch sang tiếng Nga một cách dễ dàng, nhưng khi hát lên thì nó không còn cái kỳ diệu, oai hùng của tiếng Ucraina. Chính vì thế, ở bất kỳ nơi nào trên đất Liên xô trước đây, nhiều đoàn văn công biểu diễn chỉ hoàn toàn bằng tiếng Ucraina. Bài này theo cháu có thể dịch là “Sông Đơ nhép mênh mông thét gào” hoặc đơn giản “Bài ca sông Đnhép”.
Điểm thứ hai: Nội dung bản dịch của bác phảng phất ý của bài hát “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao và “Quê em” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Thực tế nội dung bản gốc không như vậy. Là một người yêu ca nhạc từ nhỏ, cháu rất quý trọng bác, nhưng cháu cũng thấy áy náy vì chưa nói được điều này với bác. Có gì mạo muội, mong bác thông cảm cho cháu. Cuối cùng cháu xin chúc bác mạnh khỏe, sáng tác thêm nhiều bài hát hay cho nền âm nhạc Việt Nam.
Kính thư
Nguyễn Văn Minh