Sơ lược về con đường nghiên cứu âm nhạc dân tộc

26/09/2014

Những người yêu nhạc luôn luôn muốn có được kỹ thuật để sử dụng ít nhất là một nhạc khí vừa để thoả mãn nhu cầu sáng tạo nghệ thuật hoặc để tiêu khiển trong mỗi người vừa có thể góp tiếng đàn của mình chung với tiếng đàn của những người đồng điệu trong những buổi hoà nhạc tại tư gia hay những nơi công cộng. Vì vậy đa số người yêu nhạc học nhạc là để được có khả năng biểu diễn âm nhạc. Một số người khác cũng yêu nhạc nhưng không nặng về kỹ thuật biểu diễn mà lại muốn sử dụng ngôn ngữ âm nhạc để diễn tả những tình cảm của mình và sáng tạo ra những bản nhạc để cho người yêu nhạc biểu diễn. Một số người khác cũng yêu nhạc nhưng lại muốn tìm đến nguồn gốc của âm nhạc và sự biến chuyển của nó xuyên qua các thời đại, muốn đi sâu vào tiểu sử của những người nhạc sĩ danh tiếng, các bạn đó đã có tinh thần nghiên cứu âm nhạc. Một số người khác chẳng những có thể biểu diễn âm nhạc mà lại có tài trao kiến thức của mình cho những bạn trẻ, đào tạo thêm nhiều người nhạc sĩ trẻ tuổi hơn mình, các bạn đó học nhạc để dạy nhạc và ngoài việc có những kiến thức chính xác về âm nhạc phải có những phương pháp sư phạm hữu hiệu mới có thể truyền đạt đến nhiều môn sinh.

Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu lại có những mục đích khác nhau của các nhà nghiên cứu như chúng ta vừa thấy ở trên những người muốn tìm hiểu nguồn gốc của âm nhạc, tiểu sử các nhạc sĩ danh tiếng đó là những nhà nghiên cứu âm nhạc với tư cách một nhà sử học thì cách nghiên cứu âm nhạc đó được mang tên là LỊCH SỬ NHẠC HỌC (Tiếng Pháp là Histoire de musicologie / tiếng Anh là Historical Musicology)

Ngày xưa các nhà nghiên cứu âm nhạc thường căn cứ trên những nhạc phẩm cổ điển đã được ký âm hoặc những bài hát đã được thông dụng trên thị trường và rất coi thường các loại nhạc dân ca và âm nhạc các nước Á Phi. Những nhà nghiên cứu đó coi âm nhạc như là một bộ môn riêng biệt mà người nghiên cứu có thể đem phân tách, mổ xẻ để biết được cơ cấu âm thanh, vận hành giai điệu thì đó là những nhà nghiên cứu nặng về ngôn ngữ âm nhạc và được mang tên HỆ THỐNG NHẠC HỌC (Musicologie systématique).

Có một số nhà nghiên cứu khác không phải chỉ muốn nghiên cứu âm nhạc được sáng tác theo truyền thống cổ điển và được ký âm rành rẽ mà muốn tự mình đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh tự mình ghi âm ghi hình các bài dân ca hay là những điệu nhạc truyền thống của các nước tại các châu Á-Úc-Phi-Mỹ, luôn luôn nghiên cứu âm nhạc đi đôi với bối cảnh dân tộc và văn hoá, đó là những nhà dân tộc nhạc học và bộ môn đó gọi là DÂN TỘC NHẠC HỌC (Ethnomusicologie)

Tôi bắt đầu học nghiên cứu về âm nhạc tại đại học SORBONNE với GS Jacques CHAILLEY, một GS chuyên dạy âm nhạc theo phong cách phương Tây nhưng là một người quan tâm đến những điệu nhạc ngoài âm nhạc cổ điển phương Tây. Khi tôi muốn làm luận án tấn sĩ về Âm nhạc truyền thống Việt Nam, thầy Chailley bảo tôi đi tìm ông Emile Gaspardone để thảo ra một đoạn lượt sử âm nhạc đi song song với lịch sử chánh trị Việt Nam để làm phần đầu cho luận án của tôi. GS Chailley lại khuyên tôi nên gặp GS André Schaeffner, một chuyên gia về các nhạc khí được dùng trong âm nhạc năm châu đặc biệt là của âm nhạc châu Phi. GS André Schaeffner đã hướng dẫn tôi cách nghiên cứu có bài bản về các loại nhạc khí và các cách sắp loại những nhạc khí đó phù hợp với thực tế âm nhạc Việt Nam.

Vì sống xa đất nước không có dịp đi điền dã, không tự tôi tiếp cận với các loại âm nhạc truyền thống dân gian, dân ca nên luận án của tôi nặng về phần nghiên cứu sử học và nghiên cứu ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam. Nhưng khi có bằng tấn sĩ rồi tôi được nhận làm nhân viên của trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp để tìm hiểu thêm dân ca Việt Nam bằng những chuyến đi điền dã hàng năm tại Việt Nam để hiểu biết thêm về những bộ môn âm nhạc truyền thống dân gian và đặc biệt là các điệu hò, lý, đồng dao và đối ca nam nữ.

Tôi có dịp gặp tại đất nước nhiều chuyên gia về dân ca và kịch nghệ nên các nghiên cứu sau khi hoàn thành luận án rất nặng về phương pháp nghiên cứu dân tộc nhạc học và tôi đã được nhiều hội dân tộc nhạc học tại nước Pháp và các nước Âu Mỹ nhận làm thành viên. Trong đoạn cuối cuộc đời tôi lại còn có dịp nghiên cứu về cách truyền đạt âm nhạc dân tộc theo những phương pháp phù hợp với văn hoá dân tộc Việt Nam như cách dạy âm nhạc dân tộc cho các cấp tiểu học (đã cộng tác với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, trường tiểu học Trần Hưng Đạo năm 2004) để làm một lớp thể nghiệm về cách dạy âm nhạc dân tộc cho các cấp tiểu học. Kết quả đã được các giáo sư Việt Nam như Tô Vũ, Thế Bảo, Quang Hải đánh giá cao và Unesco đã giới thiệu phương pháp tôi đề nghị tại cuộc họp quốc tế tổ chức tại Bồ Đào Nha đồng thời cố GS Lưu Hữu Phước đã tổ chức lớp thể nghiệm dạy âm nhạc dân tộc trên cấp đại học và đã mời tôi làm giảng viên trong 4 năm liên tiếp, lớp đã đào tạo ra những nhạc sĩ Việt Nam vừa có kỹ thuật rất cao lại có những kiến thức về mặt lý thuyết và khi thi để lấy bằng thì em Phạm Đức Thành đã đậu thủ khoa và những em khác sau khi học cũng có việc làm trong các đoàn âm nhạc dân tộc lớn như Bông Sen hay làm việc tại Viện nghiên cứu khoa học và múa số 2 Trần Quý Khoách.

Tại các nước Âu-Mỹ, nhạc viện đào tạo những diễn viên và những người sáng tác âm nhạc, còn các trường đại học đào tạo những giáo viên về âm nhạc hoặc những nhà dân tộc nhạc học. Trong nước ta, các trường đại học không có bộ môn nghiên cứu âm nhạc, những nhà nghiên cứu phần nhiều xuất thân từ các Nhạc viện đã học nhạc để biểu diễn, để sáng tác và tự nghiên cứu như một công việc tay trái chứ không phải công việc chánh trong cuộc đời. Mặc dầu vậy, thỉnh thoảng cũng có vài công trình nghiên cứu có giá trị như những công trình nghiên cứu về hát Quan họ, hát Văn, hát Chèo và đặc biệt những bản nhạc do Cồng Chiêng Tây Nguyên biểu diễn của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền hàm chứa những thông tin chính xác và những thiên nghiên cứu đó có thể được xem là những công trình khoa học có tầm cỡ quốc tế.

Cố GS Lưu Hữu Phước đã góp sức với 3 nhạc sĩ Tú Ngọc, Nguyễn Văn Phú, và Nguyễn Viêm đã đi điền dã trong nhiều làng tỉnh Bắc Ninh, đã ghi âm, ký âm nét nhạc và chép lại lời ca của mấy trăm bài hát quan họ. Toàn là những bạn làm việc tay trái nhưng công trình nghiên cứu đó đã được in thành sách “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” sau khi có những cuộc hội thảo để các nghệ nhân góp ý kiến về kết quả thâu thập. Nhạc sĩ Hồng Thao đã hy sinh cả cuộc đời nghiên cứu về dân ca Quan họ Bắc Ninh và đã có những công trình nghiên cứu được in ra. Trong lĩnh vực hát tuồng (hát bội hay hát bộ) có rất nhiều nhà nghiên cứu lừng danh như các ông Mịch Quang, Hoàng Châu Ký, Vũ Ngọc Liễn và một số người khác. Các cụ không được đào tạo bài bản để trở thành nhà nghiên cứu nhưng đã là những nhà nghiên cứu xuất chúng chỉ nhờ tình yêu mãnh liệt đối với bộ môn mình yêu thích và có một thái độ ghi chép một cách trung thực những điều mình đã tự nhận xét ra trong nghệ thuật phong phú và bí hiểm của kịch nghệ Việt Nam.


GS Trần Văn Khê và con trai là GS Trần Quang Hải

Tại miền Nam có nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ và phu nhân là thi sĩ Lê Giang đã lặn lội khắp các miền lục tỉnh với sự cộng tác của những người yêu âm nhạc dân tộc và đã ghi âm, ký âm có đến cả ngàn bài thuộc các loại hát ru, đồng dao, hò, lý, hát sắc bùa, … để lại cho đời sau một gia tài nghiên cứu âm nhạc dân tộc có giá trị. Cố GS Tô Vũ trước kia cũng chỉ học sáng tác đã để lại một số bản nhạc được nhiều người thưởng thức nhưng đồng thời cũng có những thiên nghiên cứu về các loại đờn hát dân gian như những bài về điệu lý. GS đã được cố GS Lưu Hữu Phước giao cho trách nhiệm giới thiệu cồng chiêng cho cố GS José MACEDA người Phi Luật Tân chuyên về cồng chiêng Đông Nam Á. GS Tô Vũ đã tổ chức nhiều liên hoan biểu diễn cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên, đã hướng dẫn một số sinh viên trẻ tuổi tiếp cận với bộ môn nghệ thuật này, GS cũng là một chuyên gia về các đàn đá được khai quật như đờn đá Khánh Sơn, Bác Ái, Tuy An, … Những nhà nghiên cứu được đào tạo ở các nước ngoài một cách có đủ bài bản có thể đếm trên đầu ngón tay, chúng tôi muốn nhắc đến GS-TSKH Tô Ngọc Thanh là một điển hình được đào tạo nghiên cứu ở các trường đại học Bungari, GS đã tự học để thâu thập một số kiến thức cần thiết các môn sử học, xã hội học, … những cuộc sinh sống dài hạn ở vùng Tây Bắc hay những cuộc điền dã tại nhiều tỉnh các miền Trung-Nam-Bắc của nước Việt đã giúp GS viết những thiên nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế. Và GS cũng có ý sáng lập những lớp dạy nghiên cứu âm nhạc nhưng một con chim én không đem lại mùa xuân, trong khoa nghiên cứu còn thiếu rất nhiều thiết bị kỹ thuật và nhân sự nên chúng tôi rất mong rằng các nhà hữu trách có thể mạnh dạn sửa đổi cách dạy học trong các trường nhạc không nặng về kỹ thuật phương Tây mà dựa trên kinh nghiệm của âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Các trường đại học bên Mỹ đều có môn dạy nghiên cứu âm nhạc nên số luận án tiến sĩ về môn dân tộc nhạc học lên đến cả ngàn đề tài, giáo sư José MACEDA nhận được tiền hỗ trợ của Ford Foundation xin chép lại một số luận án mà đề tài là âm nhạc các nước châu Á-Úc-Phi-Mỹ và lưu trữ tại thư viện của trường Đại học Manuel L.Quezon (The Manuel L. Quezon University, Manila, Philipin).

Trong các nhạc viện Việt Nam có nhiều việc cần sửa đổi:

Thứ nhứt, cố gắng làm sao cho ngành âm nhạc dân tộc đừng bị quá chênh lệch so với âm nhạc phương Tây

Thứ nhì, thay đổi cách dạy dùng quá nhiều phương pháp sư phạm phương Tây như học biểu diễn nhạc dân tộc đờn tranh, đờn kìm phải ngang qua ký âm do-re-mi và khi học ám tả là dùng đờn piano, mới đây không lâu tất cả những sinh viên muốn soạn luận văn thạc sĩ dầu cho đề tài thuộc âm nhạc dân tộc nhưng cũng phải có chứng chỉ đờn piano mới được phép bảo vệ luận văn của mình. Trong cách dạy chú trọng luyện tập cho cặp mắt đọc mau và chính xác những tín hiệu âm thanh ghi bằng do-re-mi và cách phản xạ của đôi tay khi đờn và cái miệng khi hát mà không chú trọng luyện tập lỗ tai nghe những chữ nhạc, các hơi, các điệu tinh tế của âm nhạc dân tộc và trí nhớ.

Đây là chỉ nói sơ lược qua, nếu đi sâu vào vấn đề thì những phương pháp sư phạm dạy âm nhạc dân tộc trong các nhạc viện cần phải sửa đổi rất nhiều.

GSTS TRẦN VĂN KHÊ
BÌNH THẠNH 21/08/2014

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...