Show truyền hình về âm nhạc – Giám khảo làm “hỏng” kết quả?

26/11/2014

Không giữ vai trò quyết định 100% kết quả, các giám khảo hay huấn luyện viên trong một show truyền hình thực tế về âm nhạc đã làm gì khi họ ngồi trên ghế nóng? Khán giả thất vọng, hay chính những vị giám khảo ấy lên tiếng nói bất bình? Phải chăng, sự chi phối âm nhạc hay chất lượng các thí sinh, chương trình vẫn là một “kẻ giấu mặt” lớn hơn phía sau?

Từ hiện tượng Hải Yến

Trong những ngày qua, đêm thi Ca sĩ chuyên nghiệp 2 của chương trình thực tế Tôi là người chiến thắng – The Winner is mùa 2014 diễn ra và đã đem đến một kết quả không mấy hài lòng không chỉ với người xem mà chính thành viên Ban giám khảo cũng không thuận lòng. Đúng như định dạng chung của chương trình, sẽ có 1 giám khảo chính, thường là ca sĩ hay một người nổi tiếng trong nghệ thuật ngồi đưa ra nhận xét, và 100 giám khảo còn lại sẽ làm công việc chấm điểm chọn hoặc không chọn thí sinh. Khán giả đang rất quan tâm đến vấn đề, khi thí sinh là những ca sĩ chuyên nghiệp, thì ai sẽ là những người “cầm cân nẩy mực” trên 100 chiếc ghế kia.

Khi Hải Yến, một giọng hát nổi bật từ cuộc thi Vietnam Idol 2007, đến Sao Mai điểm hẹn đã có phần trình diễn khá tốt lại chỉ có được hơn 60 điểm bình chọn từ 100 giám khảo. Và nhạc sĩ Đức Huy, giám khảo chính đưa ra nhận xét từng thí sinh đã tỏ ra rất bất bình. Ngay tức thì, khán giả và cộng đồng mạng dấy lên câu hỏi, liệu 100 giám khảo kia là những ai thành phần và tiêu chí bình chọn ra sao để kết quả khó chấp nhận đến như vậy? Từ phía chương trình, đã có những lý giải cho rằng trong 100 giám khảo, có chưa quá 40% là những nhà báo, phóng viên lĩnh vực văn hóa văn nghệ tham gia, số còn lại lấy từ nhiều nguồn khác nhau, và họ hoàn toàn có thể bình chọn theo quan điểm cá nhân.

Vậy thì liệu quá bán số giám khảo tạm gọi là sẽ cái nhìn theo hướng “thích hay không thích ấy” có đủ sức để chấm những ca sĩ chuyên nghiệp hay không? Hay đơn giản đây chỉ là một show truyền hình giải trí, nên yếu tố may mắn, yêu thích gần như được thể hiện rõ ràng nhất, kết quả và sự công bằng là một phần không lường trước được? Phải chăng, còn nhiều khán giả đang áp một cái nhìn chung lên những chương trình thi thố kiểu này? Yêu ghét cảm tính nhất vẫn có thể chấp nhận được trong một sân chơi âm nhạc, ngay khi cả thí sinh đó là ca sĩ chuyên nghiệp hay không?

Tuy là những câu chuyện bên lề xung quanh kết quả một chương trình truyền hình, chúng ta đã thấy được ít nhiều tính bất cập và hợp lý trong việc đưa những format quốc tế này vào Việt Nam. Đã không ít trường hợp thí sinh hát tốt lần lượt chia tay cuộc thi, thay vào đó là những giọng hát tạm gọi là hợp xu thế cứ như vậy mà được giám khảo dẫn dắt sâu vào các vòng trong, cũng như chính khán giả sẽ đưa họ lên vị trí quán quân. Vậy thì đâu là sự chi phối thật sự của một giám khảo khi ngồi ghế nóng những chương trình thực tế kiểu này?

Chấm vì khán giả hay cuộc thi?

Vì là những chương trình truyền hình, hơn là một cuộc thi để tìm kiếm giọng hát hay đơn thuần, nên áp lực về người xem đã khiến cho vai trò các giám khảo trở nên nặng nề hơn. Tức là chọn ai làm giám khảo, họ chấm thí sinh cho vừa ý khán giả hay chính bản thân họ cảm thấy như vậy là đúng? Người xem, dù ít hay nhiều cũng đang đặt ra rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy cho rất nhiều chương trình âm nhạc thực tế đang diễn ra. Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi Giọng hát Việt mùa đầu tiên lên sóng, thí sinh hát quá nhiều bài hát tiếng nước ngoài, khán giả la ó và thế là một cuộc điều chỉnh thấy rõ. Từ những mùa giải sau đó, từ Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Vietnam Idol, Tôi là người chiến thắng và gấn nhất Nhân tố bí ẩn đều khống chế số lượng bài hát nhạc nước ngoài, thay vào đó có cả những đêm thi dành riêng cho các đề tài nhạc Việt. Chính ban giám khảo cũng bắt đầu đưa ra nhiều nhận xét có thiên hướng tạo nên dấu ấn cho nhạc Việt nhiều hơn.

Thêm vào đó, Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên với hiện tượng Phương Mỹ Chi rất thành công ở dòng nhạc dân ca, quê hương đã làm thay đổi rất nhiều trong bố cục một cuộc thi âm nhạc hiện nay, những dòng nhạc gần như bố trí riêng cho từng huấn luyện viên hay giám khảo thấy rõ hơn, và họ gần như chọn thí sinh theo bố cục định sẵn ấy. Qua vài chương trình sẽ thấy, với Hồ Quỳnh Hương và Đàm Vĩnh Hưng gần như nắm chặt các thí sinh có giọng hát thiên hướng chọn bài là nhạc sến, nhạc trữ tình quê hương, hay những bài hát khá thuần chất Việt như: Hà Vân, Quang Đại, Thái Ngân... thay vào đó huấn luyện viên Dương Khắc Linh lại có xu hướng chọn thí sinh hát nhạc ngoại quốc, hay những dòng nhạc Dance, Rock, sự pha trộn yếu tố nước ngoài nhiều. Tương tự, giám khảo Cẩm Ly của Giọng hát Việt nhí gần như ưu ái nhiều cho những bé thích hát dân ca...

Rõ ràng, đã có sự phân định và đánh dấu lĩnh vực rõ ràng về giám khảo và thí sinh của họ chọn lựa dựa trên sở thích, và yêu cầu từ phía khán giả. Không ngẫu nhiên mà dòng nhạc Bolero trở lại các sân chơi âm nhạc thế này một cách ngoạn mục, hay dòng nhạc trữ tình quê hương không thể thiếu trong cấu trúc một chương trình. Nhưng cũng không ít trường hợp, khán giả cảm thấy thí sinh đang đuối sức khi chạy đua theo một sở thích nào đó đang trỗi dậy của khán giả số đông. Đương nhiên, ở góc độ biên tập một chương trình sao cho hấp dẫn, sự đa dạng là cần thiết nhưng nếu sở thích số đông không phù hợp với năng lực thực tế của thí sinh, hoặc chúng ta đang cố gắng tạo ra những câu chuyện bên lề bất hợp lý, thì gần như vai trò của giám khảo chỉ là bù nhìn.

Đi tìm lời giải cho những lựa chọn của giám khảo trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay gần như không có nguyên tắc nào ngoài hai yếu tố chính là tiêu chí cuộc thi và sở thích số đông của khán giả. Áp lực vô hình từ phía người xem, hiệu ứng rating sau mỗi lần lên sóng mới quan trọng, chứ không hẳn là cuộc thi công bằng, minh bạch đến đâu. Có khi, đây chính là một trong những mặt trái của những chương trình truyền hình thực tế mà chúng ta cũng tập quen với nó và chấp nhận như một kết quả tương đối giữa giải trí và trên thực tế.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 36)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...