Sáo ôi của người Mường “vào” dàn nhạc giao hưởng

06/03/2015

Trong dân gian, người Mường ở Hòa Bình vẫn còn lưu truyền một câu chuyện về “Đức Vua Dần” của mường Vang. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, Đức Vua Dần là người cai quản vùng Mường lấy nàng Ngần, nàng Ngà về làm vợ. Trong một lần vua Dần làm 2 người vợ phật ý nên cả 2 nàng bỏ về nhà mẹ đẻ. ít lâu sau, Vua Dần đi đón vợ về nhưng cả 2 nàng Ngần, Nga đều không chịu về.

Trên đường trở về nhà, đi qua bụi nứa tép, sẵn có dao trên người, vua Dần chặt một cây nứa ngồi làm sáo để thổi. Tiếng tha thiết, réo rắt của cây nứa như thấu hiểu tâm trạng sâu lắng của người chồng dành cho vợ. Và từ đó, người ta gọi cây sáo đó là sáo Ôi.

Sáo ôi thường được các nghệ nhân dân tộc Mường sử dụng vào những đêm trăng thanh gió mát, tiếng sáo bên cửa vang lên lúc trầm, lúc bổng. Khi thì như thủ thỉ tâm tình giãi bày nỗi niềm với người yêu thương, có lúc lại thong thả khoan thai đợi mùa về. Âm thanh giản dị mà sâu thẳm lòng người.

Công phu

Cây sáo ôi được người Mường gọi bằng từ ống ôi hay kháo ôi, họ luôn để cây sáo ôi ở những chỗ cao, phía bên trên như được treo ở trên tường nhà, hay trên một chỗ khác cao hơn như mái nhà của ngôi nhà sàn, nơi có thể đứng với tay lên để lấy được; hoặc ít ra người ta cũng để nó ở trên đầu chỗ mình nằm.

Để có được một cây sáo ôi tốt, hoàn chỉnh như ý muốn, cần lựa chọn một cây nứa mọc ở phía đằng Đông và ngọn của nó cũng hướng thẳng về phía Đông. Cây nứa phải là một cây nứa “khèng” (cây nứa sành, nứa tép). Thân của cây nứa đó có đường kính 1,5 cm, chiều dài của ống từ đốt này tới đốt kia phải đảm bảo độ dài từ 68 cm đến 70 cm. Còn phải là một cây nứa già, thân cây của nó không phải là màu xanh, mà thân của nó phải hơi ngã sang màu vàng; hoặc vàng óng càng tốt. Một việc hết sức quan trọng nữa là cây nứa đó không được cụt ở phần ngọn.

Sau khi đã chọn được một cây nứa đủ các tiêu chí như đã nói ở trên, người ta chặt cây đó và lấy hai đoạn ống thẳng nhất mang về phơi nắng cho thật khô. Sau khi thân cây đã được phơi khô người ta bắt đầu tiến hành các bước như sau: Cắt sát đốt của đoạn ống dài (tính từ đốt này đến phần cắt sát đốt kia có chiều dài 68 cm đến 70 cm); Cắt phần ống còn lại của đầu kia để dư lại 7 cm (tính từ đốt giữa ngược lại, tức là để lại đốt giữa, một bên là 70 cm và một bên là 7 cm); Cắt hai đầu sao cho thật đều, bằng phẳng sau đó người ta dùng một thanh sắt cho vào lửa sao cho thanh sắt đó đỏ lên, rồi dùi lỗ sát vào đốt mỗi một bên ống một lỗ, sau đó dùi vào chính đốt nhưng không để thông hết đốt chỉ cần một chút (sâu 0,1 cm) để khi thổi hơi được truyền từ đầu ống bên này sang đầu ống phía bên kia.

Đo chiều dài của ống 70 cm chia đôi tức 35 cm dùi vào đấy một lỗ, sau đó chẻ một cái lạt mỏng mềm để đo vanh của thân cây sáo và lấy chiều dài của vanh cây sáo đó làm khoảng cách các lỗ với nhau. Kế, khoan thành 4 cái lỗ từ giữa ống trở xuống, lỗ ở chính giữa được khoan ở phía dưới ống (dùng ngón cái để bấm), còn 3 lỗ còn lại nằm ở phía trên ống, mỗi lỗ cách nhau chính là chiều dài đo vanh của thân cây, và 4 lỗ đó là 4 lỗ chính dùng để điều chỉnh âm thanh phát ra.

Toàn bộ cây sáo người ta phải dùi thành 7 lỗ 4 lỗ chính (dùng để điều chỉnh âm thanh), 1 lỗ để thông hơi ở trên đốt và hai lỗ được khoan ở phía dưới cùng của cây sáo, lỗ đó dùng để treo trên tường nhà.

Ngày nay người ta dùi thành 8 lỗ chính, 1 lỗ để thông hơi ở trên đốt, một lỗ được khoan ở chính giữa phía mặt dưới (dùng ngón tay cái để bịt) 5 lỗ tiếp theo được khoan ở trên mặt và sau cùng là nốt được khoan ở bên cạnh của cây sáo, lỗ này dùng ngón út để bấm. Khâu cuối cùng, ngày xưa người ta dùng lá chuối, ngày nay người ta dùng bằng băng dính để buộc bịt kín lại lỗ dùi phía đầu ngắn (phía đầu thổi) để cho hơi không thoát ra ngoài, mà thông thẳng sang ống bên kia (phía ống dài) từ đó nó phát ra âm thanh. Người ta dùng 4 ngón tay (ngày nay được dùng 7 ngón) để bấm và điều chỉnh các lỗ theo độ vang cao thấp của cây sáo, điều khiển theo ý mình muốn.

Sáo ôi được làm bằng cây nứa trong rừng có chiều dài từ 60 đến 70cm, các cụ xưa làm sáo chỉ có 4 lỗ với 5 hàng âm là: đồ, mi, pha, son, si. Thế nhưng, người sử dụng sáo không phải thổi ra âm thật của cây sáo mà là sử dụng bằng hệ thống bồi âm. Nếu như sáo trúc thổi ngang, âm thanh vang xa, mạnh mẽ thì trái lại, sáo ôi thổi dọc, âm thanh êm ái, nhẹ nhàng hơn nhiều.

Nhiều cung bậc da diết hơn

Trước 1975, người sử dụng sáo không phải thổi ra âm thật của cây sáo mà là sử dụng bằng hệ thống bồi âm. Nếu như sáo trúc thổi ngang, âm thanh vang xa, mạnh mẽ thì trái lại, sáo ôi thổi dọc, âm thanh êm ái, nhẹ nhàng hơn nhiều. Các tràng trai Mường cũng sử dụng sáo ôi đơn giản, mộc mạc, chưa mang tính chất trình diễn, phô trương về kỹ thuật. Về giai điệu, lúc bấy giờ họ thổi hoàn toàn ngẫu hứng, hoặc thổi các làn điệu dân ca Mường như: Hát Đúm - Hát ví - Phát rác - Mời trầu - Đập bông bông… Về phần kỹ thuật trình diễn và các bài bản được tồn tại một cách tự nhiên, đơn giản, vì cấu tạo của sáo ôi, lúc bấy giờ chỉ có 4 lỗ bấm và có 5 nốt (5 cao độ).

Từ năm 1976 đến năm 1991, tham gia phong trào ca hát của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, anh Quách Thế Chúc đã mang tiếng sáo ôi của xứ sở mình đi biểu diễn cho đồng bào nghe và anh đã nhận được rất nhiều giải thưởng trong các cuộc liên hoan. Đến năm 1992, anh chuyển công tác về Đoàn văn công Hoà Bình. 12 năm gắn bó với Đoàn ở trong môi trường rèn luyện chuyên nghiệp, anh có điều kiện để sáng tạo hơn. Thành quả của quá trình rèn luyện là anh đã 3 lần nhận Huy chương Bạc tại các cuộc liên hoan ca múa nhạc toàn quốc với các tác phẩm: “Nơi ấy bản em”, “Tâm tình bên của voóng”... Đam mê nhạc cụ dân tộc, vì không muốn nó mai một, năm 2004 anh đã xin chuyển công tác về Trường Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc để có điều kiện dạy lại cho lớp trẻ ở các vùng Mường. Từ năm 2009, sáo ôi đã được Trường CĐVHNT Tây Bắc đưa vào chương trình giảng dạy.

Quách Thế Chúc đã cải tiến từ sáo ôi 4 lỗ (5 âm) thành 7 lỗ (hai quãng 8). Từ một sáo ôi chỉ được dùng để thổi ngẫu hứng, thổi các bài dân ca Mường, hay đơn giản là chỉ đệm cho hát các bài dân ca Mường, giờ đây sáo ôi không chỉ có độc tấu, đệm cho hát, mà còn được các nhạc sỹ sử dụng trong dàn nhạc giao hưởng.

Sự pha trộn giữa nhạc giao hưởng phương Tây và âm nhạc dân gian Mường, giữa các loại nhạc cụ giao hưởng cùng chiếc sáo ôi của người Mường được vang lên trong tác phẩm “Bóng núi không tan” của nhạc sỹ Tống Hoàng Long, đã có đoạn viết solo cho sáo ôi. Tác phẩm: “Hòa tấu sáo trúc, sáo ôi cùng dàn nhạc giao hưởng” của nhạc sỹ Trần Ngọc Dũng, do nghệ sỹ Quách Thế Chúc thổi.

Giờ đây, sáo ôi đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Tiếng sáo ôi cùng hòa trộn với tiếng các loại nhạc cụ giao hưởng, âm nhạc hiện đại cùng hòa quyện với âm nhạc dân gian Mường, những âm thanh ấy được toát lên, vang lên hết sức đặc sắc và gợi cảm. Chính điều đó đã giúp cho con người dân tộc Mường, từ trong xóm làng, từ trong nhà ra ngoài ngõ ai ai cũng có thể thưởng thức cái âm nhạc hiện đại, mà giản dị và dễ hiểu.

Hy vọng rằng, các thế hệ đi trước, các bậc nghệ nhân của người Mường sẽ không quản khó, ngại khó truyền dạy cho thế hệ sau, để sáo ôi sẽ luôn luôn và mãi mãi phát triển không ngừng.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

H

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...