Sáng tạo nghệ thuật vượt lên mọi lý thuyết

03/04/2017

Chủng loại nghệ thuật nào cũng có những định ước về lý thuyết để người sáng tác tuân thủ. Nhưng rất nhiều khi, nhờ vào tài năng của mình, họ đã vượt lên những lý thuyết ấy để sáng tạo nên những tác phẩm kiệt xuất, để đời. Tôi chỉ xin nói trong lĩnh vực âm nhạc và khoanh trong địa hạt ca khúc.

Một lý thuyết ai sáng tác ca khúc cũng không thể không biết là ngắn gọn, hàm súc, tối kỵ sự dài dòng, rườm rà. Thời gian trình diễn một tác phẩm ca khúc (gồm cả phần nhạc dạo đầu, gian tấu, vĩ thanh) thường không quá 5 phút. Người ta vẫn viện dẫn những bài hát nổi tiếng, bất hủ nhất trên thế giới từ trước tới nay đều rất ngắn gọn như "Sérénate" của Sube, "Khát vọng nùa xuân" của Môda, "Chiều hải cảng", "Chiều ngoại ô Mátxcơva" của Xôlôphiép Xêđôi… Nói chung, những bài hát nước ngoài, đặc biệt là của Nga đều cực kỳ ngắn gọn. 

Ở Việt Nam, nhiều ca khúc nổi tiếng cũng như vậy: "Hành quân xa", "Trên đồi Him Lam", "Việt Nam quê hương tôi" (Đỗ Nhuận), "Bước chân trên dải Trường Sơn" (Vũ Trọng Hối), "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" (Trần Chung), "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" (Huy Thục), "Bài ca nữ anh hùng miền Nam" (Lê Lôi), "Đường về hoàng hôn" (Hồng Đăng)… 

Không thể kể hết những ca khúc ngắn gọn chỉ có độ dài chưa đến 3 phút khi trình diễn. Đặc biệt nhất là dân ca. Không có bài dân ca nào dài quá 2 phút khi hát. Chính vì vậy nên các nhạc sỹ đều thấy rằng viết ca khúc thể một đoạn là khó nhất vì đòi hỏi phải rất ngắn mà giai điệu lại vẫn hoàn chỉnh, thỏa mãn được người nghe.


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều bài hát không hề ngắn. Ngược lại, rất dài dòng mà vẫn hay, khiến người nghe yêu thích. Và tác giả của những bài này là những nhạc sỹ nổi tiếng, bậc thầy trong sáng tác ca khúc. Hoàng Vân là trường hợp tiêu biểu nhất. Ông là một trong những cây đa, có sự nghiệp sáng tác âm nhạc bề thế cả về chất lượng lẫn số lượng tác phẩm, in được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng nhiều thế hệ. 

Nhiều bài hát của ông đã sống mãi theo thời gian như "Hò kéo pháo", "Tâm tình người thủy thủ", "Nổi trống lên rừng núi ơi"! "Quảng Bình quê ta ơi"! "Tình ca Tây Nguyên", "Bài ca người giáo viên nhân dân", "Bài ca xây dựng", "Bài ca giao thông vận tải"… 

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của những bài hát trên là đều dài dòng. Sự dài dòng trong những ca khúc của Hoàng Vân gắn liền với việc ông hay kể lể. Có cảm giác ông tham đưa vào bài nhiều nội dung mà lược bỏ đi thì đều tiếc. Chính vì vậy mà rất ít khi ta thấy những ca khúc của ông chỉ có 1 lời mà thường là 2-3 lời. Không ít bài có đến 4 lời. 

Ở đoạn B nhiều khi ông còn cho hát nhắc lại bằng một lời khác. Thế là thành những 8 lời (đoạn B). Bài ca "Giao thông vận tải" là một ví dụ. "Bài ca người thợ lò" là một trường hợp hiếm hoi Hoàng Vân chỉ soạn một lời ca, bởi bài dài, nếu thêm lời thì ca sỹ phải hát trong 20 phút mới hết.

Vì sao dài, lại nhiều lời ca mà những bài hát của Hoàng Vân vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt và các ca khúc này vẫn sống mãi với thời gian? Đó là do cách kể rất có duyên của tác giả với những giai điệu đẹp, độc đáo, rất giàu hình tượng. Trong bài "Hò kéo pháo", Hoàng Vân đã sáng tạo nên một bài hò hiện đại dựa trên chất liệu điệu hò cổ có câu xướng vẫn được bộ đội hay hát trong những lúc sinh hoạt tập thể: “Tình bằng ai ơi! Đèo cao thì mặc đèo cao. Tinh thần phục vụ còn cao hơn đèo”. 

Nhưng điệu hò này vẫn còn dáng dấp cổ, không mới. Ông đã tạo nên: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo! Hò dô ta nào! kéo pháo ta vượt qua núi”. Việc tránh dùng những quãng 3 mà triệt để sử dụng quãng 4 đã khiến giai điệu phản ánh được rất sinh động công việc hò kéo pháo cực kỳ nặng nhọc, đòi hỏi nhiều sức lực. Chính vì vậy mà dẫu dài nhưng người nghe vẫn bị cuốn hút. 

Một yếu tố nữa cũng được Hoàng Vân đặc biệt chú trọng là việc luôn thay đổi tiết tấu ở những chỗ cần thiết phù hợp với nội dung lời ca. Điều này khiến cho bài  hát có nhiều màu sắc sinh động và tạo nên được những hình tượng âm thanh giàu sức biểu cảm. Trong bài "Nổi trống lên rừng núi ơi", Hoàng Vân sáng tác năm 1965, ta hãy nghe ông kể: “Ngày mai em vừa tròn 20 tuổi/ Cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng/ Súng khoác trên vai em đi bừa dưới ruộng/ Em là xã viên, em cũng là dân quân…”. 

Bài này ông viết về những cô gái dân tộc ít người ở vùng núi Việt Bắc trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc năm xưa vừa là xã viên, vừa là dân quân, sản xuất giỏi, bắn máy bay Mỹ cũng cừ. Tác giả khai thác chất liệu dân ca miền núi Việt Bắc, làm nổi rõ trong giai điệu hình tượng những hồi trống róng rả, thúc giục mọi người “ra đồng thăm lúa. Trống giục thâm canh, tấc đất tấc vàng…”. 

Cũng cách bố cục giai điệu không theo lý thuyết gò bó về đoạn mạch, kết cấu của khúc thức và cách tiến hành giai điệu rất phóng khoáng đầy sáng tạo như vậy, ta còn thấy ở các bài khác như "Quảng Bình quê ta ơi!" "Bài ca người thợ lò", "Tình ca người thợ mỏ". 

Sẽ rất khó phân tích được rạch ròi về khúc thức trong các bài hát của Hoàng Vân xem bài nào ở thể 1 đoạn, bài nào 2 hoặc 3 đoạn như thông thường ta vẫn dễ nhận biết ở nhiều ca khúc của các nhạc sỹ khác. Đó thực sự là một sự thú vị, một sự cao tay, “siêu thủ” của Hoàng Vân trong lĩnh vực ca khúc. Ông luôn mở rộng các đoạn theo hướng tự do để đuổi theo cảm xúc, nắm bắt nó, ngõ hầu lùa vào tác phẩm của mình. 

Việc này phải là Hoàng Vân hoặc những bàn tay cao cường trong nghề viết ca khúc mới có thể thực hiện. Với người thiếu tài năng hoặc chưa nhiều bản lĩnh ắt là sẽ làm cho bài hát lủng củng hoặc “đầu Ngô, mình Sở”. Từ Hoàng Vân, thiết nghĩ có thể bổ sung thêm một lý thuyết về tác khúc. Đó là tất cả các hình thức bố cục bài hát hoàn toàn có thể mở rộng hoặc biến báo, miễn là hợp lý và có hiệu quả.

Văn Cao cũng là một trường hợp đáng chú ý về điều đang bàn. Người nhạc sỹ lớn này đã để lại một kho báu vô giá về ca khúc. Bên cạnh nhiều bài rất ngắn gọn, vuông vức, cân đối, chặt chẽ về kết cấu như "Làng tôi", "Ngày mùa"… ta lại thấy có hai bài khá dài là "Thiên thai" (sáng tác trước Cách mạng Tháng 8) và "Sông Lô" (viết trong kháng chiến chống thực dân Pháp). Hát hết bài "Sông Lô" phải mất trên 10 phút. 

Chính vì vậy mà nhiều người gọi bài này là trường ca (bài ca dài). Nhưng trong âm nhạc, không có thuật ngữ “trường ca”. Từ này là của bên thơ. Người ta vẫn gọi những bài thơ dài hàng trăm, hàng nghìn câu là trường ca. Hai bài hát dài của Văn Cao vừa nhắc đều là hai tác phẩm cực kỳ nổi tiếng đã góp phần làm nên tên tuổi tác giả. Nói đến dòng nhạc vẫn được gọi là “tiền chiến”, không thể không nhắc đến "Thiên thai". 

Và nói đến nền âm nhạc kháng chiến, đầu tiên người ta phải nhắc đến "Sông Lô" bên cạnh những "Du kích sông Thao" của Đỗ Nhuận, "Quê em" của Nguyễn Đức Toàn, "Hò dân cày" của Văn Chung, "Nông dân vươn mình" của Lưu Hữu Phước… 

Sức hấp dẫn của "Sông Lô" chính là ở tính chất tráng ca, diễn tả được hùng hồn những chiến công hiển hách của quân dân ta tại Việt Bắc năm xưa mà sông Lô đã chứng kiến. Văn Cao tạo nên bài hát này dài nhưng vẫn rất nhất quán về ngôn ngữ âm nhạc và sự phát triển giai điệu hoàn toàn hợp lý. Điều này khiến những ca sỹ trình diễn bài hát nói dài vậy chứ dài nữa hát vẫn hứng thú. Cũng dài, cũng viết về sông và cùng biểu hiện hiện thực kháng chiến nhưng "Du kích sông Thao" của Đỗ Nhuận lại khác hẳn "Sông Lô" của Văn Cao. 

Ở bài sau, tác giả đã tạo nên một giai điệu rất đẹp với tính chất trữ tình, lãng mạn khiến bài hát mềm mại, mượt mà hấp dẫn người nghe. Hiện thực kháng chiến được hiện ra trong bài này không phải là những chiến công hùng tráng, liệt oanh mà là cảm xúc tinh tế của những người trong cuộc về cuộc kháng chiến đang diễn ra với tình yêu quê hương và niềm lạc quan tin vào ngày chiến thắng không xa. 

Cho đến nay, "Du kích sông Thao" vẫn là một trong những tác phẩm thanh nhạc có giá trị nhất trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Nằm trong số những bài dài mà rất hay còn có hai bài nổi tiếng của Nguyễn Văn Tý cùng viết về Hà Tĩnh là "Một khúc tâm tình của  người Hà Tĩnh" và "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ".

Và không ít bài hát của nhiều nhạc sỹ khác có độ dài về thời gian vượt quá thông lệ theo lý thuyết sáng tác ca khúc nhưng vẫn khiến công chúng ưa thích. Mới hay mọi lý thuyết trong sáng tạo nghệ thuật luôn phải nhường chỗ cho hiệu quả cuối cùng. Đó là sự chấp nhận, ngưỡng mộ của đông đảo công chúng mọi thế hệ theo thời gian.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...