Sách tiểu sử về Beethoven: Những góc tối trong cuộc đời thiên tài âm nhạc
Jan Swafford, người từng gây tiếng vang với cuốn tiểu sử về các nhà soạn nhạc Johannes Brahms và Charles Ives, vừa tung ra cuốn sách Beethoven: Anguish and Triumph, trong đó mô tả chi tiết về cuộc sống đầy cô đơn và bất hạnh của Ludwig van Beethoven, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời.
Công chúng yêu nhạc thường biết rõ các bản nhạc bất hủ của Ludwig van Beethoven, song lại ít khi để ý về con người ông. Qua cuốn sách của Jan Swafford, độc giả sẽ hiểu thêm về tính cách và cuộc đời đặc biệt của vị nhạc sĩ cổ điển người Đức này.
Mất thính lực chỉ vì nóng tính
Theo cuốn sách, Beethoven là người cực kỳ nóng tính, lúc nào cũng như một ngọn núi lửa phun trào. Tính cách này đã mang lại tai họa cho ông. Trong một lần giận dữ vì bị làm phiền, ông đã ngã đập mặt xuống sàn. “Khi ngồi dậy, tôi đã chẳng nghe thấy gì nữa” – Beethoven viết cho một người bạn là bác sĩ. Năm đó ông mới 27 tuổi.
Sau tai nạn, thính giác của Beethoven có hồi phục một chút, nhưng ông vẫn bị ù tai. Ông còn kể lại việc thường xuyên nghe thấy những tiếng rít, những âm thanh ồn ào vang lên trong tai mình. “Tôi sẽ rất hạnh phúc, có lẽ là hạnh phúc nhất đời, nếu như con quái vật đó không hoành hành trong tai tôi” - ông từng nói.
Bìa cuốn tiểu sử mới về Beethoven, mang tựa đề Beethoven: Anguish and Triumph
Ban đầu, Beethoven đã không kể lại việc bị suy giảm thính lực, sợ rằng tin này có thể gây ảnh hưởng tới danh tiếng của ông, một nghệ sĩ piano hàng đầu ở Vienna, Áo.
Tuy nhiên ông đã không thể giấu được nữa sau một lần chỉ huy dàn nhạc trình diễn các nhạc phẩm mới của mình. Lần đó Beethoven không thể nghe được dàn nhạc. Cuối cùng, một nhạc trưởng đã phải lén đứng đằng sau Beethoven chỉ huy dàn nhạc, trong khi các nhạc công lờ đi các chỉ đạo của ông.
Về sau này, chứng suy giảm thính lực của Beethoven ngày càng trở nên nặng hơn, tới chỗ gần như điếc hẳn. Chưa dừng lại ở đó, Beethoven còn mắc nhiều căn bệnh mãn tính khác. Ông bị viêm đại tràng, hay nôn mửa và tiêu chảy liên tục. Ngoài ra ông còn bị thấp khớp, vàng da, viêm gan và xơ gan, chưa kể tới bệnh sốt phát ban từ khi còn nhỏ đã khiến sức khỏe của ông suy yếu.
Tác giả Swafford cho rằng, Beethoven đã khiến các chứng bệnh của mình nặng thêm do uống nhiều loại rượu vang rẻ tiền, có hàm lượng chì lớn. Ông qua đời năm 56 tuổi, do bệnh gan.
Cuộc sống tình ái bất hạnh
Sinh thời Beethoven không chú ý nhiều tới ngoại hình và ăn mặc rất luộm thuộm. Vì tính lôi thôi này, có lần ông đã bị cảnh sát bắt. Mặc dù ông ra sức gào lên rằng “tôi là Beethoven”, cảnh sát vẫn không tin và giam giữ cho tới khi xác định được ông chính là nhà soạn nhạc nổi tiếng.
Beethoven cũng không hề điển trai mà ngược lại, rất xấu xí với thân hình béo mập, nước da đen đúa. Tuy nhiên do tài năng, ông lại rất thu hút những người khác phái.
Học trò của Beethoven là Ferdinand Ries từng mô tả đã nhìn thấy ông tình tự trên ghế bành với một người phụ nữ trẻ lạ mặt, xinh đẹp. Khi Ries hỏi, Beethoven nói rằng ông chẳng quen biết cô gái này. Cô đơn giản là một người hâm mộ Beethoven quá mức, đã tìm tới nhà riêng chỉ để được gặp ông.
Chuyện này thường xuyên diễn ra với Beethoven, khiến người ta tưởng ông là tay "sát gái". Thực tế Beethoven lại là người bất hạnh trong tình yêu, do thường say mê những người phụ nữ mà ông biết chắc là chẳng với tới được.
Sau khi Beethoven qua đời, người ta tìm được trong đống giấy tờ của ông một bức thư, viết: “Tâm trí của anh chỉ nghĩ về em… Anh chỉ có thể sống với em hoặc không ai cả”.
Vậy người phụ nữ trong bức thư này là ai? Đã có các phỏng đoán cho rằng lá thư được Beethoven viết để gửi cho Josephine Deym, một nữ bá tước trẻ trung, góa bụa mà ông đem lòng yêu mến. Tuy nhiên đây cũng chỉ là phỏng đoán nên người phụ nữ trong thư vẫn là một bí ẩn.
"Beethoven thì chỉ có một"
Sự cô độc là nguyên nhân khiến Beethoven từng cố gắng tìm kiếm tình cảm gia đình ở đứa cháu Karl, con đẻ của người anh trai Johann. Nhưng ông lại làm điều này không đúng cách, khi can thiệp quá sâu vào cuộc sống của Karl. Ví dụ như trong nhiều năm, Beethoven đã cố gắng ngăn cản không cho Karl được gặp mẹ đẻ, bởi ông coi người phụ nữ đó chỉ là một cô gái điếm rẻ tiền.
“Karl là con trai tôi. Tôi mới là người cha đích thực của nó” – Beethoven từng tuyên bố và đã cố gắng "chỉnh đốn" cuộc sống của Karl, giống cách ông sáng tác một bản nhạc. Hậu quả là Karl cảm thấy nghẹt thở, phải chạy trốn khỏi vòng tay của Beethoven và từng tự sát không thành bằng súng. Nỗ lực trở thành một người cha của nhà soạn nhạc đã chấm dứt trong sự hối tiếc.
Theo cuốn sách, sự cô độc của Beethoven có nhiều lỗi từ phía ông. Beethoven từng sống nhờ sự bảo trợ của các nhà quý tộc ở Vienna, mà đứng đầu là Rudolph, em trai của hoàng đế Áo. Rudolph và 2 vị hoàng tử khác đã cùng nhau cấp tiền để Beethoven có cuộc sống ổn định. Song ông không hề biết ơn những người này mà còn lớn tiếng phàn nàn họ mỗi khi tiền trợ cấp được chuyển tới tay ông không đúng lịch.
Beethoven cũng luôn tỏ ra khinh miệt giới quý tộc, trong đó có cả những người cưu mang ông. “Hoàng tử, những gì anh đang có được cũng chỉ nhờ hoàn cảnh" - ông từng viết như thế trong lá thư gửi một trong những hoàng tử bảo trợ mình - "Những gì tôi có được là do bản thân tôi làm nên. Hoàng tử thì có hàng ngàn người, nhưng Beethoven thì chỉ có một”.
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)