Rủ nhau đến với Bài chòi

22/05/2015

Rủ nhau đi đánh Bài chòi
Để cho con khóc đến lòi rún ra.

Đánh Bài chòi có gì vui mà người chơi say đến thế?
Chơi Bài chòi có gì thích khiến người xem ham đến vậy?
Xem Bài chòi có gì hay mà người xưa nắc nỏm đến cả trong câu ca dao?
Sức hấp dẫn ấy do đâu mà có và nay có còn lôi cuốn đến thế không?

Câu ca dao “Rủ nhau đi đánh Bài chòi” được nhắc tới trong bốn - năm tham luận không chỉ của tác giả Việt Nam mà cả ngoại quốc nữa. Và đây, họ đã “rủ nhau” đến thành phố biển Quy Nhơn trong những ngày đầy nắng gió đầu năm 2015 để tìm kiếm câu trả lời cho sức sống của thể loại diễn xướng dân gian này.

“Họ” ở đây là nhiều thành phần khác nhau: giới nghiên cứu âm nhạc cổ truyền trong nước và nước ngoài, các nhà sưu tầm đã nhiều năm lăn lộn với nghệ thuật dân dã này, những nghệ nhân “con nhà nòi” hát Bài chòi gia truyền đến mấy đời... Trong số đó cũng có người từng là nhạc công đoàn ca kịch Bài chòi, là tác giả những vở “Bài chòi mới” trên sân khấu chuyên nghiệp (mà dân trong nghề đã gán cho cái tên “Bài chòi quốc doanh”). Ngoài ra không thể thiếu vắng các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trung ương và các địa phương sở hữu Bài chòi, cũng như giới truyền thông với tinh thần quảng bá một sự kiện quốc gia mang ý nghĩa quốc tế.

Tìm hiểu sức hấp dẫn của Bài chòi, trước hết phải trở về với nguồn gốc của nó.

Ở đây cũng giống như ở nhiều thể loại nhạc dân gian khác, có những câu chuyện mà ta chỉ nghe kể lại từ đời trước sang đời sau mang đậm tính truyền thuyết hư cấu, chứ không được lưu bằng giấy trắng mực đen trong sử sách. Những tài liệu về Bài chòi xuất bản sớm nhất là vào đầu thế kỷ XX và của người Pháp, rồi được trích dẫn lại trong nhiều bài viết sau này của người Việt. Có điều là các chú thích nguồn không hoàn toàn thống nhất, ngay trong các văn bản Hội thảo này có chỗ chú dẫn Bài chòi được miêu tả trong một chương có tiêu đề Bài hát phổ thông của người An Nam (La chanson populaire de L’Annam) của tác giả Pháp gốc Ba Lan G.L.Bouvier trong cuốn La Rousse Musicale (Paris, 1928) 2; còn những chỗ khác lại được hiểu Bài chòi có mặt trong hai cuốn sách khác nhau: Hát Bài chòi (Voici quelques pièces Hat Bai Choi tirées du Phong trao Can Vương) của G.L.Bouvier (1902) và La Rousse Musicale với phần miêu tả của hai nhà nghiên cứu Pháp P.Huard và M.Durand (Paris, 1928) 3. Sự thiếu nhất quán dù nhỏ nhặt thôi cũng đưa ra một lời nhắc nhở những ai dẫn lại mấy thông tin đó cần kịp thời rà soát lại nguồn cho chuẩn xác.

Dựa vào các cứ liệu văn bản của Pháp nói trên , đa số tham luận khẳng định Bài chòi được hình thành và phát triển sau năm 1470 trong hành trình di dân mở cõi về phía Nam. Từ đây có một cái mốc: Bài chòi Bình Định ra đời vào giữa thế kỷ XV, cách đây chừng trên 5 thế kỳ. Còn Bài chòi Quảng Nam - Đà Nẵng, theo trí nhớ của các cụ nghệ nhân, xuất hiện gần 200 năm trước.

Cũng lại được biết sự hình thành và phát triển Bài chòi luôn gắn với tên tuổi danh nhân Đào Duy Từ (1571-1634), một quan viên gốc Thanh Hóa rời nhà Lê theo chúa Nguyễn vào Nam dựng nghiệp ở Bình Định. Tương truyền, ông là người đầu tiên nghĩ ra cách chơi Bài chòi. Ông cũng được coi là người đặt nền móng cho hát Bội. Có giả thiết cho rằng Bài chòi là người em sinh sau đẻ muộn của hát Bội và từ đây lại suy ra Bài chòi xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII chứ không thể sớm hơn.

Chốt lại, Bài chòi khởi nguồn lúc nào? Từ một vài giả thuyết khác nhau chưa thể đi đến một câu trả lời thống nhất và xác thực. Ngay cả “thuyết tương truyền” được nhiều người dẫn giải là ông tổ Đào Duy Từ dạy cho dân chơi Bài chòi cũng “chỉ là phỏng đoán, thiếu chứng cứ thuyết phục” 4. Vậy nên rất đúng mực và xác đáng nếu ghi nhận ý kiến đề xuất cho tổng kết Hội thảo này là: giữ nguyên “câu hỏi treo” về thời điểm ra đời của Bài chòi 5.

Nếu như dữ liệu thời gian “có từ bao giờ” chưa được xác minh rõ ràng và cụ thể, thì vấn đề không gian địa lý “khởi nguồn từ đâu” được xem xét qua những chi tiết cụ thể hơn. Ngay từ cái nghĩa nôm na của tên gọi đã có gì đó dễ liên hệ tới không gian khởi nguồn.

“Chòi” là nơi trông coi đồng ruộng, nương rẫy và tạm nghỉ sau ngày làm lụng vất vả. Để giải khuây, những người canh chòi bày ra trò “hát ống” (căng dây nối hai ống tre bịt một đầu bằng da ếch tựa như cái loa) để trò chuyện tâm tình giữa các chòi, hoặc tụ tập trong vài chòi cùng đối đáp hát xướng qua các câu ca dao, cùng tức hứng đặt hò, thả thơ, làm vè, đố vui... Do vậy mà Bài chòi được coi là sản phẩm “sinh ra trong quá trình lao động sản xuất và phát triển thông qua các loại hình âm nhạc trong dân gian của người dân”6 .

Còn từ “bài” hẳn có sự liên quan tới chơi bài, đánh bài, ván bài, bộ bài, con bài, quân bài, lá bài, thẻ bài, chia bài, chạy bài, hô bài (hô thai)... Đây là lúc mô hình giải trí ở các chòi canh rẫy được chuyển thành hội đánh bài chơi xuân vào dịp tết Nguyên đán (từ 30 tháng chạp cho đến rằm tháng giêng âm lịch). Hoàn toàn không giống những canh bạc đỏ đen sát phạt thắng thua ăn tiền, đánh Bài chòi là một cuộc diễn xướng dân gian hội hè, là hình thức thử vận hên xui, là trò chơi đố chữ có thưởng, xin lộc cầu may đầu năm.

Về thời gian tổ chức (dịp tết) và cách thức chơi (khách mua thẻ rồi ngồi hóng tên con bài được xướng lên và trống mõ khua vang khi có người trúng bài…) cho thấy khá nhiều điểm trùng hợp giữa hội Bài chòi với hội Tổ tôm điếm. Từ đó sinh ra giả thiết: mô hình trò chơi dân gian Tổ tôm điếm rất lâu đời của đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã theo chân người mở cõi di dần về phía Nam, để rồi sau đó “tạo thành các lối chơi Bài chòi có phong cách khác nhau ở chín tỉnh Trung bộ Việt Nam”7 .

Cái gốc Bắc còn được suy luận từ truyền thuyết về nhị vị thánh tổ Bài chòi là hai hoàng tử nhà Trần của đất Thăng Long, mà theo lời nghệ nhân thì trước khi đi hát Bài chòi nhất định phải thắp hương khấn bái hai vị nam thần này. Biết đâu “nhị vị thánh tổ này có mối liên hệ dây mơ rễ má nào đó với nhị vị thánh tổ của ngành Ả Đào ở Thăng Long cách nay hơn 1000 năm” ?8

Nhân nói đến tổ nghề, lại có nơi lưu truyền câu chuyện về tam vị thái tử đời Trần trốn khỏi cung đình đi theo gánh hát, rồi hai người em chết đói, còn người anh đi ăn mày. Gánh Bài chòi đã tôn ba vị khán giả chung tình đó làm tổ nghề và lập khánh thờ tự. Mối quan hệ nặng tình nặng nghĩa giữa người diễn với người xem càng chứng tỏ tính bình dân và tinh thần hòa nhập cộng đồng của các gánh Bài chòi. Trong cái đạo làm người “uống nước nhớ nguồn”, Bài chòi đã tôn vinh khán giả, đề cao “đối tượng phục vụ, đối tượng nuôi dưỡng sự sống và kích thích sáng tạo của người nghệ sĩ” 9.

Trở lại với bộ bài, nơi có thể mách bảo thêm những dấu vết bắt rễ xa hơn nữa về phương Bắc. Một số nét tương đồng giữa thẻ Bài chòi, bài Tới, bài Tổ tam được kê ra để thấy “hình vẽ trên những lá Bài chòi, bài Tới, bài Tam cúc có phỏng theo bộ bài Diệp tử mã điếu và bài Toàn đối xuất hiện thời Đường ở Trung Quốc” 10. Cũng như thế, hình họa quân bài của Bài chòi và bài Tới được cho là có “mối quan hệ rất rõ ràng và trực tiếp” với bài Đông Quan của Trung Quốc 11. Đây cũng được xem như một gợi mở cho việc tiếp tục khảo cứu sâu xa hơn về cội rễ của Bài chòi.

Bộ bài - cụ thể là bài Tới vốn có từ trước đó đã được sử dụng trong Bài chòi - trở thành một đầu mối để lần ra nơi xuất xứ Bài chòi. Từ nhiều cuộc dò tìm tới các cơ sở sản xuất bộ bài, từ quá trình đối chiếu bài Tới của Thừa Thiên - Huế với các bộ thẻ Bài chòi ở các tỉnh Trung bộ, một nhận định ban đầu được đưa ra: “Nơi phát tích của lối chơi Bài chòi phải là đất Thuận Hóa” 12.

Bộ bài cung cấp những điểm giống nhau của Bài chòi với các trò chơi bài dân gian khác, mặt khác nó lại khẳng định tính khác biệt trong lối chơi của riêng miền Trung. Với hình vẽ vừa cách điệu vừa tả thực, với tên gọi hầu hết bằng chữ Nôm hoặc ghép Nôm với Hán, bộ bài được coi là sản phẩm của sự tiếp thu có chọn lọc theo tinh thần độc lập của người Việt. Mỗi địa phương lại điều chỉnh hình vẽ hoặc tên gọi lá bài theo sở thích. Cứ như thế theo dòng chảy xuôi vào Đàng Trong, không chỉ bộ bài, mà cả môi trường diễn xướng, tiêu chí cuộc chơi, hình thức trình tấu, lời lẽ hô thai, cho đến nhạc hát và nhạc đàn đã được gom góp dần từ cái riêng mỗi địa phương thành nét đặc thù của trò chơi dân gian này. Cao trào dòng chảy ấy được khẳng định là đất Bình Định. Là “một trong những kiểu thức đặc trưng của văn hóa dân gian Bình Định” 13, Bài chòi từ cái nôi Bình Định lại lan tỏa tiếp vào phía Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa), đồng thời sức hấp dẫn của nó cũng dội ngược trở ra Bắc Trung bộ (Quảng Ngãi, Quảng Nam - Đà Nẵng...).

Lý giải cho sức sống của Bài chòi cũng chính là nhận diện giá trị của nghệ thuật dân gian này. Những yếu tố tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trước hết phải kể đến tính cộng đồng, chất dân dã và sự giản đơn của luật chơi. Tính tập thể, sự kết nối giao lưu giữa những người dân quê bình dị là “cách thức tập hợp công chúng rất thông minh của trò chơi dân gian Bài chòi mà chúng ta cần tham khảo” 14:

Đây, một không gian mở, “không ẩn dụ sau cánh cửa của các nhà quyền quý, cao sang mà cho tất cả mọi người cùng tham gia” 15, một không khí hội hè hồ hởi vui nhộn, một thời điểm đón xuân ai ai cũng dễ mở lòng háo hức trông đợi điềm tốt lành.

Đây, một cơ hội lấy may bằng những thẻ bài mang tên gọi kỳ dị ngộ nghĩnh với đầu Hán đuôi Việt: nhất trò, nhì nghèo, tam quăng, tứ cẳng, ngũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng… ; hoặc thuần Việt: chín gối, ba bụng, sáu ghe...

Và đây, những người xem người chơi bình dân, bình đẳng trong cuộc chơi, không phân biệt tuổi tác, không cần phải động não suy tính đường đi nước bước thế bài chi cho mệt. Người diễn cũng bình dân, không phải trang điểm hay đeo mặt nạ, khỏi phải trang phục cầu kỳ, không cần bài trí cảnh diễn, cũng chẳng tốn nhiều tiền của và thời gian đầu tư cho quá trình tu luyện tay nghề hay công sức tập dượt.

Anh (hoặc chị) Hiệu có thể chỉ là chàng (hoặc nàng) nông dân chân đất có cái duyên đối đáp mau lẹ và tài ứng biến xuất khẩu thành thơ theo phong cách dân gian. Nhân vật được coi là linh hồn cuộc chơi này đem đến cho dân quê những gì họ chờ đợi: những lớp hò đa nghĩa đa tình hoặc những lời thoại ngô nghê tức cười, những mẩu chuyện lịch sử hoặc thời sự, những khúc tiếu lâm và ngụ ngôn hóm hỉnh hoặc những tích ngang trái tình trường, những câu ca dao tục ngữ thành ngữ quen thuộc dễ nhớ của dòng văn học bình dân hoặc những câu đố tục giảng thanh hóm hỉnh tếu táo... Một cuộc chơi hồn nhiên với những lời hô thai nôm na, chân quê, dí dỏm, kiều như: “Tiếc công bỏ mẳn nuôi cu/ Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu bay/ Cu say mũ cả, áo dài/ Cu chê nhà khó, phụ hoài duyên em”, và thế là ai may mắn có con “chín cu” trong tay chỉ việc chìa ra lĩnh thưởng!

Sự độc đáo chính là ở đây: nghệ thuật hô thai. Hội chơi thành hay bại đều do người hô thai. Cả cuộc chơi xoay quanh một tâm điểm - nói theo “giọng” thời nay: một tay vừa là người tổ chức sự kiện kiêm đạo diễn chương trình, vừa là MC, ca sĩ kiêm diễn viên. Anh chàng “nhiều trong một” này độc diễn tay năm miệng mười quả thực lắm chiêu: chạy bài, thách đố, dẫn chương trình, đối thoại, kể chuyện, diễn tấu, một lúc sắm mấy vai, bất kể nhân vật nam - nữ, già - trẻ, chính - tà, bi - hài, cổ - kim...

Đa nhân vật, một người diễn. Đổi vai đổi cảnh chỉ bằng lời thoại hoặc chuyển âm vực giọng hát chứ không cần thay bài trí sàn diễn và hoàn toàn không vận đến thủ thuật giả thanh như một vài loại hình diễn xướng cổ truyền ở châu Á. Đơn giản thế thôi, vậy thì sức hấp dẫn của nghệ thuật hô thai phải nằm trong nội dung lời ca, âm nhạc và phong cách trình tấu.

Với cách sử dụng hiệu quả ngữ điệu, một phương thức trong ngữ pháp tiếng Việt để “tạo ra tầng nghĩa mới, có thể đối lập nghĩa ban đầu của câu chữ” 16, Bài chòi không chỉ làm giàu thêm giá trị biểu cảm của ngôn từ, mà còn tăng tính kịch, tính hành động và tạo nét riêng cho lối độc diễn này.

Với lối ứng tác ứng tấu cả ở người hát và người đàn, đường nét cao độ của các mô hình giai điệu được lặp lại nhưng “không bao giờ giống nhau y chang, cũng như chúng ta không bao giờ lặp lại hai lần trên một dòng chảy”17  - người xem không thấy nhàm chán có lẽ lả nhờ tính độc đáo luôn gắn liền với sự linh hoạt và đa dạng trong diễn tấu.

Nói đến tính đa dạng phải kể đến ba hình thức diễn xướng nối tiếp nhau hình thành trong quá trình phát triển Bài chòi cổ, gồm: “1/Bài chòi hô thai, 2/Bài chòi câu, 3/Bài chòi lớp và Bài chòi truyện (kịch Bài chòi)”18 . Giữa các hình thức này có sự chuyển đổi dần về mọi mặt:

- về mục đích: từ hội chơi đánh bài chuyển sang hình thức thuần túy thưởng thức trò diễn;

- về môi trường diễn xướng: từ chòi cao hạ xuống thành chòi chệt, chòi đất, chòi ghế, chòi chiếu, rồi di chuyển thành chòi rong, chòi dạo.

- về lời ca: từ một - hai câu ngắn mở rộng thành khổ thơ và cuối cùng là cả một tích truyện dài;

- về giai điệu hát: từ chất liệu đơn giản của lối nói thơ, đọc vè và hát ru miền Trung đến các điệu Hò: hò khoan, hò mái nhì, hò giã gạo, hò đối đáp..., và phát triển (đôi khi có chuyển hệ) trên các làn điệu Xuân nữ (cổ), Xàng xê, Cổ bản, Hồ quảng;

- về người diễn xướng: từ lối độc diễn của một mình Hiệu chuyển dần sang màn diễn những lớp tuồng hai - ba người trở lên;

- về nhạc đàn: từ độc nhất đàn cò đỡ giọng với một sênh đập theo nhịp một, sau tùy nơi có thêm trống con, trống chiến, trống chầu, mõ, thanh la, kèn bóp, kèn bầu, đàn nguyệt, đàn hồ, đàn bầu, sáo trúc… với lối đệm phù hợp với các tâm trạng nhân vật khác nhau.

Những “tiểu dị” do đặc thù phương ngữ cũng như văn hóa bản địa đã làm cho Bài chòi ngày càng đa sắc hơn, đến mức nhiều nhà sưu tầm nghiên cứu đã chia thành các “vùng Bài chòi” khác nhau. Giá trị văn hóa của mỗi vùng đều như nhau. Song nếu bàn đến nghệ thuật âm nhạc thì mỗi phong cách khác nhau lại cho ra những giá trị khác nhau: Bài chòi Bắc Trung bộ giàu nhạc tính nhưng thiếu kịch tính, còn Bài chòi Nam Trung bộ rất kịch tính với lối hát giàu ngữ khí và được hỗ trợ thêm bởi những động tác múa của hát Bội. Lối trình diễn các câu hô thai giàu tính kịch này đã sinh ra nghệ thuật độc diễn Bài chòi, và nghệ thuật độc diễn “đã làm cho vùng Nam Trung Bộ trở thành trung tâm nghệ thuật Bài chòi, biến vùng Bài chòi Bắc Trung bộ trở thành vùng Bài chòi ngoại diên19 .

Tính đa dạng và sức thu hút của Bài chòi còn là kết quả của tinh thần giao thoa với các loại hình nghệ thuật cổ truyền khác, trong đó đáng chú ý nhất là Tuồng. Được định hình trong cái nôi hát Bội là đất Bình Định, Bài chòi mang nhiều sắc thái Tuồng trong âm nhạc cũng như trong hình thức diễn tấu. Yếu tố Tuồng “là một trong những tế bào chính yếu cấu thành, thậm chí là tố chất nằm ngay trong lòng tế bào của nghệ thuật Bài chòi từ buổi ban sơ của nó”20 .

Bên cạnh Tuồng còn có ảnh hưởng của Cải lương trong Bài chòi truyện “qua việc mượn những bài Nam ai, Vọng cổ, hát Nam, hát Khách” 21 để thể hiện trạng thái tình cảm nhân vật trong các lớp kịch.

Ở đây còn đề cập đến mối liên hệ giữa Bài chòi với nhạc cung đình Huế và nhạc Tài tử Nam bộ thông qua “lộ trình” của bài Cổ bản, khởi hành từ nhạc Huế cho tới điểm đến là nhạc Lễ Nam bộ, và trên con đường Nam tiến đó, Cổ bản đã kịp “là một phần trong bài bản âm nhạc Bài chòi” 22.

Ngoài những hình thức nghệ thuật cổ truyền nói trên, Bài chòi cũng không từ chối những âm điệu mới mẻ của cuộc sống đương đại, vì thế có thể nghe thấy ở đây “âm thanh của những bài dân ca, nhạc Lễ và thậm chí cả những bài nhạc trẻ mới” 23.

Từ đây nảy sinh không ít băn khoăn: sự pha tạp do quá cởi mở trong chuyển đổi môi trường có làm loại hình dân gian này biến chất không? Và ngược lại, rồi đây phải bảo tồn thế nào - cái gì cần loại bỏ, cái gì nên tiếp nhận để thể loại cổ này không quá xa cách với giới trẻ, để nó tiếp tục có cơ hội sống trong thời đại mới? Đây là bài toán khó không giới hạn trong chương trình lập Hồ sơ Bài chòi và cũng không chỉ là bài toán của riêng Bài chòi miền Trung Việt Nam.

Trong việc xem xét những điểm chung và nét riêng, các đại biểu nước ngoài còn so sánh Bài chòi với một số loại hình dân gian và nhạc cụ cổ truyền trên thế giới: ca kịch truyền thống Lăm lượng và đàn cổ Tung lung của Lào 24; Jindo Dasiraegi, và Pansori của Hàn Quốc 25; trình diễn sử thi Darangen và Hudhud của Philippines, hát thơ cổ Meddah và Âsiklik của Thổ Nhĩ Kỳ, trình diễn sân khâu cổ Kutiyattam của Ấn Độ ... Với những gợi ý từ kinh nghiệm thực tế và những kiến thức khoa học tổng hợp từ nhiều quốc gia, chẳng có lý gì mà ta không đón nhận như món quà ý nghĩa để tham khảo và vận dụng những gì phù hợp vào việc bảo tồn Bài chòi.

Bên cạnh những cố gắng nhận diện Bài chòi từ nguồn gốc lịch sử đến giá trị nghệ thuật, còn một yêu cầu nữa được nhấn mạnh là làm rõ thực trạng và cơ hội trong tương lai của nó, trong đó có nhiều điều phụ thuộc vào vai trò quản lý của Nhà nước và hiệu quả trao truyền của địa phương sở hữu di sản.

Cho dù sau này Hồ sơ được vinh danh hay không thì Bài chòi vẫn là di sản quý giá của miền Trung, nó phải được trao truyền kịp thời và liên tục để không mất đi vĩnh viễn. Gần đây các địa phương đã phục dựng Bài chòi vào dịp lễ hội tết nhất, thậm chí đã tổ chức được hai cuộc liên hoan Bài chòi và đề xuất đưa Bài chòi vào chương trình phổ thông.

Với các tiêu chí khác nhau - nhằm vào chất lượng nội dung hoặc số lượng hình thức - mà việc trao truyền được lựa chọn từ hai cách: “Cách cổ truyền là từ thế hệ này đến thế hệ kia trong dòng họ và gia đình, cách đó sâu nhất và giữ được phong cách; cách thứ hai là trao truyền có tính đại chúng”27 . Cách sau dường như đang được chú ý hơn trong những năm gần đây. Có thể thấy không ít những nỗ lực phát triển đồng loạt với các biện pháp mang tính “chuyên nghiệp” để dạy lại cho cộng đồng và “nhân bản” Bài chòi theo kiểu toàn dân phải biết hát Bài chòi. Hiệu quả đến đâu còn rất nhiều điều phải xem lại.

Một điều hiển nhiên cần nhấn mạnh là mọi di sản phi vật thể không dừng lại trong thời gian, mà luôn hòa vào dòng chảy văn hóa và được nuôi dưỡng trong sự sáng tạo không ngừng của cộng đồng sở hữu di sản. Có những đổi thay được cộng đồng chấp nhận để rồi truyền lại cho con cháu. Có những đổi thay dù nhân danh “cái chuyên nghiệp mà mang tính thương mại và phục vụ du lịch thì sẽ không thành công”28 .

Quyết định cho sức sống của Bài chòi luôn là yếu tố con người - con người của bối cảnh hiện tại. Tương lai của di sản phụ thuộc vào cộng đồng, mà cộng đồng hôm nay đã thực sự thấu hiểu giá trị di sản và có ý thức bảo vệ giá trị đó chưa? Nghệ nhân còn lại chẳng được mấy người, chính sách đãi ngộ chưa có, “chỉ duy nhất một người được Hội Văn hóa dân gian Việt Nam phong tặng nghệ nhân dân gian”29 , số người tự nguyện học hỏi và say mê đeo đuổi nghệ thuật này cũng chẳng nhiều nhặn gì.

Còn nữa, làm tốt Hồ sơ để Bài chòi được UNESCO đưa vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại có phải là cái đích cuối cùng không? Nếu may mắn được xét duyệt, thì “hậu xét duyệt” sẽ ra sao hay lại dừng ở việc tuyên truyền khuếch trương danh hiệu thôi? Đã có thể lạc quan tin rằng sau đó Bài chòi không còn lâm vào tình cảnh mai một và không còn rơi nguy cơ thất truyền nữa?

Một đêm hội Bài chòi trong dịp Hội thảo được tổ chức ngay giữa trung tâm thành phố Quy Nhơn với đủ chòi cao cờ quạt kèn trống, với sự có mặt các quan khách đại biểu tứ phương, với sự trình diễn của các nghệ nhân “thứ thiệt”, trong đó có cụ đã ngót chín mươi tuổi. Tiếng hô thai, giọng hát của anh Hiệu chị Hiệu qua loa phóng thanh vang khắp quảng trường, tên các lá bài được xướng lên, người trúng thưởng cả ta lẫn Tây hỉ hả. Song người dân của đất Bài chòi vẫn bình thản đi lướt qua, dòng người dòng xe vẫn theo cuộc sống mưu sinh không ngừng trôi vào các ngả phố...

Đủ biết, còn hao công tốn lực lắm mới có thể khôi phục, gìn giữ di sản trong cộng đồng hôm nay và trao truyền lại cho thế hệ mai sau; còn vất vả nhọc nhằn lắm mới có thể khơi dậy lại cho Bài chòi cái mê đắm của một thời xa vắng:

Thà rằng ăn mắm mút dòi
Cũng nghe Bài chòi cho sướng cái tai.
                                (Ca dao)

27-3-2015

_______________________________________________

1. Về Hội thảo quốc tế Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới do Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức tại Quy Nhơn vào 1-2015.
2. Nguyễn Bình Định: Đề dẫn Hội thảo.
3. Trần Hồng: Đặc trưng nghệ thuật Bài chòi ở Quảng Nam.
Trần Quang Hải: Nguồn gốc - hình thành - đặc trưng trong nhạc ngữ - tiết tấu thi ca trong Bài chòi miền Trung Việt Nam.
4. Đặng Hoành Loan: Bài chòi Trung bộ Việt Nam từ góc nhìn của người nghiên cứu điền dã.
5. Thụy Loan: Phát biểu miệng.
6. Lê Văn Hoa: Vài nét về nghệ thuật Bài chòi ở Khánh Hòa.
7. Đặng Hoành Loan: Bài đã dẫn.
8. Đặng Hoành Loan: Bài đã dẫn.
9. Nguyễn Tứ Hải: Nghề hát Bài chòi ở Khánh Hòa.
10. Mai Thìn: Góp phần tìm hiểu Bài chòi Bình Định.
11. Phương Nam: Đi tìm nguồn gốc di sản nghệ thuật Bài chòi.
12. Đặng Hoành Loan: Bài đã dẫn.
13. Phương Nam: Bài đã dẫn.
14. Đặng Hoành Loan: Bài đã dẫn.
15. Phương Nam: Bài đã dẫn.
16. Nguyễn Tứ Hải: Bài đã dẫn.
17. Yves Defrance: Bài chòi - một thể loại sân khấu âm nhạc độc đáo.
18. Nguyễn Minh Dũng: Vài chặng đường phát triển của âm nhạc. nhạc hát nhạc đàn trong nghệ thuật Bài chòi Bình Định.
19. Đặng Hoành Loan: Bài đã dẫn.
20. Thụy Loan: Cần nhận diện đúng thế nào là nghệ thuật Bài chòi dân gian.
21. Trần Quang Hài: Bài đã dẫn.
22. Gisa Jachnichen: Ghi chép về nhạc mục của Bài chòi. Bài Cổ bản trong bối cảnh lịch sử của nó.
23. Ebsjorn Watermark: Những âm thanh âm nhạc và những không gian âm thanh.
24. Bountheng Souksavatd: Một số suy nghĩ về Bài chòi.
25. Seong-Yong Park: Những di sản văn hóa phi vật thể Hàn Quốc tương tự như Bài chòi.
26. Yves Defrance: Bài đã dẫn.
27. Tô Ngọc Thanh: Phát biểu tổng kết Hội thảo.
28. Lê Minh Lý: Phát biểu miệng
29. Lê Văn Hoa: Vài nét về nghệ thuật Bài chòi ở Khánh Hòa

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...