Quyền của nghệ sĩ biểu diễn
Hiệp hội Bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN, gọi tắt là APPA, vừa được Bộ Nội Vụ công bố quyết định thành lập. Đại hội đầu tiên của APPA đã được tổ chức chớp nhoáng...
Nghệ sĩ Thanh Hoa
Hiệp hội Bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN, gọi tắt là APPA, vừa được Bộ Nội Vụ công bố quyết định thành lập. Đại hội đầu tiên của APPA đã được tổ chức chớp nhoáng, để bầu những lãnh đạo nhiệm kỳ 2016-2021 gồm Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa làm Chủ tịch, nhạc sĩ Lê Quang và Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thủy làm Phó Chủ tịch.
Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc là một khái niệm tương đối còn xa lạ trong cộng đồng. Để tránh cho giới nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc ở đây gồm ca sĩ, nhạc công, diễn viên bị những thiệt thòi không đáng có, một hiệp hội bảo vệ họ rất cần thiết. Tuy nhiên, APPA hoạt động như thế nào, vẫn còn là ẩn số.
Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, hiện nay có ba tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của nghệ sĩ. Đầu tiên là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – VCPMC, sau đó đến Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam – RIAV và giờ đây là APPA. Để chào mừng sự kiện này, APPA dự định tổ chức một chương trình ra mắt hoành tráng qui tụ hơn 150 nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn quốc vào dịp 30-4. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Một tiết mục biểu diễn hay một chương trình ca nhạc, có rất nhiều đối tượng liên quan: nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công, diễn viên... Thế nhưng, làm sao rạch ròi quyền lợi của từng cá nhân, không hề đơn giản.
Bản quyền của nhạc sĩ thì rõ ràng rồi, còn bản quyền của nhạc công, ca sĩ và diễn viên phải tính làm sao? Ca sĩ hay nhạc công có đóng góp lớn hơn, còn diễn viên thì chỉ tính minh họa chăng? Nhất là hiện nay, khi yếu tố nghe nhìn lên ngôi, thì một sản phẩm âm nhạc không đơn giản chỉ gói gọn trong phòng thu.
Người quay phim, người biên đạo múa, người thiết kế ý tưởng, người dàn dựng bối cảnh... có được tính chung không? Rất nhiều câu hỏi, mà APPA phải rất đắn đo để lý giải một cách hợp tình hợp lý.
Nếu có một nhà sản xuất bỏ toàn bộ kinh phí đầu tư, và mọi khâu biểu diễn đều quy về một mối theo kiểu “mua đứt bán đoạn” thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Ngược lại, khi các giá trị cộng sinh thì bản quyền trở nên rắc rối.
Không có nhạc công thì ca sĩ có đạt được hiệu quả giọng hát không? Không có diễn viên minh họa, thì hình ảnh có gây ấn tượng không? Không thể đùa, khi một sản phẩm nào đó bỗng dưng ăn khách và mang lại một nguồn thu lớn. Ví dụ, khi bài hát ấy được một doanh nghiệp thương lượng để làm nhạc quảng cáo, thì ai sẽ được chia phần nhiều nhất?
APPA là một tổ chức mới. Vạn sự khởi đầu nan. Rất nhiều việc APPA phải học hỏi kinh nghiệm ở các nước có trình độ biểu diễn phát triển hơn như Mỹ, Nhật hoặc Hàn Quốc.
Còn trước mắt, APPA cần ký kết thỏa ước hợp tác với VCPMC và RIAV thì may ra có thể dọ dẫm thực hiện các vấn đề cơ bản về quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc. Mặt khác, APPA cần mạnh mẽ lên án sự sao chép và bắt chước các ngôi sao nước ngoài của những nghệ sĩ trẻ hiện nay!
(Nguồn: http://nongnghiep.vn)