Quyền ca hát của trẻ em
Chúng ta đều biết âm nhạc đến với mỗi con người suốt cuộc đời kể từ khi nằm trong bụng mẹ sắp chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay về cõi vĩnh hằng. Nếu một đời người gắn bó không rời với âm nhạc, thì riêng lứa tuổi ấu thơ đã dành cho âm nhạc một tình cảm khá đặc biệt với lòng yêu thích đến độ say mê. Vì lẽ đây là nhu cầu hết sức tự nhiên và chính đáng của tuổi nhỏ, nên trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, cũng như Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của nước ta có ghi rõ "Quyền ca hát của trẻ em". Nếu quyền lợi này không được đáp ứng đầy đủ hoặc để thả nổi cho các em nhỏ tự do tìm đến những bài ca, bản nhạc không phù hợp với tâm sinh lý tuổi thơ, thậm chí đồi trụy độc hại, thì đó sẽ là thái độ thiếu trách nhiệm của chúng ta đối với những người chủ tương lai của đất nước.
Trong thời gian vừa qua, giới nhạc sĩ cùng các cơ quan, đoàn thể âm nhạc cả nước và riêng TP Hồ Chí Minh đã có một số hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia hoạt động âm hạc của trẻ em. Đã có hàng ngàn tác phẩm âm nhạc dành cho tuổi thơ ra đời từ ngày giải phóng và một số bài đã lắng đọng lâu dài trong lòng các thế hệ thiếu nhi. Các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, các nhà xuất bản, hãng băng đĩa đã góp phần đưa các các phẩm âm nhạc này đến với tuổi thơ. Ở TP Hồ Chí Minh, năm nào cũng có hội diễn ca múa nhạc thiếu nhi ở khắp các quận huyện, qua đó lời ca, tiếng hát các em nhỏ có dịp bay cao, bay xa. Đặc biệt Liên hoan “Búp sen hồng” được tổ chức ở các tỉnh phía Nam với khoảng 40-50 nhà thiếu nhi tham gia, chính là nơi lời ca tiếng hát tuổi thơ vang lên rộn ràng thu hút hàng ngàn thiếu nhi ở nhiều tỉnh thành tụ hội về dự liên hoan. Đến nay liên hoan này vừa bước qua tuổi 20, thể hiện một sức sống mãnh liệt đáng chú ý.
Có điều chúng ta đáng suy nghĩ là mấy năm qua, nhiều cơ quan, đoàn thể tổ chức các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, hằng năm Hội ta cũng có giải sáng tác bài hát cho thiếu nhi, nhưng không hiểu sao phần lớn tác phẩm được giải không đến được với thiếu nhi ở các địa phương và cũng không thấy xuất hiện trong Liên hoan “Búp sen hồng” ở phía Nam. Chúng ta nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao như vậy? Do chất lượng ca khúc hay do khâu phổ biến?
Tuy có những cố gắng nhất định của giới nhạc sĩ và các cơ quan, đoàn thể âm nhạc, nhưng nhu cầu hưởng thụ và tham gia hoạt động âm nhạc chính đáng của tuổi thơ vẫn chưa được đáp ứng thỏa đáng. Chúng ta từng gặp những trường hợp các em nhỏ ca hát những bài người lớn, với lối biểu diễn bắt chước các ca sĩ trên sân khấu, uốn éo ưỡn ẹo, mất đi tính hồn nhiên, ngây thơ của tuổi thiếu nhi. Vì sao như vậy? Trước hết, do giới nhạc sĩ hiện nay ít mặn mà, say mê với việc sáng tác cho tuổi thơ. Nếu có sáng tác cũng không đầu tư nhiều công sức, tình cảm vào tác phẩm, nên ngày càng thưa vắng những bài hát thiếu nhi hay, được trẻ em yêu thích và cả người lớn cũng ngưỡng mộ như những bài hát thiếu nhi cách nay vài ba thập niên về trước. Các nhạc sĩ trẻ lại càng ít quan tâm đến nghĩa vụ với tuổi thơ, thật trái ngược với niềm đam mê cao độ của họ trong việc cho ra hàng loạt bài ca yêu đương ủy mị, ca từ dung tục đang hạ thấp giá trị tinh thần, giáo dục, mỹ học của âm nhạc.
Lứa tuổi thiếu nhi đang rất cần những bài hát hay, hợp với tâm sinh lý của các em, có giai điệu đẹp, kế thừa bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại. Cũng như các thể loại tác phẩm âm nhạc khác, bài hát thiếu nhi cũng phải mang tính giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nâng cao nhận thức về cuộc sống xung quanh, nâng cao mỹ cảm, làm tâm hồn phong phú, kể cả chức năng đáp ứng nhu cầu giải trí của tuổi thơ.
Đem âm nhạc trong sáng, lành mạnh, tiến bộ đến cho các em nhỏ trước hết là trách nhiệm của giới nhạc sĩ, nhưng không thể thiếu vai trò "bà đỡ " của các cơ quan, đoàn thể âm nhạc, nhà trường và gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tác và phổ biến âm nhạc dành cho thiếu nhi. Một nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng từng nêu ý kiến: "Tuổi thơ không thể thiếu âm nhạc cũng như trò chơi và chuyện cổ tích. Thiếu những cái đó, trẻ em chỉ còn là những bông hoa khô héo. Âm nhạc dẫn dắt trẻ em đi vào thế giới của điều Thiện, tạo được sự đồng cảm và là một phương tiện bồi dưỡng năng lực sáng tạo của trí tuệ mà không một phương tiện nào sánh kịp. Thiếu giáo dục âm nhạc thì trí tuệ của trẻ em không thể phát triển một cách đầy đủ được... ".
Ý kiến trên đây đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
(Tham luận tại Đại hội IX Hội Nhạc sĩ VN)
Trương Quang Lục (TP HCM)